Vì sao ông Trump kiên quyết từ chối tranh luận lần hai?

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã kiên quyết từ chối bước vào cuộc tranh luận trực tiếp lần hai vào tháng 10 tới, bác bỏ thách thức của đối thủ, Phó tổng thống Kamala Harris.

Ông Trump từ chối "thách đấu"

Ngày 21/9, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối tham gia cuộc tranh luận thứ hai với Phó Tổng thống Kamala Harris, vài giờ sau khi chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ thông báo rằng bà đã đồng ý đối mặt với đối thủ của đảng Cộng hòa vào ngày 23/10 trên kênh CNN.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, bà Kamala Harris cho biết đã sẵn sàng cùng ông Donald Trump tham gia trong cuộc tranh luận lần hai sẽ diễn ra vào ngày 23/10.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tại buổi tranh luận hôm 10/9

"Tôi sẽ vui vẻ chấp nhận một cuộc tranh luận thứ hai, và hy vọng ông Trump sẽ tham gia cùng tôi", bà Harris viết trên X.

Chiến dịch của bà Harris từng đề nghị một cuộc tranh luận tiếp theo sau cuộc tranh luận hôm 10/9, tuy nhiên, ông Trump khẳng định ông sẽ không tham gia bất kỳ một cuộc tranh luận nào khác.

CNN cho biết cả ông Trump và bà Harris đều đã nhận được lời mời tranh luận vì CNN tin rằng người dân Mỹ sẽ hiểu rõ hơn về hai ứng cử viên trong cuộc tranh luận thứ hai. Cuộc tranh luận này sẽ có các quy định tương tự cuộc tranh luận giữa Tổng thống Joe Biden và ông Trump hồi tháng 6 ở thành phố Atlanta. Sự kiện sau đó đã buộc Tổng thống Biden phải dừng tranh cử và nhường chỗ cho bà Harris.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau chiến dịch tranh cử của bà Harris khi bà cho biết đã chấp nhận lời mời của CNN, phát biểu trước những người ủng hộ tại cuộc vận động tranh cử ở Wilmington, North Carolina, cựu Tổng thống Mỹ cho biết thời gian không còn đủ để tổ chức thêm một cuộc tranh luận. "Quá muộn, cuộc bỏ phiếu đã bắt đầu", ông Trump nói.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi vận động tranh cử ở Wilmington

Ông nói thêm với đám đông người ủng hộ rằng mặc dù kênh CNN đã "rất công bằng" khi ông tranh luận với Tổng thống Joe Biden vào tháng 6, nhưng "họ sẽ không công bằng nữa".

Tới tháng 11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 mới chính thức diễn ra, nhưng từ ngày 20/9, các điểm bỏ phiếu tại 3 bang gồm Virginia, Minnesota và South Dakota đã mở cửa, cho phép cử tri bỏ phiếu sớm theo hình thức trực tiếp. Các chuyên gia dự đoán sẽ có một số lượng lớn cử tri đi bỏ phiếu sớm trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay.

Quan điểm về tranh luận của hai ứng cử viên

Với bà Harris, cuộc tranh luận hôm 10/9 là một bước đệm giúp bà thể hiện bản thân rõ hơn với các cử tri Mỹ, những người vẫn chưa hiểu rõ và biết về bà. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để nữ phó tổng thống vượt qua “cái bóng” của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm Joe Biden và gây ấn tượng hơn với người dân.

Khảo sát của Đài ABC News cho thấy 58% cử tri Mỹ cho rằng bà Harris chiến thắng cuộc tranh luận. Dù vậy, không ứng viên nào thật sự giành thêm lợi thế bầu cử.

Kể cả việc Taylor Swift, nữ ca sĩ có tầm ảnh hưởng bậc nhất showbiz thế giới, tuyên bố ủng hộ bà Harris ngay sau khi tranh luận kết thúc cũng không mang lại nhiều lợi thế cho ứng viên Đảng Dân chủ.

Khán giả theo dõi màn tranh luận của hai ứng cử viên trên truyền hình trực tiếp

Những diễn biến mới nói trên có lợi cho bà Harris và bất lợi cho ông Trump nhưng không hoàn toàn đã quyết định cục diện cuối cùng của cuộc bầu cử. Ông Trump vẫn có thể thắng cử và bà Harris vẫn có thể bị thất cử. Ở lần bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, ông Trump thua bà Hillary Clinton trong cả 3 lần tranh luận  nhưng rồi vẫn đắc cử Tổng thống. Kết quả thăm dò dư luận ở Mỹ không phải là sự đảm bảo cho dự đoán về kết quả cuộc bầu cử.

