Sức ép từ quốc tế lên chiến dịch của Israel tại Gaza
Israel mở rộng tấn công Gaza
Tuần trước, quân đội Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch tấn công trên bộ “mở rộng toàn diện” tại Gaza, với sự tham gia của binh sĩ thuộc năm sư đoàn. Đây là động thái tiếp theo sau nhiều tuần Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các lãnh đạo quân sự Israel cảnh báo sẽ gia tăng sức ép nếu Hamas không chấp nhận điều kiện ngừng bắn của Israel.
“Ngay từ đầu cuộc chiến, chúng tôi khẳng định để chiến thắng hoàn toàn, đánh bại Hamas và giải thoát tất cả các con tin của chúng tôi. Đây là hai nhiệm vụ đan xen và có một điều kiện cần thiết: không để rơi vào tình trạng đói kém. Chúng ta đang tiến gần đến một cuộc chiến lớn, dữ dội và quy mô, và chúng ta đang tiến gần đến đó. Chúng tôi sẽ kiểm soát toàn bộ khu vực Dải Gaza, đó là những gì chúng tôi sẽ làm".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Theo phát ngôn từ quân đội Israel, Gaza sẽ bị chia cắt thành các khu vực tác chiến riêng biệt. Đồng thời, cư dân Palestine cũng được yêu cầu sơ tán khỏi các vùng có giao tranh. Tuy nhiên, cụ thể về hướng tiến công và các vị trí hiện diện của quân đội Israel vẫn chưa được công bố rộng rãi. Phát biểu tại cuộc họp báo mới đây, người phát ngôn quân đội Israel, ông Effie Defrin, cho biết việc giữ kín thông tin là nhằm bảo vệ an toàn cho lực lượng chiến đấu và đảm bảo yếu tố bất ngờ trong chiến dịch.
Các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 18/5, được phân tích bởi The New York Times, cho thấy hoạt động quân sự đang diễn ra tại nhiều khu vực giáp biên giới giữa Israel và Gaza, từ phía Bắc đến thành phố Khan Younis ở phía Nam.
Đặc biệt, tại Rafah – khu vực cực Nam của Gaza, hình ảnh vệ tinh cho thấy một phần lớn thành phố đã bị phá hủy kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ hồi giữa tháng 3.
“Chúng tôi đã phát động chiến dịch để tạo điều kiện tốt hơn cho sự trở về của các con tin và tấn công lực lượng Hamas. Trong quá trình thực hiện chiến dịch, chúng tôi đã loại bỏ hàng trăm tay súng Hamas, chia cắt Dải Gaza thành nhiều khu vực, chiếm giữ Hành lang Morag, kiểm soát khu vực Rafah, đồng thời mở rộng vùng đệm an ninh dọc theo biên giới.”
Ông Eyal Zamir, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Israel
Trước khi phát động chiến dịch tấn công trên bộ mở rộng, Israel đã tăng cường các cuộc không kích trên khắp Dải Gaza. Theo Bộ Y tế Gaza, chỉ từ ngày 15/5 đến nay, các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 400 người thiệt mạng. Con số này không phân biệt giữa dân thường và các tay súng vũ trang.
Cũng theo quân đội Israel, trong tuần qua, lực lượng này đã tấn công hơn 670 mục tiêu trong toàn bộ dải Gaza. Người dân tại đây mô tả khung cảnh với những tiếng nổ gần như liên tục, cùng tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu trên bầu trời ngày đêm không dứt.
Một cuộc không kích gần đây nhằm vào khu vực xung quanh Bệnh viện châu Âu, gần thành phố Khan Younis, đã gây nhiều tranh cãi. Giới chức Israel cho biết đây là nỗ lực nhằm tiêu diệt Muhammad Sinwar – một trong những chỉ huy cấp cao còn lại của Hamas tại Gaza. Tuy nhiên, hiện chưa có xác nhận chính thức nào từ cả phía Israel lẫn Hamas về số phận của nhân vật này.
