Công cụ thuế quan của ông Trump có thực sự hiệu quả?

Chính sách thuế quan của ông Trump tới thời điểm này vẫn thường xuyên thay đổi và chưa được thực thi ổn định. Nhiều người đã đặt câu hỏi liệu công cụ thuế quan của ông Trump có đem lại hiệu quả thực sự như ông kỳ vọng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/7 đã gửi thư thông báo mức thuế quan đối ứng đối với ít nhất 14 quốc gia. Trong đó, một số quốc gia sẽ chịu mức thuế 25%, trong khi một số quốc gia khác chịu mức thuế cao hơn, lên đến 40%. Đây là loạt thư áp thuế quan đầu tiên mà Mỹ gửi đi trước ngày 9/7 – thời điểm kết thúc khoảng thời gian 90 ngày tạm hoãn áp thuế đối ứng mà ông Trump đặt ra trước đó. Cùng với đó, ông Trump cũng ký một sắc lệnh gia hạn thời gian hoãn áp thuế đối ứng tới ngày 1/8, nhằm có thêm thời gian để các nước đàm phán song phương với Mỹ. Trong các bức thư, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế cao hơn nữa so với các mức đã công bố, nếu các quốc gia đó đáp trả bằng cách áp thuế lên hàng hóa của Mỹ. Động thái này đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã phát động từ đầu tháng 4.

Hình thức mới – bản chất cũ

Thư ký Nhà Trắng Karoline Leavitt đã công bố những bức thư có chữ ký của ông Trump, thông báo mức thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa của 14 nước. 

Tôi muốn quay lại các thỏa thuận thương mại. Chúng tôi có những lá thư mà tổng thống đã ký. Lá thư này gửi cho Tổng thống Hàn Quốc, chữ ký gốc trên đó. Và những lá thư này sẽ được gửi đi. Chúng tôi cũng có một lá thư khác gửi cho Thủ tướng Nhật Bản. Cả hai nước sẽ phải chịu mức thuế quan 25% có hiệu lực từ ngày 1/8.” 

Thư ký báo chí Nhà Trắng, Karoline Leavitt.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ có thêm những lá thư thông báo thuế quan nữa được gửi đi trong những ngày tới. Ông Trump cũng cho biết, trong ngày 9/7 (giờ Mỹ), Mỹ sẽ công bố thêm danh sách các quốc gia liên quan đến thương mại với Mỹ. Thời hạn áp thuế đối ứng mới sẽ được tính từ 1/8.

Theo nội dung các bức thư, hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ bị áp thuế quan 25%. Hàng từ Nam Phi và Bosnia bị đánh thuế 30%; hàng Indonesia bị áp thuế 32%. Mức thuế đối với Bangladesh và Serbia là 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan chịu thuế 36%. Lào và Myanmar chịu mức thuế 40%.  Ông Trump cho biết Mỹ sẽ cân nhắc điều chỉnh mức thuế quan mới này, tùy thuộc vào mối quan hệ của Mỹ với các nước đó. 

Dù ông Trump áp dụng hình thức mới là gửi thư, đồng thời cũng cảnh báo mạnh mẽ là sẽ áp thuế cao hơn nếu các nước trả đũa, tuy nhiên, phần lớn giới phân tích cho rằng đây thực ra không phải là chính sách hoàn toàn mới mà chỉ là sự tái hiện của đợt áp thuế “Ngày giải phóng” hồi tháng 4. Đây là một động thái mang tính biểu tượng nhiều hơn thực chất. Điều này cho thấy ông Trump đang dùng chiến thuật “đàm phán bằng áp lực”, tăng đòn bẩy thương lượng trước thềm bầu cử giữa kỳ và các cuộc đàm phán thương mại đang dang dở với các nước khi thời hạn hoãn áp thuế đã hết hạn. 

Nếu bạn xem kỹ chi tiết, khó mà phân biệt được điểm khác biệt giữa những gì vừa công bố hôm nay với các đợt trước, hoặc liệu có thực sự được thực thi hay không.”

Ông Adam Parker – CEO của Trivariate Research.

