Trường tồn giá trị di sản thời đại Hùng Vương
Người dân nô nức tham gia lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Như một nét văn hóa quen thuộc mỗi dịp Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch, Khu di tích lịch sử Đền Hùng lại đón hàng vạn lượt người từ khắp nơi về dâng hương, tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng. Với nhiều người, đây là hành trình về nguồn, để hiểu hơn về lịch sử và bồi đắp tình yêu với quê hương, dân tộc.
Chị Nguyễn Thị Trang (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ: "Vĩnh Phúc rất gần Phú Thọ, nên nhân dịp lễ Giỗ Tổ, tôi đã đưa các em học sinh về đây để học tập thực tế, cũng là cơ hội để các em tìm hiểu về cội nguồn, nhớ về lịch sử".
Ghi nhận tại khu di tích, dù thời tiết có lúc mưa nhẹ, nhưng lượng người dân và du khách đổ về vẫn rất đông. Các lối lên các đền, chùa trong khu di tích luôn kín người. Tuy nhiên không có tình trạng chen lấn, xô đẩy. Lực lượng an ninh được bố trí dày đặc tại các điểm trọng yếu để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, đảm bảo an toàn và trật tự trong suốt hành trình hành lễ.
Cũng từ những dịp như thế này, người ta lại thấy rõ hơn sự gắn kết trong cộng đồng, lòng biết ơn với tổ tiên và mong muốn cùng nhau xây dựng đất nước. Tất cả diễn ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, như một phần quen thuộc trong đời sống tinh thần của người.
Bảo vật Quốc gia thời đại Hùng Vương
Nằm trong khuôn viên Khu di tích Đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương như một chiếc hộp thời gian lưu giữ dấu ấn các thời đại Vua Hùng từ thời kỳ sơ khai đến thịnh vượng. Một trong những giai đoạn quan trọng nhất thời đại vua Hùng là niên đại 2.000 - 1.500 năm trước công nguyên, hay còn được gọi là văn hoá Phùng Nguyên, mở đầu cho các giai đoạn văn hoá khác trên lưu vực sông Hồng.
Bảo tàng Hùng Vương hiện đang lưu giữ hơn 700 hiện vật gốc, trong đó có 2/4 bảo vật Quốc gia minh chứng về một huyền sử của những người Việt cổ. Bảo vật Quốc gia bộ khóa đai lưng bằng đồng cách đây khoảng 2.500 năm là hiện vật độc bản đầu tiên và duy nhất đến nay được tìm thấy tại Phú Thọ. Cùng với giá trị chứng minh lịch sử, bộ khóa đai lưng bằng đồng còn thể hiện trình độ luyện kim đồng thau tinh xảo, tư duy thẩm mỹ cao của tổ tiên chúng ta thời Hùng Vương với nghệ thuật trang trí có tính biểu tượng cao. Tạo hình mặt ngoài của mỗi bộ phận trong đai lưng là hình bốn con rùa, một trong tứ linh của nước ta, xen lẫn với các hoa văn xoắn ốc hình chữ S.
Đặt bên cạnh là chiếc trống đồng thể hiện kỹ thuật đúc đồng, trang trí đỉnh cao thời bấy giờ. Những hoa văn tinh xảo, khá phong phú và cách điệu cao trên trống đồng đã phản ánh được tư duy và cuộc sống của con người thời đại Hùng Vương. Một giả thiết đã đặt ra với giới nghiên cứu: đây có thể là chiếc trống đã sử dụng trên núi Nghĩa Lĩnh để cầu mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp Lạc Việt.
Không chỉ có những bảo vật, một di sản khác tại Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đó là tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương. Thời kỳ các Vua Hùng dựng nước đã chọn mảnh đất Phong Châu (tỉnh Phú Thọ ngày nay) nằm bên bờ sông Hồng làm nơi đóng đô, xây dựng Nhà nước Văn Lang. Chung với dòng chảy văn minh sông Hồng, những người Việt cổ đã khai phá những miền đất mới, những dấu tích về những Vua Hùng trong thời kỳ dựng nước được tìm thấy ở khắp nơi, trong đó có Thăng Long xưa.
Cho đến nay, cội nguồn dân tộc luôn giữ một vị trí thiêng liêng và cao quý với câu nói của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải giữ lấy nước”. Đặc biệt khi năm nay tròn 50 năm đất nước thống nhất non sông, giá trị về cội nguồn lại càng toả sáng, rực rỡ và đầy tự hào.
Dấu ấn thời Hùng Vương phồn thịnh ở Hà Nội
Khu di tích Cổ Loa - mảnh đất từng là kinh đô của nước Âu Lạc dưới thời An Dương Vương. Gần 2.000 năm trước, nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc.
Ngày nay, dấu tích còn lại không nhiều nhưng đằng sau đó là cả một lớp trầm tích lịch sử sâu dày, minh chứng cho một thời kỳ phồn thịnh của cha ông ta trong buổi đầu dựng nước. Cổ Loa - miền đất của người Việt cổ, các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa đã minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên lục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ từ Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun, mà đỉnh cao là văn hóa Đông Sơn.
Hà Nội hiện có nhiều di chỉ từ thời Đông Sơn, điển hình như: Đình Tràng, Đường Mây, Bãi Mèn, Đồng Vông… Tại các di chỉ này đã tìm được số lượng lớn đồ đá, gốm, sắt với nhiều loại hình khác nhau như công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức, nhạc khí… Những phát hiện này đã khẳng định sự phát triển phồn thịnh của thời đại Hùng Vương, với những tiến bộ trong đời sống nông nghiệp, giàu có trong đời sống tinh thần.
Đồng thời, đây cũng là dữ liệu cho thấy thành tựu của người Việt cổ trong việc chinh phục đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với sự chuyển dời kinh đô từ Việt Trì - Bạch Hạc (Phú Thọ) về Cổ Loa (Đông Anh). Sự phồn thịnh của thời đại Hùng Vương trên đất Hà Nội không chỉ thể hiện qua các di chỉ khảo cổ mà còn lưu dấu đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần, đã và đang được tiếp nối tới ngày nay. Trên đất Hà Nội có hai trung tâm tín ngưỡng dân gian in đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương, gồm: lễ hội Phù Đổng thờ Thánh Gióng và tục thờ Tản Viên Sơn Thánh.
Phát huy các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Hà Nội, thành phố đã quan tâm đầu tư tôn tạo, phục hồi di tích; phục dựng, bảo tồn, vinh danh nhiều nghi lễ thờ cúng, di sản văn hóa phi vật thể liên quan… Tuy nhiên cần có quy hoạch khảo cổ để các di sản không bị xâm lấn, cũng như lập bản đồ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, xâu chuỗi các di tích, di sản liên quan đến thời đại này để tạo nền móng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị, nhất là giáo dục lịch sử, văn hóa.
Những dấu tích lịch sử - văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương vẫn được nhân dân Thủ đô gìn giữ và phát huy trong niềm tự hào về nguồn cội. Điều đó minh chứng di tích lịch sử - văn hóa thời đại Hùng Vương là một phần quan trọng trong di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Nhớ nguồn cội từ những ngôi đền thờ Vua Hùng trong lòng TP.HCM
Nằm tọa lạc giữa lòng TP.HCM, đền thờ các Vua Hùng tại công viên Tao Đàn, quận 1 là điểm đến linh thiêng, mang giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc. Ngay trong những ngày tháng 3 âm lịch, nơi đây đã thu hút rất nhiều người dân du khách đến dâng hương lên Quốc Tổ Hùng Vương.
Những ngày gần đến Giỗ Tổ, không khí tại đền tưởng niệm các Vua Hùng trong công viên Tao Đàn trở nên đặc biệt linh thiêng và trang trọng. Trong dòng người tụ về đây thực hiện các nghi lễ tưởng niệm, dâng hương các Vua Hùng, có rất đông các bạn trẻ là học sinh, sinh viên thế hệ tương lai của đất nước.
Được xây dựng từ năm 1992, đền tưởng niệm các Vua Hùng công viên Tao Đàn có lối kiến trúc tam quan của đền chùa Việt. Chính điện của đền gồm có ba gian: gian giữa là nơi thờ Quốc Tổ Hùng Vương, gian bên trái thờ Mẫu Âu Cơ, gian bên phải thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong sân đền có một phiên bản cột đá Thề dựa trên nguyên mẫu ở đền Hùng Phú Thọ, ngoài ra đền cũng được trưng bày nhiều hiện vật gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Đây cũng là lối kiến trúc phổ biến tại nhiều đền thờ Vua Hùng lớn tại TP.HCM.
Em Tô Hoàng Diễm Quỳnh (học sinh TP.HCM) chia sẻ: "Bản thân em là một học sinh, em cũng muốn tìm hiểu về nguồn cội của mình, về công của Vua Hùng đã dựng nước như thế nào. Em thấy những tượng trống đồng hay những trụ đá, những họa tiết này đều gắn liền với giá trị văn hóa và lịch sử Việt Nam".
Không chỉ có các đền thờ lớn, TP.HCM còn sở hữu những ngôi đền nhỏ nằm rải rác trong các khu dân cư, như đền thờ Vua Hùng trong hẻm đường Trần Bình Trọng, quận 5. Mặc dù nơi đây không lớn như các đền thờ trung tâm, nhưng mỗi dịp Giỗ Tổ, mọi tầng lớp nhân dân trong khu vực và lân cận vẫn tìm về chuẩn bị lễ cúng, dâng hương tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng.
Trong xã hội ngày càng phát triển, nhịp sống này càng vội vã, những ngôi đền trong lòng TP.HCM trở thành một điểm tựa tinh thần, một không gian giúp mọi người kết nối với cội nguồn, với văn hóa dân tộc. Đặc biệt là vào dịp Giỗ Tổ, người dân TP.HCM rói riêng và cả nước nói chung lại cùng nhau tưởng nhớ, bày tỏ sự tri ân sâu sắc đối với các Vua Hùng, những người khai sáng nền văn minh nước Việt.
Thời đại các Vua Hùng, những đặc trưng của lịch sử văn hóa Vua Hùng có giá trị to lớn, là niềm tự hào lớn lao, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Khi khoa học kỹ thuật phát triển không ngừng trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay, con người ta dễ bị cuốn theo những thứ hào nhoáng, xô bồ; văn hóa dân tộc trở thành sức mạnh tinh thần để mỗi người dân đất Việt luôn ý thức được giá trị cốt lõi và nhận thức được bản thân mình để không ngừng rèn đức luyện tài, bồi đắp ý chí dựng xây đất nước, như lời dạy của Bác Hồ kính yêu:
“Các Vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.


Được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng có sức lan tỏa, trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc.
Lễ hội bơi làng Đăm - di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã khai mạc vào chiều 6/4 sau 7 năm vắng bóng, mang không khí sôi động trở lại trên dòng sông Pheo của phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.
Thời đại Hùng Vương là một giai đoạn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc, bởi đây là thời đại mở đầu dựng nước, hình thành nên những giá trị văn hóa nền tảng của quốc gia. Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta hãy cùng nhìn lại thời kỳ khởi thủy đầy hào hùng này để hiểu hơn và thêm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Lễ tri ân cha mẹ với chủ đề “Bách thiện hiếu vi tiên” vừa được tổ chức tại Hà Nội nhằm tôn vinh đạo hiếu, khơi dậy sự gắn kết trong gia đình.
Triển lãm 'Sáng trong ngọc kính' trưng bày 8 tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Bùi Văn Toản được tạo nên từ những mảnh kính vỡ khắc họa chân dung của những nhân vật huyền thoại của Việt Nam.
Chùa Tây Phương thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất được mệnh danh là “đệ nhất cổ tự” của Hà Nội, thể hiện rõ nét nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Việt.
0