Ai sẽ vẽ bản đồ hòa bình Ukraine nếu Mỹ rút lui?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ không còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong vai trò của Washington đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Vì sao Mỹ giảm vai trò hòa giải giữa Nga và Ukraine?

Chỉ vài ngày sau khi đạt được một thỏa thuận quan trọng với Ukraine về khoáng sản chiến lược, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tuần qua đã bất ngờ tuyên bố sẽ rút khỏi vai trò trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Nga - Ukraine. Tổng thống Donald Trump hôm 4/5 thậm chí thẳng thắn thừa nhận, việc đạt được một thỏa thuận hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine có thể là điều “bất khả thi” do bất đồng sâu sắc giữa hai bên. Động thái này đánh dấu sự đảo chiều trong chính sách đối ngoại của Washington về vấn đề Ukraine, từ can dự chủ động sang tiếp cận thực dụng vào thời điểm các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đang ngày càng bế tắc. Vậy điều gì đứng sau sự thay đổi có phần đột ngột nhưng cũng không quá bất ngờ này của chính quyền Trump?

Ngày 2/5, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố lập trường mới về cuộc xung đột tại Ukraine: Washington sẽ không còn đóng vai trò là “người trung gian tích cực” trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moscow. Thay vào đó, Mỹ sẽ đứng ở “bên lề”, chỉ hỗ trợ khi hai bên liên quan thực sự sẵn sàng tiến tới một giải pháp chính trị.

“Chúng tôi sẽ không bay vòng quanh thế giới để làm trung gian cho các cuộc đàm phán. Đây là lúc hai bên phải tự trình bày các ý tưởng cụ thể nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Điều đó tùy thuộc vào họ.”

Bà Tammy Bruce, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ

Thông điệp từ Washington rất rõ ràng: Mỹ không từ bỏ mong muốn hòa bình, nhưng sẽ không tiếp tục duy trì vai trò hòa giải chủ động khi kết quả vẫn bế tắc. Tuyên bố mới của Bộ Ngoại giao Mỹ không hoàn toàn bất ngờ. Hồi tháng 4, Ngoại trưởng Marco Rubio đã nhiều lần cảnh báo rằng Washington đang xem xét lại vai trò của mình.

“Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta và chúng ta không phải là bên khơi mào. Nếu một bên, hoặc cả hai bên của cuộc xung đột thực sự nghiêm túc với hòa bình, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ. Còn nếu không, chúng tôi sẽ rút lui và để họ tự giải quyết.”

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cũng chia sẻ quan điểm khi trả lời phỏng vấn hôm 1/5:

“Nga và Ukraine sẽ phải tự quyết định, bởi cả hai đều đã biết điều kiện của nhau. Không ai có thể ép họ hòa giải.”

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance

Ngay cả Tổng thống Donald Trump, người từng hùng hồn tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rằng ông “có thể kết thúc cuộc chiến Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ sau khi thắng cử” cũng thể hiện rõ sự thiếu kiên nhẫn.

“Nếu một trong hai bên gây khó khăn, chúng tôi sẽ từ bỏ.  Đây không phải là cuộc chiến của chính quyền Trump. Nó đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo giới phân tích, những tuyên bố trên cho thấy rõ cảm nhận chung trong nội bộ chính quyền Trump là đàm phán đang trở thành vòng lặp vô nghĩa. Trong bối cảnh đó, việc rút lui được xem là lựa chọn hợp lý về mặt chính trị.

Mặt khác, ngay từ chiến dịch tái tranh cử năm 2024 và sau khi nhậm chức hồi đầu năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu “kết thúc các cuộc chiến bất tận” và ngừng can dự vào các xung đột không mang lại lợi ích trực tiếp cho Mỹ. Điều này phản ánh rõ tư tưởng cốt lõi của ông Trump: nước Mỹ chỉ can dự nếu có lợi ích thiết thực.

Bằng chứng là sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Washington diễn ra gần như đồng thời với việc chính quyền Trump đạt được một thỏa thuận quan trọng với Ukraine về chia sẻ lợi nhuận khoáng sản.

Việc đạt được thỏa thuận về các nguyên tố chiến lược như lithium, uranium, titan và đồng, vốn cần thiết cho công nghệ quốc phòng và năng lượng, là cách chính quyền Trump “khóa lợi ích” Mỹ tại Ukraine, không cần tiếp tục gánh vai trò chính trị tốn kém.