Tuy nhiên, một mức thuế dù cao hay thấp thì vẫn là thuế dù được viết trên giấy, vẽ trên biểu đồ hay gửi qua mạng xã hội, và nó cũng sẽ gây ra những tác động nhất định, phụ thuộc vào phản ứng của các quốc gia bị ảnh hưởng và liệu Nhà Trắng có thực thi đúng những gì đã viết trong thư hay không. Ngoài ra, hạn chót mới vào tháng 8 đối với các quốc gia không có thỏa thuận tương đương với một sự hoãn lại thêm ba tuần, nhưng cũng gây ra sự bất ổn mới cho các nhà nhập khẩu và đầu tư vì thiếu sự rõ ràng về thuế quan.

Khi các mức thuế quan qua lại không còn có hiệu lực vào ngày 9/7, như đã thông báo ban đầu, mà sẽ được gia hạn thêm vài tuần nữa cho đến ngày 1/8, thì động thái này thực sự kéo dài thời kỳ bất ổn, làm suy yếu các hợp đồng đầu tư và kinh doanh dài hạn, đồng thời tạo ra thêm bất ổn. Như chúng ta đều biết, bất ổn kinh tế có hậu quả thực tế đối với các quốc gia và các lĩnh vực.”
Bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại quốc tế, LHQ.

Ngay sau khi các bức thư được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa. Chỉ số Dow Jones giảm hơn 422 điểm (0,94%), S&P 500 giảm 0,79% và Nasdaq mất gần 1%. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong gần một tháng. Tình hình này phản ánh tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước khả năng căng thẳng thương mại leo thang, chi phí sản xuất tăng cao và ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các nước đẩy nhanh đàm phán thương mại với Mỹ

Ông Trump ban đầu đã công bố một loạt các mức thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, ngày mà ông gọi là "ngày giải phóng". Chính quyền của ông Trump ban đầu kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại với các nền kinh tế chủ chốt trước hạn chót 9/7, tuy nhiên, sau ba tháng đàm phán, Mỹ mới đạt được thỏa thuận với ba quốc gia. Các quan chức Mỹ cho biết nước này vẫn đang cố gắng đàm phán với hơn một chục quốc gia. Trước áp lực mới từ các bức thư thông báo thuế quan, một loạt quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... đang đẩy nhanh tốc độ đàm phán trước hạn chót ngày 1/8.

Phản hồi sau thông báo của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết ông cảm thấy thực sự đáng tiếc vì vẫn còn một số điểm mà Mỹ và Nhật Bản chưa đạt được thống nhất. Ông đồng thời khẳng định Tokyo sẽ tiếp tục đàm phán với Washington để đạt thỏa thuận thương mại song phương.

Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển thông qua các cuộc đối thoại liên tục với phía Mỹ. Do đó, trong bức thư hiện tại vẫn giữ nguyên mức thuế quan, thay vì mức 30 hoặc 35% mà Tổng thống Trump vừa đưa ra, và gia hạn thời hạn đàm phán. Chúng tôi đã nhận đề xuất từ Mỹ về việc tiếp tục đàm phán cho đến hạn chót mới là ngày 1/8. Tùy thuộc vào phản ứng của Nhật Bản, nội dung thư có thể được điều chỉnh."

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp với các bên liên quan để bàn phương án đàm phán với Mỹ. Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết sẽ tăng cường đàm phán trong thời gian còn lại để đạt kết quả có lợi cho cả hai bên, nhằm nhanh chóng giải quyết bất ổn về thuế nhập khẩu.

Tại Thái Lan, quyền Thủ tướng Phumtham Wechayacha trả lời báo giới rằng ông muốn một thỏa thuận tốt hơn, đồng thời khẳng định điều quan trọng nhất là duy trì quan hệ tốt với Mỹ. Mức thuế quan 36% hiện tại tương đương mức được ông Trump công bố hôm 2/4. Trước khi ông Trump gửi thư thông báo thuế, Bộ Tài chính Thái Lan đã đưa ra đề xuất thương mại mới, theo đó giảm thuế về 0% với nhiều hàng hóa Mỹ. Thái Lan sẽ tiếp tục đàm phán để có được lời đề nghị tốt nhất có thể.

