NATO và những dấu hiệu rạn nứt nghiêm trọng
NATO là gì?
NATO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, được thành lập vào năm 1949 với mục đích đầu tiên và quan trọng nhất là ngăn chặn sự mở rộng của Liên Xô ở châu Âu sau Thế chiến II. Ngoài ra, Mỹ coi đây là một công cụ để ngăn chặn sự trỗi dậy của các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu và thúc đẩy sự hội nhập chính trị trên lục địa này.
Tuy nhiên, nguồn gốc của nó thực sự bắt nguồn từ năm 1947, khi Vương quốc Anh và Pháp ký Hiệp ước Dunkirk thành lập một liên minh để chống lại khả năng xảy ra một cuộc tấn công của Đức sau chiến tranh.

12 thành viên sáng lập ban đầu của liên minh chính trị và quân sự này là: Mỹ, Vương quốc Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha.
Về bản chất, tổ chức này, hoạt động như một liên minh an ninh tập thể với mục đích phòng thủ chung, thông qua các biện pháp quân sự và chính trị nếu một quốc gia thành viên bị một quốc gia bên ngoài đe dọa.
Nền tảng này được nêu trong Điều 5 của hiến chương, điều khoản phòng thủ tập thể: "Các bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào một hoặc nhiều bên trong số các thành viên ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các bên. Do đó, họ đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi bên, khi thực hiện quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể được công nhận theo Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, sẽ hỗ trợ bên hoặc các bên bị tấn công bằng cách ngay lập tức, riêng lẻ và phối hợp với các bên khác, hành động mà họ cho là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương".
Điều 5 đã được Mỹ viện dẫn một lần, sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Liên Xô đã phản ứng với NATO bằng cách thành lập liên minh quân sự với bảy quốc gia Đông Âu khác vào năm 1955, được gọi là Hiệp ước Warszawa.
Sau này, một số quốc gia thành viên cũ của Hiệp ước Warszawa đã trở thành thành viên NATO. Các thành viên của nhóm Visegrad là Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc đã gia nhập vào năm 1999. Năm năm sau, vào năm 2004, NATO đã kết nạp nhóm Vilnius, bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lit-va, Romania, Slovakia và Slovenia. Albania và Croatia gia nhập vào năm 2009, trong khi Montenegro và Bắc Macedonia gia nhập vào năm 2020. Phần Lan và Thụy Điển là những thành viên mới nhất được kết nạp, từ bỏ quy chế trung lập.
Ba quốc gia hiện được phân loại là "thành viên đầy tham vọng" gồm Bosnia-Herzegovina, Gruzia và Ukraine.
Trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Ukraine càng nóng lòng muốn gia nhập. Đối với Nga, việc Ukraine gia nhập NATO là một ranh giới đỏ.
Mỹ thay đổi lập trường, quay sang ủng hộ Nga
Mỹ, Canada từ bên kia bờ Đại Tây Dương tham gia NATO và gánh vác phần lớn chi phí quốc phòng của khối vì những sự tương đồng về ý thức hệ, vì những lợi ích chung. Nhưng có vẻ trong thời gian gần đây, sự khác biệt giữa hai bên đang ngày một lớn và đặc biệt bộc lộ rõ kể từ khi Tổng thống Mỹ điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Kể từ đó, ông Trump có nhiều phát biểu ủng hộ Tổng thống Putin.
Cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giáng một đòn mạnh vào châu Âu và Ukraine.
Chỉ trong một cuộc gọi, ông Trump đã thay đổi lập trường về ông Putin và cuộc chiến này. Trong ba năm, quan hệ giữa Moscow và Washington dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden đã xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ cùng đồng minh nỗ lực xây dựng liên minh ủng hộ Ukraine và tìm cách cô lập Nga. Thế nhưng những thay đổi từ phía ông Trump cho thấy những điều đó có vẻ sắp kết thúc. Ông Trump đã ra hiệu rằng, ông sẽ chào đón ông Putin trở lại và thậm chí hy vọng vào mối quan hệ hữu nghị.
