Chiến sự ngày 15/5: Đàm phán Nga-Ukraine thay đổi định dạng

Cuộc đàm phán được kỳ vọng giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn ba năm qua đã không diễn ra như dự kiến ban đầu.

Đàm phán Nga-Ukraine tại Istanbul thay đổi định dạng

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thay đổi bất ngờ về định dạng và thành phần tham dự so với kế hoạch ban đầu. Thay vì cuộc gặp trực tiếp giữa phái đoàn Nga-Ukraine, các bên sẽ tiến hành đàm phán theo hình thức ba bên với sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, bên cạnh cuộc họp ba bên giữa Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, còn có các cuộc gặp khác giữa Mỹ, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định về việc tổ chức cuộc họp bốn bên có sự góp mặt của Mỹ, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ như dự kiến.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine không kèm điều kiện tiên quyết, nhằm giải quyết căn nguyên cuộc xung đột và hướng tới một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban đầu bác bỏ đàm phán nếu không có ngừng bắn ít nhất 30 ngày.

Cuộc đàm phán được ấn định khởi động vào lúc 10h sáng ngày 15/5 (giờ địa phương) tại Istanbul, tuy nhiên sau đó, cuộc gặp đã bị hoãn sang chiều cùng ngày và sau đó rơi vào trạng thái "chờ". Theo thông báo từ phía Nga, trưởng đoàn đàm phán Vladimir Medinsky ngày 15/5 tuyên bố phái đoàn Nga sẽ tiếp tục chờ phía Ukraine để bắt đầu cuộc họp vào 10h sáng ngày 16/5, cũng tại Istanbul.

“Chúng tôi đã có các cuộc trao đổi sâu rộng với nhiều lãnh đạo thế giới và đã trình bày rõ quan điểm của mình. Sáng 16/5, chúng tôi sẽ chờ phía Ukraine đến họp”, ông Medinsky phát biểu.

Trưởng đoàn đám phán Nga Vladimir Medinsky, ở giữa, phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp dự kiến ​​với các đại điện Ukraine và Mỹ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5/2025. Ảnh: Burak Kara/Getty Images.

Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng ngày công bố thành phần phái đoàn sẽ tham gia đàm phán với Nga. Đoàn do Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov dẫn đầu, gồm 12 thành viên đại diện cho các cơ quan ngoại giao, an ninh và tình báo Ukraine. Trợ lý Tổng thống Ukraine, ông Dmitry Litvin, cho biết đoàn đến Istanbul vào cuối ngày 15/5.

Tổng thống Zelensky xác nhận Ukraine sẽ tập trung thúc đẩy một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trong khuôn khổ đàm phán. Ông đã đến Thủ đô Ankara vào ngày 15/5 cùng nhóm trợ lý thân cận, nhưng không đến Istanbul cùng phái đoàn đàm phán. Trong khi đó, phái đoàn Nga do ông Medinsky dẫn đầu đã có mặt tại Istanbul từ trước. Cả hai bên đều khẳng định sẵn sàng tham gia đối thoại nhưng lại đến hai thành phố khác nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ, khiến cuộc gặp không thể diễn ra như dự tính.

Ngoài phái đoàn Nga và Ukraine, một số quan chức cấp cao của Mỹ cũng đang có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Marco Rubio đã đến thành phố ven biển Antalya từ hôm 14/5 để tham dự cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao NATO. Tuy nhiên, ông Rubio ngày 15/5 cho biết ông sẽ không tham dự các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine dự kiến diễn ra vào ngày 16/5 tại Istanbul, đồng thời khẳng định không kỳ vọng vào một bước đột phá nếu không có cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Tôi không kỳ vọng nhiều vào những gì sẽ xảy ra vào ngày 16/5”, ông Rubio phát biểu trong cuộc họp báo bên lề hội nghị NATO tại Antalya.

Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đứng canh gác tại lối vào Cung điện Dolmabahce ở Istanbul, nơi các cuộc đàm phán trực tiếp giữa phái đoàn Nga và Ukraine dự kiến ​​diễn ra ngày ngày 15/5/2025. Ảnh: Yasin Akgul/AFP/Getty Images

Theo ông Rubio, một thành viên trong nhóm của ông sẽ tham gia các cuộc thảo luận ở cấp kỹ thuật cùng với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và đại diện của Nga và Ukraine. Trong khi đó, ông sẽ có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine và các đại diện của phái đoàn Kiev.