Việc Mỹ lùi khỏi vai trò trung gian cũng phản ánh sự điều chỉnh ưu tiên chiến lược. Từ năm 2024, Washington đã chuyển trọng tâm sang đối phó với Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, thương mại và an ninh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump đẩy mạnh lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, biến vấn đề Trung Quốc thành trụ cột trong chiến lược chính trị của ông. Chính quyền Trump còn áp dụng chính sách thuế quan trả đũa trên diện rộng, đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, với mức thuế lên tới 145%. Theo logic đó, giới quan sát cho rằng, việc giảm bớt sự can dự vào cuộc xung đột Ukraine không phải là thoái lui, mà là tái bố trí lực lượng và nguồn lực cho các chiến tuyến được coi là chiến lược hơn trong mắt Washington.

“Mỹ hoàn toàn có thể rút khỏi các cuộc đàm phán về Ukraine. Đây là một nước Mỹ rất khác so với 12 tháng trước – không còn mấy quan tâm đến số phận của Ukraine nếu không đạt được điều mình muốn ngay từ đầu. Nếu họ không thể giải quyết cuộc chiến như từng tuyên bố, thì việc rút lui được xem là hành động hợp lý để tránh sa lầy.”

Ông James Nixey, Giám đốc Chương trình Nga và Âu Á, Viện nghiên cứu Chatham House

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đánh giá, việc Mỹ “lùi lại một bước” có thể tạo áp lực thực sự lên Kiev và Moscow, buộc họ phải nghiêm túc hơn trong việc xây dựng lộ trình đàm phán hòa bình. Trong bối cảnh giao tranh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc Mỹ chuyển từ “người hòa giải” sang “người quan sát có điều kiện” có thể khiến cục diện ngoại giao về Ukraine bước sang một giai đoạn mới, ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, nhưng cũng nhiều rủi ro hơn cho một giải pháp bền vững.

Ai còn lại trên bàn cờ Ukraine nếu vắng Mỹ?

Tuyên bố rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải của Mỹ không chỉ là một sự kiện ngoại giao, mà còn là bước ngoặt địa chính trị mang nhiều tầng ý nghĩa. Điều này vừa phản ánh chiến lược “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi nhất quán từ khi tranh cử đến nay, vừa đặt cục diện ngoại giao liên quan đến cuộc xung đột “nóng nhất thế kỷ 21” trong một thế trận không còn điểm tựa rõ ràng. Điều này đặt ra câu hỏi: ai – nếu không phải là Mỹ – sẽ trở thành bên giữ vai trò trung tâm trong các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine?

Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, theo số liệu của Viện Kiel tại Đức, Mỹ đã trở thành nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine với hơn 120 tỷ USD viện trợ quốc phòng và nhân đạo. Việc Mỹ tạm dừng hoặc rút khỏi vai trò trung gian không chỉ ảnh hưởng đến viện trợ, mà còn khiến quá trình đàm phán hoà bình thiếu đi một bên trung gian có uy tín và khả năng gây sức ép lớn.

Nếu Mỹ giảm vai trò, châu Âu, vốn đã phụ thuộc vào chiếc ô an ninh Mỹ suốt gần một thế kỷ sẽ buộc phải đảm nhận vai trò lớn hơn. Pháp và Đức đã nhiều lần kêu gọi thiết lập “nền quốc phòng châu Âu độc lập hơn”. Nhưng liệu châu Âu có đủ năng lực tài chính, chính trị và quân sự để thay Mỹ làm người đỡ đầu cho Ukraine? Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI), trong năm 2024, Mỹ cung cấp 68% tổng số khí tài viện trợ cho Ukraine, trong khi toàn bộ EU chỉ chiếm 23%. Nếu Washington rút đi, Brussels có thể không đủ sức lấp đầy khoảng trống, ít nhất là trong ngắn hạn.

“Chúng tôi thấy Mỹ đang có dấu hiệu cân nhắc về việc rời khỏi đàm phán Ukraine và có thể không đạt được thỏa thuận nào với Nga vì điều đó rất khó khăn. Châu Âu có thể hỗ trợ tài chính để giúp Ukraine trong trường hợp Mỹ rời đi, nhưng về mặt hỗ trợ quân sự, chắc chắn sẽ khó khăn để lấp đầy khoảng trống nếu vắng Mỹ.”

Bà Kaja Kallas, Ủy viên cấp cao phụ trách Chính sách An ninh và Đối ngoại của EU

Bà Kallas cũng tiết lộ, một số nước EU đang cân nhắc “nối gót” theo chính quyền Trump, nếu Washington quyết định tái lập quan hệ với Nga. Tuy nhiên, phần lớn các nước vẫn giữ vững lập trường hiện tại, tiếp tục hợp tác với Mỹ và cố gắng thuyết phục rằng kết quả của cuộc chiến cũng liên quan đến lợi ích của Washington.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky không giấu được lo ngại về viễn cảnh Mỹ rút khỏi nỗ lực trung gian:

“Bạn thấy đấy, ngay từ bước đầu tiên, để đạt được lệnh ngừng bắn đã rất khó khăn. Hãy tưởng tượng xem, các vấn đề về lãnh thổ, lệnh trừng phạt sẽ càng phức tạp. Có những tín hiệu cho thấy, sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn, một số quốc gia sẽ muốn Ukraine phải trực tiếp đương đầu với Nga.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

Ngược lại, Nga tỏ ra bình thản trước viễn cảnh Mỹ và thậm chí cả EU rút lui khỏi tiến trình hòa đàm. Đại diện thường trực của Nga tại Vienna, ông Mikhail Ulyanov, tuyên bố việc Mỹ và EU từ chối vai trò trung gian sẽ không ảnh hưởng đến lập trường của Moscow.

Trước các diễn biến này, một số chuyên gia cảnh báo, nếu ông Trump rút khỏi đàm phán mà không đạt được bước tiến cụ thể nào, chiến sự sẽ tiếp tục leo thang. Do đó, nhiều khả năng Mỹ sẽ không rút lui hoàn toàn khỏi cuộc xung đột, mà vẫn duy trì một số hình thức hỗ trợ, như viện trợ vũ khí hoặc chia sẻ tình báo. Một số nguồn tin từ New York Times cho biết, Mỹ sẽ chuyển hệ thống Patriot được nâng cấp từ Israel sang Ukraine, một tín hiệu cho thấy Mỹ có thể “rút vai” chứ chưa rút “tay” khỏi chiến sự.

Việc Mỹ “lùi lại phía sau” có thể mở đường cho những “kiến trúc sư hòa bình” thay thế. Trung Quốc với “Giải pháp 12 điểm” từng đưa ra tháng 2/2023 đang âm thầm tìm cách định hình tiến trình hòa bình ở Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay các quốc gia trung lập khác cũng có thể tìm cơ hội gia tăng ảnh hưởng. Dù vậy, giới quan sát đánh giá, không bên nào có thể dễ dàng thay thế Mỹ về cả quy mô tài chính lẫn đòn bẩy chiến lược. Và chính điều đó khiến tương lai xung đột Ukraine, nếu vắng Mỹ sẽ trở nên bất định.

Kịch bản nào cho cuộc xung đột Nga - Ukraine?

Sau hơn ba năm xung đột, cục diện chiến trường Ukraine đã có bước chuyển rõ rệt. Nga hiện chiếm ưu thế chiến thuật với thế chủ động tấn công trên nhiều hướng, trong khi Ukraine rơi vào thế phòng thủ kéo dài do thiếu hụt nguồn lực trầm trọng từ đạn pháo, tên lửa phòng không cho tới nhân lực. Trong bối cảnh Mỹ mệt mỏi trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine, còn châu Âu chỉ có thể hỗ trợ bằng những gói viện trợ nhỏ giọt, câu hỏi lớn hơn đang được đặt ra: Cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào? Khi nào?

Tính đến cuối tháng 4/2025, quân đội Nga đã thiết lập được các cụm tấn công mạnh tại mặt trận Donetsk, Sumy và Kharkov, đe dọa phá vỡ tuyến phòng thủ của Ukraine ở miền Đông và miền Bắc. Nga cũng đánh bật lực lượng Ukraine khỏi vùng biên giới Kursk, vốn từng được Tổng thống Zelensky coi là “con bài mặc cả” trên bàn đàm phán. Ở chiều ngược lại, Ukraine cạn kiệt tên lửa phòng không Patriot, Iris-T và NASAMS, khiến hạ tầng năng lượng và kho hậu cần bị đánh phá nặng nề bởi các đợt tấn công tên lửa của Nga. Hiện, quân đội Nga đang kiểm soát khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine và tự tin có đủ sức mạnh để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt.

“Chúng tôi không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Nước Nga có đủ sức mạnh và phương tiện để đưa chiến dịch quân sự triển khai vào năm 2022 đến kết quả hợp lý mà Moscow mong muốn.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Ngay cả những đồng minh thân cận nhất như Ba Lan và Đức cũng tỏ ra nghi ngại về triển vọng phản công lớn của Ukraine trong năm 2025. Trong bối cảnh đó, khả năng Ukraine chấp nhận đàm phán theo thế bất lợi hoặc bị buộc phải “đóng băng chiến sự” để bảo toàn lực lượng đang dần trở nên hiện hữu.

Các chuyên gia quân sự đã phác họa 4 kịch bản chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Kịch bản thứ nhất, hiện được đánh giá là khả thi nhất, là “Đóng băng chiến sự 2025”. Theo kịch bản này, các tuyến giao tranh sẽ được cố định quanh sông Dnipro hoặc trục Donetsk - Zaporizhzhia, tạo thành một mặt trận đông - tây kéo dài. Không có hiệp định hòa bình chính thức nào được ký kết, nhưng cường độ giao tranh giảm rõ rệt, nhường chỗ cho các hoạt động phòng thủ, củng cố và giằng co. Kịch bản này trở nên thực tế nếu Nga giành quyền kiểm soát các khu vực đủ quan trọng về mặt chiến lược để tuyên bố đạt mục tiêu quân sự, trong khi Ukraine vẫn giữ được các thành phố lớn như Dnipro và Kharkov. Tuy nhiên, nguy cơ kéo dài xung đột trong trạng thái “chiến tranh âm ỉ” là rất cao.

Kịch bản thứ hai là “Hòa bình dưới sức ép”, với sự tham gia của các nước trung gian. Ukraine có thể buộc phải chấp nhận đánh đổi một phần lãnh thổ để duy trì phần còn lại của chủ quyền quốc gia. Trường hợp này có thể tạo ra một mô hình hòa bình mới, không dựa trên cấu trúc an ninh phương Tây mà thiên về vai trò trung gian của các cường quốc “trung lập”. Xác suất kịch bản này được ước lượng ở mức trung bình, khoảng 30%.

Kịch bản thứ ba là “Leo thang ngoài kiểm soát”, có thể xảy ra nếu một sự cố vượt ngoài dự tính xảy ra. Dù xác suất kịch bản này được đánh giá thấp (khoảng 10%) nhưng rủi ro hệ quả là cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí có thể mở đường cho một cuộc chiến tranh châu Âu toàn diện.

Cuối cùng là kịch bản ít khả thi nhất: “Thắng lợi bất ngờ của Ukraine”. Với tình hình hiện tại, các chuyên gia đều nhận định đây gần như chỉ là một viễn cảnh lý tưởng. Xác suất xảy ra được đánh giá là rất thấp, chỉ khoảng 5%.

Sau hơn ba năm chiến sự, thế giới không còn nói nhiều về chiến thắng mà nói về điểm dừng. Nếu Mỹ từ bỏ vai trò trung gian và rút lui hoàn toàn, cán cân quyền lực tại bàn đàm phán sẽ thay đổi sâu sắc. Ngược lại, nếu Mỹ tăng cường can dự, đặc biệt là qua các gói viện trợ, trừng phạt và đàm phán trực tiếp, nguy cơ đối đầu trực tiếp Mỹ - Nga cũng không thể bỏ qua. Cuối cùng, mọi quyết định sẽ vẫn quy về một người: Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong những tuần tới, các động thái của Nhà Trắng, từ nhân sự, phát ngôn, cho đến hành động chính sách, sẽ được các bên theo dõi chặt chẽ, vì chúng có thể là khởi đầu cho một chương mới trên bàn cờ hòa bình vốn chưa bao giờ dễ dàng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước này sẽ không còn đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong vai trò của Washington đối với cuộc xung đột đang diễn ra.

Cuộc bầu cử Tổng thống tại Romania là một phép thử quan trọng đối với làn sóng chủ nghĩa dân túy tại châu Âu, nay đã xác định được hai ứng cử viên lọt vào vòng thứ hai.

Trong bối cảnh chính trị Hàn Quốc đang rơi vào giai đoạn bất ổn nghiêm trọng trước thềm bầu cử Tổng thống, quyền Tổng thống Lee Ju-ho đã kêu gọi đoàn kết và chung sống hòa bình nhân dịp Lễ Phật Đản, một trong những ngày lễ lớn tại quốc gia này.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông và các cố vấn đã có những cuộc thảo luận về cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine trong những ngày gần đây, tuy nhiên không đề cập chi tiết cụ thể.

Trong cuộc họp nội các an ninh diễn ra vào ngày 4/5, Chính phủ Israel đã bỏ phiếu thông qua việc mở rộng quy mô chiến dịch tại Dải Gaza và thiết lập một khuôn khổ mới cho việc chuyển giao viện trợ nhân đạo.

Hai bệ phóng tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp cho lực lượng vũ trang Ukraine đã bị phá hủy tại khu vực Kherson, truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết.