Chiến sự ngày 10/3: Nga 'luồn ống', tập kích Ukraine ở Kursk

Lực lượng đặc nhiệm Nga ngày 10/3 đã di chuyển bên trong đường ống dẫn khí đốt để tập kích lực lượng Ukraine từ phía sau ở khu vực Kursk. Trong khi đó, phái đoàn Ukraine và Mỹ bắt đầu lên đường tới Ả Rập Xê Út để chuẩn bị cho cuộc đàm phán ngày 11/3.

Quân Nga “luồn ống”, tập kích Ukraine ở Kursk

Theo các bài đăng trên Telegram của blogger Yuri Podolyaka người Ukraine thân Nga, khoảng hơn 100 đặc vụ Nga đã đi bộ khoảng 15 km bên trong đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod có đường kính khoảng 1,4 mét, nằm ở phía Bắc Sudzha, từng được sử dụng để vận chuyển khí đốt cho châu Âu qua Ukraine trước khi ngừng hoạt động khi thỏa thuận trung chuyển hết hạn hồi tháng 1/2025. Một số binh lính Nga đã dành nhiều ngày trong đường ống trước khi tấn công các đơn vị Ukraine từ phía sau ở vị trí gần Sudzha.

Bộ Quốc phòng Ukraine công bố hình ảnh cho thấy, binh sĩ Nga "luồn" trong đường ống dẫn khí đốt ở Kursk. (Ảnh: Reuters).

Một blogger chiến tranh khác, sử dụng bí danh Two Majors, cho biết giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Sudzha và lực lượng Nga đã tiến vào thị trấn thông qua một đường ống dẫn khí đốt. Các kênh Telegram của Nga đã đăng ảnh những người mà họ cho là đặc vụ của lực lượng đặc biệt, đeo mặt nạ phòng độc và di chuyển dọc bên trong một đường ống lớn.

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 10/3 cho biết rằng, "các nhóm phá hoại và tấn công" của Nga đã sử dụng đường ống này để cố gắng giành được chỗ đứng bên ngoài Sudzha. Trong một bài đăng trên Telegram, họ cho biết quân đội Nga đã "bị phát hiện kịp thời" và Ukraine đã đáp trả bằng tên lửa và pháo binh.

Video được quân đội Ukraine công bố cho thấy, máy bay không người lái (UAV) phát hiện một số nhóm lính Nga bằng cảm biến ảnh nhiệt. Nhiều loạt pháo và đạn chùm sau đó công kích khu vực, nhưng không có dấu hiệu của các đơn vị Nga và chưa rõ kết quả. Bộ tổng tham mưu Ukraine cũng cho biết, lực lượng Ukraine đã đẩy lùi 27 cuộc tấn công của lực lượng Nga ở khu vực Kursk trong 24 giờ qua.

Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công xuyên biên giới táo bạo vào Kursk vào tháng 8/2024, đánh dấu cuộc tấn công lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II. Chỉ trong vài ngày, các đơn vị Ukraine đã chiếm được 1.000 km2 lãnh thổ Nga, bao gồm thị trấn biên giới chiến lược Sudzha và bắt giữ hàng trăm tù binh.

Theo Kiev, chiến dịch này nhằm giành được một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai, buộc Nga phải chuyển hướng tấn công khỏi miền Đông Ukraine.

Nhưng nhiều tháng sau cuộc tấn công chớp nhoáng, binh lính Ukraine ở Kursk đã mệt mỏi vì các cuộc tấn công liên tục của khoảng 50.000 quân Nga ở khu vực này. Bản đồ nguồn mở về chiến trường cho thấy, hàng chục nghìn binh lính Ukraine có nguy cơ bị bao vây ở Kursk.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/3 tuyên bố rằng, quân đội của họ đã giành lại được bốn ngôi làng ở phía Bắc và Tây Bắc Sudzha, ngôi làng gần nhất nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 12 km. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi cơ quan trên báo cáo việc giành quyền kiểm soát thêm ba ngôi làng gần Sudzha. Ukraine không bình luận ngay về tuyên bố của Nga.

