Hồ sơ chiến tranh Ukraine - Phần 9

Mặt trận Kharkiv – một điểm nút của cuộc chiến Ukraine với chằng chịt những mật mã đa nghĩa, một hình mẫu thu nhỏ về chiến thuật của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Bạn có biết rằng, phần lớn ý đồ VÀ CHIẾN THUẬT của NGƯỜI Nga cũng như diễn biến chiến trường tại mặt trận này trong ba năm qua đã bị truyền thông phương Tây bóp méo?
Kyiv những ngày cuối tháng 2/2025. Trong một căn phòng làm việc nhỏ bé với ánh đèn vàng vọt, bóng của nhà phân tích quân sự Igor Volkov ngồi tĩnh lặng bên màn hình máy tính cùng các chồng tài liệu cao ngất phản chiếu lên tấm bản đồ Kharkiv in khổ lớn, chằng chịt những tấm giấy note và vết bút khoanh màu xanh đỏ treo trên bức tường cũ kỹ. Tiếng kim đồng hồ chậm rãi điểm nhịp âm thanh bom đạn từ kho video chiến sự mà Volkov thu thập ngót 3 năm qua. Mặt trận Kharkiv, với ông không chỉ là những đường kẻ vô hồn trên bản đồ hay những kí hiệu phức tạp ánh xạ các tập tin lưu trên máy tính, mà là một hồ sơ sống chất chồng những toan tính, những quyết định sinh tử từ chỉ huy của cả hai phía.
Là một nhà phân tích chiến thuật, từng tại ngũ trong quân đội Nga, ánh mắt sắc lạnh của Volkov mỗi ngày đã quét qua hàng trăm bản tin chiến sự trên báo chí, theo dõi hàng nghìn mẩu tin trên truyền thông xã hội và lọc nhiễu hàng tá báo cáo quân sự mà ông nhận được để đi tìm logic cho những diễn biến của mặt trận Kharkiv. “Kharkiv…”, Volko buột miệng, với tay phóng chiếc phi tiêu về tấm bảng dựng đối diện với băn khoăn: “Mê cung chiến trường này còn ẩn chứa bao nhiêu bí mật và nước đi tiếp theo của ván cờ này là gì?”
KHARKIV – ĐẤU TRƯỜNG CỦA NHỮNG TOAN TÍNH CHIẾN LƯỢC


Và đúng như dự tính của Volkov, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của người Nga bắt đầu vào tháng 2/2022, mặt trận Kharkiv trở thành một đấu trường của các toan tính chiến lược ẩn giấu những mật mã đa nghĩa, đa tầng về cuộc chiến theo nhiều cách diễn giải của các bên.
Từ lập trường của Moscow, mặt trận Kharkiv được diễn giải một cách nhất quán theo quan điểm “an ninh quốc gia”. Các nguồn tin từ Nga, bao gồm tài liệu chính thức và phân tích trên truyền thông, đều nhấn mạnh ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’, và cụ thể trong trường hợp này là nỗ lực kiểm soát Kharkiv xuất phát từ nhu cầu đảm bảo an ninh cho chính nước Nga. Mạng truyền hình RT phân tích rằng Nga hành động để đối phó với các mối đe dọa xuất phát từ sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như các chính sách của chính quyền Kyiv.
Luận điểm trung tâm trong diễn giải của Moscow là các khái niệm ‘phi quân sự hóa’ và ‘phi phát xít hóa’ Ukraine. Theo diễn giải này, ‘Phi quân sự hóa’ có thể được hiểu là nỗ lực làm suy yếu tiềm lực quân sự của Ukraine, đặc biệt là ở các khu vực gần biên giới Nga như Kharkiv hay Donbass. ‘Phi phát xít hóa’, một khái niệm phức tạp, có thể được diễn giải là nỗ lực loại bỏ ảnh hưởng của các lực lượng chính trị mà Moscow xem là cực đoan hoặc thù địch với các chính sách gây phương hại cho an ninh quốc gia Nga - đã và đang được thực hiện tại một số vùng lãnh thổ trên đất Ukraine. Kharkiv, với vị trí địa lý và vai trò chiến lược về kinh tế - quân sự - chính trị đã trở thành mục tiêu quan trọng để thực hiện những chiến lược này.
Bên cạnh yếu tố an ninh, diễn giải của Moscow cũng đề cập đến vấn đề cộng đồng người dân nói tiếng Nga ở Ukraine. Kiểm soát Kharkiv, theo diễn giải này, có thể được xem là nỗ lực bảo vệ cộng đồng người nói tiếng Nga, và phần nào đó là bảo vệ các giá trị văn hóa xã hội của không gian Nga – những giá trị đã từng định hình một cộng đồng thịnh vượng của các quốc gia Đông Âu trong quá khứ.
Theo đó, diễn giải của Moscow về mục tiêu Kharkiv tập trung vào khía cạnh phòng thủ từ xa với an ninh nước Nga trong cuộc xung đột địa chính trị giữa các cường quốc mà ‘Hồ sơ chiến tranh Ukraine’ đã từng phân tích trong các phần trước.
Đối lập với diễn giải của Moscow, Kyiv và các nước phương Tây ngay lập tức thực hiện các chiến dịch truyền thông rầm rộ trên các mặt trận thông tin nhằm phản bác luận điểm về an ninh của điện Kremlin, áp đảo tất cả các kênh truyền thông của Nga vào giai đoạn đầu cuộc chiến, tạo ra tâm lý bài Nga đậm nét trên môi trường trực tuyến.
Diễn giải của Ukraine và các nước phương Tây cho rằng hành động quân sự của Nga không có cơ sở tự vệ chính đáng, mà xuất phát từ tham vọng lãnh thổ và mong muốn tái thiết lập ảnh hưởng khu vực. Từ quan điểm này, các bài báo đăng liên tiếp trên Ukrinform, Kyiv Independent, CNN, BBC… được sự cộng hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội do Mỹ và phương Tây sở hữu đã khuếch đại trên diện rộng về sự thất bại của quân đội Nga, thao túng tâm lý người dùng internet toàn cầu về một mối đe dọa từ Moscow cùng những bình luận về hành động được cho là xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế, thậm có nguy cơ xâm phạm tới an ninh của các quốc gia châu Âu.
Theo quan điểm và diễn giải của Kyiv cũng như các quốc gia phương Tây, mục tiêu thực sự của Moscow tại Ukraine, bao gồm cả Kharkiv, là mang tính chính trị một các sâu sắc và toàn diện. Diễn giải này thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng Nga muốn lật đổ chính phủ hiện tại ở Kyiv, áp đặt một chính quyền thân Nga, để sáp nhập hoặc kiểm soát các vùng lãnh thổ quan trọng của Ukraine. Và do vậy, Kharkiv với vị trí chiến lược và tiềm lực kinh tế, trở thành mục tiêu chủ chốt trong kế hoạch của điện Kremlin.

Quan điểm từ Kyiv và phương Tây cũng lên án hoạt động quân sự của Nga tại Kharkiv, dựa trên những video không thể truy xuất nguồn gốc và rất nhiều tin giả được lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông xã hội, cho rằng các lực lượng Nga đã tấn công bừa bãi vào khu dân cư, gây ra thương vong lớn cho dân thường, và vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Từ góc độ này, truyền thông Ukraine và phương Tây lập luận rằng nỗ lực kiểm soát Kharkiv không chỉ là hành động quân sự, mà còn là một ‘bóng ma’ phủ lên an ninh của châu Âu nếu xung đột lan rộng, nhằm kêu gọi dư luận thế giới lên án, thúc đẩy các quốc gia đồng minh chung tay để khống chế mối đe dọa tiềm tàng này.
Và những cách diễn giải đó đã trở thành quan điểm chi phối hành động của các bên, được phản ánh cụ thể tại mặt trận Kharkiv.
Kế hoạch Blitzkrieg - từ hồ sơ tới thực địa chiến trường
Bình minh ngày 24/2/2022, tiếng gầm rú của động cơ xe tăng, tiếng xé gió của trực thăng quân sự, và tiếng nổ đầu tiên của pháo binh đã xé tan bầu không khí tĩnh lặng trên vùng biên giới Belgorod và Kharkiv. ‘Chiến dịch quân sự đặc biệt’ bắt đầu, và Kharkiv - thành phố có vị trí chiến lược của Ukraine đã trở thành một trong các mục tiêu tấn công đầu tiên của quân đội Nga. Trang nhất tờ Krasnaya Zvezda – cơ quan ngôn luận của Bộ quốc phòng Nga nổi bật với hình ảnh những đoàn xe tăng T-72B3, xe chiến đấu bộ binh BMP-2 cùng lực lượng lính dù đổ bộ đường không VDV tinh nhuệ trên đường tiến về Kharkiv. Bài báo khẳng định, Kharkiv sẽ sớm nằm trong tay quân quân đội Nga, và chiến thắng đã ở rất gần.
Theo tường thuật trên Rossiyskaya Gazeta, mũi nhọn tấn công đầu tiên được giao cho các đơn vị VDV và Spetsnaz. Lính dù, trên các xe bọc thép BMD-4M, được mô tả đã vượt qua biên giới với tốc độ chóng mặt, hướng thẳng đến các sân bay quân sự và trung tâm chỉ huy xung quanh Kharkiv. Mục tiêu của mũi tấn công này là chiếm giữ các điểm cao chiến lược, tạo bàn đạp cho lực lượng cơ giới hạng nặng tiến vào. Các bài báo ca ngợi lối tác chiến ‘đột kích từ trên không’ của VDV, sử dụng kinh nghiệm từ các cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn trước đó. Báo chí Nga nhấn mạnh, vũ khí trang bị cho lính dù vô cùng hiện đại với súng trường tấn công AK-12, súng máy PKP Pecheneg, súng phóng lựu RPG-7V2, và đặc biệt là hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-D, đủ sức đối phó với mọi loại xe tăng của đối phương.