Phía Israel khẳng định quân đội nước này đang áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu thương vong dân sự, bao gồm việc sử dụng vũ khí chính xác và đưa ra cảnh báo trước một số cuộc không kích. Dù vậy, thực tế trên chiến trường cho thấy, người dân Gaza tiếp tục là những đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất.
Tính từ khi xung đột bùng phát vào ngày 7/10/2023, thời điểm Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 con tin, đến nay, hơn 53.500 người Palestine đã thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của Israel, theo thống kê từ Bộ Y tế Gaza.
Viện trợ hạn chế vào Gaza
Sau hơn hai tháng phong tỏa hoàn toàn, Israel vừa cho phép một lượng nhỏ viện trợ nhân đạo được đưa vào Dải Gaza. Tuy nhiên, giới chức Liên hợp quốc cảnh báo, lượng viện trợ này vẫn quá ít ỏi so với nhu cầu khẩn cấp tại khu vực này. Hầu hết các tổ chức cứu trợ buộc phải tạm ngừng hoạt động do kho lương thực cạn kiệt. Nhiều bác sĩ tại địa phương báo cáo về tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Liên hợp quốc cảnh báo toàn bộ Dải Gaza đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nạn đói trên diện rộng.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), khoảng 100 xe tải đã được cho phép vào Dải Gaza, chở theo lương thực, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, trong bối cảnh các chuyên gia cảnh báo nguy cơ đói kém lan rộng do hoạt động phong tỏa kéo dài từ ngày 2/3. Israel cho biết 93 xe tải của LHQ chở hàng viện trợ nhân đạo đã đi qua cửa khẩu Kerem Shalom/Karem Abu Salem để vào Gaza.
Tuy nhiên, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres - ông Stephane Dujarric - nói chỉ “vài chục” xe được phép vào Gaza trong ngày 20/5, đồng thời đề cập tới những khó khăn trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ. Cụ thể, dù có thêm hàng cứu trợ vào Dải Gaza, song vẫn chưa thể đảm bảo hàng cứu trợ được đưa đến các kho và điểm phân phối. Thời gian chờ đợi phê duyệt quá lâu khiến hoạt động bị đình trệ ngay trước khi trời tối, khi việc di chuyển trở nên quá nguy hiểm. Trưởng đại diện viện trợ Liên hợp quốc, Tom Fletcher, nhận định lượng viện trợ này chỉ như muối bỏ bể so với nhu cầu thực tế. Liên hợp quốc ước tính lượng Gaza cần tới 200 - 300 chuyến xe tải chở hàng cứu trợ mỗi ngày.
Trong khi các nỗ lực viện trợ quốc tế đang được đẩy mạnh, người dân Gaza vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng hàng ngày.
“Dữ liệu cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở Gaza đang trầm trọng thêm. Tình trạng này đã giảm khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, nhưng bây giờ lại tăng. Chúng tôi lo sợ nếu tình trạng thiếu lương thực hiện tại tiếp tục, nó sẽ tăng theo cấp số nhân, và sau đó vượt quá tầm kiểm soát của chúng tôi.”
Ông Akihiro Seita, Giám đốc Y tế Unrwa
Anh Mahmoud al-Haw, cư dân Gaza, đứng chen chúc giữa hàng chục người trước một bếp ăn từ thiện tại Gaza. Người đàn ông 39 tuổi này chăm sóc vợ và 4 đứa con, cùng 2 đứa cháu là con của người anh trai. Anh cho biết đã phải chờ đợi hàng giờ để nhận được một bát súp đậu lăng cho cả gia đình. Suất súp này sẽ là bữa sáng, bữa trưa và bữa tối của cả nhà.
"Hôm qua, chúng tôi không có gì để cho con cái ăn. Đây là một vấn đề dai dẳng. Con chúng tôi đang chết dần chết mòn."
Anh Mahmoud Al-Haw, người dân Gaza
Tổng cộng hơn 138.000 người đã phải rời bỏ nơi ở trong vài ngày qua do các cuộc tấn công và lệnh di dời mới của quân đội Israel - bao phủ gần 80% diện tích Dải Gaza. Hệ thống cung cấp nước sạch cũng sắp sụp đổ hoàn toàn do thiếu nhiên liệu, đặc biệt tại miền Bắc Gaza - nơi không còn dầu để vận hành giếng nước.
Nhiều nước phản đối chiến dịch tấn công Gaza của Israel
Trong một động thái gây bất ngờ, ba nhà lãnh đạo gồm Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Canada đã ra tuyên bố chung phản đối mạnh mẽ việc Israel mở rộng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Các nước này cảnh báo sẽ có những hành động cụ thể nếu Israel không ngừng tấn công và không gỡ bỏ các hạn chế về viện trợ nhân đạo. Bên cạnh đó, tuyên bố cũng nhấn mạnh sự phản đối với việc mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây bị chiếm đóng, một vấn đề vốn đang bị lu mờ khi thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng tại Gaza.
Trong tuyên bố chung công bố vào đầu tuần này, Thủ tướng Anh Keir Starmer, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Mark Carney đã lên án việc Israel tiếp tục mở rộng chiến dịch quân sự tại Gaza, gọi tình trạng nhân đạo tại đây là “không thể chấp nhận được”.
Ba nhà lãnh đạo cho rằng tuyên bố cho phép viện trợ vào Gaza gần đây của Israel là “hoàn toàn không đủ”, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu Israel không chấm dứt chiến dịch tấn công và không dỡ bỏ các hạn chế viện trợ, các nước này sẽ có hành động cụ thể tiếp theo.
Họ cũng khẳng định việc từ chối viện trợ thiết yếu cho thường dân là vi phạm luật nhân đạo quốc tế và lên án phát ngôn của một số quan chức Israel kêu gọi cư dân Gaza rời khỏi khu vực – điều mà tuyên bố mô tả là “di cư cưỡng bức vĩnh viễn”, vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế.
Dù thừa nhận quyền tự vệ của Israel sau vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas, tuy nhiên, ba nhà lãnh đạo cho rằng mức độ leo thang hiện nay là hoàn toàn không tương xứng.
Ngay trong ngày 20/5, chính phủ Anh đã tuyên bố đình chỉ đàm phán thương mại với Israel, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt đối với các nhóm định cư và tổ chức ủng hộ bạo lực chống người Palestine tại Bờ Tây.
“Hôm nay tôi tuyên bố rằng chúng tôi đã đình chỉ các cuộc đàm phán với chính phủ Israel về một hiệp định thương mại tự do mới. Bộ Ngoại giao cũng đã triệu tập Đại sứ Israel lên để truyền đạt thông điệp này.”
Ngoại trưởng Anh David Lammy
Trong khi đó, một tuyên bố chung của 24 quốc gia, phần lớn là các nước châu Âu được đưa ra vào đầu tuần, cho rằng việc Israel cho phép nối lại hoạt động viện trợ ở Gaza ở mức hạn chế là không đủ. Các quốc gia này yêu cầu phải khôi phục hoàn toàn và không bị cản trở các hoạt động nhân đạo. Tuyên bố này có chữ ký của các ngoại trưởng từ nhiều quốc gia lớn như Australia, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Vương quốc Anh, và nhiều nước khác.
