Đàm phán Nga - Ukraine: Cơ hội hòa bình chưa tới?
Quá trình tiến tới đàm phán nhanh chóng và bất ngờ
Diễn biến này cho thấy rằng, để tạo được một bước đột phá và tìm được giải pháp cho cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm qua ở Ukraine là một quá trình vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều yếu tố, mặc dù quá trình dẫn dắt đến động thái ngoại giao này đã diễn ra nhanh chóng và bất ngờ.
Chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine là một trong những mục tiêu quan trọng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra ngay từ thời điểm tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, hơn 100 ngày đầu tiên sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump thậm chí đã tính đến việc từ bỏ nỗ lực trung gian hòa giải, bởi việc tìm ra điểm dung hòa giữa các yêu cầu cốt lõi của hai bên đối với một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là gần như không thể.
Ngày 7/5, phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance khẳng định rằng, để tháo gỡ những khúc mắc và đi đến một giải pháp cho cuộc xung đột, thì Nga và Ukraine trước tiên cần ngồi lại và nói chuyện.
Hiện tại, Tổng thống Trump đã nói sẽ từ bỏ vai trò trung gian nếu nỗ lực của ông ấy không đạt được tiến triển. Điều mà chúng tôi muốn thực hiện ngay bây giờ là cả Nga và Ukraine thực sự đồng ý về một số nguyên tắc cơ bản để ngồi lại và nói chuyện với nhau.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance.
Ba ngày sau, vào ngày 10/5, lãnh đạo một số nước châu Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Ba Lan sang Kiev gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và đồng loạt kêu gọi một lệnh ngừng bắn 30 ngày bắt đầu từ ngày 12/5, cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nếu không đồng ý.
Chúng tôi đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chúng tôi đã nhất trí rằng, bắt đầu từ ngày 12/5 sẽ có lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện trong ít nhất 30 ngày. Chúng tôi cùng nhau yêu cầu điều này từ Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu trước giới truyền thông vào sáng 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không đề cập đến lệnh ngừng bắn 30 ngày. Thay vào đó, ông đề xuất tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ mà không có điều kiện tiên quyết. "Tôi xin nhắc lại một lần nữa rằng không phải chúng tôi đã rút khỏi các cuộc đàm phán năm 2022, mà là phía Ukraine đã làm như vậy. Vì vậy, bất chấp mọi việc, chúng tôi đề xuất với chính quyền ở Kiev nối lại các cuộc đàm phán mà họ đã gián đoạn vào cuối năm 2022, nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp và tôi muốn nhấn mạnh, không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng tôi đề xuất rằng họ sẽ bắt đầu đàm phán sớm nhất là vào ngày 15/5 tại Istanbul, nơi các cuộc đàm phán đã được tổ chức trước đó và đã bị gián đoạn", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết.
Ngay sau tuyên bố, ông Putin đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ông Erdogan ủng hộ ý tưởng này và bày tỏ sự sẵn sàng cung cấp địa điểm tại Istanbul. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã nhấn mạnh rằng, Ukraine phải ngay lập tức đồng ý đàm phán trực tiếp với Nga. Đáp lại, Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố rằng, ông sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng chỉ khi ông có thể gặp trực tiếp Tổng thống Nga Putin để thảo luận về lệnh ngừng bắn 30 ngày, không có gì khác.
Theo như công bố từ Điện Kremlin, phái đoàn đàm phán phía Nga sẽ do trợ lý của Tổng thống Putin là ông Vladimir Medinsky dẫn đầu. Ông Medinsky cũng là trưởng phái đoàn Nga tham dự các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra tại Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2022. Bên cạnh đó, phái đoàn cũng có Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin, Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin và ông Igor Kostyukov, Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Nga.
Về phía Ukraine, phái đoàn tới Thổ Nhĩ Kỳ cùng Tổng thống Volodymyr Zelensky bao gồm: Chánh Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak, Phó Chánh Văn phòng Igor Zhovkva, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Ngoại trưởng Andriy Sybiga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù trước đó bày tỏ mong muốn được góp mặt, đã không tới Thổ Nhĩ Kỳ để tham gia đàm phán giữa Nga và Ukraine. Thay vào đó, các đại diện Mỹ có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Ngoại trưởng Marco Rubio cùng với các cố vấn Keith Kellogg và Steve Witkoff.
Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần đóng vai trò là cầu nối giữa Moscow và Kiev. Đáng chú ý nhất là khi nước này làm trung gian cho Hiệp ước Ngũ cốc Biển Đen, một sáng kiến nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu chở thực phẩm xuất khẩu của Ukraine. Đây là một điểm sáng ngoại giao hiếm hoi trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, năm 2023, Nga đã rút khỏi hiệp ước này.
Yêu cầu và vị thế trên bàn đàm phán
Trong suốt thời gian qua, cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi Nga và Ukraine ngồi lại với nhau tìm lối thoát cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba năm qua. Tuy nhiên, tìm kiếm một giải pháp ngoại giao không hề đơn giản bởi quan điểm cũng như vị thế của Moscow và Kiev tồn tại sự chênh lệch rất lớn.
Đến nay, quan điểm của Nga và Ukraine về giải pháp cho cuộc xung đột vẫn rất khác biệt, do đó rất khó đoán định chính xác những vấn đề sẽ được đưa ra tại bàn đàm phán tại Istanbul lần này.
Cuộc họp song phương này sẽ diễn ra theo cách, phía Nga có thể trình bày các yêu cầu của họ. Ukraine có thể từ chối các yêu cầu này và đây sẽ là hồi kết của nó. Hoặc họ có thể thảo luận có lẽ là một lập trường chung về việc thúc đẩy sự đồng ý chấm dứt xung đột và thực hiện quá trình đàm phán một cách nghiêm túc và thiện chí.
Bà Orysia Lutsevych - Phó Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á, Viện nghiên cứu Chatham House, Anh.
Điện Kremlin coi cuộc đàm phán ngày 15/5 là "khởi động lại" các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul vào năm 2022 - thời điểm đầu cuộc chiến, vốn đã nhanh chóng tan vỡ và Moscow cho rằng đây là lỗi của Ukraine và phương Tây.
Ngày 13/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, Moscow muốn thảo luận “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán trực tiếp lần này. Theo ông Ryabkov, các vấn đề mà Moscow mong muốn thảo luận tại cuộc gặp lần này về cơ bản không có gì mới, với ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm một giải pháp bền vững, có khả năng duy trì ổn định lâu dài, đồng thời giải quyết triệt để nguyên nhân gốc rễ của xung đột Nga - Ukraine. Ông Ryabkov cũng nêu rõ các vấn đề trọng tâm như “phi phát xít hóa” chính quyền Kiev theo quan điểm của Moscow, công nhận các tiến triển thực địa, bao gồm việc sáp nhập các vùng lãnh thổ mới vào Nga. Một trong những yêu cầu chính của Nga trong mọi vòng đàm phán là Ukraine phải công nhận chủ quyền của Nga đối với các vùng lãnh thổ mà Moscow hiện kiểm soát, bao gồm Donetsk, Lugansk, Zaporozhye và Kherson, bên cạnh Crimea đã sáp nhập từ năm 2014.
Ngoài yêu cầu công nhận lãnh thổ, Nga cũng yêu cầu Ukraine phải từ bỏ việc gia nhập NATO và duy trì trạng thái trung lập lâu dài. Moscow xem việc NATO mở rộng là mối đe dọa chiến lược. Các yêu cầu này từng được đưa ra trong dự thảo hiệp định hòa bình mà hai bên thảo luận hồi đầu năm 2022, nhưng sau đó đổ vỡ do diễn biến chiến sự leo thang. Bên cạnh đó, Nga cũng có thể yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế, hoặc ít nhất là cam kết không mở rộng thêm các biện pháp cô lập tài chính, thương mại và ngoại giao.
Ngược lại, Kiev từ chối nhượng lại bất kỳ vùng đất nào và muốn có sự bảo đảm an ninh vững chắc từ phương Tây và thậm chí từ các lực lượng gìn giữ hòa bình. Song đây là một điểm vô cùng nhạy cảm với Nga.