Cùng lúc đó, từ hướng Belgorod, các đơn vị xe tăng và cơ giới của Quân khu phía Tây cũng đồng loạt xuất kích. Theo bản đồ chiến sự được công bố trên kênh truyền hình Zvezda, mũi tấn công chính hướng vào phía Bắc và Đông Bắc Kharkiv, dọc theo các trục đường cao tốc quan trọng như M2 và E105.
Báo chí Nga mô tả sức mạnh hủy diệt của các đơn vị xe tăng T-80BVM và T-90M Proryv-3, được mệnh danh là ‘cú đấm thép’ của quân đội Nga. Pháo tự hành 2S19 Msta-S và hệ thống pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch được nhắc đến như những ‘vị thần chiến tranh’, có khả năng ‘nghiền nát mọi tuyến phòng thủ’ của Ukraine từ xa. Các phóng sự trên NTV và Channel One Russia liên tục phát những đoạn phim ghi lại cảnh pháo kích dữ dội vào các vị trí quân sự Ukraine, kèm theo lời bình luận về ‘độ chính xác tuyệt đối’ của vũ khí Nga.

Các bản tin chiến sự trên Sputnik và RIA Novosti cho biết, chỉ trong ngày đầu tiên, quân đội Nga đã tiến sâu hàng chục kilomet vào lãnh thổ Ukraine, kiểm soát nhiều thị trấn và làng mạc ven biên giới, bao vây Kharkiv từ nhiều hướng. Số liệu thống kê được Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy, hàng chục mục tiêu quân sự Ukraine, bao gồm kho đạn dược, sở chỉ huy, và hệ thống phòng không, đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích và pháo kích chính xác cao. Báo chí Nga trong giai đoạn này khẳng định, quân đội Ukraine tại Kharkiv đang ‘tan rã và rút lui hỗn loạn’, không đủ sức chống đỡ trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Nga.

Trên các diễn đàn và mạng xã hội tiếng Nga, không khí lạc quan tràn ngập. Hình ảnh lính Nga giương cao lá cờ Tổ quốc tại các trạm kiểm soát biên giới, xe tăng Nga tiến vào các thành phố Ukraine được lan truyền với tốc độ chóng mặt. ‘Kharkiv vững chắc trong tay quân đội Nga’ - thông điệp này được báo chí Nga lan tỏa mạnh mẽ, như một lời khẳng định về sự thành công bước đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tuy nhiên, những thông tin, diễn biến chiến sự này, dù lan tỏa mạnh mẽ nhưng hầu như cũng chỉ giới hạn trong cộng đồng trực tuyến nói tiếng Nga. Báo chí quốc tế, được dẫn dắt bởi truyền thông phương Tây, và đặc biệt là các nền tảng truyền thông xã hội do Mỹ và phương Tây sở hữu, bằng các thuật toán đề xuất nội dung hướng đối tượng, dựng lên một bức tranh hoàn toàn khác về mặt trận Kharkiv nói riêng và cuộc chiến tại Ukraine nói chung nhằm thao túng dư luận toàn cầu.

Trong khi báo Nga mô tả diễn biến mặt trận Kharkiv trong giai đoạn đầu với tốc độ thần tốc và sức mạnh áp đảo thì truyền thông Ukraine và phương Tây lại mô tả sự kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine và dân quân, sự chậm chạp và sa lầy trong tiến công của Nga, cũng như những thiệt hại nặng nề mà dân thường Kharkiv phải gánh chịu. Sự đối lập này không chỉ tạo ra một bức tranh chiến sự đa chiều mà còn phản ánh một cuộc chiến trên mặt trận truyền thông với các chiến thuật phức tạp – một hình thái mới của chiến tranh hiện đại mà ‘Hồ sơ chiến tranh Ukraine’ sẽ đề cập trong các phần tiếp theo.
Dù tràn ngập thông tin chiến thắng, một số bài phân tích trên báo Nga bắt đầu đề cập đến những thách thức tiềm ẩn. Các chuyên gia quân sự trên tờ Vzglyad và Argumenty i Fakty của Nga lưu ý rằng, chiến dịch tại Kharkiv không chỉ là một cuộc tiến quân đơn thuần, mà còn là những đợt giao tranh trong môi trường đô thị phức tạp trong thời gian tới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quân binh chủng, và khả năng đối phó với chiến tranh du kích từ phía quân đội Nga. Họ cũng cảnh báo về nguy cơ Ukraine nhận được viện trợ quân sự từ phương Tây, có thể kéo dài thời gian chiến sự và sẽ có những đợt kháng cự phức tạp trong thời gian tới khiến kế hoạch tấn công chớp nhoáng nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng.
Những ‘nhận định chính thức’ nhưng ‘lạc nhịp’ trên một vài tờ báo Nga này, một cách ‘vô tình’ cũng đồng thanh với các báo cáo tình báo và bình luận trên các phương tiện truyền thông phương Tây, rằng kế hoạch Blitzkrieg (cách mà giới phân tích quân mô tả chiến thuật tấn công chớp nhoáng của Nga) sẽ nhanh chóng thất bại khi các gói viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây được chuyển tới Ukraine trong những tuần tiếp theo. Ít ai biết được rằng, toan tính của người Nga là không hề đơn giản và dễ đoán định như vậy.
Hình ảnh những đợt tấn công thần tốc của quân đội Nga tại Kharkiv cũng như trên toàn bộ chiến trường trong những ngày đầu tiên, hình ảnh binh sĩ Nga phất cờ tại những tọa độ chiến thuật trên đất Ukraine, hình ảnh phản kháng kiên cường của quân đội Ukraine trong điều kiện trang bị vũ khí thiếu thốn, những bài phân tích quân sự mang tính phản biện úp mở được xuất bản tại Nga… thực tế đã trở thành những mật mã đa diện và phức tạp.
“Kế hoạch Blitzkrieg… Một thuật ngữ không xuất phát từ Nga nhưng được gắn cho Nga theo cách hiểu của Mỹ và phương Tây. Có lẽ Mỹ và phương Tây đã thực sự bị ‘ru ngủ’, giống như cách cựu sĩ quan tình báo Vladimir Putin đã từng làm với các đối thủ này trong trận chiến giá dầu và khí đốt trước khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu!”, Igor Volkov ngả người, giơ tay nhìn kim thời gian trôi bên cánh đại bàng Nga trên chiếc đồng hồ Polet Dinastiya đã từng theo anh từ những ngày học Judo ở Kadamovsky.
Ma trận chiến hào Izium
Sau khi bất ngờ với những đòn tấn công chớp nhoáng được giới phân tích quân sự đặt tên là ‘kế hoạch Blitzkrieg’ của Nga trên toàn bộ chiến trường, Ukraine với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ và phương Tây, đã nhanh chóng ổn định và triển khai phản công trên các mặt trận. Giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 9 năm 2022 đánh dấu sự chuyển đổi về chiến thuật của cả hai bên tại mặt trận Kharkiv. Chiến thuật tấn công chớp nhoáng của Nga đã nhanh chóng được thay thế bởi kế hoạch phòng thủ cứ điểm.
Giữa tháng 5/2022, Izium, một thành phố nhỏ nằm ở phía Nam Kharkiv bỗng trở thành tâm điểm chú ý trên các bản tin chiến sự trên truyền thông của cả Nga và phương Tây, một trận chiến đỏ lửa kéo dài diễn ra tại hệ thống công sự, hầm hào dọc ngang thành phố.
Theo tường thuật trên tờ Krasnaya Zvezda, những cuộc giao tranh tại Izium bắt đầu khi lực lượng Ukraine được tăng cường quân số và vũ khí viện trợ từ phương Tây, mở một đợt phản công quy mô lớn, với mục tiêu ‘cắt đứt hành lang Izium’ nhằm bao vây lực lượng Nga tại Kharkiv. Ukraine đã huy động một lực lượng lớn bao gồm các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng, và pháo binh, được yểm trợ bởi máy bay cường kích và trực thăng tấn công. Mục tiêu chính của Ukraine là đánh vào sườn phải phòng tuyến Nga, nơi được cho là điểm yếu nhất theo thông tin phân tích của tình báo phương Tây, nhằm tạo đột phá tại chiến trường Kharkiv.
Tuy nhiên, theo báo chí Nga, quân đội Nga đã ‘dự đoán được ý đồ của đối phương’ và ‘chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống’. Các bản tin chiến sự trên truyền thông Nga nhấn mạnh rằng phòng tuyến Nga ở Izium đã được xây dựng ‘kiên cố từ trước đó’, với hệ thống chiến hào nhiều lớp, bãi mìn dày đặc, và các vị trí hỏa lực được bố trí đan cài. Tờ Rossiyskaya Gazeta đăng tải một hình ảnh được cho là phòng tuyến Nga ở Izium, với mạng lưới hầm hào phức tạp, lô cốt bê tông kiên cố, và hàng rào kẽm gai được bảo vệ bởi hỏa lực pháo binh và súng cối.

