Tết xưa - Tết nay
Câu chuyện lễ nghĩa ở gia đình cụ trăm tuổi
Quây quần cùng nhắc về những kỷ niệm xưa cũ, thưởng thức mứt Tết bên cành đào - gia đình cụ Tỵ vẫn gìn giữ những phong tục Tết xưa, nơi mà mỗi bữa cơm, mỗi lễ cúng, mỗi món ăn đều chứa đựng những giá trị của thời gian, của tình yêu thương và sự kính trọng với tổ tiên. Dù không còn đủ sức khoẻ để chăm lo công việc gia đình, nhưng những phong tục truyền thống gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về vẫn luôn được con cháu cụ gìn giữ và trân trọng.
Bà Bùi Thị Huệ, con dâu cụ Tỵ, cho biết: “Tôi về làm dâu ở nhà cụ đã hơn 50 năm rồi. Khi về làm dâu, tôi thấy ở nhà các cụ làm cỗ đón Tết như thế nào thì mình cứ tiếp thu, làm theo. Hai con dâu của tôi cũng tiếp nối truyền thống của gia đình. Đặc biệt, những loại hoa Tết và các món ăn tạo nên một mâm cỗ của người Hà Nội xưa, nhà tôi không bao giờ bỏ”.
Những câu chuyện xưa, những ký ức của thời thơ ấu mà cụ Tỵ truyền lại cho con cháu là những giá trị vô giá, là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa các thế hệ.
Và dù cho cuộc sống có thay đổi, dù cho Tết có trở nên khác biệt đi chăng nữa thì những gia đình như gia đình cụ Tỵ vẫn luôn là nơi lưu giữ hồn cốt của Tết truyền thốngViệt Nam - nơi tình yêu, sự hiếu thảo và lòng kính trọng tổ tiên mãi mãi không phai nhạt.
Câu chuyện một gia đình lên kế hoạch đi chơi xa
Ngày 25 tháng Chạp, Tết đã về nhà chị Trang, anh Huy. Dù công việc bận rộn nhưng họ luôn biết cách tạo những khoảnh khắc sum vầy bên nhau. Không quá cầu kỳ chuẩn bị cho dịp Tết, với họ, Tết là được đi chơi, dành thời gian cho con cái, được trải nghiệm những điều mới mẻ bên những vùng đất mới.
Dù là gia đình hiện đại, không quá cầu kỳ chuyện bếp núc nhưng việc chuẩn bị những món ăn ngon ngày Tết là niềm vui và cũng làm cho những ngày này trở nên háo hức hơn với những người phụ nữ. Chị Xương Thị Thu Trang, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, cho biết: “Gia đình mình trước Tết khoảng một tuần mọi người sẽ luôn ở nhà để mua sắm, trang trí nhà cửa cùng với nhau. Vào 29, 30 Tết, mọi người bắt buộc phải ở nhà để làm lễ và cùng đi xem pháo hoa. Năm nay khá đặc biệt với nhà mình khi ông xã mình đang lên kế hoạch đưa cả gia đình đi chơi Huế. Dự kiến nhà mình sẽ đi từ mùng 2, đến mùng 6 sẽ về lại Hà Nội”.
Tết, không chỉ là những món ăn ngon hay những lời chúc tốt đẹp mà còn là những khoảnh khắc ấm áp gắn kết tình yêu thương.
Quan niệm Tết xưa, Tết nay
Anh Nguyễn Thanh Việt - Việt kiều Úc, nhớ nhung: “Ngày xưa Tết thích lắm và chỉ mong đến ngày Tết thôi. Gia đình nào cũng vậy, đến ngày Tết sẽ làm bánh xốp hay ngồi gói bánh chưng, sau đó được tắm bằng lá mùi”.
Chị Nguyễn Thái Hà, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, cho hay: “Đối với mình, trước đây mình cảm thấy vô cùng áp lực khi phải làm những món ăn ngày Tết và thờ cúng tổ tiên. Nhưng bây giờ, mình không còn quá áp lực đối với việc đó nữa vì mình cảm thấy mỗi khi được làm những nét đẹp cổ truyền của dân tộc, các thế hệ sẽ được kết nối với nhau”.
Theo GS. TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam: “Tết thời nay với Tết thời bao cấp khác nhau rất nhiều. Vào thời bao cấp, mọi người sống bằng tem phiếu cho nên những ngày Tết người dân thường đổ xô đi xếp hàng tại các cửa hàng để mua thịt, gạo, mắm, muối…”
Xã hội đã thay đổi nhiều, nhưng người Việt vẫn trân trọng, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, song song với chấp nhận và thay đổi. Tết nay, những lễ nghĩa khuôn mẫu được giản lược, bổ sung những nét mới, hướng đến tính cá nhân hóa của mỗi gia đình. Nhưng hồn Tết thì vẫn đó.


Con phố sách cũ trên đường Láng (Hà Nội) là chốn thân quen của nhiều người, nơi chứa đựng những câu chuyện riêng, khiến cho tâm hồn của họ luôn được rộng mở.
Bên cạnh di sản kiến trúc, lịch sử, Hoàn Kiếm còn là cái nôi của một di sản đặc biệt - di sản ẩm thực, hội tụ của sự tinh tế.
Rau muống xào tỏi của Việt Nam vinh dự xếp hạng thứ 24 trong danh sách 100 món rau ngon nhất thế giới của chuyên trang ẩm thực nổi tiếng Taste Atlas, với số điểm 4,3/5 sao.
Những ngày khô lạnh ít ỏi của đợt rét tháng Ba rất nhanh sẽ đi qua, để sớm mai, một mùa hè rực rỡ bừng tỉnh.
Với khát khao gìn giữ "hơi thở" của the lụa từng vang danh, nghệ nhân Lê Đăng Toản (Hà Đông) đã miệt mài canh cửi trong suốt gần 20 năm, dù hành trình không ít gian nan.
Hơi thở của cuộc sống hiện đại trong âm nhạc đường phố nhiều năm nay đã mang đến cho không gian hồ Gươm một góc nhìn vô cùng mới mẻ, lôi cuốn và hấp dẫn mọi du khách mỗi dịp cuối tuần.
0