"Đã có các cuộc đàm phán trước đó. Hãy nhớ lại về thỏa thuận ngũ cốc và hoạt động hàng hải ở Biển Đen. Nhưng tôi nghĩ, giờ đây, cả Nga, cả Ukraine và châu Âu đều đang chơi bóng bàn ngoại giao. Dù vậy, bên cạnh cuộc đàm phán này thì đã có các cuộc đàm phán khác diễn ra ở hậu trường về trao đổi tù nhân và cố gắng hiểu lập trường của nhau", bà Orysia Lutsevych chia sẻ thêm.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công trên thực địa vẫn hết sức ác liệt. Cả Nga và Ukraine đều đang chuẩn bị một chiến dịch mới, trong điều kiện thời tiết ấm áp trên chiến trường, nơi cuộc chiến tiêu hao đã giết chết hàng chục nghìn binh lính ở cả hai bên dọc theo chiến tuyến dài khoảng 1.000 km. Tháng trước, Moscow cũng tuyên bố rằng họ đã giành lại hoàn toàn các khu vực thuộc vùng Kursk giáp với Ukraine mà Kiev đã chiếm giữ trong một cuộc tấn công bất ngờ vào tháng 8/2024. Tuy Ukraine phủ nhận tuyên bố này nhưng họ đã liên tục mất đi lãnh thổ ở đó khi Moscow nỗ lực đánh bật đối phương và khiến Ukraine không còn lá bài đàm phán quan trọng nào.
Trong khi đó, một số nỗ lực nhằm thiết lập ít nhất một lệnh ngừng bắn một phần đã không thành công. Nga đã bác bỏ lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày; thay vào đó, Điện Kremlin đã tuyên bố hai lệnh ngừng bắn đơn phương ngắn hạn cho các ngày lễ trong hai tháng qua, nhưng trong cả hai trường hợp, Kiev và Moscow đều cáo buộc nhau không ngăn chặn được giao tranh. Hồi tháng 3, Nga và Ukraine cũng đã cam kết sẽ tuân thủ lệnh ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày do chính quyền Tổng thống Trump làm trung gian. Song cả hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm nghiêm trọng cho đến khi lệnh ngừng bắn này hết hiệu lực.
Nỗ lực tìm bước đột phá chưa thành công
Việc Nga và Ukraine chưa thể ngồi vào bàn đàm phán như dự định có thể nằm trong dự đoán của một số nhà phân tích. Ngay cả trong trường hợp cuộc đàm phán thực sự diễn ra như kỳ vọng thì vẫn còn nhiều hoài nghi về việc liệu hai bên có tìm được điểm đột phá mang tính thực chất hay không.
Một số nhà phân tích dù có kỳ vọng về cuộc đàm phán ở Istanbul, nhưng lại hoài nghi về kết quả của nó. Có hai nguyên nhân dẫn tới những nhận định này.
Thứ nhất, các điều kiện cho cuộc đàm phán hòa bình thực sự không tồn tại. Về mặt quân sự, tình hình của Ukraine vẫn còn bấp bênh; trong khi lực lượng của họ vẫn đang giữ các tuyến phòng thủ ở Donbass, tinh thần và nhân lực đang suy yếu, một số vị trí đang sụp đổ. Tuy nhiên, về mặt chính trị, Kiev vẫn tiếp tục hành động như thể họ nắm thế thượng phong, được hỗ trợ bởi sự ủng hộ từ cái gọi là “Liên minh những người sẵn sàng”, bao gồm Anh, Pháp và Đức. Các quốc gia châu Âu này đã liên tục cản trở nỗ lực của Washington nhằm thúc đẩy một nền hòa bình nhanh chóng. Chiến lược hiện tại của Ukraine rất rõ ràng: xoa dịu Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đủ để tránh phản ứng dữ dội, nhưng không đồng ý với bất kỳ điều gì có thể khiến Ukraine cam kết giải quyết bằng đàm phán. Ngay cả trong tình trạng suy yếu, Kiev vẫn không tỏ ra sẵn sàng nhượng bộ.
Tôi nghĩ rằng mục đích chính của đề xuất đối thoại lần này là Tổng thống Ukraine Zelensky đang cố gắng lấy lại vị thế trước ông Putin. Ông ấy đang cố gắng cho Mỹ thấy việc sẵn sàng trở thành đối tác thích nghi với một số yêu cầu của Mỹ cũng như nhận ra tầm quan trọng của sự hỗ trợ của Washington. Song, dù hy vọng rằng sẽ có tiến triển hướng tới hòa bình, nhưng tôi nghĩ rằng có rất ít khả năng Tổng thống Putin sẽ thay đổi đáng kể chiến lược của mình hoặc từ bỏ lãnh thổ Ukraine đã được Nga sáp nhập.
Ông Maximilian Hess - Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại ở London, Anh.
