Công bố chỉ số PCI 2021: Gọi tên "Quán quân" 5 năm liên tiếp

(HanoiTV) - Quảng Ninh liên tiếp giữ vị trí “Quán quân” trong 5 năm về chỉ số PCI, tiếp đó đến Hải Phòng, Đồng Tháp, Đà Nẵng. Đây là dữ liệu được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021.

Môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt

Theo Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, Quảng Ninh duy trì vị trí quán quân năm thứ 5 liên tiếp với 73,02 điểm trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí Á quân của bảng xếp hạng PCI với 70,61 điểm. Lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là Đồng Tháp (70,53 điểm) và Đà Nẵng (70,42 điểm).

Các tỉnh, thành phố tiếp theo trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2021 bao gồm Vĩnh Phúc (69,69 điểm), Bình Dương (69,61 điểm), Bắc Ninh (69,45 điểm), Thừa Thiên-Huế (69,24 điểm), Bà Rịa-Vũng Tàu (69,03 điểm), và Hà Nội (68,60 điểm).

Nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2021 bao gồm Vĩnh Phúc, Bình Dương, Bắc Ninh, Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu , và Hà Nội 

Báo cáo PCI 2021 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.312 doanh nghiệp, trong đó có trên 10.127 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 22 địa phương tại Việt Nam.

Trình bày bản báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Giám đốc Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra các xu hướng nổi bật. Rõ nhất là môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2021 đã có những chuyển biến tích cực so với những năm trước đây.

Các chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân. PCI 2021 ghi nhận những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương. “Có tới 85,6% doanh nghiệp nhận thấy “UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi”, 74% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “khi quy định của Trung ương chưa rõ ràng, UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh” và 62% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế tư nhân” – ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, kết quả điều tra doanh nghiệp FDI ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam. Gánh nặng thanh, kiểm tra đã giảm, cùng với những chuyển biến tương đối tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực. Gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm. Chất lượng lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện tương đối rõ rệt theo thời gian.

Toàn cảnh lễ công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021
  Chi phí không chính thức giảm ấn tượng

Bên cạnh việc đánh giá về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại các địa phương, Báo cáo PCI 2021 còn cho thấy, năm 2021, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức nói chung giảm xuống 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%).

Một điểm sáng của PCI 2021, theo ông Đậu Anh Tuấn, là dù dịch bệnh xảy ra rất phức tạp nhưng dòng chảy cải cách từ địa phương tại Việt Nam dường như vẫn được duy trì. Điểm số của tỉnh trung vị trong PCI tiếp tục tăng với những cải thiện mạnh mẽ của thủ tục hành chính, việc giảm ấn tượng của chi phí không chính thức.

“Dịch bệnh Covid-19 có thể tạo ra khó khăn lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp, làm giảm đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hai năm vừa qua nhưng chúng tôi tin rằng với sự chủ động, năng động và tích cực của bộ máy chính quyền các tỉnh, thành phố thì dịch bệnh không thể làm trì hoãn các chương trình cải cách môi trường kinh doanh đang được tiến hành rất mạnh mẽ tại cấp cơ sở của Việt Nam” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Đặc biệt, kết quả phân tích dữ liệu PCI nhìn chung cho thấy hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể, 87% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% doanh nghiệp đồng tình với nhận định “Doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục.” Với các nhận định “thủ tục giấy tờ đơn giản” và “thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn so với quy định pháp luật,” tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý lần lượt là 74% và 80%.

Covid-19 tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp xuất khẩu

Chia sẻ thông tin, ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết, dữ liệu điều tra cho thấy COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp với mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng nhóm doanh nghiệp. Có tới 92% doanh nghiệp (cụ thể, 94% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 86% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) cho biết hoạt động của họ trong năm 2021 bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 (năm 2020 là 87%) ; Các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý và tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như tiếp cận khách hàng quốc tế. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu coi đây là mối quan tâm hàng đầu, với gần 75% phản ánh khó khăn về nhân lực.

 GS.TS. Edmund Malesky Trưởng nhóm nghiên cứu PCI Giám đốc Trung tâm Phát triển Quốc tế Đại học Duk cho rằng, để duy trì sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần tập trung cải cách những lĩnh vực thủ tục hành chính về thuế, phòng cháy, xuất nhập khẩu, đăng ký đầu tư và bảo hiểm xã hội. Việt Nam cũng cần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư có công trình xây dựng, cụ thể là cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy, đánh giá tác động môi trường. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần tiếp tục đẩy mạnh, đặc biệt trong một số lĩnh vực như xuất nhập khẩu, thanh kiểm tra, thủ tục tố tụng tòa án và thủ tục hành chính đất đai.

Triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, PCI là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền địa phương, môi trường cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá: “PCI 2021 công bố ngày hôm nay (27/4) là năm thứ 17 liên tiếp, kể từ năm 2005. 17 năm vừa qua là 17 năm của sự bền bỉ, nỗ lực, 17 năm của những đánh giá khách quan, trung thực và 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh.”

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
Từ khóa:
user image
user image
User
Ý KIẾN

Những bất ổn trong bối cảnh thuế quan mới của Mỹ đang khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng, dẫn đến sự co hẹp của dòng tiền, giảm thanh khoản và tạo áp lực bán tháo trên diện rộng.

Thuế quan sẽ là một "cơn gió ngược" đối với các ông lớn trong ngành giày thể thao, làm tăng sự biến động trong thương mại mà các nhà bán lẻ giày dép đang cố gắng điều hướng.

Da giày nằm trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chịu tác động lớn trước chính sách thuế mới của Mỹ, các doanh nghiệp ngành này đang tìm cách ứng phó để giảm tác động đối với sản xuất kinh doanh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy biến động, giảm hơn 100 điểm chỉ trong hai phiên cuối tuần do ảnh hưởng từ thông tin Mỹ áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa từ nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam.

Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm sâu vào ngày 7/4, nhiều chỉ số chạm đáy sau nhiều năm, khiến một số thị trường phải tạm dừng giao dịch.

Mới đây, Keppel đã thoái toàn bộ 42% vốn tại liên doanh giữa Tiến Phước, Keppel Land và Trần Thái, chính thức rút khỏi dự án do lỗ luỹ kế 32 tỷ đồng.