EU sẵn sàng đáp trả đe dọa thuế quan của Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) muốn có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ, nhưng sẵn sàng đáp trả cứng rắn nếu bị chính quyền mới của ông Donald Trump nhắm mục tiêu "bất công".

Đó là tuyên bố được các nhà lãnh đạo EU đưa ra sau cuộc họp không chính thức của khối này ở thủ đô Brussels của Bỉ nhằm tìm biện pháp ứng phó với những lời đe dọa từ Tổng thống thứ 47 của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã tổ chức một cuộc họp không chính thức ở Brussels để thảo luận về cách tăng cường phòng thủ của châu lục này cũng như cách ứng xử với các kế hoạch áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo rằng việc chính quyền ông Trump dự định áp thêm thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU có thể khơi mào một cuộc chiến thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết: “Chúng tôi đã thảo luận về các cách để tăng cường hợp tác thực dụng với Mỹ. Rõ ràng là có những thách thức mới và sự bất ổn ngày càng tăng. Và khi bị nhắm mục tiêu một cách không công bằng hoặc tùy tiện, Liên minh châu Âu sẽ phản ứng một cách cứng rắn”.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh EU sẽ không thỏa hiệp với những vấn đề liên quan tới lợi ích cốt lõi. Ông Antonio Costa - Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cho biết: “Mỹ là bạn của chúng tôi, là đồng minh và là đối tác của chúng tôi. Đây là mối quan hệ có gốc rễ sâu xa và sẽ tồn tại theo thời gian. Các vấn đề về sự khác biệt quan điểm cũng có thể nảy sinh giữa những người bạn. Khi chúng xảy ra, chúng ta cần giải quyết, đối thoại để tìm ra giải pháp và tất nhiên vẫn phải bảo vệ các giá trị và duy trì các nguyên tắc cũng như không thỏa hiệp với những vấn đề liên quan tới lợi ích”.

Quan điểm của Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng được Thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ. Theo người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu, EU có đủ khả năng trả đũa hành động của Mỹ, nhưng vẫn ưu tiên đối thoại hợp tác.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Cả Mỹ và châu Âu đều hưởng lợi từ việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Nếu chính sách hải quan hiện nay khiến điều này trở nên khó khăn thì sẽ không tốt cho cả hai bên. Rõ ràng là với tư cách là một khu vực kinh tế mạnh, chúng tôi có thể phản ứng với các rào cản thuế quan. Đó là những gì chúng tôi phải và sẽ làm. Nhưng quan điểm và mục tiêu phải là tiến hành theo hướng hợp tác”.

Trước và sau khi nhậm chức, ông Trump đều liên tục cảnh báo áp thuế lên EU trừ khi khối này mua một lượng lớn dầu và khí đốt của Mỹ để bù đắp thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Washington. Tuy nhiên, tới nay, ông chủ Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra một khung thời gian cũng như chi tiết về kế hoạch áp thuế này.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực hiện một kế hoạch di dời vĩnh viễn khoảng một triệu người Palestine từ Dải Gaza đến Libya, Hãng NBC News ngày 16/5 dẫn 5 nguồn tin cho biết.

Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị gói trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu khí Nga để gia tăng sức ép lên Moscow liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc.

Trưởng đoàn đàm phán của Nga, ông Vladimir Medinsky, cho rằng xung đột giữa Nga và Ukraine lẽ ra đã có thể kết thúc nhanh chóng nếu Kiev chấp nhận đàm phán ngay từ đầu thay vì nghe theo các nước phương Tây và lựa chọn con đường quân sự.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vừa công bố một chiến dịch ném bom mới tại Dải Gaza nhằm đánh bại phong trào Hamas.

Nga và Ukraine ngày 16/5 đã công bố kết quả cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 2022, diễn ra tại Cung điện Dolmabahce, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.