Chiến sự ngày 11/5: Nga đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine
Tổng thống Nga đề xuất đàm phán trực tiếp với Ukraine vào 15/5 tại Istanbul
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức đề xuất Ukraine nối lại các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 15/5/2025.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tiếp tục theo dõi sát sao lập trường địa chính trị của Nga, giữa lúc căng thẳng xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết chuỗi sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng, Tổng thống Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng nối lại đàm phán trực tiếp với Kiev, vốn đã bị Ukraine đình chỉ vào cuối năm 2022.
Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi cam kết đàm phán nghiêm túc với Ukraine. Ý nghĩa của các cuộc đàm phán này là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột và thiết lập một nền hòa bình lâu dài, bền vững, theo quan điểm lịch sử. Quyết định bây giờ tùy thuộc vào Ukraine và các nhà lãnh đạo của họ, những người dường như bị chi phối bởi tham vọng chính trị cá nhân, chứ không phải bởi lợi ích của người dân”.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cáo buộc Ukraine đã nhiều lần vi phạm các lệnh ngừng bắn do Nga đơn phương công bố, bao gồm lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày đối với cơ sở hạ tầng năng lượng vào tháng trước, lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh và lệnh ngừng bắn ba ngày nhân Ngày Chiến thắng vừa kết thúc.
Phía Ukraine không những không hồi đáp, mà còn phát động các cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái và tên lửa, với hơn 500 UAV và 45 xuồng không người lái nhắm vào các khu vực biên giới của Nga. Các cuộc đàm phán mà Điện Kremlin mong muốn sẽ dựa trên bản dự thảo thỏa thuận từng được hai bên xây dựng vào năm 2022, cùng với tình hình thực địa hiện nay.
Theo trợ lý chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov, đề xuất đàm phán sẽ cân nhắc cả "Tuyên bố Istanbul" – bản dự thảo được hình thành tại Thổ Nhĩ Kỳ sau những vòng đàm phán hồi đầu cuộc chiến – và thực tế chiến sự hiện nay. Mặc dù dự thảo này chưa từng được chính thức thông qua, nhưng từ lâu Nga đã coi đó là nền tảng khả thi cho một giải pháp chính trị.
Một trong những điểm cốt lõi trong bản dự thảo năm 2022 là việc Ukraine chấp nhận vị thế trung lập vĩnh viễn, không gia nhập NATO, đổi lại sẽ nhận được các đảm bảo an ninh từ 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – bao gồm cả Nga.
Ukraine phản ứng trước đề xuất đàm phán trực tiếp của Nga
Ngày 11/5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Nga. Trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Ukraine sẵn sàng gặp gỡ, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ cam kết thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5. Ông Zelensky cũng tuyên bố việc Nga bắt đầu cân nhắc chấm dứt xung đột là một dấu hiệu tích cực.
“Lệnh ngừng bắn là bước đi thiết yếu đầu tiên để chấm dứt xung đột. Việc Nga bắt đầu nghĩ đến việc kết thúc xung đột là một tín hiệu tích cực. Cả thế giới đã mong chờ điều này từ lâu. Bước đầu tiên để thực sự chấm dứt bất kỳ cuộc xung đột nào là một lệnh ngừng bắn”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ lập trường rõ ràng rằng trước khi có bất kỳ cuộc đàm phán nào, một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện là điều bắt buộc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trên mạng xã hội X rằng: "Không thể có đàm phán khi tiếng súng vẫn vang lên". Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh, thế giới đang chờ đợi một quyết định dứt khoát về lệnh ngừng bắn.
Ông Zelensky và một số nước phương Tây hậu thuẫn Ukraine yêu cầu Nga chấp nhận một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày trước khi đàm phán trực tiếp. Về phần mình, Tổng thống Putin lưu ý rằng Ukraine không tuân thủ cả ba lệnh ngừng bắn mà Nga từng đề xuất.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Nga tuy ủng hộ ý tưởng ngừng bắn về nguyên tắc, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trước đó, Nga từng bày tỏ lo ngại rằng ngừng giao tranh sẽ cho Ukraine thời gian tập hợp lại lực lượng bị tổn thất, đồng thời khẳng định cần ngừng mọi hoạt động chuyển vũ khí từ phương Tây đến Ukraine trong suốt thời gian ngừng bắn.
Phản ứng trước đề xuất đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây có thể là “một ngày tuyệt vời nhất đối với Nga và Ukraine”, đồng thời cam kết “tiếp tục làm việc với cả hai bên để đảm bảo cuộc đàm phán diễn ra”.
Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian tổ chức đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 11/5, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ankara sẵn sàng đóng góp mọi nỗ lực, bao gồm cả việc tổ chức đàm phán, nhằm hướng tới lệnh ngừng bắn và hòa bình lâu dài tại Ukraine.
Theo thông cáo từ Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan cho rằng đây là một thời điểm bước ngoặt lịch sử để chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tận dụng cơ hội này. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác quốc tế trong tiến trình nối lại đàm phán hòa bình cũng như công cuộc tái thiết Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã điện đàm với Tổng thống Erdogan, đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Phía Moscow đưa ra đề xuất tổ chức vòng đàm phán này tại Istanbul, bắt đầu từ ngày 15/5.
Tổng thống Erdogan hoàn toàn ủng hộ sáng kiến của phía Nga, cam kết cung cấp địa điểm và mọi hỗ trợ cần thiết để tổ chức đối thoại, với mục tiêu đạt được nền hòa bình bền vững cho khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa các phái đoàn Nga và Ukraine vào mùa xuân năm 2022. Khi đó, Nga nói rằng các cuộc thương lượng này đã đạt được tiến triển rõ rệt, bao gồm một dự thảo sơ bộ về quy chế trung lập của Ukraine, các đảm bảo an ninh và nhiều vấn đề then chốt khác. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson đã phá hỏng tiến trình hòa bình khi khuyên Ukraine không chấp nhận các điều khoản và tiếp tục chiến đấu.