Về phía Nga, có rất ít động lực để chấp nhận một quá trình do phương Tây quản lý được thiết kế để mang lại cho Tổng thống Mỹ một chiến thắng ngoại giao. Nga đang đạt được những bước vững chắc ở tiền tuyến và không có lý do gì để đưa ra lệnh ngừng bắn ngay bây giờ, ngay khi tiến trình đang được thực hiện. Cách tiếp cận hiện tại của Moscow rất rõ ràng: kiểm tra mức độ nghiêm túc của Kiev thông qua các cuộc tiếp xúc thăm dò, nhưng tránh ràng buộc với bất kỳ lệnh ngừng bắn chính thức nào cho đến khi chiến dịch quân sự tạo ra đòn bẩy mạnh hơn.
Thứ hai, quá trình chuẩn bị cho cuộc đàm phán ở Istanbul có nét tương đồng với những thất bại trước đó: không ai thực sự biết chương trình nghị sự là gì; không rõ liệu hai bên có chia sẻ sự hiểu biết chung về những gì họ sẽ thảo luận hay không.
Ukraine có thể chấp nhận rằng một số phần lãnh thổ vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong thời gian vô thời hạn, nhưng điều đó không có nghĩa là Kiev từ bỏ lãnh thổ của mình. Điều mà họ có thể chấp thuận là một lệnh ngừng bắn dọc theo tiền tuyến, vì không có lựa chọn nào khác để chấm dứt chiến tranh.
Ông Volodymyr Fesenko - Trung tâm nghiên cứu chính trị Penta, Kiev, Ukraine
Trong kịch bản lạc quan, nếu các cuộc đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời, hoặc ít nhất thiết lập được các kênh đối thoại chính thức, tác động sẽ rất tích cực. Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng tại các mặt trận ở phía Đông và Nam Ukraine, mà còn tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo và khôi phục một phần cơ sở hạ tầng dân sự.
Ngược lại, nếu đàm phán thất bại, đặc biệt nếu một bên rút lui đột ngột hoặc có hành động quân sự ngay sau đó, xung đột có thể trở nên khó kiểm soát và lan rộng. Một thất bại trong đàm phán sẽ làm giảm niềm tin quốc tế vào khả năng hòa giải thông qua đối thoại, có thể khiến các quốc gia trung lập nghiêng về một phía, gia tăng phân cực địa chính trị. Mỹ cũng có thể sẽ giảm vai trò trong các vòng đàm phán sau này và chuyển hướng tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, điều này có thể dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ Nga, thậm chí là gia tăng mức độ leo thang vũ khí trên chiến trường.
Để một cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên trong cuộc xung đột có thể diễn ra là điều vô cùng khó khăn. Do đó, dù diễn ra ở bất kỳ cấp nào cũng sẽ đánh dấu một cột mốc lớn trong nỗ lực chấm dứt xung đột. Đây không chỉ là một cơ hội hòa bình mà còn là phép thử ý chí và chiến lược của cả Nga, Ukraine và các cường quốc liên quan. Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa các khối quyền lực, việc thiết lập lại niềm tin vào ngoại giao và đối thoại là nhiệm vụ không dễ dàng.


Đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về tiến hành đàm phán hoà bình trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ mà không gắn với bất cứ điều kiện tiên quyết nào đã đưa lại cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai quốc gia này kể từ năm 2022, dù vẫn không phải ở cấp cao nhất.
Cuộc đàm phán được kỳ vọng giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm qua đã không diễn ra như dự kiến ban đầu.
Hàng trăm du khách đã đổ về tỉnh Bohol, Philippines để chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên độc đáo với tên gọi “Đồi socola” - nơi hàng nghìn gò đồi nhấp nhô tạo nên khung cảnh đặc biệt.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết sẽ không tham dự các cuộc đàm phán với Nga trong ngày hôm nay (16/5), đồng thời không mong đợi sẽ có bước đột phá trong các cuộc đàm phán về cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ mùa Xuân năm 2022 đã không diễn ra, dù các phái đoàn đàm phán đã tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
TikTok đã bị các nhà quản lý công nghệ của Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc vi phạm quy định về nội dung trực tuyến của EU, khiến ByteDance - chủ sở hữu TikTok đối mặt với nguy cơ bị phạt 6% doanh thu toàn cầu.
0