Ngay sau cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ, ngày 18/2, lần đầu tiên sau nhiều năm, các nhà ngoại giao cấp cao từ Mỹ và Liên bang Nga đã gặp nhau tại Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út để thảo luận về việc khôi phục quan hệ và đàm phán chấm dứt chiến tranh ở Ukraine. Hai bên đã đồng ý bốn nguyên tắc chính cho hợp tác song phương và các cuộc đàm phán tương lai về Ukraine. Kết quả cuộc gặp cấp cao này được xem là bước tiến lớn trong việc cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc thù địch.

Nga và Mỹ đã có những bước đi đầu tiên hướng tới bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm bế tắc dưới thời chính quyền của ông Joe Biden.
Các phái đoàn từ Moscow và Washington đã họp vào thứ Ba tại Riyadh, Ả rập Xê út, để thảo luận về việc khôi phục quan hệ ngoại giao, đàm phán hòa bình trong tương lai với Ukraine và hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Phái đoàn Nga bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, Trợ lý Tổng thống Yury Ushakov và Tổng Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev. Đại diện cho Mỹ là Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và đặc phái viên Đại sứ Steve Witkoff.
Sau cuộc họp kéo dài gần 4,5 giờ, hai bên đã đạt được những kết quả ban đầu quan trọng nhằm hàn gắn quan hệ cũng như giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Hôm 24/2, Mỹ đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Trang tin CNN đánh giá đây là một sự thay đổi thái độ đáng kinh ngạc trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Việc chống lại nghị quyết do Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn đã khiến Mỹ ở thế bất đồng quan điểm với các đồng minh lâu năm tại châu Âu. Thay vào đó, Mỹ quyết định đứng về phía Nga, trong bối cảnh nhiều nơi ở châu Âu tiến hành kỷ niệm ba năm diễn ra cuộc xung đột.
Thêm vào đó, Mỹ còn tiếp tục cùng Nga bỏ phiếu thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, do chính Mỹ đề xuất, với nội dung không gọi Nga là bên xâm lược hoặc thừa nhận tính toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Theo CNN, sự liên kết gây sốc giữa Mỹ và Nga tại Liên hợp quốc diễn ra khi chính quyền Trump đang theo đuổi các cuộc thương thảo với Nga về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tiếp đưa ra những phát ngôn nhắm vào Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Các đối tác châu Âu của Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhanh chóng điều chỉnh theo sự thay đổi trong chính sách của chính quyền mới.
Mới đây nhất, trong cuộc tranh luận nảy lửa với Tổng thống Ukraine Zelensky được truyền trực tiếp đi khắp thế giới, ông Trump không ngừng bênh vực và ca ngợi Tổng thống Putin.
"Ông Putin đã trải qua rất nhiều thứ với tôi. Ông ấy đã trải qua một cuộc săn phù thủy giả mạo, nơi họ lợi dụng ông ấy và Nga. Đó là một trò lừa đảo giả mạo. Và ông ấy đã phải trải qua điều đó. Ông ấy đã bị buộc tội về tất cả những điều đó. Ông ấy không liên quan gì đến nó”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Điều đó có nghĩa là tất cả những gì mà phương Tây nói về ông Putin là không đúng sự thật. Không phải Nga xâm lược Ukraine mà chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là hành động tự vệ chính đáng. Tổng thống Putin muốn chấm dứt cuộc chiến đẫm máu nhất ở châu Âu trong nhiều thập kỷ qua, nhưng cần chỉ ra nguyên nhân và giải quyết gốc rễ của vấn đề.
Đây chỉ là ví dụ mới nhất về những động thái của ông Trump nhằm thay đổi các lập trường chính sách lâu đời của Mỹ, báo hiệu nhiều bất ổn hơn nữa sắp tới đối với các đồng minh và đối tác lâu năm của Mỹ.
Sau cuộc cãi vã nảy lửa ở Phòng Bầu dục, ông Zelensky đã bị các cố vấn cấp cao của ông Trump yêu cầu rời khỏi Nhà Trắng - hủy bỏ kế hoạch tổ chức bữa trưa, họp báo chung và ký kết thỏa thuận kinh tế, ngay cả khi nhà lãnh đạo Ukraine và các trợ lý của ông thúc đẩy để được "thiết lập lại" cuộc họp.