Trận đánh bắt đầu bằng các đợt pháo kích dữ dội từ phía Ukraine. Những loạt đạn pháo và rocket liên tục nã xuống vị trí phòng thủ của Nga, với ý đồ phá hủy công sự và tiêu hao sinh lực đối phương. Tuy nhiên, báo chí Nga khẳng định, pháo binh Nga đã nhanh chóng phản pháo, vô hiệu hóa các khẩu đội pháo binh của phía Ukraine và gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng tấn công của Ukraine ngay từ giai đoạn đầu. Các bản tin chiến sự đăng trên Reuters cũng thừa nhận ưu thế vượt trội về số lượng và chất lượng cũng như khả năng phản pháo chính xác của pháo binh Nga.
Theo tường thuật của Komsomolskaya Pravda, khi bộ binh và xe tăng Ukraine bắt đầu tấn công, họ đã vấp phải tường lửa từ các phòng tuyến của Nga. Lính Nga từ hệ thống chiến hào được trang bị súng máy PKM, súng chống tăng RPG-7V2 và súng phóng lựu AGS-17, đã ngăn chặn mọi đợt tiến công của quân đội Ukraine. Các phóng sự trên NTV và Channel One Russia công bố video clip ghi tại hiện trường mô tả hàng loạt xe tăng Ukraine bị bắn hạ, bộ binh Ukraine bị đẩy lùi bằng súng máy và súng phóng lựu. Trong khi đó, các video do AP công bố cho thấy phía Ukraine liên tục pháo kích vào các cứ điểm của Nga tại Izium.

Khi trận đánh tại Izium diễn ra được 1 tuần, số liệu thống kê được Bộ Quốc phòng Nga công bố khẳng định quân đội Ukraine đã chịu thiệt hại nặng nề, hàng trăm binh sĩ thiệt mạng và bị thương, hàng chục xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, nhiều khẩu đội pháo bị vô hiệu hóa. Báo chí Nga khẳng định, nỗ lực phản công của Ukraine đã hoàn toàn thất bại, lực lượng Nga giữ vững trận địa, và tiếp tục kiểm soát khu vực Izium.
Trong khi đó, tờ Kyiv Independent nhấn mạnh sự khốc liệt và giằng co của trận đánh tại Izium, tường thuật việc quân đội Ukraine cố gắng giành lại từng mét đất, gây khó khăn đáng kể cho quân đội Nga. CNN và BBC ghi nhận hoạt động pháo kích dữ dội gây thiệt hại nặng nề về nhân lực và vật chất của cả hai phía và bình luận rằng tình hình chiến trường vô cùng căng thẳng, khó lường. Vẫn tiếp truyền thông lên án hành động quân sự của Nga, The Guardian đăng tải phóng sự từ Kharkiv, mô tả cuộc sống của người dân địa phương bị đảo lộn hoàn toàn, khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng và sự tàn phá trên diện rộng do pháo kích liên tục. Các phân tích từ ISW và các tổ chức phương Tây cho rằng trận chiến Izium cho thấy sự kháng cự quyết liệt của Ukraine, làm chậm đáng kể đà tiến công và phá vỡ kế hoạch Blitzkrieg giai đoạn 2 của Nga.
Từ góc nhìn này, báo chí phương Tây nhận định rằng ‘kế hoạch Blitzkrieg’ giai đoạn 2 đang phá sản tại Izium và bình luận một cách tự tin rằng Ukraine với các gói viện trợ của Mỹ và phương Tây đang khiến Nga "sa lầy" tại Kharkiv.
Tuy nhiên, với các động cơ chính trị tại chiến trường Ukraine, Mỹ và phương Tây đang diễn giải chiến thuật của Nga theo một hướng khác, và không hề sẵn sàng cho một tình huống ngoài dự kiến: hình thái chiến tranh tiêu hao - chảo lửa khổng lồ sẽ thiêu rụi một lượng tài nguyên quốc phòng rất lớn của các quốc gia đứng đằng sau lưng Ukraine, sẽ tiếp tục kéo dài theo cách của người Nga.
Trận đánh Balakliya – điểm nút của chiến thuật phòng thủ cứ điểm
Đầu tháng 9/2022, mặt trận Kharkiv rung chuyển bởi một đòn tấn công bất ngờ từ phía Ukraine. Balakliya, một thành phố quan trọng nằm ở phía Đông Nam Kharkiv, trở thành mục tiêu chính trong cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.
Từ thế phòng thủ, Ukraine chuyển sang chiến thuật đột kích quy mô lớn với ý đồ dùng triết lý tấn công chớp nhoáng của người Nga - theo cách diễn giải của các chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây - để làm phá sản toàn bộ chiến dịch của quân đội Nga tại mặt trận Kharkiv. Đòn tấn công này cũng được xác định là một phép thử, một trận đánh đẫm máu trên đất Ukraine để khẳng định rằng chiến thuật và vũ khí của phương Tây là vượt trội hơn rất nhiều so với Nga.
Tuy nhiên, các ‘kiến trúc sư’ của cuộc phản công này hoàn toàn không lường trước được rằng, họ đã đọc sai ý đồ của người Nga ngay từ đầu, và Balakliya lại trở thành một điểm nút thúc đẩy hình thái chiến tranh tiêu hao tại chiến trường Ukraine - một kế hoạch mà quân đội Nga đã ngụy trang hoàn hảo bằng các đòn tấn công chớp nhoáng ban đầu và thực hiện nhất quán trên toàn bộ chiến trường Ukraine kể từ giữa năm 2022, khiến chính các nước phương Tây sa lầy trong giai đoạn tiếp theo với hàng loạt gói viện trợ tỷ đô bị biến thành sắt vụn, bị chôn vùi dưới máu và bùn của mặt trận Kharkiv.
Ngay sau khi những loạt pháo kích đầu tiên khai hỏa, truyền thông phương Tây nhấn mạnh điểm đáng chú ý trong kế hoạch tác chiến của Ukraine là yếu tố bất ngờ và tấn công quy mô lớn, và diễn giải rằng dưới sự hỗ trợ của thông tin tình báo phương Tây, Ukraine đã lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị phản công bí mật, tập trung lực lượng lớn, và tấn công liên tiếp vào vị trí hiểm yếu nhất trong phòng tuyến của Nga. Ukraine đã tập trung hỏa lực pháo binh và không quân vào một khu vực đột phá, tạo ưu thế áp đảo cục bộ, và nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến của Nga tại Balakliya, Reuters mô tả.
Các chuyên gia phân tích quân sự phương Tây liên tục đưa ra nhận định rằng chiến thuật tác chiến truyền thống của Nga đã bộc lộ nhiều hạn chế tại mặt trận Kharkiv. Phòng tuyến kiên cố không còn đủ sức ngăn chặn các đợt tấn công tập trung và bất ngờ của Ukraine. Binh sĩ Nga phản ứng khá chậm trước những yếu tố bất ngờ của thực tế chiến trường, triển khai lực lượng dự bị không kịp thời, và thiếu khả năng phản công hiệu quả. Hệ thống hậu cần và tiếp tế tại mặt trận Balakliya được bố trí không hợp lý, trở nên dễ tổn thương trước các cuộc tấn công bằng pháo phản lực HIMARS hiện đại, làm suy yếu khả năng chiến đấu của lực lượng Nga bố trí tại tiền tuyến. Truyền thông phương Tây khẳng định Ukraine với chiến thuật tấn công hiệu quả cùng các loại vũ khí viện trợ từ phương Tây đã tạo ra những bước đột phá mới.

Tuy nhiên, truyền thông phương Tây trong giai đoạn này cũng rất ít đề cập tới những con số thống kê về lượng phương tiện kỹ thuật, vũ khí khí tài hiện đại mà Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine bị vô hiệu hóa tại Balakliya. Trong khi đó, các kênh Telegram, X, và truyền thông xã hội của cả Nga và Ukraine lan truyền hàng trăm video clip khác nhau cho thấy một lượng lớn tổ hợp tên lửa chống tăng Javelin và NLAW, xe bọc thép chở quân M113 và Bushmaster, pháo phản lực HIMARS, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, Krab 155mm, pháo M777 155mm, các loại UAV trinh sát và chiến đấu… bị phá hủy, bị binh sĩ Ukraine bỏ lại chiến trường hoặc bị quân đội Nga chiếm giữ.

Báo chí Nga ban đầu thông tin khá dè dặt về cuộc phản công này. Sau đó Balakliya được tường thuật với hình ảnh kháng cự kiên quyết của quân đội Nga trước ‘sức ép dữ dội’ từ đối phương, và những khó khăn trong việc duy trì phòng tuyến.
Theo RIA Novosti, cuộc phản công Balakliya của Ukraine bắt đầu vào ngày 6/9/2022, sau một thời gian dài quân đội Ukraine tích lũy lực lượng và chuẩn bị kế hoạch chi tiết. Ukraine đã tập trung một lực lượng lớn, bao gồm các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng, và các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ, được trang bị vũ khí hiện đại từ phương Tây để thực hiện đòn phản công này. Mục tiêu của Ukraine, theo báo chí Nga, là đột phá phòng tuyến Nga ở Balakliya, chia cắt lực lượng Nga, và tạo bàn đạp cho cuộc tấn công vào Izium.
Tờ Izvestia của Nga mô tả cuộc tấn công của Ukraine như một ‘cơn bão’, với hàng loạt xe tăng và thiết giáp hiện đại, tấn công ồ ạt vào phòng tuyến của Nga. Không quân Ukraine tham gia yểm trợ, trút hỏa lực vào các vị trí pháo binh và sở chỉ huy của Nga. Bài báo cũng ‘thừa nhận’, lực lượng Ukraine đã đạt được yếu tố bất ngờ, tận dụng sơ hở trong phòng tuyến, và gây ra sức ép lớn lên quân đội Nga. Tuy nhiên, báo chí Nga vẫn khẳng định, quân đội Nga đã nhanh chóng phản ứng, triển khai lực lượng dự bị, và tổ chức phòng thủ hiệu quả trước đà phản công của Ukraine tại Balakliya.

Kênh truyền hình Zvezda dành nhiều thời lượng phát sóng về ‘tinh thần chiến đấu’ của binh sĩ Nga tại Balakliya. Phóng sự từ tiền tuyến ghi lại cảnh lính Nga bắn hạ xe tăng Ukraine, giữ vững trận địa với hỏa lực mạnh từ pháo binh và không quân Ukraine. Bài bình luận trên NTV ca ngợi ‘sự hy sinh anh dũng’ của lính Nga, ‘lấy thân mình che chắn cho đồng đội’, làm chậm các cuộc hành quân của Ukraine và mở đường cho lực lượng dự bị tiếp cận.
Trận đánh Balakliya cho thấy rõ những thay đổi trong chiến thuật của cả hai bên so với những tháng trước. Trận đánh này mở đường cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn phản công quy mô lớn của Ukraine, khiến chính quân đội nước này bị cuốn theo các cuộc phản kích không hiệu quả, và hàng loạt gói viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây chuyển tới Ukraine giống như ‘muối bỏ biển’. Phương Tây tiếp tục sa lầy vào cái bẫy của hình thái chiến tranh tiêu hao do người Nga dựng ra trên đất Ukraine.
Kupiansk và hình thái chiến tranh tiêu hao hiện đại
Từ tháng 10 đến tháng 12/2022, Kupiansk - một điểm trung chuyển giao thông đường sắt quan trọng tại Kharkiv trở thành mục tiêu tấn công liên tục của quân đội Nga. Báo chí Nga mô tả Kupiansk như một yết hầu chiến lược, việc kiểm soát khu vực này sẽ cắt đứt các tuyến đường tiếp tế của Ukraine, mở đường cho các cuộc tấn công sâu hơn vào Kharkiv, và giáng một đòn mạnh vào ý chí chiến đấu của đối phương.

Chiến thuật tấn công có chọn lọc vào hạ tầng quân sự và hậu cần với vũ khí có độ chính xác cao kết hợp với phòng thủ cứ điểm – những biểu hiện rõ rệt của hình thái chiến tranh tiêu hao hiện đại được quân đội Nga thực hiện với một kế hoạch được chuẩn bị chi tiết.
Theo tường thuật trên Krasnaya Zvezda, các đợt tấn công vào Kupiansk được thực hiện bởi đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng, các biệt đội lính dù tinh nhuệ của quân đội Nga, được yểm trợ bởi hỏa lực pháo binh và không quân. Krasnaya Zvezda nhấn mạnh sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hỏa lực trước mỗi đợt tấn công, với hàng trăm khẩu đội pháo phản lực phóng loạt dội bão lửa vào phòng tuyến, công sự và khu vực tập trung quân của Ukraine xung quanh Kupiansk. Không quân Nga với máy bay Su-25 và trực thăng tấn công Ka-52, làm chủ bầu trời, tấn công các mục tiêu quan trọng, đồng thời yểm trợ bộ binh trên mặt đất.
Rossiyskaya Gazeta đăng tải bản đồ các hướng tấn công chính vào Kupiansk, cho thấy quân đội Nga tiến công từ nhiều hướng, bao vây thành phố từ ba phía và tập trung đánh vào các vị trí then chốt như nhà ga xe lửa, cầu đường bộ và các trung tâm chỉ huy quân sự. Giao tranh cận chiến diễn ra tại từng tòa nhà và các chiến hào với sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine. Các phóng sự trên NTV và Channel One Russia chiếu cảnh xe tăng Nga T-90M Proryv-3 yểm trợ bộ binh tiến công, lính dù VDV đổ bộ đường không và hệ thống pháo phản lực TOS-1A Solntsepek xóa sổ các vị trí cố thủ của Ukraine.
Số liệu thống kê được Bộ Quốc phòng Nga công bố trong giai đoạn này cho thấy, hàng trăm binh sĩ Ukraine bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng chục xe tăng và thiết giáp hiện đại, các tổ hợp tên lửa và pháo phản lực do Mỹ và phương Tây viện trợ bị phá hủy, nhiều kho đạn dược của quân đội Ukraine bị xóa sổ bởi các cuộc không kích và pháo kích có độ chính xác cao.
Báo chí Nga khẳng định quân đội Ukraine tại Kupiansk chịu tổn thất nặng nề, mất khả năng phản công và buộc phải rút lui về tuyến phòng thủ thứ hai. Các phân tích trên tờ Vzglyad và Argumenty i Fakty cho thấy Ukraine đã liên tục điều động lực lượng tiếp viện với hàng loạt vũ khí khí tài hiện đại tới Kupiansk để cố thủ, nỗ lực giữ vững thành trì này nhằm ngăn đà tiến của quân đội Nga tại mặt trận Kharkiv.
Trận đánh vào Kupiansk trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12/2022 cho thấy Nga đã kéo một nguồn tài nguyên chiến tranh rất lớn mà Mỹ và phương Tây đang viện trợ cho Ukraine vào mặt trận Kharkiv theo chiến thuật tiêu hao. Ưu thế hỏa lực áp đảo vẫn được duy trì. Nga sử dụng pháo binh và không quân tấn công với cường độ cao áp chế hệ thống phòng thủ của đối phương trước khi bộ binh tiến công. Quân đội Nga cũng triển khai đột kích từ nhiều hướng nhằm phân tán lực lượng, gây khó khăn cho đối phương trong việc phòng thủ và điều động quân tiếp viện. Tại Kupiansk, Nga cũng đã tung vào mặt trận các đơn vị VDV, Spetsnaz cùng các đơn vị cơ giới tinh nhuệ nhằm tạo đột phá chiến thuật và tạo ra các đòn đánh mang tính quyết định. Các chiến thuật này đã biến Kupiansk thành một chiến trường giằng co theo hình thức chiến tranh tiêu hao kéo dài cho đến tận thời điểm hiện tại.

Synkivka – Pháo đài máu và địa ngục trên cao điểm 178.9
Từ mùa đông năm 2023, Synkivka - ngôi làng nhỏ bé bên rìa Kupiansk, một vị trí gắn với ký hiệu ‘Điểm cao 178.9’ trên bản đồ chiến thuật đã trở thành tử địa của mặt trận Kharkiv. Báo chí Nga, từ Rossiyskaya Gazeta, Komsomolskaya Pravda, Zvezda TV đến Sputnik đồng loạt gọi Synkivka là ‘điểm nóng số một’ hay ‘pháo đài máu’ – một biểu tượng của chiến tanh tiêu hao hiện đại.
Tờ Krasnaya Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga gọi ‘Điểm cao 178.9’ là chìa khóa sinh tử của Kupiansk để khẳng định tầm quan trọng sống còn của mục tiêu chiến thuật này. Synkivka không chỉ là điểm cao của trận địa, mà còn là giao điểm của các trục đường giao thông huyết mạch, kiểm soát trực tiếp tuyến đường sắt Kupyansk - Kharkiv, và bao quát toàn bộ vùng đồng bằng xung quanh.
Việc Ukraine cố thủ Synkivka, theo Krasnaya Zvezda, không chỉ là phòng thủ, mà còn là nỗ lực tạo trận địa hỏa lực pháo binh nhằm khóa chặt yết hầu, ngăn chặn mọi nỗ lực tiến công của Nga vào Kupiansk, và sâu hơn nữa về phía Kharkiv. Ngược lại, nếu Nga chiếm được Synkivka, thế trận sẽ đảo ngược hoàn toàn, tạo bàn đạp vững chắc cho cuộc tấn công Kupiansk, và mở ra cơ hội bao vây lực lượng Ukraine tại khu vực này. Phân tích của Krasnaya Zvezda chỉ rõ Synkivka giống như một ‘mũi khoan’ chọc thẳng vào ‘trái tim’ hệ thống phòng thủ của Ukraine tại Kharkiv, một mục tiêu cần phải được kiểm soát để mang lại những lợi thế quyết định.

Để mở đường cho bộ binh tấn công Synkivka, Nga đã tập trung hỏa lực pháo binh cực mạnh tại khu vực này. Phóng viên chiến trường Evgeny Poddubny của Russia Today thông tin rằng hàng trăm khẩu đội pháo các loại, từ pháo nòng dài với cỡ nòng 152mm 2A65 Msta-B, pháo tự hành 2S3 Akatsiya, đến pháo phản lực phóng loạt BM-30 Smerch, BM-27 Uragan, và TOS-1A Solntsepek đã được triển khai tạo thành một vành đai lửa bao quanh Synkivka.

Video từ máy bay không người lái đăng tải trên Russia Today cho thấy Synkivka chìm trong biển lửa và khói đạn, mỗi phút trôi qua hàng chục quả đạn pháo, rocket, và đạn cối trút xuống phòng tuyến, công sự và hỏa điểm của Ukraine. Chuyên gia quân sự Igor Korotchenko nhấn mạnh: “Trận địa pháo binh của Nga tại Synkivka là ‘hỏa lực hủy diệt’, không chỉ phá hủy công sự, mà còn ‘nghiền nát’ tinh thần chiến đấu của đối phương, dọn sạch chiến trường cho lính đặc nhiệm tiến vào”.
Trong tháng 1/2025, pháo binh Nga đã thực hiện hơn 15.000 đợt pháo kích với hơn 50.000 quả đạn pháo các loại vào Synkivka, phá hủy hoàn toàn hàng trăm hỏa điểm và công sự kiên cố của Ukraine, thông tin được Russia Today trích dẫn.
Komsomolskaya Pravda dành nhiều trang báo mô tả chi tiết những trận cận chiến bộ binh đẫm máu tại Synkivka, qua lời kể của chính những người lính. Một binh nhì thuộc Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới số 4 kể lại trong bài phỏng vấn: “Chưa bao giờ tôi chứng kiến những trận cận chiết khốc liệt đến thế. Mỗi chiến hào của đối phương là một điểm chết, được binh sĩ Ukraine cố thủ tới cùng. Chúng tôi phải tấn công từng vị trí hỏa điểm dưới làn mưa đạn súng máy của đối phương. Cận chiến diễn ra tại chiến hào chật hẹp, máu và bùn hòa lẫn, không ai biết đâu là địch, đâu là ta”.

Trung sĩ Nikolai Sidorov chia sẻ với Komsomolskaya Pravda: “Chiến thuật ‘tổ xung kích nhỏ gọn’ là chìa khóa thành công trong các cuộc giao tranh cận chiến tại Synkivka. Mỗi tổ gồm 5-7 người, được trang bị vũ khí tối tân, có hỏa lực yểm trợ tối đa, và được huấn luyện đặc biệt cho cận chiến. Chúng tôi tấn công chớp nhoáng, tận dụng mọi sơ hở để tạo thế bất ngờ, nhanh chóng tiêu diệt đối phương tại các đường hào, trước khi bị hỏa lực phản kích áp chế”.
Trận đánh Synkivka, dù chỉ diễn ra trên một địa bàn hạn chế gần Kupiansk, nhưng lại đại diện cho hình thái chiến tranh tiêu hao hiện đại, một mật mã phản ánh cục diện của cuộc chiến, đặc biệt là cuộc đấu trí về chiến thuật của cả hai bên.
MẶT TRẬN KHARKIV VÀ ĐÒN THẾ BÍ ẨN CỦA PUTIN

Kyiv ngày 16/9/2024. Igor Volkov nghiêng đầu nhếch một nụ cười bí ẩn sau khi theo dõi giọng điệu và cử chỉ Donald Trump trong một chương trình phỏng vấn của CNN, khi ông này khẳng định có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ nếu thắng cử, với ám chỉ sẽ đám phán trực tiếp với Tổng thống Nga Putin.
Cuộc phỏng vấn mang tính ‘giải trí’ và ‘truyền thông’ này thoạt nghe, có vẻ giống như một thông tin ‘lạc nhịp’ trên truyền thông phương Tây, giữa rất nhiều những bài tường thuật về mặt trận Kharkiv cũng như phân tích, bình luận về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga được đan cài cụm từ khóa nổi bật là ‘sa lầy’, ‘thất bại’, ‘nỗi ô nhục’… lặp đi lặp lại giữa các bài báo, giữa các kênh thông tin trực tuyến một cách có chủ đích nhằm thao túng thuật toán xếp hạng của các cỗ máy tìm kiếm và tạo xu hướng đề xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Nhưng thực tế, phát ngôn và cử chỉ của Donald Trump trong buổi phỏng vấn trên CNN lại là một mật mã kích thích những chuyên gia phân tích quân sự như Igor Volkov!
Chiến tranh tiêu hao - cú ‘khóa khớp’ của võ sư Judo Vladimir Putin
Với Igor, có lẽ ‘ngôi sao truyền thông’ Donald Trump – một người chưa từng phục vụ trong quân ngũ, chưa từng tập môn võ Judo, lại là kẻ đọc suy nghĩ của Tổng thống Vladimir Putin tốt hơn bất kỳ một chỉ huy nào của Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ (IC) hay các chiến lược gia quân sự đang cố vấn cho cỗ máy chiến tranh của Zelensky. Ông không tin rằng câu chuyện Ukraine sẽ được Donald Trump giải quyết trong vòng 24 giờ nếu trở thành vị Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Nhưng ông tin rằng Donald Trump đã có một góc nhìn thực dụng và thấu hiểu bản chất vấn đề, rằng cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra theo kế hoạch của người Nga, dưới sự kiểm soát của người Nga, phục vụ cho những ý đồ lớn lao hơn của người Nga trong một cuộc tranh chấp địa chính trị giữa một bên là Nga còn một bên là Mỹ với các quốc gia phương Tây để định hình một trật tự thế giới đa cực, chứ không giới hạn trong một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nếu cuộc chiến tại Ukraine tiếp tục diễn biến theo cách này, một lượng lớn nguồn lực của Mỹ sẽ bị hút vào các trận giao tranh giằng co chưa có hồi kết trên đất Ukraine…

Trái với những nhận định của truyền thông phương Tây về kế hoạch tấn công chớp nhoáng và sự sa lầy của quân đội Nga tại Ukraine, hình thái chiến tranh tiêu hao được định hình và kiểm soát bởi người Nga đã bao trùm mặt trận Kharkiv, và rộng hơn là toàn bộ chiến trường Ukraine từ cuối năm 2022.
Ngày 24/2/2022, cựu sĩ quan tình báo Vladimir Putin đã ra đòn phủ đầu không chỉ với Ukraine bằng các đợt tấn công chớp nhoáng khi khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt, sau đó sử dụng triết lý của môn võ Judo khiến các chiến lược gia Mỹ và phương Tây tin rằng kế hoạch Blitzkrieg của người Nga thất bại và sa lầy tại chiến trường. Tiếp theo đó, võ sư Judo lão luyện từ điện Kremlin đã sử dụng đòn thế ‘ném vai’ (Seo Nage) đặc trưng, tận dụng động lượng tiến về phía trước của đối thủ, lôi kéo Mỹ và phương Tây cuốn vào cuộc chiến với hàng loạt gói viện trợ khổng lồ cùng các loại vũ khí hiện đại để đưa vào đốt trong một chiến trường rực lửa. Ngay sau đó là các kỹ thuật ‘khóa khớp’ (Kansetsu-waza) sử dụng sức mạnh của đối thủ để gia tăng áp lực, nhằm kiểm soát và triệt tiêu đối thủ thông qua những chiến thuật chiến tranh tiêu hao kéo dài trên khắp các mặt trận theo cách của người Nga.

Từ giữa năm 2023, Mỹ và phương Tây đã bắt đầu giảm dần các gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Tình hình trở nên cấp thiết hơn vào cuối năm 2023 khi các quốc gia phương Tây nhận ra rằng, quyết tâm chính trị của họ trong việc ủng hộ Ukraine vì những mục đích và lợi ích của họ thì có thừa, nhưng thực tế nguồn lực của họ thì không phải vô hạn.
Ngày 3/10/2023, trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO buộc phải lên tiếng cảnh báo rằng các nước phương Tây đang sắp hết đạn – một thực tế tưởng chừng sẽ không bao giờ xảy ra với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hùng mạnh này nếu họ không trực tiếp tham gia một cuộc chiến toàn diện. "Vấn đề hiện tại đang trở nên trầm trọng vì chúng ta đã chuyển giao các hệ thống vũ khí kèm đạn dược cho Ukraine. Hiện tại chúng ta đang phải ‘vét đáy thùng’ tại các kho vũ khí trên toàn châu Âu – nơi mà lượng dữ trữ vốn đã vơi đi một nửa từ trước đó”, CNN dẫn lời Đô đốc Rob Bauer.
Điều này hoàn toàn trái ngược với các thông điệp thường xuyên lặp đi lặp lại trên CNN cũng như các phương tiện truyền thông phương Tây rằng quân đội Nga đang bị sa lầy và không đủ vũ khí đạn dược để đọ sức với các học thuyết chiến tranh và tiềm lực quốc phòng phương Tây, thậm chí khó có thể thay đổi cục diện chiến trường.

Vào giữa năm 2024, Ukraine đối diện với tình trạng khủng hoảng thiếu vũ khí và đạn dược nghiêm trọng. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov phát biểu với hãng tin Reuters rằng, ngay cả trước khi các gói tài trợ của Mỹ bị trì hoãn, Ukraine đã được giới chức Mỹ thông báo rằng không thể sản xuất đạn pháo nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu chiến đấu trên chiến trường Ukriane.
Một số quan chức Mỹ nói rằng Ukraine nên thay đổi cách tiếp cận với cuộc chiến này và hãy tự tìm cách khắc phục khi nguồn cung đạn dược bị cắt giảm. Nguồn lực quân sự mà Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine bị tiêu hao tới mức Tổng thống Mỹ Joe Biden khi đó buộc phải thừa nhận rằng nền công nghiệp quốc phòng và sản xuất vũ khí của liên minh NATO đang gặp phải vấn đề nghiêm trọng. “Chúng ta cần một chính sách công nghiệp quốc phòng mới ở phương Tây”, ông Biden nhấn mạnh tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7/2024.
Mặt trận Kharkiv và lớp vỏ của một mật mã đa diện
Bản chất của chiến tranh tiêu hao là một biện pháp quân sự mà trong đó bên tham chiến cố gắng chiến thắng bằng cách bào mòn sức mạnh của đối phương đến mức đối phương không còn khả năng tiếp tục chiến đấu.
Chiến tranh tiêu hao truyền thống đặc trưng bởi các chiến thuật phòng thủ cứ điểm kiên cố, sử dụng hỏa lực pháo binh và không quân áp đảo, tấn công cục bộ và hạn chế, tổ chức hậu cần và tiếp tế linh hoạt. Chiến tranh tiêu hao hiện đại bổ sung các kỹ thuật tác chiến với độ chính xác cao của hỏa lực vào các mục tiêu chọn lọc.
Chiến thuật tấn công của hình thái chiến tranh tiêu hao truyền thống thường mang tính thận trọng, tránh những cuộc đột kích quy mô lớn hay trực diện có thể dẫn đến tổn thất nặng nề. Thay vì tìm kiếm những trận đánh quyết định để tiêu diệt quân chủ lực của đối phương một cách nhanh chóng, chiến tranh tiêu hao tập trung vào việc kéo dài giao tranh, từng bước làm suy yếu đối phương thông qua những tổn thất liên tục về nhân lực, vật lực, và tinh thần.
Nói một cách đơn giản, chiến tranh tiêu hao là cuộc chiến xem ai bền bỉ hơn, ai chịu đựng giỏi hơn, và ai có nguồn lực dồi dào hơn để tiếp tục cuộc chiến đến cùng.
Sau những đòn phủ đầu ngụy trang bằng chiến thuật tấn công chớp nhoáng tại Ukraine mà các chuyên gia quân sự và báo chí phương Tây nhận định là thất bại, kế hoạch chiến tranh tiêu hao giằng co trên tất cả các mặt trận của quân đội Nga đã định hình rõ nét – một chiến thuật mà truyền thông phương Tây bóp méo là ‘sa lầy’, ‘thất bại’, thậm chí là ‘nỗi ô nhục của quân đội Nga’ như hàng loạt các bài báo, phân tích, bình luận được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, phổ biến và thao túng dư luận trên toàn cầu từ trước tới nay.
Và trên thực tế, kế hoạch Blitzkrieg mà phương Tây từng tốn rất nhiều giấy mực để phân tích chỉ là cái vỏ của những lớp mật mã đa diện, đòn phủ đầu và những màn ngụy trang cho một kế hoạch chiến tranh tiêu hao kéo dài pha trộn giữa các chiến thuật truyền thống và hiện đại được quân đội Nga thực hiện xuyên suốt và nhất quán kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra tại Ukraine.
Khác với những nhận định và bình luận có chủ đích của truyền thông phương Tây vốn được dịch nguyên ngữ và phổ biến trên diện rộng, hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, điển hình là mặt trận Kharkiv mang hình thái của một cuộc chiến tranh tiêu hao chiến lược. Mục tiêu của Nga không phải là chiếm đóng Kharkiv một cách chớp nhoáng – vốn được Ukraine và phương Tây lan truyền là ‘thất bại của kế hoạch Blitzkrieg’, mà là từng bước nghiền nát năng lực quân sự của Ukraine và cả nguồn lực đầu tư của Mỹ và phương Tây cho những toan tính địa chính trị tại châu Âu, làm suy yếu ý chí chiến đấu của đối phương, và tạo điều kiện cho các mục tiêu chiến lược dài hạn.
Chiến thuật chiến tranh tiêu hao theo cách của người Nga tại mặt trận Kharkiv có thể được nhận diện thông qua các yếu tố sau:
Ưu thế hỏa lực áp đảo và chiến thuật nghiền nát:
Theo số liệu thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga, được đăng tải trên RIA Novosti, pháo binh Nga đã liên tục giáng những đòn sấm sét vào các vị trí của Ukraine tại Kharkiv. Chỉ tính riêng trong năm 2024, pháo binh Nga đã thực hiện hơn 50.000 cuộc tấn công hỏa lực vào các mục tiêu quân sự Ukraine trong khu vực Kharkiv, phá hủy hàng trăm khẩu pháo, xe bọc thép, và tiêu diệt hàng ngàn binh sĩ đối phương. Rossiyskaya Gazeta đưa tin vào tháng 1/2025, các hệ thống pháo phản lực Tornado-S, pháo tự hành Msta-S được báo chí Nga ca ngợi là ‘vũ khí hủy diệt’, có khả năng khai hỏa với độ chính xác cao, phản pháo và ‘vô hiệu hóa hoàn toàn’ các trận địa hỏa lực của Ukraine. Trái ngược với những thông tin từ báo chí phương Tây về ‘sự thiếu chính xác’ của pháo binh Nga, Vzglyad dẫn lời một sĩ quan Nga khẳng định: “Chúng tôi không bắn bừa bãi. Mỗi quả đạn đều có mục tiêu rõ ràng, và chúng tôi đạt được độ chính xác đến từng mét nhờ hệ thống trinh sát và điều khiển hỏa lực hiện đại”.

Ngay cả các báo phương Tây như New York Times, Reuters, BBC cũng thường xuyên đưa tin về các cuộc pháo kích dữ dội của Nga vào Kharkiv và khu vực lân cận. Dù thường tập trung vào hậu quả nhân đạo, nhưng vô hình chung, truyền thông phương Tây cũng xác nhận cường độ hỏa lực mà Nga sử dụng. Tháng 5/2023, một bài báo đăng tải trên BBC ghi nhận: "Kharkiv vẫn hứng chịu các cuộc pháo kích gần như hàng ngày, khiến cuộc sống dân thường vô cùng khó khăn". Viện nghiên cứu chiến tranh ISW, dù có quan điểm ủng hộ Ukraine, cũng thường xuyên báo cáo về việc Nga duy trì cường độ pháo kích cao tại khu vực Kupiansk-Svatove thuộc mặt trận Kharkiv.
Từ góc độ chiến thuật, việc Nga triển khai pháo kích cường độ cao không chỉ đơn thuần là gây sát thương, mà là một phần của chiến lược tiêu hao có hệ thống. Pháo binh ‘thông minh’, kết hợp với trinh sát UAV và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại giúp Nga tấn công chính xác các mục tiêu quân sự quan trọng của Ukraine, phá hủy công sự, kho tàng, phá hủy hệ thống vũ khí khí tài và gây rối loạn hệ thống phòng thủ. Điều này buộc Ukraine phải tiêu hao nguồn lực của Mỹ và Ukraine thông qua các gói viện trợ quân sự để bù đắp tổn thất, và dần dần làm cạn kiệt khả năng chiến đấu cũng như nguồn cung viện trợ.
Tấn công chính xác hạ tầng quân sự, làm suy yếu nền tảng chiến tranh Ukraine:
Mạng truyền hình RT liên tục đưa tin về các cuộc tấn công tên lửa và UAV chính xác cao của Nga vào các mục tiêu hạ tầng quân sự trọng yếu của Ukraine tại Kharkiv và khu vực lân cận. “Trong một cuộc tấn công vào tháng 11/2024, tên lửa Nga đã phá hủy hoàn toàn một kho chứa đạn dược lớn của Ukraine gần Chuhuiv, Kharkiv, gây ra một vụ nổ lớn và làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng đạn dược cho quân đội Ukraine ở tiền tuyến,” RT dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết.
Theo số liệu thống kê trên Lenta, từ tháng 2/2022 đến nay, Nga đã phá hủy hơn 30 kho vũ khí lớn, hơn 20 trung tâm chỉ huy, và hàng chục cơ sở công nghiệp quân sự của Ukraine trong khu vực Kharkiv. Trong khi đó báo chí phương Tây tập trung vào ‘thiệt hại dân sự’, thường phóng đại và thiếu kiểm chứng, cố tình bỏ qua hoặc giảm nhẹ những thành công của Nga trong việc vô hiệu hóa tiềm lực quân sự của Ukraine cũng như phá hủy quy mô lớn các loại vũ khí khí tài hiện đại mà phương Tây viện trợ.

Tờ Kyiv Independent của Ukraine thường xuyên đăng tải thông tin cho thấy các cuộc tấn công tên lửa, UAV của Nga gây thiệt hại lớn về hạ tầng tại Kharkiv, đặc biệt là năng lượng và giao thông. Các kênh truyền thông phương Tây như CNN, Guardian cũng đưa tin về việc Nga tăng cường tấn công vào hệ thống năng lượng Ukraine, gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến cả quân sự và dân sự. Dù không trực tiếp thừa nhận các mục tiêu quân sự bị phá hủy, nhưng những thông tin này gián tiếp xác nhận hiệu quả của các đòn tấn công có chọn lọc của quân đội Nga.
Xét trên góc độ chiến thuật, các cuộc tấn công này không phải là ‘khủng bố’ dân thường như phương Tây cáo buộc, mà là một phần của chiến lược tiêu hao hiện đại. Bằng cách sử dụng vũ khí chính xác phá hủy có hệ thống các mục tiêu quân sự, hậu cần, và hạ tầng năng lượng, Nga đã làm suy yếu nền tảng chiến tranh của Ukraine, làm giảm khả năng tiếp tế cho tiền tuyến, làm gián đoạn hoạt động quân sự, và gây khó khăn cho việc điều động lực lượng.
Phòng thủ cứ điểm:
Các tờ Argumenty i Fakty và Vzglyad tường thuật chi tiết về hệ thống phòng thủ cứ điểm kiên cố mà quân đội Nga đã triển khai tại khu vực Kupiansk-Svatove. “Tuyến phòng thủ của Nga tại đây được ví như ‘bức tường thép’, với nhiều lớp công sự, chiến hào, lô cốt và bãi mìn dày đặc, được đan cài hỏa lực mạnh”. Thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga, được công bố trên tờ báo quân đội Krasnaya Zvezda cho biết: “Trong năm 2024, quân đội Ukraine đã mất hơn 15.000 binh sĩ và hàng trăm xe thiết giáp trong các cuộc phản kích bất thành vào phòng tuyến của Nga tại khu vực Kupiansk”.
Báo chí phương Tây thường xuyên thông tin bóp méo sự thật, chỉ trích ‘sự chậm chạp’ trong tiến công của Nga, nhưng họ không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng chính chiến lược phòng thủ cứ điểm này là một phần quan trọng của chiến lược chiến tranh tiêu hao của Nga, nhằm làm suy yếu đối phương từng ngày.

