Anh và EU hàn gắn quan hệ hậu Brexit

Hội nghị thượng đỉnh Anh - Liên minh châu Âu (EU) mở ra chương mới sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit, hai bên đã nhất trí về những thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm mục đích khởi động lại mối quan hệ hậu Brexit, trong đó tập trung vào các vấn đề như thương mại và an ninh quốc phòng.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặt 

Hội nghị thượng đỉnh giữa Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại London, Anh vào ngày 19/5. Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2020 khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), trong bối cảnh tình hình địa chính trị, kinh tế và an ninh toàn cầu hiện nay đang có nhiều biến động.

Hội nghị thượng đỉnh Anh – EU đã đạt được nhất trí về nhiều lĩnh vực. Trong đó, Hiệp định đối tác an ninh và quốc phòng là một trong những hiệp định cốt lõi. Hiệp định này sẽ thiết lập một nền tảng tham vấn và hợp tác trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin, an ninh hàng hải và không gian của Anh và EU. Hiệp định này cũng cho phép các doanh nghiệp công nghiệp quân sự của Anh tham gia vào các kế hoạch mua sắm chung của EU trị giá 150 tỷ euro (tương đương 167 tỷ đô la) để tái vũ trang cho châu Âu. Tuy nhiên, truyền thông châu Âu chỉ ra rằng nếu Anh thực sự muốn tham gia kế hoạch này, hai bên cần phải tiến hành đàm phán thêm về ngân sách mà Anh sẵn sàng cung cấp.

Ngoài lĩnh vực quốc phòng, hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai thị trường. Phía Anh tuyên bố đồng ý giảm vô thời hạn “thủ tục quan liêu” hiện đang gây gánh nặng cho các doanh nghiệp Anh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang EU và xóa bỏ hoàn toàn một số biện pháp kiểm tra thường xuyên đối với các sản phẩm động vật và thực vật.

Văn phòng của Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết họ hy vọng những thay đổi này sẽ giúp “hạ giá thực phẩm và tăng sự lựa chọn trên các kệ siêu thị” nhưng kiên quyết không vượt qua một số lằn ranh đỏ nhất định đối với tầm nhìn của chính phủ về Brexit, bao gồm cả việc vẫn nằm ngoài thị trường chung và liên minh thuế quan của EU.

Về đánh bắt cá, Vương quốc Anh đã đồng ý gia hạn thỏa thuận về quyền đánh bắt cá giữa hai bên, dự kiến hết hạn vào năm 2026, thêm 12 năm, nghĩa là tàu thuyền EU có thể tiếp tục đánh bắt cá ở vùng biển của Anh cho đến tháng 6 năm 2038. Mức gia hạn này dài hơn nhiều so với thời hạn bốn đến năm năm mà chính phủ Anh đề xuất trước đó.  Đổi lại, EU sẽ cắt giảm vĩnh viễn thủ tục giấy tờ và kiểm tra biên giới vốn đã ngăn cản các nhà sản xuất thực phẩm nhỏ của Anh xuất khẩu sang châu Âu.

Trong số các sáng kiến khởi động lại, kế hoạch kết nối thị trường carbon có thể là bước đi chiến lược nhất. Vương quốc Anh và EU cam kết kết nối thị trường carbon tương ứng của mình để tránh áp dụng thuế điều chỉnh carbon biên giới đối với các sản phẩm như thép và xi măng.

Bản dự thảo thỏa thuận chung cũng bao gồm việc tìm hiểu khả năng Vương quốc Anh tham gia vào thị trường điện nội bộ của EU. Sau Brexit, mặc dù điện vẫn được truyền qua các đường kết nối liên vùng, nhưng các thỏa thuận giao dịch sẽ kém hiệu quả hơn nhiều so với khi các liên kết khu vực được thiết lập.

Vương quốc Anh cũng cam kết tái gia nhập chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+ của EU và thiết lập chương trình cấp thị thực thanh thiếu niên có thời hạn. Điều này sẽ cung cấp một kênh cấp thị thực chuyên dụng cho những người tham gia và đảm bảo tổng số lượng người tham gia được cả hai bên chấp nhận.