Một động thái đáng chú ý khác đến từ Liên minh châu Âu (EU). Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas cho biết đa số các ngoại trưởng từ 27 quốc gia thành viên của khối đã ủng hộ việc rà soát Thỏa thuận Liên kết giữa EU và Israel - khuôn khổ điều chỉnh quan hệ thương mại và hợp tác chính trị giữa hai bên. Bà Kaja Kallas nhấn mạnh, thế giới đang nhận thấy tình hình ở Gaza là không thể chấp nhận được và điều các nước muốn là gỡ bỏ lệnh phong tỏa viện trợ nhân đạo. Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt những người định cư Israel có hành vi bạo lực tại những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
"Tình hình ở Dải Gaza đang rất thảm khốc. Viện trợ mà Israel cho phép vào tất nhiên là đáng hoan nghênh, nhưng đó chỉ là muối bỏ bể. Viện trợ phải được chuyển ngay lập tức, không bị cản trở và ở quy mô lớn, vì đây chính là điều cần thiết."
Bà Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh
Phía Israel đã bày tỏ phản đối các động thái gây áp lực lên nước này. Bộ Ngoại giao Israel cho rằng hành động của EU "phản ánh sự hiểu lầm hoàn toàn về thực tế phức tạp mà Israel đang phải đối mặt", khẳng định áp lực bên ngoài sẽ không làm nước này chệch hướng mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia.
Mặc dù chưa tác động trực tiếp đến thực địa, các tuyên bố và đe dọa trừng phạt từ phương Tây đối với Israel đang được đánh giá là dấu mốc quan trọng, mở đường cho một sự thay đổi trong quan điểm quốc tế. Giới phân tích nhận định, điều này có thể gây ảnh hưởng dài hạn đến vị thế của Israel trong cộng đồng toàn cầu, đặc biệt khi sự chỉ trích đang mở rộng từ ngôn ngữ ngoại giao sang các biện pháp cụ thể.
Theo chuyên gia an ninh quốc tế Andreas Krieg từ Đại học King’s College London, những đe dọa từ Anh, Pháp và Canada dù không tác động trực tiếp lên chiến dịch quân sự của Israel, nhưng đã tạo tiền lệ ngoại giao quan trọng để các quốc gia khác có thể công khai phản đối hành động của Israel. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh chìa khóa để thay đổi hành vi của Israel vẫn nằm ở Mỹ, quốc gia cung cấp phần lớn vũ khí và bảo trợ ngoại giao cho Israel tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Giữa bối cảnh xung đột ở Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vòng đàm phán hòa bình tại Doha do Qatar chủ trì với sự tham gia của Mỹ, Ai Cập, Israel và Hamas bất ngờ rơi vào bế tắc. Diễn biến nghiêm trọng hơn khi phía Israel quyết định rút toàn bộ phái đoàn về nước, cáo buộc Hamas “không nghiêm túc với các điều khoản thỏa thuận”. Động thái này không chỉ đặt dấu chấm hết cho nỗ lực trung gian hòa giải của Qatar trong ngắn hạn, mà còn đẩy triển vọng ngừng bắn càng trở nên bế tắc. Trong khi các bên vẫn đang chỉ trích lẫn nhau và đổ lỗi cho đối phương, hàng nghìn dân thường ở Gaza tiếp tục gánh chịu hậu quả nặng nề từ chiến sự kéo dài.


Biểu hiện mất kiên nhẫn và muốn buông bỏ của ông Trump và cộng sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện tại của ông trong tiến trình tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine.
Quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard vừa bị chính quyền Tổng thống Donald Trump thu hồi vào ngày 22/5, gây chấn động mạnh mẽ trong giới học thuật.
Sự trở lại của đĩa than mang đến cảm giác hoài niệm và gần gũi trong một thành phố sôi động và hiện đại như Dubai.
Dự luật cải cách thuế quy mô lớn do đảng Cộng hòa đề xuất đã được Hạ viện Mỹ chính thức thông qua ngày 22/5.
Sáng kiến biến rác thải thành những viên gạch lát thân thiện của kỹ sư năng lượng tái tạo Ursula Saha tạo ra một bước tiến mạnh mẽ hướng tới phát triển bền vững tại Cameroon.
Mỹ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Abbas Araqchi cho biết.
0