Làm sao phát hiện sớm ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm có thể gây mất nước, trụy mạch hoặc nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được xử trí nhanh và đúng cách.

Mới đây xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh (đường Bà Triệu, Nha Trang) khiến nhiều người có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và sốt phải nhập viện. Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến hết ngày 14/3, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm gà tại quán Trâm Anh là 222 ca. Trong đó có 157 ca phải nhập viện điều trị, 55 ca được khám và kê đơn thuốc cho mang về nhà uống. Đến hết ngày 14/3, vẫn còn 155 ca đang phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe trong các bệnh viện trên địa bàn Khánh Hòa. Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Khánh Hoà chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực điều trị cho bệnh nhân, tạm đình chỉ cơ sở gây ra vụ việc này.

Ngộ độc thực phẩm là một loại bệnh bắt nguồn từ những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chứa các chất độc hay vi khuẩn gây hại.

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bị trúng độc do ăn uống phải thực phẩm bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn hoặc biến chất, chứa chất phụ gia hay chất bảo quản quá liều lượng, bị ôi thiu... Những trường hợp bị ngộ độc nhẹ có thể khỏe sau vài ngày nhưng ở mức độ nghiêm trọng mà không được xử trí nhanh và đúng cách thì sức khỏe có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thậm chí còn gây tử vong. Vì vậy, bạn cần lưu ý các biểu hiện và cách xử trí khi bị ngộ độc như sau:

Một số biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

- Biểu hiện ở đường tiêu hóa: nôn, đau bụng, tiêu chảy …

- Biểu hiện của mất nước mất muối nếu nôn, tiêu chảy nhiều như: biểu hiện khát, môi và da khô, nước tiểu sẫm màu và lượng ít dần...

- Biểu hiện của nhiễm trùng (nếu do vi trùng) như: sốt, lưỡi bẩn...

Ảnh minh họa

- Ngoài ra, ngộ độc thực phẩm cũng có thể gây ra các dấu hiệu nguy hiểm, nặng như:

  • Thần kinh: rối loạn cảm giác, yếu, liệt, cứng cơ, nhìn mờ, co giật, lẫn lộn, lơ mơ, hôn mê.
  • Tim mạch, hô hấp: đau ngực, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, khó thở …
  • Dấu hiệu tiêu hóa: đau bụng liên tục, tiêu chảy nhiều, không giảm, phân có máu, tiểu ít …

Cách xử trí khi có biểu hiện ngộ độc thực phẩm

Khi nhận thấy bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện của ngộ độc thực phẩm, bạn cần bình tĩnh và áp dụng các biện pháp sơ cứu sau đây ngay lập tức để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe.

- Gây nôn: Chỉ định trong trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo, mới uống, ăn phải chất độc và chưa có triệu chứng ngộ độc. Chống chỉ định khi người bệnh lờ đờ, hôn mê, co giật, khó thở... Gây nôn bằng cách uống 100 – 200 ml nước sạch rồi dùng tăm bông hoặc hai ngón tay đã rửa sạch ngoáy vào cuống lưỡi, cổ họng.

- Người bệnh nếu nôn ói, tiêu chảy nhiều có thể bị mất nước, điện giải thì cần được bù nước, điện giải. Nếu người bệnh có khả năng uống được thì bù nước bằng dung dịch oresol. Nếu sử dụng dung dịch oresol bù nước thì người bệnh hoặc người nhà cần đọc kỹ hướng dẫn pha nước đúng liều lượng, nên pha với nước đun sôi để nguội và sử dụng dung dịch vừa pha trong vòng 24 giờ. Các đồ uống thay thế khác có thể dùng như nước khoáng, nước hoa quả, nước cháo, nước canh.

- Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì cần được đặt nằm nghiêng an toàn sang một bên và không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh.

- Nhanh chóng gọi cấp cứu theo số máy 115 hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời, người hỗ trợ cần lưu lại mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, kể cả chất nôn, chất thải ra từ người bệnh để giúp xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần ăn chín, uống sôi; chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh... Đồng thời, người dân cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ và đảm bảo các nguyên tắc chế biến để tránh nguy cơ ngộ độc.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Trong bối cảnh dịch sởi diễn biến phức tạp, Bộ Y tế yêu cầu phân bổ vitamin A cho các cơ sở khám, chữa bệnh có thu dung, điều trị bệnh nhi mắc sởi nhằm tăng hệ miễn dịch ở trẻ.

Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Sau mưa lũ, do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém nên sẽ làm bùng phát một số bệnh ngoài da. Dưới đây là một số bệnh ngoài da thường gặp và cách phòng, chống.

Kết hôn và sinh con vốn được coi là chuyện quan trọng của đời người. Nhưng với nhiều người trẻ hiện nay, quan niệm về tình yêu, hôn nhân của họ cởi mở hơn rất nhiều.

Mức sinh thay thế ở Việt Nam đang giảm nhiều nhất trong 12 năm trở lại đây và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa điều trị thành công cho bệnh nhân nữ 55 tuổi bị tái phát nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.