Những nỗ lực của các đồng minh Mỹ nhằm che đậy những bất đồng giữa Washington và Kiev và cố gắng lái Trump tránh xa Moscow hóa ra vô ích. Hôm thứ Hai, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Tổng thống Trump để đặt nền móng cho một lực lượng gìn giữ hòa bình do châu Âu lãnh đạo tại Ukraine và khuyến khích Tổng thống Mỹ hoài nghi hơn về Vladimir Putin.

Bất đồng về ngân sách
NATO đã dành cả thập kỷ để cố gắng đạt được mục tiêu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng - một mục tiêu mà 24 trong số 32 thành viên hiện đang đạt được nhưng hiện tại Tổng thống Mỹ muốn tăng lên 5%. Yêu sách này khiến NATO choáng váng và giờ đây các thành viên của liên minh này đang loay hoay tìm cách ứng phó.
Các đồng minh đang cân nhắc dùng ngân sách eo hẹp của họ sao cho vừa đối phó với Nga lại vừa níu kéo ông Trump quan tâm đến châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết các nước châu Âu cùng với Canada không thể tăng mạnh ngân sách quốc phòng trong ngắn hạn ngay cả khi đó là điều ông Trump muốn.

Camille Grand, cựu trợ lý Tổng thư ký NATO, hiện là thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nhận xét: yyêu cầu của ông Trump đang chia các quốc gia châu Âu trong NATO thành ba nhóm.
Một "nhóm tương đối nhỏ" bao gồm các quốc gia vùng Baltic và Ba Lan đã chi gần 5% GDP cho quốc phòng để đối phó với Nga và sẵn sàng "trả giá" để níu kéo ông Trump.
Một nhóm thứ hai bao gồm các quốc gia như các quốc gia Bắc Âu và Vương quốc Anh. Ngân sách quốc phòng của họ đã vượt quá 2% GDP và họ "sẵn sàng xem xét các mục tiêu là 2,5 - 3 hoặc thậm chí 3,5%, vì nó phù hợp với phân tích của họ về tình hình địa chính trị". Tuy nhiên, ông nói thêm, "họ sẽ không mù quáng nói đồng ý với 5%".
Nhóm thứ ba "đông nhất", miễn cưỡng hơn trong việc tăng mạnh chi tiêu vì lý do ngân sách hoặc vì nhận thức của họ về mối đe dọa. Những người chậm tăng chi tiêu vẫn đang cảm thấy một số áp lực.
Bỉ, hiện dành ở mức 1,3% GDP, đã cam kết đạt 2,5% vào năm 2034. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni - một đồng minh thân cận của ông Trump, người chỉ chi 1,57% GDP cho quốc phòng đã đưa ra kế hoạch đạt được mục tiêu của NATO vào năm 2027 thay vì năm 2028.
Nhưng một số nhà ngoại giao EU đã cảnh báo rằng, những chia rẽ sâu sắc về chi tiêu cuối cùng có thể dẫn đến sự phẫn nộ của những nước chi tiêu lớn đối với những người được cho là “ké cẩm”.
"Mọi người cũng tin rằng, châu Âu phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn (về quốc phòng) và bắt đầu gánh vác gánh nặng liên quan đến việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng, tăng viện trợ cho Ukraine trong chiến tranh và chi tiêu nhiều hơn cho ngân sách quốc phòng. Nhưng may mắn thay, mọi người đều muốn, không có ngoại lệ và bất kể cảm xúc, để mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, châu Âu - Mỹ trở nên mạnh mẽ nhất có thể".
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk.
Mỹ rút khỏi NATO?
Chính quyền của Donald Trump đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu choáng váng, làm dấy lên tin đồn chưa được xác minh rằng, ông đang "cân nhắc" việc rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hiệp ước quân sự ràng buộc Mỹ và châu Âu kể từ năm 1949.
Các cuộc đàm phán tại Ả rập Xê út giữa các quan chức Nga và Mỹ, cùng với các bình luận của Phó Tổng thống JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich, đã làm dấy lên lo ngại rằng, mối quan hệ của Mỹ với châu Âu có thể suy yếu khi Washington theo đuổi chương trình nghị sự mang tính dân tộc chủ nghĩa hơn.
Trước khi được bầu làm tổng thống nhiệm kỳ hai vào năm 2024, ông Trump đã chỉ ra một tương lai có khả năng sẽ có quan hệ lạnh giá hơn với các cường quốc châu Âu, do sự chênh lệch giữa các liên minh về chi tiêu quân sự.
Ông Trump đã nói gì về NATO?
Tại một cuộc mít tinh ở Nam Carolina vào tháng 2/2024, ông Trump cho biết, ông đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO rằng, Mỹ sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO nếu họ không tăng chi tiêu quốc phòng.
"Tôi đã nói: Mọi người đều phải trả tiền. Họ nói: Ồ, nếu chúng tôi không trả tiền, các ông vẫn sẽ bảo vệ chúng tôi chứ? Tôi đã nói: Hoàn toàn không. Họ không thể tin vào câu trả lời".
Hiến chương của NATO nêu rõ, nếu một quốc gia NATO bị xâm lược thì tất cả các thành viên khác, bao gồm cả Mỹ, có nghĩa vụ phải coi cuộc xâm lược đó như thể là một cuộc tấn công vào chính họ.
Ông Trump tiếp tục ám chỉ rằng, ông sẽ "khuyến khích" Nga làm "bất cứ điều gì họ muốn" nếu nước này tấn công một đồng minh NATO khác chưa đáp ứng các cam kết chi tiêu.
Ông Trump quan tâm đến dự án chiến lược Ấn Độ Dương
Trong khi làm cho các nước NATO quay cuồng vì các khoản tiền đóng góp, ông Trump lại hướng đến hàng loạt các sáng kiến với các đối tác ở hành lang Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu.
Theo tuyên bố chung do Ấn Độ và Mỹ đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Ấn Độ Modi tại Washington DC, hai nhà lãnh đạo sẽ kích hoạt các sáng kiến mới theo nhóm Quad và triệu tập các đối tác từ hành lang Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu và Nhóm I2U2 để công bố các sáng kiến mới.
Tuyên bố cho biết, Thủ tướng Modi và Tổng thống Trump đã khởi động một diễn đàn song phương mới, dự án chiến lược Ấn Độ Dương và sẽ công bố các sáng kiến hợp tác mới trên khắp Tây Ấn Độ Dương, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Sự kiện này diễn ra vào thời điểm Tổng thống Trump đã nói về việc rút khỏi các nhóm và sáng kiến đa phương như Thỏa thuận khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và đe dọa các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bằng cách yêu cầu họ chia sẻ gánh nặng tài chính. Các nguồn tin nhận định điều này có nghĩa là ông Trump có cách tiếp cận chiến lược với các sáng kiến sẽ đầu tư.
Mỹ cần NATO và NATO cũng cần Mỹ
Về mặt quân sự và kinh tế, Mỹ là một cường quốc vô cùng đáng gờm. Nước này có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nếu không có các đồng minh ở châu Á và trên hết là không có các đồng minh ở châu Âu, Mỹ sẽ trở thành một siêu cường bị suy yếu đi rất nhiều. Mỹ cần NATO và NATO cũng cần Mỹ.
NATO cung cấp cho Mỹ một vị thế lãnh đạo của một trong những mạng lưới liên minh quân sự mạnh nhất thế giới. Vị thế lãnh đạo này vượt xa phạm vi an ninh - nó có những hiệu ứng lan tỏa chính trị và kinh tế sâu sắc và rất tích cực. Ví dụ, hầu hết các nước phương Tây mua vũ khí và thiết bị quân sự từ Mỹ.
Mỹ coi các quốc gia mạnh về kinh tế như Canada, Đức, Pháp, Italia và nhiều nền dân chủ lâu đời khác là bạn bè và đồng minh của mình.
NATO chỉ viện dẫn Điều 5 một lần - ngay sau khi Mỹ bị tấn công vào ngày 11/9/2001, các đồng minh NATO của Mỹ đã sẵn sàng hỗ trợ Mỹ, và dù tốt hay xấu, nhiều nước sau đó đã tham gia vào cuộc chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan.
NATO cung cấp một tấm lá chắn bảo vệ và an ninh chung cho tất cả các thành viên của mình.
Sự hiện diện hiện tại của Mỹ tại châu Âu và châu Á - không phải là do áp đặt bằng vũ lực. Thay vào đó, quân đội và ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu thường được các đồng minh của nước này hoan nghênh.

Bằng cách gia nhập NATO và chấp nhận sự lãnh đạo quân sự của Washington, các nước NATO khác đã trao cho Mỹ ảnh hưởng và quyền lực chưa từng có. Học giả người Na Uy Geir Lundestad gọi đây là “đế chế theo lời mời”. Đế chế không chính thức này đã neo giữ Mỹ và ảnh hưởng của nước này tại châu Âu.
Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng, dưới sự lãnh đạo của ông, Mỹ sẽ "bảo vệ từng tấc đất của NATO", chủ yếu nói trong bối cảnh cuộc chiến của Nga với Ukraine. Ông Biden đã nhiều lần cảnh báo ông Putin sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu Nga tấn công một thành viên NATO.
Tuy nhiên, đối với ông Trump, sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và phòng thủ chung dường như chẳng có ý nghĩa gì. Đối với ông, dường như tất cả mọi vấn đề đều liên quan đến nghĩa vụ đóng góp tiền bạc và liệu các nước NATO có chi đủ GDP cho quốc phòng hay không. Và bất chấp việc Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, ông Trump vẫn tiếp tục bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với nhà lãnh đạo Nga.
Ông Trump không coi nước Nga của Tổng thống Putin là mối đe dọa sống còn đối với trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Và do đó, ông dường như không nhận ra rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu cần được bảo vệ khỏi nước Nga của Tổng thống Putin, theo kiểu của NATO, cho dù sự tồn tại của NATO mang lại cho Mỹ những đồng minh mạnh mẽ và đáng tin cậy, mang lại cho Washington ảnh hưởng lớn ở châu Âu.
Các quan chức châu Âu biết rằng, chiến thắng của tổng thống sẽ đe dọa các nguyên tắc cơ bản của trật tự sau Thế chiến II. Nhưng tốc độ mà nó đang tan rã đã tạo ra một cuộc khủng hoảng có quy mô to lớn.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ rút khỏi NATO, xóa bỏ vai trò trụ cột của Mỹ trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông đang thử một cách tiếp cận khác và khiến các thành viên NATO không khỏi lo lắng.
Nỗi sợ hãi đó tăng mạnh trong những ngày qua, kể từ khi ông Trump đưa ra những luận điểm giống ông Putin, cáo buộc Ukraine đã kích động chiến dịch của Nga; đồng thời cho rằng Nga là bên bị thiệt hại. Sự thay đổi này khiến các đồng minh NATO sửng sốt và đặt câu hỏi về sự tồn tại của một liên minh mà Washington nằm ở vị trí ở trung tâm.
Các quan chức châu Âu biết rằng, khi ông Trump đắc cử, các nguyên tắc cơ bản của trật tự hậu Thế chiến II sẽ bị đe dọa. Họ đã lo lắng trong chiến dịch tranh cử khi ông nói rằng ông sẽ "khuyến khích" người Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các thành viên NATO mà theo quan điểm của ông, không đóng góp đủ cho liên minh. Họ biết rằng ngay cả khi Mỹ vẫn là một gã khổng lồ sở hữu vũ khí hạt nhân ở trung tâm của NATO trên giấy tờ, thì những suy ngẫm công khai của ông Trump có thể làm xói mòn thể chế này từ bên trong và làm suy yếu mục tiêu của liên minh được thành lập vào năm 1949 để đối đầu với Liên Xô.
Châu Âu chưa sẵn sàng
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tại Munich vào tháng trước, nhiều quan chức NATO tin rằng Washington có thể rút hàng nghìn quân khỏi châu Âu trong những năm tới. Ông Hegseth nói với các đối tác châu Âu rằng, Mỹ sẽ xem xét lại và cuối cùng là cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ khi lợi ích của Mỹ thay đổi và yêu cầu châu Âu chịu trách nhiệm về an ninh của họ. Cho dù các quan chức Mỹ cam đoan rằng sẽ không có sự rút quân ngay lập tức, nhưng việc tổng thống định hình lại liên minh một cách chóng mặt, bao gồm cả cuộc tranh luận nảy lửa mới nhất của ông với Tổng thống Ukraine, đã giúp châu Âu hiểu rõ rằng, họ không thể dự đoán được ông Trump cuối cùng sẽ làm gì. Vào thời điểm quan trọng này, các đối tác lâu năm của Mỹ đang thực hiện một hành động cân bằng: cố gắng kéo ông Trump về phía họ trong khi cũng phải nhanh chóng có những chuẩn bị cho thời kỳ không còn dựa được vào Mỹ và thậm chí có thể trở nên thù địch.

Các nhà ngoại giao lưu ý rằng, sự hiện diện quân sự mở rộng của Mỹ không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ châu Âu. Nó còn liên quan đến việc thể hiện sức mạnh của Mỹ và phục vụ lợi ích của Mỹ. Căn cứ không quân Ramstein ở Đức, một trung tâm quan trọng của Mỹ tại châu Âu, thường xuyên được sử dụng cho các hoạt động của Mỹ ở xa bên ngoài lục địa Mỹ.
Bên cạnh các lực lượng trải rộng khắp các căn cứ của Mỹ hoặc đồng minh NATO ở châu Âu, cũng có một nhóm quan trọng tham gia vào hoạt động chỉ huy và kiểm soát. Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ cho biết, số lượng lực lượng Mỹ ở châu Âu đã dao động trong khoảng từ 75.000 đến 105.000 kể từ năm 2022, với khoảng 63.000 người được phân công thường trực trong khi những người khác luân phiên.
Sau sự phục hồi vào đầu cuộc chiến Nga - Ukraine, việc triển khai của Mỹ ở châu Âu đã giảm dần kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Các chính quyền Mỹ từ lâu trước thời Trump 2.0 đã cảnh báo người châu Âu rằng, các ưu tiên sẽ chuyển sang nơi khác, bao gồm cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ba nhà ngoại giao châu Âu dự đoán Mỹ sẽ rút khoảng 20.000 mà chính quyền của Tổng thống Biden đã tăng cường vào đầu cuộc chiến tranh Ukraine.
Nếu châu Âu đưa lực lượng hậu chiến đến Ukraine để giám sát lệnh ngừng bắn, điều đó sẽ khiến họ không lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào mà Mỹ để lại.
Nhưng ngoài binh lính, Washington còn mang đến châu Âu công nghệ và thiết bị cao cấp mà châu Âu đang tụt hậu, bao gồm cả khả năng giám sát và tấn công tầm xa.
Ý tưởng về một đội quân chung châu Âu đã được thảo luận liên tục kể từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Eisenhower thậm chí còn thuyết phục thành công các nhà lãnh đạo châu Âu đồng ý thành lập một đội quân chung châu Âu, nhưng khái niệm này đã mất đi sự ủng hộ do sự phản đối và cam kết của Mỹ đối với NATO. Tuy nhiên, đã đến lúc phải nghiêm túc xem xét lại ý tưởng này.
Quân đội quốc gia châu Âu tổng cộng có khoảng 1,5 triệu quân - nhiều hơn nhiều so với lực lượng Mỹ hiện tại ở châu Âu. Nếu Washington rút quân, châu Âu sẽ cần thêm 300.000 quân nhân hoặc khoảng 50 lữ đoàn.
Để ngăn chặn một cuộc đột phá giả định của Nga ở vùng Baltic, một đội quân châu Âu sẽ cần 1.400 xe tăng, 2.000 xe chiến đấu bộ binh và 700 khẩu pháo, cũng như một triệu quả đạn pháo 155 mm trong ba tháng đầu tiên của cuộc chiến cường độ cao. Tuy nhiên, con số đó vượt quá khả năng, sức mạnh chiến đấu hiện tại của lực lượng bộ binh Pháp, Đức, Ý và Anh cộng lại, theo báo cáo của Bruegel - Kiel. Sản xuất máy bay không người lái cũng sẽ cần phải tăng lên khoảng 2.000 quả đạn bay tầm xa mỗi năm để ngang sức với số lượng của Nga.
Nhưng chỉ tăng quân số có thể là không đủ, Luigi Scazzieri, từ Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết trên Euronews.
"Để tạo ra sự răn đe đáng tin cậy, cần có nhiều năng lực hơn, đặc biệt là những năng lực mà châu âu phụ thuộc nhiều nhất vào Mỹ: tên lửa tầm xa, phòng không, tiếp tế trên không, giám sát trên không và vận tải, chẳng hạn".
Theo nhà phân tích, việc điều hòa các nỗ lực phòng thủ của châu Âu thông qua mua sắm vũ khí tập thể, vũ khí chung, hậu cần thống nhất và các đơn vị quân sự tích hợp là điều quan trọng, nhưng sẽ không đủ nếu không có những năng lực và quân số đó.
Bộ ba Nga - Mỹ - Trung Quốc
Sau cuộc điện đàm Trump - Putin, các nhà lãnh đạo châu Âu nhóm họp khẩn cấp để tìm biện pháp đối phó. Sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Trump trong Phòng Bầu dục, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhóm họp và đưa ra những kế hoạch ủng hộ Ukraine.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Anh Starmer lần lượt đến Mỹ để níu kéo Tổng thống Trump và thuyết phục ông đừng tin cậy vào Tổng thống Putin. Nhưng tất cả những cố gắng của họ hầu như không đem lại nhiều kết quả. Nhìn lại bức tranh toàn cầu có thể thấy, vị thế của châu Âu đang suy yếu, trong khi Mỹ - Nga - Trung Quốc đang nổi lên là những quốc gia có thể quyết định các vấn đề toàn cầu.
Đối với ông Trump, đây không thực sự là vấn đề Ukraine hay châu Âu mà là về việc sắp xếp lại hệ thống quốc tế theo cách phù hợp với quan điểm của ông về thế giới, trong đó Mỹ hầu như không bị thách thức ở Tây bán cầu.
Trong thế giới quan này, Ukraine là biểu tượng cho những gì sai trái với trật tự cũ. Quan điểm của ông Trump là Mỹ đã tham gia vào quá nhiều cuộc phiêu lưu nước ngoài, ở nơi mà không có lợi ích sống còn nào của Mỹ bị đe dọa.

Ông Trump và ông Putin cũng sẽ không thể một mình lãnh đạo thế giới. Trung Quốc luôn duy trì lập trường khách quan và trung lập, tích cực ủng hộ hòa bình và thúc đẩy đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với sự đồng thuận về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Nga và hy vọng rằng tất cả các bên và bên liên quan sẽ tham gia vào quá trình đối thoại đúng thời hạn. Điều này phản ánh vai trò có trách nhiệm của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc trong các vấn đề quốc tế, không đứng về phía bất kỳ bên nào và luôn nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững. Về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc không chia sẻ mối quan ngại rằng mối quan hệ Mỹ - Nga chặt chẽ hơn sẽ làm thay đổi đáng kể mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Trên thực tế, chính quyền Trump đã ít chú trọng hơn đến Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai và không có bằng chứng nào cho thấy sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga sẽ dẫn đến nỗ lực tập trung để chống lại Trung Quốc.
Trước hết, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tập trung vào việc đàm phán tìm kiếm những thỏa thuận, với mục tiêu chính của ông là thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và mang lại kết quả hữu hình cho cử tri trong nước. Trong bối cảnh này, "thỏa thuận" quan trọng nhất của ông sẽ là với Trung Quốc, vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối tác thương mại lớn nhất. Ngược lại, nền kinh tế của Nga nhỏ hơn nhiều và hiện xếp ngoài top 10 toàn cầu. Do đó, một cuộc đối đầu kinh tế lớn với Trung Quốc sẽ không phù hợp với lợi ích kinh tế cốt lõi của chính quyền Mỹ hiện tại.
Thứ hai, ông Trump muốn hợp tác với Nga và cải thiện quan hệ nhanh chóng, chủ yếu là để chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine. Ông liên tục lập luận rằng, Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào cuộc xung đột này, mà ông cho là không liên quan trực tiếp đến lãnh thổ Mỹ. Ông tin rằng châu Âu nên đóng góp nhiều hơn vào "phí bảo vệ". ông Trump cũng mong muốn được coi là "tổng thống hòa bình" và giành giải Nobel Hòa bình, điều này giải thích cho việc ông nhấn mạnh vào những mục tiêu này. Trong bối cảnh này, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Nga là một động thái hợp lý.
Thứ ba, Mỹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc xây dựng lại nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine sau chiến tranh. Mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga - Ukraine. Do đó, các cuộc thảo luận giữa Mỹ và Nga sẽ không gây ra mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Quốc.
Quan hệ Trung Quốc - châu Âu đang bước vào một giai đoạn mới, khi chính quyền Trump ít chú trọng hơn vào châu Âu, thay đổi các liên kết chiến lược trước đây. Năm 2025 kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Trung Quốc - châu Âu. Triển vọng hợp tác song phương và đa phương là rất lớn và châu Âu vẫn có thể đóng vai trò tích cực như một phần của mối quan hệ tam giác Trung - Mỹ - châu Âu trong việc cân bằng quan hệ Trung - Mỹ, tăng cường hợp tác đa phương quốc tế và thúc đẩy cải thiện quản trị toàn cầu.
Thời đại đơn cực đã qua và chúng ta đã bước vào một thời đại địa chính trị mới - một thời đại được định nghĩa cơ bản bởi đa cực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, một nước Nga đang hùng mạnh hơn, một Ấn Độ quyết đoán hơn và sự trỗi dậy của các cường quốc khu vực khác đã tạo ra một môi trường an ninh phức tạp hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn. Đây là vấn đề mà NATO và những người cổ vũ cho liên minh này phải đối diện. Việc điều chỉnh liên minh theo thực tế đa cực mới - tái thiết và tái sử dụng liên minh để phù hợp với mục đích trong một “thế giới đa cực” - có thể sẽ chứng minh là không thể và chắc chắn không đáng để đầu tư thời gian, tiền bạc và năng lượng như vậy. Bởi vì, quá trình ra quyết định cứng nhắc, dựa trên sự đồng thuận của NATO, được thiết kế cho một thế giới với một mối đe dọa đơn lẻ, không phù hợp với môi trường năng động, diễn biến nhanh của một thế giới đa cực. Sự trỗi dậy của các cường quốc mới với các lợi ích cạnh tranh khiến việc tạo ra sự đồng thuận về một loạt các vấn đề an ninh trở nên khó khăn. Việc tập trung vào phòng thủ tập thể chống lại một đối thủ duy nhất không còn phản ánh tình hình mới.


Tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/4 ở thủ đô Brussels của Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Washington vẫn sẽ ở lại liên minh quân sự này
Canada là nước đầu tiên tuyên bố áp thuế trả đũa sau khi Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng đối với hàng hoá nhập khẩu.
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế đối ứng đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ nhiều quốc gia.
Lầu Năm Góc tuần này đã điều ít nhất 6 máy bay ném bom B-2, tương đương 30% phi đội máy bay ném bom tàng hình của không quân Mỹ tới căn cứ quân sự chung của Mỹ và Anh trên đảo Diego Garcia thuộc Ấn Độ Dương, theo các quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Ít nhất 7 người, trong có có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ lật thuyền chở người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đến đảo Lesbos, ngoài khơi Hy Lạp.
Số người chết sau trận động đất mạnh 7,7 độ tại Myanmar đã tăng lên hơn 3.000 người, tính đến ngày 3/4. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tích cực tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân.
0