Nhiều hoạt động hấp dẫn trong "Ngày Hội Lá" 2022
Tham dự sự kiện, quan khách, nhất là các bạn trẻ đã được đắm mình trong các hoạt động văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian liên quan đến lá, từ đó biết trân quý hơn các giá trị truyền thống dân tộc, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, khơi nguồn cho những ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ sản phẩm nông nghiệp bản địa…

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ, Trưởng ban Tổ chức cho biết, “Ngày hội lá” có các hoạt động điểm nhấn như: Biểu diễn văn nghệ với chủ đề Lá, giao lưu cùng các nghệ nhân làm bánh dân gian từ lá, thắt lá dừa, vẽ tranh trên lá, giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường làm từ lá của các doanh nghiệp.
“Lá được dùng nhiều trong cuộc sống hằng ngày, là biểu tượng của sức sống, sự sung túc, gắn với nhiều kỷ niệm. Từng gian hàng tại Ngày hội sẽ gợi lại trong lòng chúng ta nhiều ký ức tuổi thơ, trò chơi dân gian, món ăn “mẹ nấu” ngày trước. Không chỉ vậy, Ngày hội còn gửi thông điệp sống xanh, sống thân thiện với thiên nhiên, khởi nghiệp vươn lên làm giàu bằng những sản phẩm từ lá...”, Bà Duyên nhấn mạnh.

Khuôn viên của “Ngày hội lá” tạo ấn tượng mạnh cho khách tham quan ngay từ cổng vào. Đó là chiếc cổng được tạo hình công phu từ các loại lá, điểm xuyết những bông hoa tinh tế. Đây là nét văn hóa đặc trưng trong đời sống người dân Nam Bộ mỗi khi có hỷ sự.
Bên trong khuôn viên “Ngày hội lá”, không gian được tô điểm bởi những gian hàng nhỏ để khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động với sự hướng dẫn của nghệ nhân. Với học sinh khối tiểu học, các em được hướng dẫn tô màu trên lá cây, cắt và dán lá tạo thành bức tranh chủ đề “Gia đình em”.

Với các bạn trẻ, các gian hàng vẽ trên áo dài, thiết kế thời trang từ lá, học làm bánh dân gian với nguyên liệu từ lá, tạo hình con vật từ nghệ thuật xếp lá dừa… là những điểm thu hút đông nhất.
Đang tạo hình con châu chấu từ lá dừa, bạn trẻ Dương Minh Nguyệt đến từ Hà Nội cho biết, bạn đang trong chuyến công tác cùng đoàn xúc tiến Hà Nội vào Cần Thơ dự Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam năm 2022. Được tham gia “Ngày hội lá” bạn được biết thêm nhiều nét văn hóa dân gian đặc sắc của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Miền Bắc cũng có nghệ thuật tạo hình từ các loại lá, nhưng đơn giản hơn về màu sắc và kiểu dáng.
Để tô đậm thêm không gian xưa, gian hàng trầu cau - trải nghiệm têm trầu cánh phượng cũng góp mặt trong "Ngày hội Lá". Khách đến được nghe chủ gian hàng kể những câu chuyện cổ lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, mang đậm bản sắc dân tộc về trầu cau. Câu chuyện khép lại bằng tục ăn trầu - một phong tục truyền thống của người Việt nhằm tô đậm tình cảm sắt son, thủy chung.
Ngoài ra, các bạn trẻ cũng bị thu hút bởi gian hàng ẩm thực, giới thiệu các loại bánh dân gian có sử dụng lá như bánh tét, bánh chưng, bánh ít, bánh ú lá tre, bánh lá dừa, bánh phu thê, bánh lá mơ/lá mít… Hàng ngàn năm qua, bánh dân gian đã đi vào đời sống của người Việt, lẫn thơ ca. Bánh dân gian Nam Bộ vừa mang nét đặc trưng của ẩm thực vùng miền, vừa mang cả nền văn minh lúa nước, hồn quê Việt, kinh tế nông nghiệp trong từng chiếc bánh.
Nghệ nhân bánh dân gian Trương Thị Chiều (Chín Chiều) cho biết, xã hội ngày càng phát triển, ẩm thực cũng ngày càng phong phú hơn, để bánh dân gian không bị lãng quên và mai một, bà đã sử dụng nhiều lá cây tự nhiên như chùm ngây, lá cẩm, lá dứa… tạo ra những chiếc bánh đủ màu sắc, vừa bắt mắt người tiêu dùng, vừa giữ được hồn quê Việt trong từng món bánh. “Chẳng những trong nước, tôi còn mong muốn và ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo ra những loại bánh mới từ các nguyên liệu thiên nhiên. Từ đó quảng bá cho khách quốc tế được biết ẩm thực của Việt Nam đa dạng và rất đẹp mắt” – Nghệ nhân Chín Chiều bày tỏ.
Thông qua các hoạt động của "Ngày hội lá", Ban tổ chức mong muốn lan tỏa thông điệp chung tay xây dựng lối sống thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên, hướng tới lối sống xanh qua cuộc thi thiết kế thời trang làm từ lá. Những bộ trang phục dự thi thời trang gửi đến thông điệp về môi trường cũng như mang thông điệp về văn hóa, lịch sử. Các đội dự thi đều thiết kế trang phục từ 100% vật liệu tái sử dụng được như các loại lá cây, giấy…
Cũng tại “Ngày hội lá”, Ban Tổ chức dành một khu trưng bày cho các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nông sản giới thiệu các sản phẩm của mình. Nổi bật trong đó là gian hàng các sản phẩm làm từ lá sen của chàng Giám đốc trẻ Ngô Chí Công. Quan khách không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ với các tác phẩm nón lá sen, túi giấy lá sen, sổ lá sen… đủ màu sắc mà anh Công mang đến ngày hội.
Bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại, anh Công đã khiến những chiếc lá sen bình dị trở thành những món quà lưu niệm, những vật dụng hàng ngày độc đáo, đắt giá. Đặc biệt, những chiếc nón lá hay những chiếc túi giấy dù làm từ lá sen nhưng có thể sử dụng rộng rãi, độ bền cao…
Sau nhiều hoạt động ý nghĩa, “Ngày hội lá” đã khép lại, nhưng dư âm hạnh phúc dường như còn lan tỏa, đặc biệt ở các bạn trẻ. Đó là sự tự hào khi tìm về với các giá trị văn hóa xưa của ông cha ta, sự hồ hởi trên con đường tìm hướng khởi nghiệp bền vững từ các sản phẩm thuần thiên nhiên, kết hợp cùng tri thức hiện đại thời 4.0.


Ngày 29/11/2022, tại phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 17 của UNESCO, di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Sáng 29/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Chiều 28/11, UBND tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hiệp hội ẩm thực Việt Nam -Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, tổ chức không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu, trong đó công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối.
Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII - năm 2022 với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú trải dài từ tháng 10 cho đến hết tháng 12 trên khắp vùng cao nguyên đá nhằm mục đích quảng bá và thúc đẩy du lịch Hà Giang. Du khách đến với lễ hội ngoài việc được thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa tam giác mạch còn được tham quan, khám phá những nét đẹp đặc trưng của văn hóa và con người nơi cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ và nên thơ.
Ngày 27/11, tại Bạc Liêu khai mạc “Không gian Hội tụ tinh hoa Di sản văn hóa phi vật thể đại diện các vùng, miền”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.
Tối 26/11, tại huyện Đồng Văn (Hà Giang), Lễ hội hoa tam giác mạch lần thứ VIII - năm 2022 đã chính thức khai mạc. Lễ hội hoa tam giác mạch năm nay mang chủ đề “Sức sống cao nguyên đá”, nhằm mục đích quảng bá và thúc đẩy du lịch Hà Giang.
0