Trong các phỏng vấn sau cuộc tranh luận hôm 10/9, một số cử tri chưa quyết định “chọn phe” đã nói với tờ Journal rằng họ không hiểu rõ rằng các kế hoạch của bà Harris sẽ giúp ích cho họ như thế nào. Những người theo đảng Dân chủ và các nhà chiến lược muốn bà Harris thắng cử cho biết rằng mặc dù nhiều ý tưởng của đương kim Phó Tổng thống có sức mạnh chính trị, nhưng bà vẫn chưa trình bày chúng theo cách cụ thể và đáng tin cậy đối với cử tri.

Các nhà quan sát nhận định, bà Harris muốn có cơ hội thể hiện mình nhiều hơn nữa, bởi trong cuộc tranh luận hôm 10/9, bà đã đặt ông Trump vào thế phòng thủ, với hàng loạt các phát ngôn công kích vào chương trình nghị sự, cũng như các rắc rối pháp lý mà ông phải đối mặt.

Ngoài ra, động lực khiến bà Harris vẫn muốn có một màn tranh luận kế tiếp là vì kết quả các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hai ứng viên vẫn đang cạnh tranh quyết liệt và cựu Tổng thống Trump dường như có lợi thế hơn về chính sách kinh tế, nhập cư, vốn là mối quan tâm được các cử tri đặt lên hàng đầu.

Mike Murphy, một chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa và là nhân vật phản đối ông Trump trong đảng, cho rằng: “Bà Harris phải sớm tìm cách giảm bớt lợi thế của ông Trump về những thành công trong điều hành kinh tế, bởi vì bà ấy thực sự không làm điều đó trong cuộc tranh luận”. Ông Murphy nhấn mạnh thành bại của bà Harris sẽ nằm ở việc thuyết phục cử tri rằng bà giúp họ cải thiện kinh tế. “Nếu bà ấy giỏi về điều đó và kết nối được với cử tri, bà ấy sẽ ở một vị thế cực kỳ mạnh mẽ”, ông Murphy nói. “Ngược lại, nếu bà ấy chỉ cho thấy sự tương đồng với ông Biden về mặt kinh tế, tôi nghĩ ông Trump có thể thắng”.

Sau khi cuộc tranh luận đầu tiên kết thúc, cựu Tổng thống Donald Trump đã bác kế hoạch tiếp tục phiên đối đầu thứ hai với đối thủ đảng Dân chủ. Theo ông Trump, ông đã giành phần thắng trong cuộc tranh luận đầu tiên. Mặt khác, bà Harris cũng tin rằng bà đã có phần thể hiện vượt trội hơn so với ứng viên đảng Cộng hoà.

Giới chuyên gia đánh giá, quyết định trên của ông Trump và nhóm cộng sự tranh cử mang tính chiến thuật. Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của chiến dịch chia sẻ với CNN: "Chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn trong các buổi phỏng vấn, sự kiện vận động, đến thăm các bang hơn là tham gia một cuộc tranh luận được sắp xếp để gây bất lợi cho ông Trump".

Hai ứng viên phó tổng thống là thượng nghị sĩ J.D. Vance của đảng Cộng hòa và Thống đốc Minnesota Tim Walz của đảng Dân chủ sẽ tranh luận vào ngày 1/10, chương trình do CBS News tổ chức. Theo truyền thống, các ứng viên tổng thống thường sẽ có lời sau cùng trong cuộc tranh luận vào tháng 10 trên truyền hình cả nước, sau cuộc tranh luận của những ứng viên phó tổng thống.

Lợi thế sau cuộc tranh luận đầu tiên

Theo kết quả khảo sát của New York Times, Đại học Siena và Philadelphia Inquirer được công bố hôm 19/9, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đều giành được 47% ủng hộ từ nhóm cử tri có thể đi bỏ phiếu trên toàn quốc. Tại bang chiến trường Pennsylvania, bà Harris dẫn trước ông Trump 4 điểm phần trăm, với tỷ lệ ủng hộ lần lượt là 50% và 46%.

Trong nhóm cử tri đã đăng ký bỏ phiếu, ông Trump đạt tỷ lệ ủng hộ 47%, trong khi bà Harris nắm 46%. Kết quả này không thay đổi nhiều so với cuộc thăm dò được tiến hành một tuần trước đó, khi ông Trump giành 48% và bà Harris có được 46%. Trong nhóm cử tri nữ có thể đi bỏ phiếu, bà Harris dẫn trước ông Trump với khoảng cách lớn, lần lượt là 53% và 41%. Cựu tổng thống chiếm ưu thế ở nhóm cử tri nam giới với tỷ lệ 52%, so với 39% của bà Harris.