Nga phóng 176 UAV tấn công Ukraine trong đêm

Quân đội Ukraine thông báo đã bắn hạ 130 máy bay không người lái của Nga tấn công nước này trong đêm 10/3, trong khi vô hiệu hóa 42 máy bay khác nhờ các biện pháp đối phó chiến tranh điện tử.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị phóng UAV ở Donetsk. (Ảnh: New York Times).

Ở chiều ngược lại, giới chức Nga và các kênh Telegram đưa tin rằng, máy bay không người lái của Ukraine đã nhắm vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở miền Nam và miền Trung nước Nga vào đêm 9/3. Một máy bay không người lái đã tấn công một kho dầu ở Cheboksary, một thành phố của Nga trên sông Volga cách biên giới khoảng 1.000 km. Đoạn phim được lan truyền trên các kênh Telegram của Nga về vụ hỏa hoạn dường như xảy ra tại hoặc gần một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga ở thành phố Ryazan phía Nam.

Shot, một kênh tin tức trên Telegram, trích dẫn lời người dân địa phương cho biết, họ nghe thấy một số tiếng nổ vào ban đêm gần nhà máy lọc dầu. Thống đốc địa phương, Pavel Malkov, cho biết máy bay không người lái của Ukraine đã bị bắn hạ gần đó. Ông tuyên bố không có thương vong hoặc thiệt hại nào.

Ukraine - Mỹ chuẩn bị đàm phán ở Ả Rập Xê Út

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 10/3 đã lên đường tới Ả Rập Xê Út trước thềm cuộc hội đàm dự kiến với phái đoàn quan chức Mỹ, do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu.

Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ đến Ả Rập Xê Út vào ngày 10-12/3 để hội đàm với các đối tác Ukraine. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út thông báo rằng, Tổng thống Ukraine sẽ có cuộc gặp với Thái tử Mohammed bin Salman trước khi gặp các quan chức Mỹ vào ngày 11/3 ở thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ.

Trong bối cảnh chiến sự kéo dài và quân đội Ukraine đang rơi vào tình thế khó khăn sau khi Mỹ ngừng viện trợ quân sự và chia sẻ thông tin tình báo, cuộc đàm phán giữa Kiev và Washington tại Ả Rập Xê Út đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định hướng đi của cuộc xung đột đã bước sang năm thứ tư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine sau cuộc tranh cãi gay gắt ở Nhà Trắng. (Ảnh: New York Times).

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, đây sẽ là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Kiev và Washington kể từ khi Tổng thống Ukraine Zelensky có cuộc tranh cãi gay gắt với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 28/2. Hồi tháng 2/2025, ông Zelensky đã dự kiến có chuyến thăm Ả Rập Xê Út, song chuyến đi đã bị hủy vào phút chót, trong bối cảnh phái đoàn cấp cao Nga-Mỹ đã có cuộc đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine và quan hệ song phương vào ngày 18/2.

Lần này, trước chuyến thăm dự kiến ​​ đến Ả Rập Xê Út, ông Zenlensky đã thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng, ông đang lên kế hoạch gặp Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, đồng thời cho biết thêm: "Ukraine quan tâm nhất đến hòa bình. Như chúng tôi đã nói với Tổng thống Trump, Ukraine đang và sẽ làm việc hoàn toàn mang tính xây dựng để có được hòa bình nhanh chóng và đáng tin cậy".

Theo ông Ivan Us, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine, việc tổ chức cuộc hội đàm Mỹ - Ukraine cũng như hội đàm Mỹ - Nga trước đó sẽ nâng vị thế của Ả Rập Xê Út, trước khi nước này dự kiến công bố khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào Mỹ nhân chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Riyadh là để chứng minh thiện chí đàm phán với Mỹ, cũng là tín hiệu gửi đến đối tác châu Âu rằng Kiev muốn hạ nhiệt chứ không phải leo thang xung đột.

Các nhà quan sát không loại trừ khả năng một thỏa thuận cho phép Mỹ tiếp cận quyền khai thác đất hiếm ở Ukraine có thể nằm trên bàn đàm phán ở Ả Rập Xê Út. Một thỏa thuận như vậy đáng lẽ đã được ký kết tại Nhà Trắng vào ngày xảy ra cuộc tranh cãi giữa ông Zelensky và ông Trump. Nếu không có thỏa thuận này, hai bên khó có thể tiếp tục đối thoại về một thỏa thuận hòa bình trong tương lai. Các chuyên gia cũng cho rằng, Mỹ có thể gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng bộ về lãnh thổ, mặc dù cho đến nay Kiev vẫn chưa cho thấy họ sẵn sàng làm như vậy.

