Bài toán được mất từ thuế đối ứng của ông Trump

Với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt hàng loạt mức thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu, nhằm bảo vệ và thúc đẩy sản xuất nội địa. Những biện pháp này không chỉ châm ngòi cho các cuộc chiến thương mại, mà còn làm lung lay niềm tin vào hệ thống thương mại tự do mà Mỹ từng dẫn dắt.

Đảo lộn giá trị toàn cầu hoá

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp áp đặt mức thuế quan tối thiểu 10% và các mức cao hơn đối với nhiều đối tác thương mại lớn không chỉ thổi bùng làn sóng tranh cãi trong nước, mà còn khơi mào một giai đoạn bất ổn mới cho hệ thống thương mại toàn cầu vốn đang mong manh. 

Ông Trump từng tuyên bố "thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ" đã tới. Mức thuế cao sẽ giúp hồi phục ngành sản xuất của Mỹ trong một số lĩnh vực chính, như chất bán dẫn, xe điện và năng lượng thay thế khi các công ty đang bán đầu tập trung đầu tư tại Mỹ để tránh bị đánh thuế.

Nếu các bạn muốn thuế 0%, vậy thì hãy sản xuất tại Mỹ. Ở đây không phải chịu thuế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Gã khổng lồ” công nghệ Apple vừa công bố kế hoạch đầu tư lên tới 500 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ trong vòng bốn năm tới, bao gồm việc xây dựng một nhà máy sản xuất máy chủ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Texas và tạo ra khoảng 20.000 việc làm mới trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). 

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% lên ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu, hãng xe Hàn Quốc Huyndai đã tuyên bố khánh thành nhà máy sản xuất xe điện mới tại bang Georgia của Mỹ với tổng giá trị đầu tư 7,6 tỷ USD. Một số công ty đã thấy trước điều này và bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất của họ vào Mỹ. Tuy nhiên sự chuyển dịch này không thể diễn ra ngay lập tức trong một sớm, một chiều.

Chính quyền của Tổng thống Trump kỳ vọng thuế quan sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đưa sản xuất trở lại Mỹ nhưng với chi phí lao động cao, việc này chỉ khả thi với các ngành tự động hóa cao và các sản phẩm cao cấp. Ngay cả khi thành công, quá trình này cũng cần nhiều thời gian và khó có thể bù đắp cho sự sụt giảm mạnh nguồn cung hàng nhập khẩu ngay trước mắt. 

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thế giới đã bước sâu vào thời kỳ toàn cầu hóa, nơi hàng hóa, lao động, vốn và công nghệ di chuyển qua biên giới dễ dàng, việc cố gắng tái thiết một nền sản xuất "thuần Mỹ" thông qua các hàng rào thuế quan không chỉ là một bài toán khó, mà còn có thể phản tác dụng.

Chắc chắn là chính phủ Mỹ đang muốn hỗ trợ sản lượng và việc làm trong nước. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều điều chưa chắc chắn về cách doanh nghiệp sẽ phản ứng với chính sách này. Một số lĩnh vực chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có ngành sản xuất.

Ông Youssef Ait Benasser, Trợ lý giáo sư kinh tế tại Đại học Bard, Mỹ.

Ông Benasser nhấn mạnh rằng, mặc dù một số doanh nghiệp đã thông báo kế hoạch chuyển dịch sản xuất về Mỹ, song những thay đổi này mang tính tạm thời và chưa có gì đảm bảo rằng Mỹ sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh bền vững trong dài hạn.

Một trong những lo ngại lớn nhất được giới kinh tế học chỉ ra là nguy cơ các rào cản thương mại - nếu kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ đánh mất động lực đổi mới, cải tiến và nâng cao năng suất.

Có thể thấy, việc ông Trump đưa ra những số liệu được xác định theo cách tính riêng của phía Mỹ (ẩn ý là những mức thuế quan bảo hộ thương mại đã được đưa ra áp đặt cho các đối tác) không phải là quyết định cuối cùng, càng không phải bất di bất dịch mà đều có thể được thay đổi, thậm chí biến mất nếu các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ chủ động tìm cách thương thảo trực tiếp với Mỹ và chấp nhận những nhượng bộ nhất định, có những đáp ứng yêu cầu đòi hỏi nhất định của phía Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã dùng TikTok làm ví dụ về cách sử dụng thuế quan để đàm phán với các quốc gia khác.

