Người lưu giữ The La Khê
Làng nghề La Khê đã từng rất nổi danh khắp chốn với một sản phẩm dệt độc đáo, đó là vải the. "The" có nghĩa là "thưa", đồng nghĩa với việc loại vải này cần có cách dệt đặc biệt để làm sao các sợi vải không sít vào nhau, nhưng khi giặt, phơi lại không bị xô giạt, không co ngót dồn sợi và khi thiết kế thành các sản phẩm thì vẫn giữ được phom dáng. Điều đặc biệt là trang phục thiết kế từ loại vải này có được sự thoáng mát vào mùa hè, ôn ấm vào mùa đông và cũng dễ dàng nổi lên được những vân hoa đẹp mắt.


Sinh ra ở quê hương của "the" nhưng nghệ nhân Lê Đăng Toản có một tuổi thơ chẳng còn được nhìn thấy bóng dáng của loại vải đó hay ai đó trong làng duy trì nghề dệt này. Lớn lên mưu sinh với đủ thứ nghề, nhưng có lẽ đã được "tổ nghề" chọn khi anh có duyên với nghề dệt bắt đầu bằng công việc đi sửa chữa máy dệt.

Đến năm 2003, khi có chính sách khôi phục làng nghề La Khê, anh Toản đã xung phong là một trong những người trẻ đầu tiên tham gia vào lớp học nghề từ số ít những nghệ nhân già còn nhớ nghề trong làng. Với những hiểu biết về máy dệt, nguyên tắc dệt, anh Lê Đăng Toản nhanh chóng tiếp thu được tinh hoa của nghề dệt the và còn dựng lại được cả khung dệt cổ, tự cải tiến được thành khung bán thủ công. La Khê đã có một hợp tác xã dệt - nơi mọi người chung tay đưa tiếng thoi trở lại.
Tuy nhiên, với đặc điểm rất "khó tính", loại vải the này cũng gây rất nhiều khó khăn cho những người thợ hợp tác xã. Những sản phẩm ban đầu với nhiều thử nghiệm thất bại, hỏng hóc và cũng không đáp ứng được nhu cầu thị trường lúc bấy giờ. Với vài năm tồn tại ngắn ngủi, hợp tác xã đã phải giải thể, máy móc lưu kho.

Tình yêu với the lụa của quê hương đã nhóm lên nơi anh Lê Đăng Toản không thể kết thúc ở đó. Khi tất cả đã từ bỏ, anh vẫn đau đáu với nghề và quyết tâm dù chỉ có một mình cũng phải khôi phục nghề. Anh xin hợp tác xã những khung dệt cũ và tự dựng lại, tự mày mò nghiên cứu để khôi phục thành công được các dòng vải the/sa cổ đã thất truyền nhiều thập kỷ. Có những loại vải bắt buộc phải dệt thủ công hoàn toàn và đến nay vẫn chỉ có mình anh Toản có thể dệt được.

Dù hiện giờ duy trì xưởng dệt duy nhất của La Khê, nghệ nhân Lê Đăng Toản vẫn không ngừng cố gắng. Anh vẫn đang tiếp tục để có những sáng tạo trên hoa văn và kết hợp với các nhà thiết kế để đưa vải the lên các sản phẩm đương đại, đưa hơi thở của the/sa La Khê gần hơn với đời sống.


Bánh tôm là món ăn dân dã, được chế biến từ những nguyên liệu dễ tìm, đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo của người đầu bếp để tạo nên hương vị rất riêng.
Giữa muôn vàn món ngon của ẩm thực Hà Nội, bún ốc nóng vẫn giữ cho mình một vị trí rất riêng: dân dã nhưng đầy tinh tế, giản dị mà khó quên.
Chơi cờ tướng đã trở thành niềm vui của nhiều người cao tuổi ở Hà Nội. Mỗi ngày, từ sáng đến chiều muộn, bên những gốc cây ven hồ, ghế đá công viên, hay trong các sân tập thể,... đã trở thành điểm hẹn của nhiều người yêu thích cờ tướng.
Ngày càng nhiều khán giả trẻ tìm đến với nghệ thuật tuồng truyền thống. Đó là nguồn động lực mạnh mẽ nhất để những người nghệ sĩ vẫn ngày đêm hăng say tập luyện và gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này.
Sách dạy nấu ăn cổ ''Thế vị tân biên'' xuất bản năm 1925, có nhắc tới món cá diếc kho với những gia vị đồng quê gần gũi quen thuộc như gừng, lá giềng, muối hạt, tương bần tạo vị ngọt hậu. Cá kho chắc thịt, màu nâu vàng, dậy mùi thơm và vị đặc trưng của tương bần. Món ăn này ăn cùng rau luộc và cơm trắng rất bắt vị trong những ngày chuyển mùa nắng nóng.
Về với thiên nhiên và những điều mộc mạc, yên bình chính là cách để mỗi người tự làm mới mình sau những ngày bận rộn. Một kỳ nghỉ nhẹ nhàng nhưng cũng là những kỉ niệm khó quên.
0