Malaysia cũng cam kết vẫn đàm phán với Mỹ để giải quyết các vấn đề hiện tại. Trong một thông báo, Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp nước này cho biết sẽ tiếp tục đối thoại hướng tới một thỏa thuận thương mại cân bằng, toàn diện, có lợi cho cả hai bên.

Campuchia cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ mặc dù ông Trump đã hạ mức thuế với nước này từ 49% trong đợt công bố 2/4, xuống còn 36% trong thư thông báo thuế. 

Bức thư của ông Donald Trump gửi Thủ tướng Hun Manet mở đường cho chúng tôi tiếp tục đàm phán trước ngày 1/8. Vì vậy, nhóm làm việc của chúng tôi đã sẵn sàng và tôi đã gửi email cho đại diện thương mại Mỹ rằng chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi hoặc thông qua trực tuyến để đàm phán nhằm giảm thuế quan hơn nữa.”
Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa không đồng tình với mức thuế 30% bị áp. Ông cho rằng mức trên không phản ánh chính xác số liệu thương mại hiện tại. Dù vậy, ông cho biết Nam Phi vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao, hướng tới quan hệ thương mại cân bằng hơn và đôi bên cùng có lợi với Mỹ.

Châu Âu không nằm trong số đối tác thương mại của Mỹ nhận được thư thông báo mức thuế mới trong đợt này. Tuy nhiên, truyền thông châu Âu cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã gần đạt thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump. Thỏa thuận có thể gồm việc miễn thuế 10% với máy bay và linh kiện, thiết bị y tế, rượu mạnh từ châu Âu. Vài tháng qua, Tổng thống Mỹ nhiều lần phàn nàn EU khó đàm phán.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cho biết vẫn cởi mở với việc gia hạn thời gian áp thuế nếu các nước đưa ra đề xuất. Tuy nhiên, động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ là thông báo về một chính sách kinh tế, mà còn là lời cảnh báo rõ ràng gửi đến hơn 100 quốc gia: hoặc chấp nhận các điều kiện thương mại của Mỹ hoặc chịu mức thuế cao chưa từng có.

Công cụ thuế quan của ông Trump có thực sự hiệu quả?

Việc thay đổi chính sách thuế quan dường như đã trở thành chuyện thường ngày của chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai. Ông Trump đã đưa ra nhiều lý do khác nhau để giải thích tại sao ông coi thuế quan là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của mình. Trong đó có thể tổng hợp thành những mục tiêu chính là khôi phục năng lực sản xuất trong nước, tăng doanh thu của Mỹ, cân bằng cán cân thương mại và gây sức ép buộc các quốc gia đối tác thiết lập các chính sách có lợi cho Mỹ.  Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chính sách thuế quan của ông Trump vẫn thường xuyên thay đổi và chưa được thực thi ổn định, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu công cụ thuế quan của ông Trump có đem lại hiệu quả thực sự như ông kỳ vọng?

Để khôi phục năng lực sản xuất trong nước, ông Trump muốn thông qua thuế quan cao để buộc các công ty nước ngoài đầu tư sản xuất ngay tại Mỹ. Một số công ty đã tuyên bố sẽ đầu tư vào Mỹ như Apple, GE Appliances hay General Motors. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là điều chỉnh ban đầu, bởi việc mở nhà máy mới có thể phải mất nhiều năm để lập kế hoạch, xây dựng và bắt đầu hoạt động.

Một số nhà kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng thuế quan có thể sẽ không dẫn đến sự bùng nổ lớn của các nhà máy tại Mỹ. Và một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng công cụ thuế quan thường xuyên thay đổi sẽ không còn tác dụng đe dọa với các đối tác nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng chính quyền Mỹ đang mất đi một số công cụ đe dọa khi họ tiếp tục cho thấy rằng họ sẵn sàng uốn cong các quy tắc và họ không cứng rắn về các thời hạn, bởi vì họ nhận ra rằng các mức thuế quan này sẽ không tốt cho nền kinh tế, không tốt cho nước Mỹ. Và kết quả là, các mối đe dọa không có tác động mong muốn đối với các quốc gia mà chúng nhắm đến.”