Ở nhóm cử tri da màu, bà Harris giành được 77% tỷ lệ ủng hộ và ông Trump là 14%. Ưu thế đảo ngược ở nhóm cử tri da trắng, khi cựu tổng thống Mỹ nhận được 53% ủng hộ và Phó tổng thống Mỹ là 43%.

Hai ứng cử viên nhận được tỷ lệ ủng hộ sít sao

Theo số liệu của Ủy ban Bầu cử Mỹ, trong tháng 8, chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã chi 174 triệu USD cho các hoạt động tranh cử. Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump chỉ chi 61 triệu USD.

Bà Harris và ông Trump cho biết phần lớn chi tiêu của họ là dành cho quảng cáo, với số tiền nhỏ hơn để trả cho các cuộc vận động, đi lại và trả lương nhân viên.

Chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng cho biết đã quyên góp 75.000 USD cho Quỹ Thống nhất Detroit, một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm tăng tỷ lệ cử tri da màu đi bầu ở Michigan, một bang chiến trường lớn trong cuộc bầu cử năm nay.

Dù gia nhập đường đua muộn, nhưng bà Harris đã vận động quyên góp được số tiền kỷ lục, ngân sách tính đến cuối tháng 8 là 235 triệu USD, trong khi của ông Trump là 135 triệu USD.

Financial Times cho hay, lợi thế tài chính giúp những quảng cáo của bà Harris được phủ sóng rộng rãi trên truyền hình, nhưng kết quả cuối cùng vẫn luôn khó đoán định. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã đánh bại ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton dù huy động được ít tiền hơn. Ngoài ra, cả ông Trump và cựu Tổng thống George W. Bush đều không được đánh giá cao trong các cuộc tranh luận, nhưng sau đó vẫn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nhà phân tích Stephen Collinson từ CNN thì lưu ý, phải mất nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần để cuộc tranh luận Tổng thống tác động tới cử tri và tạo ra ấn tượng mới về các ứng viên. Đặc biệt, ông Collison nhấn mạnh, luôn tồn tại khả năng sẽ xảy ra các sự kiện gây sốc trong và ngoài nước trong những tháng tới và chúng sẽ làm thay đổi cán cân một cách bất ngờ.

Do đó, cũng có những ý kiến cho rằng, trong vài tuần tới, có thể ông Trump sẽ thay đổi quyết định và đưa ra lời thách đấu với bà Harris trong một màn tranh luận khác. “Tôi tin rằng ông ấy đang cân nhắc, nếu khoảng cách giữa ông và đối thủ tiếp tục sát nút nhau trong những tuần cuối, ông ấy sẽ cần một đòn bẩy để duy trì lợi thế của mình trước bà Harris” , bà Alyssa Farah Griffin, một nhà bình luận của CNN và cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng của ông Trump, dự đoán.

Mọi kịch bản về kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ vẫn đều có thể xảy ra. Ông Trump hiện tránh tranh luận lần nữa với bà Harris nhưng không loại trừ tới sát ngày bầu cử sẽ đổi ý.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) diễn ra tại Azerbaijan được coi là Hội nghị tài chính khí hậu vì các quốc gia đặt ra mục tiêu sau 10 năm nữa, nguồn tài chính khí hậu phải đạt ít nhất là 1.000 tỷ USD mỗi năm.

Nga cáo buộc Ukraine phóng tên lửa đạn đạo ATACMS vào tỉnh biên giới Bryansk, đánh dấu giai đoạn xung đột mới. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột vào năm 2025.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho rằng Nga có quyền tự vệ và kêu gọi các nước phương Tây đánh giá kỹ lưỡng việc Moscow điều chỉnh học thuyết hạt nhân.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vừa công bố ba đề cử cho các vị trí Bộ trưởng Giáo dục, lãnh đạo Medicare và Medicaid, và Bộ trưởng Thương mại. Những lựa chọn này thể hiện ưu tiên của ông Trump dựa trên lòng trung thành và cam kết cải tổ các cơ quan liên bang.

Tờ Washington Post hôm nay, 20/11, dẫn nguồn tin quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã chấp thuận cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine sau khi Kiev cam kết không sử dụng mìn ở những khu vực đông dân cư.

Ngày 19/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và chính quyền Ukraine đã đạt được thỏa thuận để hỗ trợ Ukraine khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Ban điều hành IMF vẫn cần phải cân nhắc về thỏa thuận này.