Thuế quan của Mỹ khiến thị trường toàn cầu lao dốc
Ông Trump cũng đồng thời cảnh báo rằng, chính phủ các nước sẽ phải trả "rất nhiều tiền" để dỡ bỏ thuế quan toàn diện, dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Cụ thể, thị trường chứng khoán châu Á ngày 7/4 đã lao dốc trên diện rộng và giá dầu giảm mạnh, do các nhà đầu tư lo ngại các khoản thuế được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào tuần trước có thể dẫn đến giá cao hơn, nhu cầu yếu hơn và có khả năng gây ra suy thoái toàn cầu.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 8,8%, xuống mức thấp nhất 18 tháng. Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoáng Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu đợt bán tháo, khiến chỉ số Hang Seng rớt 10,7%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng chịu ảnh hưởng không kém khi chỉ số CSI 300 giảm 6,3%, còn Shanghai Composite mất 6,7%. Tại Hàn Quốc, sau khi chỉ số Kospi giảm 4,8% trong phiên giao dịch đầu tuần đầy biến động, sàn chứng khoán phải kích hoạt cơ chế ngắt mạch để ngăn bán tháo hoảng loạn. Các thị trường chứng khoán tại Singapore, Australia, New Zealand cũng cùng chung số phận, với mức giảm từ 5-6%.
Cổ phiếu châu Âu cũng đã có phiên mở cửa đầy biến động vào đầu tuần khi các nhà đầu tư bi quan trước khả năng suy thoái kinh tế, sau khi Tổng thống Donald Trump không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ dừng cuộc chiến thương mại quyết liệt của mình.
Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 5,8%, giảm trong phiên thứ tư liên tiếp và đang trên đà ghi dấu ấn giảm mạnh nhất theo ngày kể từ đại dịch COVID-19. Thị trường chứng khoán Đức là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực đồng euro, với chỉ số chính GDAXI đã giảm 6,1% ở ngay gần đầu phiên. Có thời điểm, chỉ số này đã giảm hơn 20% so với mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại vào tháng 3.
Trước đó, ngày 6/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không lo ngại về những sự sụt giảm đã xóa sổ hàng nghìn tỷ đô la khỏi thị trường chứng khoán thế giới. "Tôi không muốn thị trường chứng khoán đi xuống. Nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một thứ gì đó", ông Trump phát biểu với các phóng viên trên Không lực Một.

Ông Trump cho biết đã thảo luận với các nhà lãnh đạo từ châu Âu và châu Á vào cuối tuần, trong bối cảnh nhiều quốc gia hy vọng sẽ thuyết phục ông hạ thuế quan lên tới 50% sẽ có hiệu lực vào tuần này.
Hàng loạt mức thuế quan mà Tổng thống Trump công bố vào tuần trước đã vấp phải sự lên án từ các nhà lãnh đạo khác và trong phản ứng ngay sau đó, Trung Quốc đã công bố mức thuế đáp trả lên tới 34%.
Nhà quản lý quỹ tỷ phú Bill Ackman, người ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Trump, đã kêu gọi tạm dừng áp dụng thuế quan để ngăn chặn "mùa đông hạt nhân kinh tế" để lấy lại niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư và lãnh đạo chính trị đang phải cố gắng để xác định liệu thuế quan của ông Trump có tiếp tục được duy trì hay là một chiến thuật đàm phán để giành được sự nhượng bộ từ các quốc gia khác hay không. Tuy nhiên, tuyên bố mới nhất của ông chủ Nhà Trắng về việc giữ nguyên thuế quan cho đến khi thâm hụt thương mại được xóa bỏ đã khiến thị trường toàn cầu rúng động, đẩy nguy cơ suy thoái lên cao.
Các nước Liên minh châu Âu ngày 7/4 thông báo đang cân nhắc phê duyệt một loạt biện pháp đối phó có mục tiêu, đầu tiên đối với lượng hàng nhập khẩu lên tới 28 tỷ USD của Mỹ. Khối 27 quốc gia này phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 25% đối với thép, nhôm và ô tô, cũng như mức thuế đối ứng là 20% từ ngày 9/4 đối với hầu hết các mặt hàng khác.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu ước tính rằng, mức thuế rộng rãi của Mỹ sẽ khiến tăng trưởng của khu vực đồng euro giảm 0,3 điểm phần trăm trong năm đầu tiên. Các mức thuế trả đũa của EU đối với Mỹ sẽ làm tăng thiệt hại lên nửa điểm phần trăm.
Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào rủi ro suy thoái ngày càng tăng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng tới. Các nhà kinh tế của JPMorgan hiện dự báo thuế quan sẽ khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,3% trong cả năm 2025, giảm so với dự báo trước đó là tăng trưởng 1,3%. Tuy nhiên, trong một phát biểu hôm 4/4, Chủ tịch FED Jerome Powell đã ngụ ý rằng ông không vội hành động.


Chín quốc gia châu Âu đã kêu gọi Liên minh châu Âu đơn giản hóa việc trục xuất tội phạm nước ngoài cho các quốc gia thành viên.
Thiếu tướng David Zini đã được Thủ tướng Israel bổ nhiệm làm người đứng đầu mới của cơ quan An ninh Nội địa (còn gọi là Shin Bet), Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 22/5 cho biết.
Biểu hiện mất kiên nhẫn và muốn buông bỏ của ông Trump và cộng sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại của ông trong tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.
Quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard vừa bị chính quyền Tổng thống Donald Trump thu hồi vào ngày 22/5, gây chấn động mạnh mẽ trong giới học thuật.
Sự trở lại của đĩa than mang đến cảm giác hoài niệm và gần gũi trong một thành phố sôi động và hiện đại như Dubai.
Dự luật cải cách thuế quy mô lớn do đảng Cộng hòa đề xuất đã được Hạ viện Mỹ chính thức thông qua ngày 22/5.
0