Báo cáo hàng ngày của Bộ Quốc phòng Nga
Bộ Quốc phòng Nga ngày 11/5 cho biết, sau khi kết thúc lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày nhân dịp Ngày Chiến thắng, quân đội nước này đã tiến hành loạt cuộc tấn công nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự của Ukraine trên toàn tuyến.
Trong số các mục tiêu bị tấn công có một xưởng sửa chữa máy bay, kho chứa xuồng không người lái, cùng với nhiều vị trí tập kết tạm thời của lính đánh thuê nước ngoài tại khoảng 80 khu vực khác nhau. Đây được coi là đòn tấn công có quy mô lớn nhất kể từ đầu tháng 5 đến nay.

Cũng theo thông báo, kể từ ngày 8/5, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ 58 máy bay không người lái (UAV) cánh cố định của Ukraine bên ngoài khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt. Riêng trong vòng 24 giờ qua, con số UAV bị bắn hạ đã lên tới 143 chiếc, cùng với ba quả bom dẫn đường JDAM.
Ở các mặt trận, từng nhóm tác chiến của Nga cũng công bố kết quả cụ thể. Nhóm tác chiến phía Tây tiêu diệt tới 190 binh sĩ Ukraine, phá hủy xe bọc thép M113, sáu xe bán tải và một khẩu pháo. Nhóm phía Bắc tuyên bố loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 200 binh sĩ và phá hủy một trạm radar phát hiện mục tiêu trên không.
Trong khi đó, nhóm phía Nam loại bỏ hơn 80 binh sĩ, phá hủy nhiều khí tài quân sự bao gồm trạm tác chiến điện tử, trạm radar và một kho đạn. Nhóm phía Đông tiêu diệt khoảng 150 quân nhân, còn nhóm trung tâm được cho là đã loại khỏi vòng chiến tới 460 binh sĩ Ukraine kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Nga cáo buộc Ukraine vi phạm hơn 14.000 lần trong 3 ngày ngừng bắn
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các lực lượng vũ trang Ukraine đã vi phạm lệnh ngừng bắn tổng cộng 14.043 lần trong thời gian từ ngày 8-11/5. Thống kê này bao gồm hơn 4.000 loạt đạn được bắn vào các vị trí của Nga dọc theo toàn tuyến tiếp xúc, gần 10.000 vụ không kích và các cuộc thả bom từ máy bay không người lái.
Phía Nga khẳng định trong thông cáo rằng, toàn bộ các đơn vị quân sự của nước này đã "tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn" theo chỉ thị của Tổng tư lệnh tối cao, không rời khỏi các vị trí đã chiếm giữ và chỉ phản ứng khi cần thiết trước các hành động từ phía Ukraine.
Ngoài ra, trong thời gian lệnh ngừng bắn có hiệu lực, quân đội Ukraine cũng được cho là đã thực hiện năm nỗ lực xâm nhập biên giới Nga, cụ thể tại các vùng Kursk và Belgorod. Tại nhiều điểm nóng như Pavlovka, Tetkino, và khu vực Donetsk, Bộ Quốc phòng Nga ghi nhận 37 vụ tấn công cùng một vụ trinh sát vũ trang, tất cả đều bị phía Nga tuyên bố "đẩy lùi hoàn toàn".
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã được nối lại. Chỉ trong 11 giờ qua, các nhóm tác chiến Bắc, Tây, Nam, Trung, Đông và Dnepr đã tuyên bố loại khỏi vòng chiến hơn 1.130 binh sĩ Ukraine, phá hủy 10 xe chiến đấu bọc thép, 2 xe thiết giáp chở quân và 8 khẩu pháo dã chiến.
Bộ Quốc phòng Nga cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động hiện tại đang được triển khai "theo đúng kế hoạch", trong bối cảnh tình hình chiến sự tiếp tục căng thẳng trên nhiều mặt trận.


Mỹ và Iran sẽ tiến hành vòng đàm phán thứ tư liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra tại Oman và do các nhà ngoại giao Oman làm trung gian.
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif ngày 10/5 tuyên bố nước này chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn với Ấn Độ, đồng thời bày tỏ hy vọng các vấn đề còn tồn đọng giữa hai quốc gia, bao gồm tranh chấp Kashmir sẽ được giải quyết thông qua đối thoại hoà bình.
Phản ứng trước đề xuất đàm phán hòa bình trực tiếp với Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây có thể là “một ngày tuyệt vời nhất đối với Nga và Ukraine”, đồng thời cam kết “tiếp tục làm việc với cả hai bên để đảm bảo cuộc đàm phán diễn ra”.
Cả Ấn Độ và Pakistan đã vi phạm lệnh ngừng bắn chỉ sau khi thoả thuận có hiệu lực chỉ vài giờ. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng ủng hộ lệnh ngừng bắn và kêu gọi hai bên nghiêm túc thực hiện.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại Thụy Sĩ vào hôm 10/5, đánh giá rằng hai bên đã đạt một “sự tái khởi động toàn diện” trong bầu không khí “thân thiện và mang tính xây dựng”.
Lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Đức, Ba Lan và Ukraine vừa có cuộc gặp tại Kiev, trong đó các bên nhất trí kêu gọi lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện ở Ukraine trong ít nhất 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5 tới.
0