Hành trình 50 năm phát triển xuất khẩu của TP.Hồ Chí Minh

Từ những mặt hàng thâm dụng sức lao động, chuyển sang hàng hóa có hàm lượng chất xám cao, giá trị gia tăng lớn, suốt 50 năm qua, TP. Hồ Chí Minh vẫn đang kiên trì trên hành trình đưa hàng hóa "made by Việt Nam" chinh phục toàn cầu.

Từ một cơ sở sản xuất tư nhân, 44 năm sau, doanh nghiệp Thiên Long đã vươn lên thành tập đoàn lớn, là 1 trong 50 doanh nghiệp tiêu biểu của TP.HCM, sản phẩm có mặt tại 74 quốc gia. Thành công trong xuất khẩu không chỉ mang lại doanh thu cho doanh nghiệp, mà còn khẳng định sự lớn mạnh của một doanh nghiệp trưởng thành từ cái nôi chính sách cởi mở của TP.Hồ Chí Minh.

Bà Trần Phương Nga, Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Thiên Long cho biết: “Chúng tôi xác định rằng, xuất khẩu là mang giá trị của người Việt ra thế giới, do vậy, chúng tôi kiên trì với hành trình đó. Tuy nhiên, chúng tôi đặt đề bài khó khăn hơn là không chỉ bán hàng mà phải am hiểu sâu thị trường của từng nước, hiểu người tiêu dùng nước ngoài như người tiêu dùng Việt".

Ngược dòng thời gian, vào thời điểm TP. Hồ Chí Minh mới giải phóng, hoạt động xuất khẩu đã có nhưng còn rất nhỏ lẻ. Song chính từ bước dò dẫm đầu tiên đó, cùng với sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Doanh nghiệp tư nhân, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố được thúc đẩy mạnh mẽ.

Các doanh nghiệp FDI cũng tích cực gia nhập thị trường Việt Nam, không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất và làm đa dạng cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của TP.Hồ Chí Minh.

Ông Sugihara Yoji, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Juki Việt Nam cho biết: “Hiện nay, chúng tôi có 5 nhà máy, hoạt động trên ba mảng chính, gồm: nhà máy đúc chính xác, nhà máy gia công linh kiện và lắp ráp. Các nhà máy này cho phép chúng tôi tự sản xuất nguyên liệu, đồng thời tự gia công, xử lý nhiệt và lắp ráp hoàn chỉnh. Quy trình khép kín, giúp sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao theo tiêu chuẩn Nhật Bản và giá thành cạnh tranh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cải tiến quy trình sản xuất, tăng tỉ lệ nội địa hóa và mở rộng nguồn hàng”. 

Năm 2024, xuất khẩu của TP.Hồ Chí Minh đạt 46 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2023, trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, đóng góp trên 11% tổng giá trị xuất khẩu cả nước.

Bức tranh xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh ngày càng đa sắc, khi hướng xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn, chất lượng cao như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…; cơ cấu hàng hóa cũng tập trung vào sản phẩm chế biến, giá trị gia tăng cao, hàng hóa công nghiệp, giảm tỷ trọng hàng hóa thâm dụng lao động. Xu hướng xanh hóa vừa tạo ra thách thức, cũng là cơ hội để TP.HCM hướng đến những phân khúc cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Nhóm hàng lương, thực thực phẩm đã có mặt ở 40 quốc gia vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường khó tính như châu Âu. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng bắt buộc phải đi theo xu hướng của thế giới, ví dụ như nhóm hàng gạo thì đi theo chỉ tiêu giảm phát thải khí".

Từ 8,18 tỷ USD xuất khẩu của năm 2000, đến nay, giá trị xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đã tăng hơn 5,5 lần, duy trì vị thế xuất khẩu đứng đầu cả nước. Dù vậy, tỷ trọng đóng góp xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh liên tục giảm trong tổng giá trị cả nước, từ 55% năm 2000, 31% trong năm 2010 và đến năm 2024 dừng ở 11%. Điều này đòi hỏi Thành phố phải tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu, thâm nhập vào các khâu có hàm lượng chất xám cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ, nhóm hàng Thành phố đang có tiềm năng.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Thành viên Hội đồng Khoa học TP. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Xu thế thuế đối ứng của Mỹ tạo ra cơ hội cho TP. Hồ Chí Minh xem xét lại và phải có đầu tư chuẩn chỉnh hơn; cố gắng không chỉ xuất khẩu hàng hóa 'made in Việt Nam' ở phân khúc cao hơn, mà còn xuất khẩu hàng hóa 'made by Việt Nam'".

Có thể nói TP. Hồ Chí Minh đã đi một hành trình rất dài trong nỗ lực hội nhập quốc tế thông qua việc không ngừng đưa thương hiệu 'made by Việt Nam' vươn tầm quốc tế. Khép lại hành trình 50 năm để bước vào kỷ nguyên mới, không gian phát triển mới, với dư địa, tiềm năng lớn, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chinh phục người tiêu dùng toàn thế giới.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện rà soát toàn bộ sản phẩm và hoạt động quảng cáo để chấn chỉnh tình trạng thông tin sai lệch, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Chính phủ Hàn Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng với quyết định áp thuế 25% với phụ tùng ô tô xuất khẩu vào Mỹ và kêu gọi Mỹ ngừng áp dụng các biện pháp thuế quan mới.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng diễn biến giá vàng trong nước hiện nay chưa ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ.

Giá vàng ngày 4/5 tiếp tục lùi xa khỏi mốc đỉnh kỷ lục.

Trong quý đầu năm 2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt hơn 107 triệu USD, đánh dấu sự phục hồi tích cực sau giai đoạn suy giảm năm 2024.

Hơn 1,5 năm kể từ ngày đáo hạn, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa nhận được tiền gốc và lãi từ lô trái phiếu do CTCP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam phát hành, khiến nhà đầu tư bức xúc.