Thỏa thuận giữa Anh và EU đạt được sau nhiều tháng đàm phán giữa Phố Downing và Brussels. Các nhà lãnh đạo Anh và EU hy vọng thỏa thuận này sẽ chấm dứt nhiều năm căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên kể từ sau khi Anh bỏ phiếu rời liên minh này 9 năm trước.

"Đây là Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Anh và EU, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ của chúng ta và thỏa thuận này là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Nó mang lại những gì mà công chúng Anh đã bỏ phiếu vào năm ngoái. Nó mang lại cho chúng ta quyền tiếp cận chưa từng có đối với thị trường EU, tốt nhất so với bất kỳ quốc gia nào bên ngoài EU hoặc EFTA, trong khi vẫn tuân thủ các ranh giới đỏ trong tuyên ngôn của chúng ta về việc không tái gia nhập thị trường chung, liên minh thuế quan và không quay trở lại quyền tự do đi lại."

Thủ tướng Anh Keir Starmer

"Chúng ta đang mở ra một chương mới trong mối quan hệ độc đáo. Đây là câu chuyện về những đối tác lịch sử và tất yếu sát cánh bên nhau trên sân khấu toàn cầu, đối mặt với hầu hết những thách thức giống nhau, theo đuổi cùng mục tiêu, cùng chí hướng, chia sẻ cùng những giá trị. Và do đó, chúng ta đang tìm kiếm những giải pháp có lợi cho cả người dân và vị thế của chúng ta khi thực sự đi đến các giải pháp."

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Các nhóm đàm phán của Anh và EU đã hoàn tất văn bản dự thảo thỏa thuận này vào ngày 19 tháng 5. Mặc dù dự thảo vẫn cần được các nhà lãnh đạo của cả hai bên chấp thuận, nhưng dự kiến sẽ không gặp phải trở ngại lớn.

Động lực dẫn tới các thỏa thuận giữa Anh và EU

Thỏa thuận chung được đưa ra trong bối cảnh nước Anh và EU đều đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về kinh tế và an ninh, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng và đưa ra chính sách thuế quan mới làm xáo trộn trật tự thương mại toàn cầu. Thuế quan của ông Trump, cùng với các cảnh báo rằng châu Âu nên làm nhiều hơn để tự bảo vệ mình, đã buộc Anh và các nước EU phải xem xét lại quan hệ thương mại, quốc phòng và an ninh, đưa Thủ tướng Anh Keir Starmer đến gần hơn với các nhà lãnh đạo châu Âu.

Việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử năm 2016 đã cho thấy một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về mọi phương diện, từ di cư, chủ quyền đến văn hóa và thương mại. Sự kiện Brexit đã góp phần dẫn tới một trong những giai đoạn hỗn loạn nhất trong lịch sử chính trị của Anh và khiến mối quan hệ giữa Anh và EU xấu đi nghiêm trọng.

EU vốn là đối tác thương mại lớn nhất của Anh. Mặc dù sau Brexit, nước Anh khi đó do đảng Bảo thủ dẫn đầu đã ký với EU một thỏa thuận hợp tác ban đầu, tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa toàn diện và chủ yếu mang tính chất đối thoại. Kể từ sau Brexit, Anh đã chứng kiến mức giảm 21% trong xuất khẩu sang EU và mức giảm 7% trong nhập khẩu từ các nước thành viên.

Mặc dù chính phủ Đảng Lao động của Thủ tướng Keir Starmer đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế sau khi lên nắm quyền, nhưng nền kinh tế Anh vẫn không cải thiện trong 6 tháng qua. Trong bối cảnh đó, sự trở lại của ông Trump và chính sách thuế quan cứng rắn đã tăng thêm những thách thức cho nền kinh tế nước Anh và vấn đề an ninh châu Âu, khiến Anh phải nhanh chóng tìm kiếm những thỏa thuận hợp tác về nhiều mặt với EU.

"Các đối tác thương mại lớn nhất của chúng ta chính là các đồng minh trong Liên minh Châu Âu. Trong thời gian quá dài, việc xuất khẩu, đưa nhân tài vào giao thương với các nước láng giềng gần nhất của chúng ta đã quá khó khăn. Điều đó đã kìm hãm sự tăng trưởng, kìm hãm xuất khẩu và kìm hãm các cơ hội cho nước Anh. Và vào thời điểm chúng ta cũng đang phải đối mặt với xung đột Nga - Ukraine, chúng ta bắt buộc phải hợp tác với bạn bè và đồng minh của chúng ta để giữ cho châu Âu an toàn. Và thỏa thuận ngày hôm nay là nhằm thực hiện tất cả những điều đó."

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves

EU là một nền kinh tế lớn và việc cải thiện quan hệ với các nước láng giềng này được coi là một trong những lựa chọn thực tế của Thủ tướng Starmer. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy hầu hết người dân Anh ưu tiên giao thương với EU hơn là giao thương với Mỹ. Đối với Vương quốc Anh, các cuộc đàm phán với EU là chìa khóa quan trọng nhất để đạt được tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Đảng Lao động kỳ vọng những thỏa thuận đạt được với EU sẽ chấm dứt tình trạng hỗn loạn của thời kỳ Brexit và đánh dấu sự chuyển dịch của nền kinh tế Anh theo hướng ổn định và đáng tin cậy hơn. Anh cho biết việc thiết lập lại quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho các nhà sản xuất nông nghiệp - giúp thực phẩm rẻ hơn - cải thiện an ninh năng lượng và đóng góp gần 9 tỷ bảng Anh (tương đương 12,1 tỷ đô la) cho nền kinh tế Anh vào năm 2040.

Về phía EU, liên minh này cũng đang gặp khó khăn. Dữ liệu chính thức cho thấy niềm tin kinh tế vào khu vực đồng euro tiếp tục giảm vào tháng 4 và đạt mức thấp gần đây.

Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã tác động đến châu Âu, bao gồm cả việc làm lung lay cam kết an ninh của Mỹ đối với châu Âu. Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài trong ba năm qua trở thành bóng đen tiếp tục bao trùm châu Âu. Sau khi ông Trump lên nắm quyền, Mỹ đã thay đổi lập trường với việc xử lý cuộc xung đột này, khiến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trở nên căng thẳng.

“Thực tế EU và Vương quốc Anh đều lo ngại về một nước Mỹ khó lường hơn, phải đối phó với cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine. Chúng ta có thể thấy một số tiến triển về những điểm bế tắc lâu dài vì cả hai bên đều nhận ra rằng họ có chung một số lợi ích giống nhau và rủi ro giống nhau.”

Bà Olivia O’sullivan, Giám đốc Chương trình nước Anh tại Chatham House

Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo Anh và EU kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh giữa Anh và EU, cùng với các thỏa thuận đạt được giữa hai bên sẽ giúp duy trì sự ổn định và an ninh ở châu Âu và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược mới cho hai bên.

Quan hệ Anh - EU vẫn đối mặt thách thức

Mặc dù các thỏa thuận mới giữa Anh và EU được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn tại châu Âu, tuy nhiên, các thỏa thuận này cũng vấp phải sự chỉ trích. Những người hoài nghi về châu Âu ở Anh cho rằng đây là sự "đầu hàng" của chính phủ của đảng Lao động trước EU. Trong khi một số nhà quan sát nhận định những thỏa thuận này khó có thể xoay chuyển cục diện quan hệ giữa Anh và EU thời gian qua.

Không khó để nhận ra rằng trong quá trình xích lại gần với EU, Anh vẫn gặp những rào cản. Ở trong nước, chính phủ của Thủ tướng Starmer bị hạn chế bởi các đảng đối lập như Đảng Bảo thủ và Đảng Cải cách. Những đảng này chỉ trích  rằng thỏa thuận mà ông Starmer ký với EU đang làm suy yếu chủ quyền của Vương quốc Anh. Đặc biệt, việc nước Anh nhượng bộ về quyền đánh bắt cá trong thỏa thuận với EU, cho phép các tàu của Anh và EU sẽ được tiếp cận vùng biển của nhau thêm 12 năm đã gây ra làn sóng phản đối của Đảng Bảo thủ đối lập và ngành đánh bắt cá của Anh.

“Tôi vô cùng sửng sốt khi ông Keir Starmer ký thỏa thuận này. Đây là một sự bán rẻ, chắc chắn là về nghề cá. Tôi không thể tin rằng thay vì đạt được các điều khoản tốt hơn về nghề cá, chúng ta lại có các điều khoản tệ hơn."

Bà Kemi Badenoch, Lãnh đạo Bảo thủ của Anh

Liên đoàn ngư dân Scotland gọi thỏa thuận này là một thảm họa. Trong khi Lãnh đạo đảng Cải cách Anh Nigel Farage, người ủng hộ Brexit mạnh mẽ, tuyên bố sẽ hủy bỏ thỏa thuận nếu lên nắm quyền.

Lãnh đạo đảng Bảo thủ Kemi Badenoch cảnh báo Anh đang bị “kéo theo luật chơi của Brussels" và lo ngại chương trình "trải nghiệm thanh niên" có thể dẫn đến sự trở lại của chính sách biên giới mở với EU, làm gia tăng dòng người nhập cư.

Bên cạnh những thách thức trong nước, Anh cũng phải đối mặt với thách thức từ mối quan hệ với Mỹ. Hiện Anh và Mỹ đang có mối quan hệ “đặc biệt" và chặt chẽ về ngoại giao và quân sự. Vương quốc Anh phải phối hợp với cả Mỹ và EU, điều này đặt Anh vào tình thế khó khăn khi phải làm sao để hài hòa mối quan hệ với cả hai bên.

Về các vấn đề an ninh khu vực, EU rất thận trọng về sự tham gia của Vương quốc Anh vào hoạt động quốc phòng châu Âu. Trong khi Anh hy vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình tại châu Âu thông qua hợp tác an ninh và quốc phòng, thì EU vẫn tuân thủ nguyên tắc hợp tác rằng "quốc gia thứ ba" không có quyền ra quyết định và không muốn Anh chia sẻ quyền kiểm soát cơ chế an ninh châu Âu trong tương lai. Điều này cho thấy, đối mặt với những lợi ích thực sự, Anh và EU đều có những "ranh giới đỏ" riêng không thể thỏa hiệp.

Các nhà phân tích cho rằng xét về lịch sử quan hệ Anh-EU, Vương quốc Anh luôn cảnh giác về một Liên minh châu Âu thống nhất và hùng mạnh, và những nỗ lực tích cực của nước này nhằm tăng cường hợp tác với EU chỉ là một phản ứng tạm thời trước những thách thức kinh tế và chính trị đang bủa vây nước Anh hậu Brexit. Tuy vậy, London vẫn hy vọng những thỏa thuận này sẽ giúp bảo đảm an ninh và phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế trong nước mà không đi ngược lại chính sách Brexit của nước này.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Israel “có thể” đã hạ sát Mohammed Sinwar, thủ lĩnh bí ẩn của Hamas tại Gaza - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết.

Chiếc máy bay Boeing 747 hạng sang do Qatar tặng đã được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận để nhanh chóng nâng cấp thành chuyên cơ Không lực Một.

Hội nghị thượng đỉnh Anh - Liên minh châu Âu (EU) mở ra chương mới sau nhiều năm căng thẳng hậu Brexit, hai bên đã nhất trí về những thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm mục đích khởi động lại mối quan hệ hậu Brexit, trong đó tập trung vào các vấn đề như thương mại và an ninh quốc phòng.

Ông Donald Trump Jr., con trai cả của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho biết có thể tiếp bước cha mình tranh cử Tổng thống trong tương lai.

Một vụ đánh bom liều chết nhằm vào xe buýt chở học sinh đã xảy ra tại huyện Khuzdar, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 38 người bị thương.

Quân đội Nga hôm 21/5 đã bắn hạ hàng loạt máy bay không người lái (UAV) nhắm vào các cơ sở quân sự và công nghiệp, trong đó có thủ đô Mát-xcơ-va.