“Khẩu chiến” Mỹ - Ba Lan về Starlink của Elon Musk

Mối lo ngại rằng Elon Musk có thể tắt dịch vụI,nternet vệ tinh Starlink tới Ukraine đã kích động một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội X, giữa tỷ phú Elon Musk, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio.

Màn "đấu khẩu" trên xuất phát từ một bài đăng của tỉ phú Elon Musk trên mạng xã hội X khi ông viết rằng: "Toàn bộ phòng tuyến của Ukraine sẽ sụp đổ nếu tôi tắt Starlink".

Starlink là dịch vụ Internet vệ tinh do công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk điều hành

Đáp lại, Ngoại trưởng Ba Lan đã viết trên X rằng, hệ thống Starlink vẫn tiếp tục hoạt động được ở Ukraine là do "Bộ số hóa Ba Lan chi trả với chi phí khoảng 50 triệu USD mỗi năm", và rằng nếu tập đoàn SpaceX của Elon Musk, đơn vị điều hành Starlink "chứng tỏ là một nhà cung cấp không đáng tin cậy", Ba Lan "sẽ buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác".

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng nhập cuộc và nói với Ngoại trưởng Ba Lan rằng: "Không ai đưa ra bất kỳ lời đe dọa nào về việc cắt đứt Ukraine khỏi Starlink. Và hãy nói cảm ơn vì nếu không có Starlink, Ukraine đã thua cuộc chiến này từ lâu và người Nga sẽ ở biên giới với Ba Lan ngay lúc này".

Trên thực tế, người Nga đã ở biên giới với Ba Lan vì khu vực Kaliningrad của Nga nằm trên biên giới phía Bắc của Ba Lan.

Cuộc trao đổi qua lại giữa ba người kết thúc với lời cảm ơn của ông Sikorski dành cho ông Rubio: “Cảm ơn ông Marco, vì đã xác nhận rằng những người lính dũng cảm của Ukraine có thể tin tưởng vào dịch vụ Internet quan trọng do Mỹ và Ba Lan cung cấp chung. Cùng nhau, châu Âu và Mỹ có thể giúp Ukraine đạt được một nền hòa bình công bằng”.

Pháp công bố gói viện trợ mới cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu cho biết, chính quyền Paris sẽ sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ thêm 195 triệu euro (tương đương 211 USD) vũ khí cho Ukraine. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Tribune Dimanche, ông Lecornu cho biết Paris sẽ gửi đạn pháo 155 mm mới và bom lượn cho các máy bay chiến đấu Mirage 2000 mà nước này đã cung cấp cho Ukraine trước đó.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các tàu hải quân Trung Quốc và Nga đã tham gia cuộc tập trận chung "Vành đai An ninh Hàng hải 2025" tại Iran vào ngày 10/3.

Ảnh hưởng của lực lượng Ukraine tại khu vực Kursk mà Nga kiểm soát đã giảm đi đáng kể, khiến họ có nguy cơ mất đi quân bài mặc cả quan trọng vào thời điểm bước ngoặt của cuộc chiến.

Lực lượng đặc nhiệm Nga ngày 10/3 đã di chuyển bên trong đường ống dẫn khí đốt để tập kích lực lượng Ukraine từ phía sau ở khu vực Kursk. Trong khi đó, phái đoàn Ukraine và Mỹ bắt đầu lên đường tới Ả Rập Xê Út để chuẩn bị cho cuộc đàm phán ngày 11/3.

Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa đã cáo buộc những người trung thành với Tổng thống bị lật đổ Bashar al- Assad, cùng các thế lực bên ngoài, đang cố gắng gây bất ổn cho quốc gia này.

Mỹ chiếm 43% thị phần vũ khí toàn cầu, tăng 35% so với giai đoạn 2015-2019, được coi là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.

Chính phủ Argentina tuyên bố quốc tang ba ngày để tưởng niệm các nạn nhân của trận mưa lũ lịch sử tại thành phố cảng Bahia Blanca, làm ít nhất 16 người thiệt mạng và 128 người mất tích.