Bạn có một tình huống với TikTok khi Trung Quốc có thể sẽ nói: Chúng tôi sẽ chấp thuận một thỏa thuận, nhưng bạn sẽ làm gì đó về thuế quan chứ? Chúng tôi có thể sử dụng thuế quan để đổi lại điều gì đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ông Trump sẽ cân nhắc một thỏa thuận cho TikTok, trong đó Trung Quốc đồng ý chấp thuận việc bán ứng dụng video ngắn do Byte Dance sở hữu để đổi lấy việc miễn thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các đối tác không thể dùng nguyên lý và nguyên tắc, lợi ích và tính ưu việt của thương mại tự do trong thế giới toàn cầu hóa để thuyết phục hay thỏa hiệp với ông Trump mà chỉ có thể tìm cách dung hòa lợi ích giữa hai bên trong khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương.

Theo đó, ông Trump tuyên bố đã thực hiện lời hứa của mình trong nhiều tháng qua, khi coi thuế quan là công cụ để khẳng định quyền lực của Mỹ, tái cân bằng các mối quan hệ thương mại, phục hồi ngành sản xuất của Mỹ và đòi hỏi những nhượng bộ địa chính trị.

Trong nhiều thập kỷ qua, các chính quyền Mỹ, đặc biệt là Đảng Cộng hòa thường theo đuổi các chính sách thương mại tự do nhằm giảm bớt rào cản đối với thương mại quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty sản xuất và bán hàng hóa xuyên biên giới. Một phần quan trọng của chương trình nghị sự thương mại tự do bao gồm giảm thuế quan và thúc đẩy chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các thỏa thuận và cơ chế hợp tác, như Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại hay Tổ chức Thương mại Thế giới.

Thương mại thế giới chịu tác động mạnh

Kinh tế và thương mại thế giới bị tác động tiêu cực, các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực, chính nước Mỹ của ông Trump cũng không thể tránh khỏi phải trả giá rất đắt về chính trị và xã hội, kinh tế và thương mại - như đã dần lộ rõ ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đấy của ông Trump. Tác động qua lại giữa thuế quan cao, thuế trả đũa và điều chỉnh thương mại sẽ thúc đẩy xung đột thương mại gia tăng, có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào bế tắc với các hậu quả kéo dài. Ngay sau thông báo của Mỹ vào ngày 2/4, thị trường tài chính toàn cầu đã rơi vào tình trạng biến động mạnh. Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong tám tháng, trong khi các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ và châu Âu lao dốc.

Việc Mỹ áp thuế cao với một loạt đối tác lớn cũng khiến nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại quay trở lại. Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều khả năng sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí sản xuất và gây tổn thương cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu.

Trong trường hợp các nước đồng loạt đưa ra biện pháp trả đũa, hệ thống thương mại đa phương do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bảo trợ có thể sẽ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí đẩy thương mại quốc tế vào một thời kỳ bảo hộ mới.

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo các biện pháp về thuế mới của Mỹ sẽ "có tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu". 

Trong khi tình hình đang diễn biến nhanh chóng, ước tính ban đầu của chúng tôi cho thấy các biện pháp mới, cùng với các biện pháp được đưa ra từ đầu năm, có thể dẫn đến sự sụt giảm chung khoảng 1% trong khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu trong năm nay.

Bà Ngozi Okonjo-Iweala, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chuyên gia kinh tế Kazuma Maeda cảnh báo rằng, chính sách thuế quan của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến một số quốc gia và khu vực nhất định mà còn gây tổn hại đến thương mại tự do toàn cầu trong dài hạn: “Về trung và dài hạn, nếu chính quyền Trump tiếp tục tăng thuế quan, hệ thống thương mại tự do sẽ phải trải qua những thay đổi lớn. Hệ thống thương mại tự do chủ yếu dựa trên nguyên tắc hàng hóa phải được sản xuất tại nơi có chi phí thấp nhất, do đó mang lại sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Về trung và dài hạn, giá cả hàng hóa trên toàn thế giới có thể tăng so với trước đây, điều này rất đáng lo ngại”.

Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, cảnh báo chính sách thuế quan của ông Trump có nguy cơ phá hủy trật tự thương mại tự do toàn cầu mà Mỹ đã dẫn dắt từ sau Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, trong những tháng tới, tác động dễ thấy nhất sẽ là việc giá hàng hóa tăng do thuế mới, từ đó làm giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu.

Sự chuyển dịch cán cân quyền lực

Việc Mỹ áp thuế quan đối ứng đã lập tức vấp phải nhiều phản ứng khác nhau từ cộng đồng quốc tế. Một số quốc gia tuyên bố sẽ triển khai các biện pháp đáp trả nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Trong khi đó, một số nước chọn cách tiếp cận thận trọng hơn, kêu gọi đối thoại và đàm phán để tránh leo thang căng thẳng. Dù đối mặt thách thức, đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế điều chỉnh chiến lược, đa dạng hóa đối tác và mở rộng thị trường mới. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng có thể chuyển sang đa cực hơn, các quốc gia sẽ ưu tiên thỏa thuận thương mại khu vực hơn là dựa vào các khuôn khổ thương mại do Mỹ thống trị như trước đây.

Trả lời cuộc phỏng vấn với kênh CNBC vào ngày 3/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết chính quyền Mỹ đang đàm phán với các đối tác thương mại lớn trên toàn cầu về cách giảm mức thuế quan vừa được công bố. Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia, Mexico cũng tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Mỹ để tìm kiếm mức thuế quan hợp lý cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. 

Có thể thấy, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gay gắt, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có thể được xem không chỉ là công cụ thương mại, mà còn là đòn bẩy chiến lược nhằm điều tiết sự chuyển dịch của các chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại và khai thác tài nguyên toàn cầu theo hướng có lợi cho Mỹ, thông qua các cuộc đàm phán song phương với từng quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu EU đã ngay lập tức tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mức thuế mới của Mỹ.

Chúng ta hãy nhìn nhận rõ về những hậu quả to lớn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thất nặng nề. Sự bất ổn sẽ gia tăng và kích hoạt làn sóng chủ nghĩa bảo hộ mới.

Bà Ursula Von Der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Bà Ursula Von Der Leyen cũng khẳng định, Liên minh châu Âu EU đã sẵn sàng đáp trả mức thuế đối ứng 20% của Mỹ nếu các cuộc đàm phán với Washington không đạt được kết quả.

Để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ và tránh bị tổn thương bởi các chính sách thương mại thiếu ổn định, nhiều quốc gia đã chủ động mở rộng quan hệ thương mại với các khu vực khác. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa kêu gọi tăng cường đàm phán thương mại với các đối tác quan trọng như Mercosur, Mexico và Ấn Độ, nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Không chỉ mở rộng thị trường, nhiều quốc gia cũng đặt trọng tâm vào việc củng cố sức mạnh nội tại, giảm phụ thuộc vào bên ngoài. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 2/4 tuyên bố, nước này sẽ công bố và triển khai một chương trình nhằm củng cố nền kinh tế toàn diện, trong đó tập trung thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô. 

Theo các nhà phân tích, việc tăng thuế này có thể thúc đẩy các quốc gia châu Phi tìm kiếm đối tác thương mại mới trong khu vực, cũng như mở rộng quan hệ với thị trường Trung Đông và châu Á.

Khi Mỹ rút dần khỏi vai trò điều phối thương mại toàn cầu và ưu tiên lợi ích nội địa, khoảng trống quyền lực trong các định chế quốc tế và thương mại đa phương sẽ mở ra cơ hội cho các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc, EU và Nga, gia tăng ảnh hưởng và thiết lập các cực quyền lực mới mang tính khu vực.

Tổng thống Mỹ Trump đang gián tiếp thúc đẩy một thế giới nơi các trung tâm quyền lực hoạt động độc lập hơn, theo lợi ích riêng, chứ không còn phụ thuộc vào trật tự đơn cực do Mỹ dẫn dắt. Đây chính là bản chất của xu hướng đa cực đang tăng tốc.

Điều này dẫn đến một loạt “liên minh địa kinh tế” mới được hình thành, phá vỡ cấu trúc thương mại toàn cầu cũ vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các thiết chế do Mỹ kiểm soát như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng thế giới (WB).

Chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump không đơn thuần là một biện pháp kinh tế bảo hộ, mà là một công cụ chiến lược thúc đẩy sự chuyển dịch trật tự thế giới từ đơn cực do Mỹ dẫn dắt sang đa cực với nhiều trung tâm quyền lực cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, các quốc gia lớn đang tái cấu trúc liên minh, định hình lại chuỗi cung ứng và tăng cường ảnh hưởng ở cấp độ khu vực, đẩy thế giới vào một kỷ nguyên mới của cạnh tranh địa chính trị đa chiều, nơi sức mạnh không còn tập trung vào một trung tâm duy nhất. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Số người thiệt mạng trong trận động đất tại Myanmar là 3.301 người, trong khi 4.792 người bị thương và 221 người vẫn mất tích.

Tổng thống Donald Trump quyết định gia hạn thêm 75 ngày để công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance bán các tài sản TikTok tại Mỹ cho một nhà đầu tư không phải Trung Quốc, nếu không sẽ đối mặt với lệnh cấm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/4 báo cáo nguồn cung cấp điện và nước tại Myanmar vẫn bị gián đoạn, làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và tăng nguy cơ bùng phát bệnh tật.

Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết, nước này đã nhận được “kết quả tốt nhất trong một loạt các thỏa thuận khó khăn” từ động thái áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong một tuyên bố vào ngày 4/4.

Các Bộ trưởng Ngoại giao NATO đã kết thúc hai ngày họp tại Brussels vào ngày 4/4, tập trung vào công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO sắp tới tại The Hague.

Bộ tài chính Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 34% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4.