'Đường ống', chiến dịch đột kích táo bạo của Nga tại Kursk
Quân đội Nga đã thực hiện một chiến dịch táo bạo nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine khỏi khu vực Kursk, ở biên giới phía tây nước Nga. Trong chiến dịch đặc biệt mang tên “Đường ống”, 800 binh sỹ Nga đã bí mật xâm nhập vào hậu phương của đối phương ở thành phố Sudzha thông qua một đường ống dẫn khí đốt không còn hoạt động. Sudzha nằm cách cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 9,5km, cũng là căn cứ chính của quân đội Ukraine tại khu vực.
Cuộc đột kích táo bạo
Sáng 8/3, thông tin về những thành công mới của quân đội Nga ở khu vực Kursk đã được truyền đi trên nhiều kênh tin tức. Có thông tin cho biết một đơn vị Nga đã đi qua đường ống dẫn khí đốt Urengoy-Pomary-Uzhgorod và dừng lại ở khu vực thành phố Sudzha.
Trong vài giờ tiếp theo, nhiều thông tin đã được đăng tải, nhưng vẫn chưa thể hình thành nên bức tranh chi tiết. Cũng trong ngày 8/3, những bức ảnh và video đầu tiên về những người tham gia hoạt động đặc biệt này đã được công bố.

Theo nhiều nguồn tin, lực lượng Nga đã xuất hiện từ đường ống khí đốt gần thành phố biên giới Sudzha và bắt đầu hoạt động quân sự ở vùng ngoại ô của thành phố này. Có báo cáo về việc quân đội Nga đã tiến sâu vào thành phố và tiêu diệt một phần lực lượng đối phương.
Theo các chỉ huy Nga, chiến thuật đưa lực lượng Nga vào sau phòng tuyến của Ukraine, tiến vào thành phố Sudzha, đã gieo rắc sự hoảng loạn trong các đơn vị Ukraine và dẫn đến một loạt thất bại của Ukraine trong khu vực, làm suy yếu toàn bộ hoạt động của Ukraine. Có tin cho biết do sự xuất hiện bất ngờ của quân đội Nga, các nhóm quân Ukraine đã tháo chạy khỏi vị trí về phía biên giới.
Phía Ukraine bác bỏ tuyên bố này và khẳng định đã phát hiện ra nhóm binh sĩ Nga, sau đó tấn công họ bằng pháo binh, tên lửa và máy bay không người lái.
Bất chấp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, trong những ngày đầu, bức tranh toàn cảnh về chiến dịch này vẫn chưa rõ ràng. Thông tin chính thức và chi tiết chỉ xuất hiện vào sáng ngày 10/3, khi chỉ huy các đơn vị liên quan báo cáo về tiến độ của chiến dịch. Nhờ đó, thông tin chi tiết về lực lượng tham gia, các bước chuẩn bị và kết quả mà chiến dịch đạt được mới bắt đầu trở nên rõ ràng.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên quân đội Nga sử dụng hệ thống thông tin liên lạc và đường ống hiện có để tập kích đối phương. Vào tháng 1/2024, các đơn vị Nga cũng đã sử dụng một đường ống ngầm dài 2 km để tấn công vào hậu phương của Ukraine và góp phần giúp các lực lượng Nga kiểm soát thành phố Avdiivka.
Chiến dịch “đường ống” của Nga diễn ra như thế nào?
Một số thông tin về chiến dịch này đã được chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Akhmat của Nga, ông Apti Alaudinov, công bố trên kênh Telegram của mình. Ngoài ra, một cuộc phỏng vấn ngắn với chỉ huy lữ đoàn tấn công trinh sát tình nguyện “Vostok” có mật danh “Zombie” đã được công khai.
Theo đó, chiến dịch được các sĩ quan Nga gọi là Chiến dịch “Đường ống” đã được lên kế hoạch trong nhiều tuần. Chiến dịch này có sự tham gia của 800 binh sĩ được rút ra từ nhiều đơn vị đang chiến đấu ở Kursk gồm Lữ đoàn tấn công đổ bộ đường không Vostok, Lữ đoàn tấn công đổ bộ đường không cựu chiến binh Akhmat, Lữ đoàn 16, Sư đoàn dù 106, Trung đoàn súng trường cơ giới số 30 của Lực lượng bộ binh, cũng như các đơn vị khác của lực lượng Thủy quân lục chiến Hải quân Nga.
Việc chuẩn bị cho cuộc tấn công đã được tiến hành từ khoảng ba tuần trước, bắt đầu với việc mở một đường ống dẫn khí đốt không hoạt động. Lượng khí đốt tự nhiên còn lại trong ống sau đó được bơm ra và thay vào đó là không khí để thở. Khi các điều kiện trong đường ống đạt yêu cầu, công tác chuẩn bị được tiến hành ngay lập tức.
Trên đường ống dài khoảng 15 km, người ta đục một số lỗ để quân nhân Nga có thể thoát ra ngoài. Ngoài ra còn có một khu vực được gọi là cơ sở lưu trữ cho nhân sự, bao gồm các phòng ngầm bổ sung bên cạnh đường ống. Một kho dự trữ thực phẩm, nước và đạn dược cũng đã được tạo ra. Người ta cho rằng khi tham gia chiến dịch này, các quân nhân Nga không chỉ phải đi qua đường ống mà còn phải chờ dưới lòng đất cho đến khi nhận được lệnh thoát ra ngoài.