Các bài viết trên The Economist, Financial Times phân tích về sự kiên cố của hệ thống phòng thủ Nga và những tổn thất mà Ukraine phải gánh chịu trong các cuộc tấn công vào khu vực này. Một bài đăng trên Forbes vào tháng 2/2025 nhận định "Nỗ lực phản công của Ukraine tại Kupiansk đang sa lầy, quân đội Nga đã xây dựng một 'bức tường' phòng thủ rất khó xuyên thủng".
Từ góc độ chiến thuật, việc Nga không thực hiện các đòn tấn công chớp nhoáng quy mô lớn như nhận định ban đầu của Mỹ và phương Tây là một bước đi chiến lược trong chiến tranh tiêu hao. Bằng cách xây dựng thế trận phòng thủ phục vụ chiến thuật chiến tranh tiêu hao kéo dài trên chiến trường, Nga đã tạo ra một mặt trận giằng co kéo dài cho đối phương.
Mỗi nỗ lực tấn công của Ukraine đều phải trả giá bằng thương vong lớn và hao tổn trang thiết bị, trong khi Nga chỉ cần duy trì phòng thủ và tiếp tục gây áp lực bằng pháo binh và hỏa lực mạnh. Chiến tranh tiêu hao kéo dài càng có lợi cho Nga, quốc gia có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn hơn, có thể chịu đựng được sự kéo dài của xung đột tốt hơn Ukraine, và sẽ kéo Mỹ và phương Tây lấn sâu vào cuộc chiến thông qua các hoạt động viện trợ quân sự cho tới khi không thể duy trì được những ủng hộ này, giống như cách mà người Nga đã phàn đòn Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến giá dầu trước khi chiến tranh nổ ra.
Chiến tranh thông tin và tâm lý:
Mặc dù lép vế trên truyền thông quốc tế nhưng với cộng đồng nói tiếng Nga, các tờ Zvezda, Komsomolskaya Pravda, Lenta... của Nga đã triển khai một chiến dịch thông tin mạnh mẽ, nhấn mạnh vào những thành công của quân đội Nga, nêu tổn thất của Ukraine, và công kích các vấn đề nội bộ của chính quyền Kyiv.
“Số lượng binh sĩ Ukraine đào ngũ hoặc đầu hàng quân đội Nga tại mặt trận Kharkiv đang ngày càng gia tăng,” Komsomolskaya Pravda dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo Nga cho biết. “Tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine đang suy giảm nghiêm trọng do liên tục chịu tổn thất và thiếu hụt nguồn lực”, Lenta nhận định.
Với nỗ lực tổ chức các chiến dịch thông tin tuyên truyền quy mô lớn nhằm vào việc công kích Nga trên diện rộng, báo chí Ukraine và phương Tây cũng liên tục phản bác các thông tin tuyên truyền của Nga, tố cáo Nga tung tin giả, và cảnh báo về sự nguy hiểm của chiến tranh thông tin Nga. Các trang tin Liga và NV của Ukraine thường xuyên đăng bài vạch trần các "fake news" của Nga. Các tổ chức nghiên cứu phương Tây như Atlantic Council, Digital Forensic Research Lab cũng phân tích và chỉ ra các chiến dịch thông tin được cho là sai lệch của Nga. Tuy nhiên, sự tồn tại của những phản bác này cũng gián tiếp thừa nhận sự ảnh hưởng và mức độ lan tỏa của chiến tranh thông tin từ phía Nga, mặc dù chỉ giới hạn trong cộng đồng nói tiếng Nga.
Với góc độ chiến thuật, chiến tranh thông tin là một bộ phận không thể thiếu của chiến tranh tiêu hao hiện đại. Với chiến thuật chiến tranh tiêu hao của Nga, mục tiêu của thông tin không phải là ‘tuyên truyền’, mà tập trung vào tâm lý chiến, làm suy yếu ý chí chiến đấu của đối phương từ bên trong, gây rối loạn xã hội, và làm giảm sự ủng hộ từ phía người dân Ukraine với chính quyền của tổng thống Zelensky.
Bằng cách gieo rắc sự hoài nghi, sợ hãi, và chia rẽ, Nga mong muốn đẩy nhanh quá trình ‘tự suy yếu’ của Ukraine từ bên trong để thực hiện các ý đồ dài hơi hơn, thậm chí là những mục tiêu chính trị hậu chiến tranh.
Trên thực tế, cuộc chiến thông tin của Nga được thực hiện bằng tiếng Nga, không tạo được ảnh hưởng trên diện rộng ở quy mô quốc tế giống như cách mà Mỹ và phương Tây thực hiện bằng tiếng Anh, nhưng lại phát huy hiệu quả rõ rệt ở góc độ tâm lý chiến đối với một bộ phận rất lớn các binh sĩ và dân thường Ukraine – những cộng đồng nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ và lớn lên trong các biểu tượng văn hóa Nga.
***
Kyiv ngày 3/3/2025. Không khí trong căn phòng làm việc của Igor Volkov như đặc quánh lại cùng những thông tin mang sắc thái ảm đạm trên truyền thông Ukraine và phương Tây. Cặp kính dày cộp của nhà phân tích quân sự dán chặt vào màn hình máy tính với các số liệu phân tích xu hướng thông tin chủ đạo đang lan truyền. Từ khóa ‘Трамп’, “Trump” chuyển màu đỏ và tăng kích thước liên tục trên nền biểu đồ Tag Cloud. "Trump tuyên bố cắt viện trợ quân sự cho Ukraine"! Một thông điệp lạnh lùng nhưng được lan truyền chóng mặt với hàng trăm triệu tương tác – một cú hích truyền thông được đẩy lên đỉnh điểm sau hàng loạt thông tin về cuộc đấu khẩu giữa Trump và Zelensky tại Nhà Trắng cũng như các phát ngôn chỉ trích Zelensky của vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.
Giữa những ồn ào thông tin được nén lại trong không khí tĩnh lặng của căn phòng chất đống hồ sơ chiến tranh, Igor hình dung từng động tác uyển chuyển và đòn thế Judo không phô trương nhưng có sức nặng ghê gớm trong các video mà võ sư Putin từng thể hiện, bất chợt liên tưởng tới cảm giác khi xem buổi trả lời phỏng vấn CNN của Trump vào tháng 9 năm trước.
Tại mặt trận Kharkiv cũng như trên toàn chiến trường Ukraine, bằng chiến thuật chiến tranh tiêu hao lặng lẽ và tàn khốc, Putin đã âm thầm cài thế rồi tung ra những đòn đánh hiểm hóc dựa trên sức mạnh của đối thủ, bào mòn và khống chế đối thủ, cho tới khi cỗ máy in tiền và sản xuất vũ khí lớn nhất cung cấp cho Ukraine buộc phải dừng hoạt động. Liệu cuộc đối thoại sắp tới giữa Donald Trump và Vladimir Putin có phải là nước cờ quyết định, khép lại một giai đoạn chiến tranh khốc liệt, để mở ra một chương mới, nơi cục diện chiến trường Ukraine sẽ được định đoạt theo cách của người Nga và người Mỹ?
Igor Volkov ngả người trên chiếc ghế da cũ kỹ màu đỏ san hô đặc trưng của Kyiv, nhếch mép nhìn điếu thuốc Belomorkanal đang cháy dở trên tay, nhớ lại những chiến dịch bóp méo thông tin và thao túng dư luận thế giới của báo chí phương Tây trong 3 năm qua…
Qua lăng kính đa chiều, chúng ta đã cùng nhau bóc tách lớp vỏ thông tin nhiễu loạn, vượt qua những diễn giải bị bóp méo xuất hiện dày đặc trên truyền thông 3 năm qua để thấu hiểu logic chiến sự tại mặt trận Kharkiv, nhận diện những chiến thuật mang tính bước ngoặt, và đặc biệt là khám phá đòn thế bí ẩn của người Nga tại tại mặt trận Kharkiv nói riêng và toàn bộ chiến trường Ukraine nói chung.
Chúng ta đã cùng tìm hiểu hình thái chiến tranh tiêu hao qua thực tế những diễn biến của mặt trận, một hình thái tác chiến kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, nơi sức mạnh quân sự không chỉ đo đếm bằng vũ khí, mà còn ở bản lĩnh, sự kiên trì, và khả năng tính toán chiến lược dài hạn.
Chỉ khi hiểu được cách mà người Nga triển khai hình thái chiến tranh tiêu hao tại Ukraine, cũng như các triết lý của môn võ Judo mà cựu sĩ quan tình báo Vladimir Putin vận dụng trong ván cờ sinh tử này, chúng ta mới có thể hình dung được, người Nga sẽ kết thúc cuộc chiến này như thế nào.
Và 'Hồ sơ chiến tranh Ukraine' vẫn còn rất nhiều mật mã đa diện, sẽ được bạch hóa trong phần tiếp theo dưới những phân tích của tác giả Dương Minh, kính mời quý vị tiếp tục theo dõi.
Tác giả: Dương Minh
Đồ họa: Thanh Nga


Sự thay đổi liên tục về chính sách thuế quan của ông Trump khiến thị trường toàn cầu lo ngại, các nhà đầu tư đang đau đầu tính toán xem liệu Tổng thống Mỹ có ý định áp dụng thuế quan vĩnh viễn hay chỉ coi đó là công cụ để thương lượng.
Tại Myanmar, giữa đống đổ nát, đói khát và tuyệt vọng, vẫn có những câu chuyện về lòng trắc ẩn, sự kiên cường và những phép màu mong manh nhen nhóm hy vọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ ý định mua lại Greenland từ Đan Mạch, thậm chí tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để kiểm soát hòn đảo này.
Trận động đất lên tới 7,9 độ richter xảy ra chiều 28/3 đã gây thiệt hại kinh hoàng cho Myanmar và ảnh hưởng nghiêm trọng đến một số quốc gia láng giềng. Số người thiệt mạng đã lên tới gần 1700 và vẫn còn tăng. Tổn thất kinh tế chưa thể đo đếm được.
Anh và Pháp đang nỗ lực phối hợp với các nước châu Âu trong một nhóm gọi là “Liên minh tự nguyện” để đảm bảo an ninh cho Ukraine nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga.
Vụ việc rò rỉ tin nhắn tuyệt mật vừa qua không chỉ gây rúng động giới chính trị và an ninh quốc gia Mỹ, mà còn đặt ra hàng loạt câu hỏi về quy trình bảo vệ thông tin mật của Nhà Trắng.
0