Về mốc thời gian cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, ông Rubio cho biết chưa có quyết định chính thức và mọi việc sẽ chờ Tổng thống Trump hoàn tất chuyến công du nước ngoài.

Ngoại trưởng Mỹ: Xung đột Ukraine không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine không thể được giải quyết bằng con đường quân sự.

“Không có giải pháp quân sự nào cho xung đột Nga–Ukraine. Cuộc chiến này sẽ không kết thúc bằng sức mạnh vũ trang, mà phải được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao”, ông Rubio phát biểu tại Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi đang diễn ra cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu với báo chí sau cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng ngoại giao NATO tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5/2025. Ảnh: Umit Bektas/Reuters

Ông cũng lưu ý rằng, tình hình liên quan đến nỗ lực giải quyết xung đột vẫn còn phức tạp, song Mỹ kỳ vọng tiến trình đàm phán sẽ sớm có những bước tiến tích cực.

Trước đó, ngày 11/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine, vốn đã bị Kiev đình chỉ từ năm 2022 mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông Putin đồng thời đề xuất tổ chức vòng đối thoại mới tại Istanbul vào ngày 15/5. Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và phái đoàn Ukraine đã đến Istanbul. Một quan chức Nhà Trắng cho biết Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, Đặc phái viên về Trung Đông Steve Witkoff và Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg dự kiến sẽ tham gia các cuộc tiếp xúc liên quan.

Mỹ đề xuất khôi phục Hội đồng Nga–NATO để giải quyết xung đột Ukraine

Bloomberg dẫn một số nguồn thạo tin ngày 15/5 cho biết, Mỹ đã bổ sung một số điểm mới vào đề xuất nhằm giải quyết xung đột Ukraine, trong đó bao gồm ý tưởng khôi phục hoạt động của Hội đồng Nga-NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio phát biểu với báo chí tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5/2025. Ảnh: Reuters

“Gần đây, Mỹ đã đưa thêm một số chi tiết mới vào đề xuất, bao gồm đề nghị nối lại các cuộc thảo luận về an ninh trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO”, Bloomberg cho biết. Hội đồng này, được thành lập năm 2002 như một diễn đàn đối thoại giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã chính thức ngừng hoạt động kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022.

Theo Reuters, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff, đã trình bày danh sách các đề xuất cụ thể trong các cuộc tiếp xúc với đại diện châu Âu và Ukraine. Các nội dung chính bao gồm: công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea và bốn khu vực mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập; Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO; và từng bước dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga.

Quân đội Ukraine có nguy cơ bị bao vây tại một số khu vực

Người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, ông Denis Pushilin, cho biết quân đội Ukraine có thể sớm bị bao vây ở một số khu vực trên chiến tuyến, trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đẩy mạnh tấn công.

"Ở một số khu vực – tôi không thể nêu cụ thể – đối phương có nguy cơ bị bao vây. Và đây không phải là nơi duy nhất có các điều kiện chiến thuật thuận lợi", ông Pushilin nói với hãng tin RIA Novosti. Theo ông, giao tranh ác liệt nhất hiện đang diễn ra tại vùng ngoại ô Krasnoarmeysk, thành phố Dzerzhinsk và các khu dân cư ở Chasov Yar.

Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát làng Mirolyubovka, thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng. Theo tuyên bố, bước tiến này mở rộng bàn đạp cho các đợt tấn công tiếp theo theo hướng Krasnoarmeysk – một trong những điểm nóng then chốt của mặt trận miền đông Ukraine.

Trong khi đó, theo hãng tin CNN, Nga đang tập trung binh lực tại tiền tuyến để chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công mới nhằm kiểm soát thêm các vùng lãnh thổ ở Ukraine. Một quan chức Mỹ cho biết, các chỉ huy Nga đang tìm cách huy động một lực lượng lớn, với trọng tâm nhiều khả năng sẽ là khu vực miền Đông Ukraine.

Theo dữ liệu mới nhất do Bộ Quốc phòng Nga công bố về chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, quân đội Ukraine đã thiệt hại hơn 1.400 binh sĩ trong các cuộc giao tranh với lực lượng Nga trong vòng 24 giờ qua.

Cụ thể, tại khu vực do Nhóm tác chiến phía Bắc của Nga phụ trách, Ukraine mất hơn 165 binh sĩ và 3 xe chiến đấu bọc thép. Tại khu vực do Nhóm tác chiến phía Tây kiểm soát, tổn thất được ghi nhận là khoảng 240 binh sĩ và hai xe chiến đấu bọc thép, trong đó có một xe bọc thép chở quân M113 do Mỹ sản xuất.

Ở khu vực do Nhóm tác chiến phía Nam đảm nhiệm, quân đội Ukraine được cho là đã mất khoảng 245 binh sĩ, một xe tăng và 5 xe chiến đấu bọc thép, bao gồm một xe M113.

Tổn thất nặng nề nhất được ghi nhận tại khu vực do Nhóm tác chiến Trung tâm kiểm soát, với hơn 515 binh sĩ Ukraine và 6 xe chiến đấu bọc thép bị loại khỏi vòng chiến.

Ngoài ra, tại khu vực do Nhóm tác chiến phía Đông phụ trách, Ukraine mất hơn 160 binh sĩ và 3 xe chiến đấu bọc thép. Trong khi đó, tại khu vực do Nhóm tác chiến Dnepr kiểm soát, khoảng 75 binh sĩ Ukraine được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương.

Châu Âu xem xét tăng thuế nhập khẩu nông sản từ Nga, Belarus

Hãng thông tấn Ria Novosti dẫn các nguồn giấu tên cho biết, Ủy ban Thương mại đối ngoại của Nghị viện châu Âu vừa thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc tăng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp và phân bón từ Nga và Belarus. Cuộc bỏ phiếu chính thức về vấn đề này dự kiến sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể vào ngày 21/5 tới.

Sáng kiến của Ủy ban châu Âu đã vấp phải sự phản đối từ các hiệp hội sản xuất nông nghiệp hàng đầu khu vực như Copa và Cogeca. Trong một tuyên bố chung, hai tổ chức này cảnh báo rằng việc áp dụng thuế bảo hộ đối với phân bón và các sản phẩm khác từ Nga có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp châu Âu. Họ đề xuất sửa đổi dự thảo nghị quyết bằng cách hoãn các biện pháp trừng phạt thêm một năm, miễn thuế đối với nguồn cung từ các quốc gia khác, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát giá phân bón nhằm bảo vệ các nhà sản xuất trong EU.

Ảnh: KONSTIANTYN ZAPYLAIE

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi năm 2022, phương Tây đã liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng mục tiêu chính của Mỹ và các đồng minh là làm suy yếu nền kinh tế Nga và khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, Nga tuyên bố vẫn đang ứng phó hiệu quả với các sức ép này. Nhiều tiếng nói tại phương Tây cũng đã lên tiếng chỉ trích mức độ hiệu quả thực sự của các lệnh trừng phạt, trong khi các chính phủ tham gia vẫn ngần ngại thừa nhận thất bại của chính sách đối đầu với Moscow.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất kế hoạch đưa Dải Gaza nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ, với mục tiêu biến khu vực này thành một “vùng tự do”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 15/5 đã miễn nhiệm Tổng tư lệnh Lực lượng Lục quân – tướng Oleg Salyukov, đồng thời bổ nhiệm ông giữ chức Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bãi nhiệm chức vụ Tư lệnh lực lượng Lục quân của tướng Oleg Salyukov và bổ nhiệm ông làm Phó Thư ký Hội đồng an ninh Liên bang Nga.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết, hiện Berlin không có kế hoạch cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Ukraine, do cần quá trình đào tạo đặc biệt và dài hạn để vận hành loại vũ khí này.

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã có những thay đổi bất ngờ về định dạng và thành phần tham dự so với kế hoạch ban đầu.

Chính quyền Mỹ đang để ngỏ khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh các nỗ lực hòa đàm về Ukraine vẫn chưa có đột phá rõ rệt.