Từ đầu tháng 3, lực lượng tham gia Chiến dịch “Đường ống” đã chuẩn bị và bắt đầu triển khai. Các quân nhân Nga đến điểm vào và xuống ống theo từng nhóm nhỏ và trong những khoảng thời gian nhất định. Điều này nhằm không để Ukraine phát hiện và nghi ngờ về sự chuẩn bị cho chiến dịch. Tuy nhiên, việc đi vào đường ống theo từng nhóm nhỏ khiến việc triển khai phải kéo dài trong 4 ngày.
Theo kế hoạch tác chiến, các binh sỹ được cho là sẽ di chuyển bên trong đường ống dài khoảng 15 km. Tuy nhiên, điều kiện ở trong ống vô cùng khó khăn. Chẳng hạn, đường kính ống chỉ rộng 1,42m không cho phép các binh sĩ đứng thẳng người và nói chung hạn chế khả năng di chuyển. Bề mặt bên trong của ống được bao phủ bởi dầu và hơi nước ngưng tụ. Đồng thời, các quân nhân Nga không chỉ phải đi bộ mà còn phải mang theo vũ khí cùng các thiết bị và quân trang cần thiết.
Đến sáng 8/3, tất cả những người tham gia Chiến dịch “Đường ống” đều đã có mặt ở vị trí của mình. Theo lệnh, họ rời khỏi đường ống qua các lối thoát đã được tạo sẵn trước đó và đưa các nhu yếu phẩm cần thiết lên mặt đất. Sau đó, việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu bắt đầu được tiến hành.
Một đội quân lớn của Nga đã tách ra và tản ra khắp khu vực. Một số nhóm đã tiến về khu công nghiệp Sudzha, trong khi những người khác có nhiệm vụ tấn công các khu định cư gần đó. Các thành viên của chiến dịch đã khiến đối phương bất ngờ. Một số binh sỹ Ukraine đã cố gắng chống cự và bị tiêu diệt. Những người còn lại chỉ biết bỏ chạy, vứt lại thiết bị và vật dụng.
Kết quả của chiến dịch
Hiện vẫn chưa có kết quả đầy đủ của Chiến dịch “Đường ống”. Chỉ có những thành công chung được ghi nhận, trong khi thông tin chi tiết không được tiết lộ vì lý do bảo mật.
Tuy nhiên, từ những thông tin hiện có, có thể thấy chiến dịch này đã giúp lực lượng Nga thâm nhập vào hậu phương của Ukraine, thực hiện một đòn tấn công bất ngờ, khiến đối phương bị tê liệt. Kết quả là nhiều khu định cư đã được giải phóng.
Đáng chú ý, chiến dịch này không chỉ nhằm gây tổn thất trực tiếp về nhân lực và trang thiết bị cho lực lượng Ukraine tại một địa điểm nhất định mà còn đóng góp vào thắng lợi của các đơn vị khác. Tính bất ngờ trong hành động của phía Nga đã khiến các binh sỹ Ukraine phải tháo chạy khỏi Sudzha và vùng phụ cận, bất chấp nguy cơ bị pháo kích hoặc trở thành mục tiêu tấn công của UAV Nga.
Kết quả chủ chốt của Chiến dịch “Đường ống” là làm suy yếu lực lượng Ukraine ở khu vực thành phố Sudzha. Theo kênh truyền hình Channel One của Nga, cuộc đột kích đã đánh sập mặt trận phía bắc Sudzha.
Chiến dịch này được tiến hành gần như đồng thời với cuộc tấn công toàn diện theo mọi hướng của quân đội Nga tại Kursk, khiến hàng nghìn binh sỹ Ukraine đang đồn trú tại khu vực này có nguy cơ bị bao vây hoàn toàn và phải rút quân. Báo cáo do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 10/3 cho biết, trong ngày, quân đội Nga đã giành lại thêm 3 khu định cư Kositsa, Malaya Loknya và Cherkasskoye Porechnoye ở Kursk.
Trước đó, trong 2 ngày 8 và 9/3, quân đội Nga đã tái kiểm soát 7 khu định cư. Tính đến ngày 9/3, Ukraine chỉ còn kiểm soát dưới 400 km2 lãnh thổ Kursk, giảm mạnh so với con số hơn 1.300 km2 khi phát động cuộc đột kích vào vùng lãnh thổ này của Nga hồi tháng 8 năm ngoái.
Chiến dịch “Đường ống” đầy táo bạo của quân đội Nga đã gây chú ý trong dư luận quốc tế. Một số tuyên bố rất thú vị đã được đưa ra, như nhà báo người Đức Julian Röpke, khi nhớ lại trận chiến Avdiivka và chứng kiến những sự kiện gần đây tại Sudzha, đã yêu cầu phá hủy ngay lập tức tất cả các đường ống nối Nga và Liên minh châu Âu. Ông coi sự tồn tại của chúng là mối đe dọa quân sự đối với châu Âu.
Khả năng thích ứng cao của quân đội Nga
Trong 3 năm tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, quân đội Nga đã chứng minh được năng lực đào tạo nhân sự và phát triển trang thiết bị. Ngoài ra, lực lượng vũ trang nước này còn thể hiện khả năng thích ứng cao trước những tình huống mới phát sinh, cũng như tìm kiếm giải pháp cho những thách thức không hề đơn giản dựa trên tình hình hiện tại.
Minh chứng cho điều này là các cuộc đột phá vào hậu phương của đối phương ở Avdiivka và Sudzha, được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có.
Kể từ đầu năm, tuyến đường ống dẫn khí đốt biên giới này đã không còn hoạt động. Chỉ vài tháng sau khi đường ống ngừng hoạt động, quân đội Nga đã sử dụng để tiến hành một chiến dịch đầy táo bạo. Rất có thể những hoạt động tương tự sẽ còn được thực hiện trong tương lai ./.


Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.
Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.
Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.
Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.
Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.
Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.
0