Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm sau lũ

Sau mùa bão lũ, đặc biệt khi cơ sở vật chất thiếu thốn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh và nguồn nước sạch khan hiếm, làm gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thức ăn có thể xảy ra sau một thời gian, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Lũ lụt, ngập úng kéo dài và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển, gây tình trạng ô nhiễm thực phẩm như ôi, thiu, mốc và sinh độc tố.

Do đó, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong khi xảy ra bão cũng như ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ lụt là vô cùng quan trọng.

Nước lũ có thể bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật có hại, chất độc từ nước thải, động vật, chất thải nông nghiệp, công nghiệp và một số chất khác có thể gây bệnh.

Bất kỳ thực phẩm, bao bì, bề mặt và dụng cụ nấu ăn nào tiếp xúc với nước lũ đều có thể bị ô nhiễm và không an toàn. Nguồn cung cấp nước cũng có thể không an toàn.

Ngoài ra, có thể xảy ra tình trạng mất điện khi lũ lụt, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm lạnh, bảo quản và nấu ăn thực phẩm.

Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa bão lũ, TS.BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3, khuyến cáo trong điều kiện thiếu thốn, việc chọn lựa thực phẩm có thể khó khăn, nhưng người dân hãy cố gắng chọn những thực phẩm còn tươi, không có dấu hiệu hư hỏng, mốc meo hoặc có mùi khó chịu.

Nếu có điều kiện, hãy ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói kín, có hạn sử dụng rõ ràng. Cần chú ý kiểm tra xem bao bì có bị rách, thủng hoặc phồng lên bất thường không, đó có thể là dấu hiệu thực phẩm bị nhiễm khuẩn.

Người dân nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói kín, có hạn sử dụng rõ ràng - Ảnh: Kinh tế đô thị.

Người dân nên chọn thực phẩm tươi, tránh thức ăn có mùi thiu, mốc, bao bì rách hoặc thủng, phồng bất thường.

Trong tình huống không có đủ điều kiện để nấu chín, tránh ăn các loại thức ăn sống hoặc chưa được nấu kỹ như thịt sống, hải sản sống, rau sống. Các thực phẩm này là nguồn dễ gây nhiễm khuẩn dẫn đến ngộ độc.

Theo bác sĩ Mẫn, để giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, dù thiếu nước khi thiên tai, vẫn cần đảm bảo rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.

Nguồn nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm trong thời gian này cũng có thể bị ô nhiễm do bị ngập úng, lụt lội. Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

Đảm bảo dụng cụ ăn uống sạch sẽ bằng cách sử dụng nước sạch để rửa bát đũa. Nếu không có nước, hãy dùng khăn giấy khô hoặc khăn sạch lau sạch dụng cụ trước khi dùng. Uống nước đun sôi hoặc nước đã được lọc qua các thiết bị lọc, tránh dùng nước máy hoặc nước từ các nguồn không đảm bảo vệ sinh.

Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay khô trước khi ăn, trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh - Ảnh: Internet.

Dưới đây là 5 nguyên tắc bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ lụt theo khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Để bảo đảm thực phẩm an toàn khi ăn, thực phẩm không bị nhiễm bẩn (tức là không tiếp xúc với nước lũ) và được bảo quản ở nhiệt độ an toàn, đặc biệt là đối với thực phẩm cần giữ lạnh.

- Chỉ thực phẩm trong lọ hoặc hộp kim loại kín, chưa mở, không bị hư hỏng, chống nước, kín khí mới được coi là an toàn sau khi đã được vệ sinh và khử trùng trước khi sử dụng.

- Nên vứt bỏ bất kỳ thực phẩm nào có thể không an toàn do đã tiếp xúc với nước lũ. Nước lũ bị ô nhiễm có thể đã xâm nhập vào thực phẩm, bao bì và thiết bị lưu trữ. Không nếm hoặc nấu thực phẩm bị ảnh hưởng bởi lũ lụt - ngay cả thực phẩm trông hoặc có mùi an toàn cũng tiềm ẩn nguy hiểm.

- Cần bảo đảm tất cả những thứ dùng để bảo quản, nấu và ăn thực phẩm đều an toàn trước khi sử dụng lại. Việc vệ sinh, khử trùng đúng cách tất cả các bề mặt và thiết bị đã tiếp xúc với nước lũ là rất quan trọng.

- Khi cần xử lý nước bằng clo hoặc iốt - hãy làm theo hướng dẫn trên chai hoặc gói. Cố gắng ăn chín uống sôi trong điều kiện cho phép và nếu được thì nấu ăn gọn từng bữa, không để thức ăn lưu cữu. Rửa sạch tay trước và trong quá trình chế biến đồ ăn, sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nước rửa tay khô nếu không có nước sạch và xà phòng.

Bên cạnh đó, người dân chịu ảnh hưởng bão lũ cũng cần có chế độ ăn uống phù hợp. Nên ưu tiên thực phẩm dễ bảo quản.

Người dân nên ưu tiên thực phẩm dễ bảo quản và không dễ bị hỏng - Ảnh: Internet.

Thực tế, trong mùa mưa bão, thực phẩm như gạo, mì gói, lương khô, sữa hộp, nước uống đóng chai là những lựa chọn an toàn hơn vì dễ bảo quản và không dễ bị hỏng như thực phẩm tươi sống.

Đồng thời tránh ăn thực phẩm để quá lâu bởi thực phẩm đã nấu chín nhưng không bảo quản đúng cách hoặc để bên ngoài quá lâu cũng dễ bị nhiễm khuẩn.

Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có những biểu hiện ngộ độc, cần bình tĩnh và áp dụng những biện pháp sơ cứu ngay lập tức bằng cách gây nôn, bù nước và đưa đến ngay các cơ sở y tế để giảm thiểu ảnh hưởng, tác động xấu đến sức khỏe người bệnh.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sở Y tế Hà Nội vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa ngành Y tế Hà Nội và Hiệp hội các Công ty Điều phối Y tế Quốc tế Nhật Bản (JIMCA) giai đoạn 2024 - 2029.

Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế giai đoạn 2024 - 2025.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 25 ca mắc sởi, tăng 9 ca so với tuần trước đó; trong đó 20 ca mắc chưa tiêm vaccine phòng sởi, 5 ca mắc chưa tiêm đầy đủ vaccine.

Ngày 18/11, Sở Y tế Đồng Nai ghi nhận trường hợp bé trai H.T.H (8 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) tử vong do bệnh sởi. Đây là ca đầu tiên tử vong do bệnh này ở Đồng Nai trong năm 2024.

Trong tuần qua (từ ngày 9/11 đến 15/11), toàn thành phố ghi nhận 25 ca mắc sởi (tăng 9 ca so với tuần trước đó).

Khoảng 1/3 số ca nhiễm HIV mới ở Việt Nam là người trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và người chuyển giới gia tăng đáng kể.