Thêm ca ngộ độc khí CO nhập viện do sưởi than củi
Mới đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận hai ca bệnh ngộ độc khí CO do đốt than củi để sưởi ấm.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ N.T.M, 63 tuổi, ở xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nhập viện vào lúc 4 giờ sáng ngày 25/01/2024 trong tình trạng hôn mê sâu. Người nhà bệnh nhân cho biết, tối hôm trước đó bà M. có đốt củi để sưởi ấm và đóng kín cửa để ngủ. Đến 3 giờ sáng, con của bệnh nhân phát hiện mẹ đang trong tình hôn mê sâu nên đã được người nhà đưa đến Trung tâm Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Qua kiểm tra các bác sĩ thấy bệnh nhân có nồng độ CO2 trong máu cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc khí CO. Sau một ngày được cấp cứu kịp thời và điều trị tích cực, bệnh nhân không phải thở máy, ý thức cải thiện. Hiện bệnh nhân đã tỉnh táo và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị theo phác đồ.
Trường hợp thứ hai là cụ bà L.T.N, 90 tuổi, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhập viện lúc 10 giờ ngày 26/01/2024 trong tình trạng lơ mơ, giảm ý thức, được chẩn đoán ngộ độc khí CO. Anh T.X.L con trai bệnh nhân L.T.N cho biết, do thời tiết lạnh quá nên bà đã dùng củi đốt trong phòng kín để sưởi ẩm. Khi đi làm về, gia đình thấy bà trong tình trạng lơ mơ, mất ý thức, nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để cấp cứu. Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tích cực tại khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực 2.
Bác sĩ Lê Xuân Quý - Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, người trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân trên cho biết: "Rất may cả hai bệnh nhân đều được đưa đến bệnh viện kịp thời nên đã được cấp cứu thành công và hiện chưa để lại biến chứng đáng tiếc nào".
Bác sĩ Lê Xuân Quý khuyến cáo người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín vì phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn và đau ngực. Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…
Cách đây vài ngày, ở Lạng Sơn cũng vừa có ba trường hợp phải nhập viện do ngộ độc khí CO khi đốt than sưởi ấm trong nhà. Đó là hai vợ chồng trú tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu, người chồng (61 tuổi) đã rơi vào tình trạng mê man, gọi hỏi không biết, tím tái toàn thân. Vợ bệnh nhân cũng bị ngộ độc khí CO nhưng mức độ nhẹ hơn nên đang được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Một trường hợp khác ngộ độc khí CO đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn là bệnh nhi 12 tuổi. Trẻ vào viện trong tình trạng lơ mơ, tím môi. Trước đó ở nhà, mẹ bé đặt than củi trong buồng tắm kín cho trẻ đi tắm.
Để hạn chế tai nạn đáng tiếc xảy ra từ việc sử dụng các biện pháp sưởi ấm không đúng cách, các chuyên gia y tế khuyên người dân trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông tuyệt đối không được sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hoặc ngay cả lúc sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm./.
Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.
Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.
Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.
Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.
0