Bà Shana Orczyk - Người sáng lập và CEO Công ty quản lý vốn Sissel Banrion.

Trong khi đó, việc làm trong ngành sản xuất không bùng nổ. Sau khi ông Trump tuyên bố chiến thắng với việc tăng 9.000 việc làm trong ngành sản xuất trong hai tháng đầu tiên tại nhiệm, thì kể từ đó, số lượng việc làm này đã giảm 7.000 trong hai tháng tiếp theo và số lượng việc làm trong ngành sản xuất hiện thấp hơn kể từ khi ông Trump nhậm chức.

Về mục tiêu tăng doanh thu, ông Trump dự tính thu hàng nghìn tỷ đô la hàng năm từ thuế quan để bù đắp thâm hụt ngân sách liên bang và cắt giảm thuế thu nhập cho người dân. Để thực hiện được điều đó, thuế quan sẽ cần phải cực kỳ cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trên thực tế, ông Trump đã thu được ít hơn 100 tỷ đô la doanh thu thuế quan kể từ khi nhậm chức, tức là khoảng 20 tỷ đô la mỗi tháng trong thời gian qua. Doanh thu từ thuế quan sẽ vẫn chỉ là một “giọt nước giữa đại dương” so với thâm hụt ngân sách khổng lồ vừa bị làm trầm trọng thêm khi ông Trump ký ban hành đạo luật “Lớn và đẹp” nhằm cắt giảm thuế và chi tiêu quốc gia. 

Về mục tiêu cân bằng cán cân thương mại, ông Trump nhiều lần cáo buộc các quốc gia khác lợi dụng Mỹ, áp dụng các rào cản thương mại cao với Mỹ, và thâm hụt thương mại với một số nước cần phải được giảm đi thông qua thuế quan. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thuế quan của ông Trump ban đầu đã có tác động lớn đến thâm hụt thương mại hàng hóa, thu hẹp từ khoảng 130 tỷ đô la vào tháng 4 xuống còn khoảng 60 tỷ đô la vào tháng 5. Nhập khẩu của Mỹ đã giảm mạnh, chủ yếu là do mức thuế 145% mà chính quyền Trump áp đặt đối với Canada đã tạo ra một lệnh phong tỏa hiệu quả đối với hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng thâm hụt thương mại không hoàn toàn là điều xấu; nó phản ánh sức mạnh nội địa và sự tiêu dùng cao. Về lâu dài, thâm hụt có thể quay trở lại khi các nền kinh tế quen dần với mức thuế mới.

Về việc gây sức ép buộc các nước phải ngồi vào bàn đàm phán, mốc thời hạn 1/8 là “đòn bẩy” để ép các đối tác như Canada, Nhật, Hàn Quốc và EU nhượng bộ. Dù đã có một số cải cách như Canada từ bỏ thuế dịch vụ số, nhưng những mục tiêu lớn như sản xuất iPhone tại Mỹ hay thu hồi nhà máy Hollywood không đạt được. Một khi đối tác đồng ý, Mỹ phải giảm thuế. Điều này lại khiến mục tiêu cân bằng ngân sách khó thực hiện.

Chính quyền Mỹ đang dùng thuế quan như một công cụ để tạo áp lực với các đối tác, tái định hình quan hệ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, chiến lược  này là một “con dao hai lưỡi”. Nếu quá cứng rắn, Mỹ có thể đạt được những thỏa thuận ngắn hạn. Nhưng giá hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ tăng mạnh và gây bất ổn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, từ đó làm giảm sức mua trong nước. Ngoài ra, thuế quan có thể làm gia tăng nguy cơ bị trả đũa thương mại. Với hơn 100 quốc gia trong danh sách thư cảnh báo của Mỹ, cục diện thương mại toàn cầu những tuần tới được dự báo sẽ rất căng thẳng, và mỗi đối tác sẽ phải đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp nhất. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời