Những ngày giáp Tết

Tết đang đến rất gần. Mỗi khi năm hết Tết đến, đất trời vào xuân, lòng người lại nôn nao với rất nhiều cảm xúc, mong chờ, háo hức, nhưng cũng không ít lo lắng, bâng khuâng…

Chẳng còn bao lâu nữa là Tết. Hàng bông vạn thọ đầu ngõ bắt đầu bén đọt xanh um, đâm cành tỉa nhánh. Đàn gà nhà tôi đã vào chế độ ăn thúc. Hàng hoá bánh kẹo, đồ khô cũng được mấy bà buôn trữ đầy kho. Có năm người ta trữ nhiều, có năm trữ ít tùy theo tình hình kinh tế chung. Cứ vậy mà làm, năm trước sao năm sau vậy.

Ừ! Tết có gì vui, có gì buồn? Có người tỏ vẻ dửng dưng như không. Quỹ đạo thời gian đến thì đến mà đi thì đi. Chẳng qua là người ta đón thêm một tuổi, tóc bạc thêm nhiều sợi. Nếp nhăn, đồi mồi trên gương mặt dày hơn. Chỉ có đám con nít vô lo vô nghĩ, hớn hở vui cười, bởi Tết sắm đồ mới, được đi chơi chỗ này chỗ kia nhận lì xì. Còn người lớn mặt mày méo xẹo vì lo, nhất là những khoản nợ cuối năm phải trả.

Tôi ngồi nghĩ lại Tết xưa, trong lòng nhớ sao mà nhớ. Xưa, con người ấm áp thân tình, dù có nghèo về vật chất, chẳng biết ganh đua đố kị là gì. Cứ vô tư mà sống trong tình làng nghĩa xóm. Chẳng biết có phải vì đời sống xã hội đổi thay nhiều, con người có chàm chế đủ thứ gia vị, che giấu đi những cảm xúc thật, nên mọi thứ vẫn cứ nhạt phèo hay không?

Một mùa xuân mới lại về, cộng thêm những tháng ngày. Hết lớp người cũ nằm xuống, lớp người mới lại trưởng thành. Nhiều khi ra đường, những đứa nhỏ nhà bên cạnh cũng chẳng biết ai là ai, gặp người lớn trố mắt ra nhìn, không thèm mở miệng ra chào một câu: Dạ con chào bác! Vì đơn giản tụi nó có biết ai đâu!

Nhớ những ngày Tết xưa, cả xóm dùng chung cái bàn là than hiệu con gà. Cứ bắt đầu hai lăm tháng Chạp, má tôi lôi trong nhà ra những bộ quần áo vía treo lên. Vì cả năm nó được bỏ vào rương, tất nhiên má không quên nhét bốn góc cục long não bằng ngón chân cái để trừ đám gián. Má lo bỏ than vào bàn là rồi là cho thẳng thớm những bộ quần áo đó. Mặc mấy ngày Tết rồi lại giặt giũ cất lại. Má nói là sớm để nhà bên họ còn mượn. Cái bàn là con gà nhà tôi đi khắp xóm. Ngày nay bàn là điện người ta sắm mỗi nhà một chiếc, vải vóc quần áo may sẵn nhiều, thậm chí có người chỉ mặc một hai lần rồi bỏ. Vậy là cái bàn là con gà nhà tôi cô đơn năm này qua năm nọ. Đến nay tuổi đời nó ngót nghét bốn mươi năm. Nó trở thành con gà già khú đế, bụi bặm, nằm trong góc nhà.

Hôm qua, tôi ghé nhà chú hàng xóm, nghe chú thỏ thẻ nói với thím Tết này bà tráng bánh rồi xắt bún. Làm cho nhiều lên như mấy hồi trước, Tết xào, kho, nấu canh ăn cho đã. Thím làu bàu: Thôi ông ơi! Ngày nay ai làm vậy. Đau lưng mỏi cổ lắm! Người ta cán bằng máy bán đầy chợ. Ông nói, làm vậy nó vui, cho rộn ràng ra ngày Tết.

Tết những ngày chị em tôi còn nhỏ. Năm nào tôi cũng trồng bông vạn thọ. Trồng nhiều lắm, hoa nở từ đầu ngõ vào nhà. Mấy bạn của ba, nhà dưới thị trấn thường tới thăm vào lúc hai tám, hai chín Tết. Thấy hoa đẹp, họ hỏi ba bứng vài bụi về trưng. Vậy mà trong lòng tôi thấy hạnh phúc, tự hào. Bởi hoa mình trồng đẹp thế, có người thích xin về chơi Tết, vui biết chừng nào. Cứ thế, nhiều năm sau, chị em tôi càng trồng hoa nhiều hơn. Trồng để cho, tặng, để tháng Chạp sau có khách ghé thăm nhà. Tết ngày nay, có mấy ai đi xin bông về trưng Tết nữa. Họ ra chợ mua về từ hai lăm, hai sáu tháng Chạp, mà người bán bông chở đến tận nhà, giao luôn với đủ các giá. Hàng bông trước ngõ giờ chỉ là hương sắc điểm chút xuân trong sân nhà. Là việc làm đỡ quạnh hiu của người già, trồng xuống rồi chăm sóc. Để quên đi ngày dài và biết rằng xuân vẫn còn ở đâu đó quanh mình.

Kẹo bánh ngập tràn ngoài chợ, ngoài cửa hàng, trên gian hàng hệ thống mạng... Đủ loại đủ giá, chẳng còn ai hào hứng ngồi làm bánh Tết, mứt Tết. Cứ mua cho xong. Mấy cái khuôn bánh in, bánh thuẫn nằm chơ vơ trong tường năm này qua năm khác. Có một người là chỗ quen biết, chuyên đi thu gom nhặt nhặt những cái khuôn bánh cũ bằng gỗ bằng đồng treo lủng lẳng khắp nhà, như một người sưu tầm cổ vật. Người già ngày càng cô đơn lạc lõng với thời cuộc, bị cho là lạc hậu, lú lẫn. Đôi khi bị cho là cổ hủ khó tính, nói nhiều nói dai. Người già sống với những kỷ niệm một thời khó có thể phai mờ. Họ bơ vơ trước những dòng xoáy cuộc đời. Chỉ những vườn bông Tết là vẫn thủy chung như nhất mang hương vị mùa xuân tự ngàn đời.

Lan Quy

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Chứng kiến hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn của Kiến Nhất, Jo Jo càng thêm quyết tâm cùng bạn vượt qua thử thách. Mời các bạn đón xem tập 4 của bộ phim "Cầu vồng trong mưa", phát sóng lúc 13h ngày 21/5, trên kênh 1 - Truyền hình Hà Nội.

Thời tiết Thủ đô sáng sớm nay tương đối dịu mát, trời nhiều mây, mưa rào nhẹ đang diễn ra ở vài nơi; nhiệt độ ở vào khoảng 26-27 độ; độ ẩm khoảng 90%.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nhận Giải thưởng lớn; Nhiều thí sinh tiềm năng tranh tài Hoa hậu Trái đất Việt Nam 2025; Mùa thi - hành trình cùng con trưởng thành; Lễ hội cát Haeundae - không gian độc đáo trên bãi biển;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.

Tách cà phê mang hương vị Hà Nội; Ký ức mùa hoa phượng vĩ; Người hơn 30 năm gìn giữ hương vị bánh tôm Hà Nội... là những nội dung có trong chương trình "Tình yêu Hà Nội" ngày hôm nay.

Mùa tuyển sinh đang nóng dần, kèm theo đó là những áp lực đè nặng lên vai các học sinh cuối cấp chuẩn bị thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT. Vậy làm thế nào để giảm áp lực trước mùa thi? Đây là nội dung được chương trình bàn luận cùng chuyên gia tâm lý - PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

HANOITV News | 20/05/2025