Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia
Tổng thống Trump giải thích rằng, hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại thời gian gần đây đã gây ra tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia của Mỹ. Ông Trump cho rằng, thâm hụt thương mại hàng hóa hàng năm lớn đã làm suy yếu các cơ sở sản xuất của Mỹ và các chuỗi cung ứng, khiến các cơ sở công nghiệp của Mỹ phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Do đó, ông Trump viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 (IEEPA) để giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia, củng cố vị thế kinh tế và bảo vệ người lao động Mỹ.
Trong vài tuần qua, ông Trump liên tục tuyên bố ngày 2/4 là "Ngày giải phóng" của nước Mỹ và hứa sẽ sử dụng chính sách thuế quan để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi sự cạnh tranh "không lành mạnh" từ nước ngoài.
Giới học thuật và kinh doanh đã nhiều lần cảnh báo rằng, các biện pháp thuế quan của ông Trump sẽ phản tác dụng. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu mà còn gây tổn hại đến nền kinh tế Mỹ, đẩy lạm phát lên cao và trở thành ngòi nổ cho một đợt suy thoái kinh tế mới tại Mỹ.

Những mức thuế nào có hiệu lực từ hôm nay?
Vào ngày 2/4 (giờ địa phương), ông Trump đã ký hai sắc lệnh hành pháp công bố mức thuế quan đối ứng tại Nhà Trắng, tuyên bố rằng Mỹ sẽ thiết lập mức thuế quan cơ bản tối thiểu 10% đối với các đối tác thương mại của mình và áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với một số đối tác thương mại nhất định.
Ngoài ra, cùng ngày, ông Trump cũng tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với ô tô nhập khẩu. Ông Trump cho biết mức thuế 25% đối với ô tô sẽ có hiệu lực vào ngày 3/4.
Nhà Trắng ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cùng ngày nhằm tăng cường lợi thế cạnh tranh của Mỹ, bảo vệ chủ quyền của Mỹ và củng cố an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ.
Tuyên bố cho biết, ông Trump sẽ áp dụng "thuế quan cơ sở" 10% đối với tất cả các quốc gia, có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút sáng (theo giờ miền Đông) ngày 5/4. Ngoài ra, ông Trump sẽ áp dụng "thuế quan có đi có lại" cao hơn đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất của Mỹ, có hiệu lực từ 0 giờ 01 phút sáng theo giờ miền Đông ngày 9/4. Tất cả các quốc gia khác sẽ tiếp tục tuân thủ mức thuế quan cơ sở ban đầu là 10%.
Tuyên bố cho biết, một số hàng hóa sẽ không phải chịu thuế quan đối ứng, bao gồm các sản phẩm thép và nhôm đã chịu thuế theo Mục 232, ô tô và phụ tùng ô tô, hàng hóa có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai, cũng như năng lượng và một số khoáng sản khác mà Mỹ không có. Ngoài ra, vàng miếng, đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và sản phẩm gỗ cũng không phải chịu thuế quan đối ứng.
Tuyên bố cũng cho biết, đối với Canada và Mexico, hàng hóa tuân thủ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada sẽ tiếp tục được miễn trừ.
Những mức thuế nào đã có hiệu lực từ trước ngày 2/4?
Hàng hóa Trung Quốc
Vào ngày 4/2, ông Trump đã áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và vào ngày 4/3, ông đã tăng mức thuế này lên 20%.
Để đáp trả việc Mỹ áp đặt thêm thuế quan, Trung Quốc đã ban hành một số biện pháp trả đũa Mỹ và đã đệ đơn kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
Sản phẩm của Canada và Mexico
Theo sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký hồi tháng 3, Mỹ áp dụng mức thuế 25% đối với nhiều loại hàng hóa không đáp ứng các quy tắc xuất xứ của Hiệp định mới giữa Mỹ, Mexico và Canada (USMCA) và miễn thuế cho những hàng hóa đáp ứng các điều kiện ưu đãi của hiệp định USMCA. Chính sách miễn thuế liên quan chỉ có hiệu lực đến hết ngày 2/4.
Tất cả thép, nhôm nhập khẩu
Vào ngày 12/3, Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu. Ngoài ra, các biện pháp mới nhất cũng hủy bỏ hạn ngạch miễn thuế và chính sách miễn trừ đối với thép và nhôm đối với một số đối tác thương mại.
Thêm thuế quan?
Ông Trump trước đây đã tuyên bố sẽ áp thuế khoảng 25% đối với đồng, thuốc men, dăm gỗ, gỗ nhập khẩu và các sản phẩm lâm nghiệp,...
Trả lời câu hỏi của giới truyền thông vào ngày 28/3, ông Trump cho biết, ông khá cởi mở trong việc đạt được thỏa thuận thuế quan với các quốc gia khác, nhưng ám chỉ rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ đạt được sau khi các biện pháp thuế quan có hiệu lực vào ngày 2/4.

Ngoài ra, do không đạt được mục tiêu về các vấn đề như lệnh ngừng bắn giữa Nga - Ukraine và các cuộc đàm phán giữa Mỹ - Iran, gần đây ông Trump đã phàn nàn về Nga và Iran, đồng thời đe dọa sẽ áp đặt thuế quan thứ cấp đối với tất cả dầu nhập khẩu từ Nga và trừng phạt thứ cấp đối với Iran.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào ngày 2/4 rằng, các quốc gia được khuyến cáo không nên trả đũa thuế quan vì chúng sẽ leo thang.
Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã bày tỏ lập trường: Hãy chống trả!
Trước sự ép buộc áp thuế của Mỹ, Trung Quốc, Canada và các nước khác đã nhanh chóng công bố các biện pháp đối phó, các nước khác cũng phải chuẩn bị các biện pháp đối phó. Cường độ căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ leo thang đáng kể.
Liên minh Châu Âu
Ngày 1/4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU có kế hoạch đối phó mạnh mẽ và sẽ chống trả chính sách thuế quan của Mỹ nếu cần thiết.
Đức
Ngày 30/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ trích Mỹ vì áp đặt thuế quan làm suy yếu thương mại tự do toàn cầu và nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục phản ứng quyết liệt.
Pháp
Ngày 27/3, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Eric Lombard cho biết, việc Mỹ áp thuế đối với ô tô nhập khẩu cho thấy sự leo thang khiêu khích hơn nữa đối với châu Âu và EU cũng sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của Mỹ, đây là giải pháp duy nhất cho EU.
Canada
Thủ tướng mới của Canada Mark Carney cho biết vào ngày ông tuyên thệ nhậm chức 14/3 rằng, nội các mới của Canada có hai ưu tiên: bảo vệ quyền lợi của người lao động Canada trước các mối đe dọa thuế quan của Mỹ và phát triển nền kinh tế Canada.

Vào ngày 27/3, ông Carney cho biết, mối quan hệ truyền thống giữa Canada và Mỹ đã kết thúc và trước các biện pháp thuế quan ngày càng leo thang của ông Trump, Canada cơ bản phải định hình lại một nền kinh tế mới. Ông Carney cho biết, Canada sẽ đáp trả thuế ô tô của Mỹ bằng các hành động thương mại trả đũa.
“Cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ phải trả giá”
Ông Trump luôn thích sử dụng hiệu suất của thị trường chứng khoán làm bảng báo cáo cho chính quyền của mình. Nhưng giữa những lo ngại về cuộc chiến thuế quan của ông Trump và triển vọng của nền kinh tế Mỹ, cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tại New York đều ghi nhận hiệu suất quý tệ nhất trong hơn hai năm. Chỉ số Nasdaq giảm 10,4% trong quý đầu tiên của năm nay, mức giảm theo quý lớn nhất kể từ quý II năm 2022; S&P 500 giảm 4,6% trong quý đầu tiên, mức giảm tệ nhất kể từ quý III năm 2022.
Dữ liệu từ các cơ quan thăm dò ý kiến cũng đưa ra cảnh báo về cách chính quyền Tổng thống Trump xử lý nền kinh tế. Một cuộc thăm dò mới nhất do AP và Trung tâm nghiên cứu ý kiến quốc gia của Đại học Chicago công bố vào ngày 31/3 cho thấy, khi các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và nhiều quốc gia tiếp tục leo thang, khoảng 60% người Mỹ được khảo sát không đồng ý cách chính phủ Mỹ hiện tại xử lý thuế quan và đàm phán thương mại.
Các nhà kinh tế lo ngại rằng, chính sách thuế quan của ông Trump chắc chắn sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao và làm tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng. Hậu quả của việc áp thuế là làm tăng chi phí sản xuất trên toàn khu vực, đẩy giá lên cao và cuối cùng người tiêu dùng Mỹ phải chịu hậu quả.
“Mọi thứ sẽ mất hết”
Ông Trump coi thuế quan là vũ khí đa năng, không chỉ là con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán ngoại giao mà còn là công cụ thúc đẩy đưa sản xuất trở lại Mỹ, nó cũng là “mật khẩu tạo doanh thu” của chính phủ. Các phương tiện truyền thông và các nhà kinh tế đã bày tỏ quan điểm khác nhau về hậu quả của các chính sách này.
Bài báo của hãng thông tấn AP chỉ ra rằng, chính phủ Mỹ tin rằng, thuế quan cao sẽ giúp đảo ngược tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của nước này, nhưng cuộc chiến thương mại được thực hiện trong thời gian cuối của nhiệm kỳ tổng thống lần một của ông Trump đã chứng minh rằng, thuế quan không thể thành công thu hẹp khoảng cách thương mại.
Tờ Financial Times cho rằng, chính sách thuế quan của Mỹ có thể dẫn đến tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu trên diện rộng, giá cả tăng và mức sống giảm sút và Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế thực sự.

Nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Sachs đã thẳng thắn tuyên bố rằng, áp dụng thuế quan là một chính sách tồi và tính toán thuế quan lần này của ông Trump sẽ khiến nước Mỹ mất tất cả.
Nhà kinh tế học tin rằng, ông Trump sử dụng thuế quan như một lời đe dọa. Nhưng đối với nhiều quốc gia, những mối đe dọa này không có tác dụng vì thị trường Mỹ, mặc dù đáng kể, nhưng không có tầm quan trọng về mặt chiến lược. Ngoài ra, để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, các quan chức từ nhiều quốc gia sẽ không dễ dàng nhượng bộ.
Thứ hai, chính quyền ông Trump hy vọng sẽ tăng doanh thu tài chính và giảm thuế bằng cách áp dụng thuế quan. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy việc áp dụng thuế quan sẽ không tạo ra nhiều doanh thu. Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính của chính phủ Mỹ là chi tiêu hàng năm của chính phủ vượt xa doanh thu tài chính và doanh thu thuế quan không đủ để giải quyết cơ bản cuộc khủng hoảng tài chính.
Thứ ba, ông Trump tuyên bố rằng, thuế quan có thể phục hồi ngành công nghiệp Mỹ. Tuy nhiên không thể phát triển công nghiệp nếu chỉ dựa vào chủ nghĩa bảo hộ. Nó chỉ khiến Mỹ tụt hậu và không thể cải thiện khả năng cạnh tranh của mình.
Về cơ bản, Mỹ đang mắc sai lầm khi tự cô lập mình. Các quốc gia trên thế giới và các nhà lãnh đạo của họ cảm thấy rằng Mỹ đang bắt nạt, điều này không giúp Mỹ đảm bảo an ninh của chính mình cũng như không có lợi cho sự thịnh vượng và phát triển của nước này, chứ đừng nói đến việc giành được lòng tin của các nước khác trên trường quốc tế.


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0