Mỹ 'đổi giọng' về Ukraine: Hòa đàm lại rẽ hướng?

Ông Trump tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine và cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn với Nga.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - người từng cam kết sẽ “kết thúc chiến sự trong 24 giờ”, nay tuyên bố sẽ gửi thêm vũ khí cho Ukraine và cân nhắc các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn với Nga. Giới quan sát đánh giá đây có thể là bước ngoặt rõ rệt trong định hướng chính sách đối ngoại của ông Trump kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng hồi đầu năm nay. Từ lập trường ưu tiên đối thoại và rút dần khỏi cuộc chiến, ông Trump giờ chuyển sang “răn đe cứng rắn”, với mục tiêu vừa gia tăng áp lực quân sự, vừa tạo thế mặc cả trên bàn đàm phán.

Phát biểu trong cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump xác nhận đã phê duyệt kế hoạch chuyển thêm vũ khí cho Ukraine, chủ yếu là vũ khí phòng thủ, để giúp Kiev tăng cường năng lực phòng vệ. Ông cũng thừa nhận việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine không dễ dàng như ông từng cam kết, đồng thời chỉ trích Nga không nghiêm túc trong đàm phán hòa bình. Ông cho biết, đang cân nhắc việc ủng hộ một dự luật trừng phạt Nga nghiêm khắc hơn. Dự luật này bao gồm cả biện pháp đánh thuế lên đến 500% đối với các quốc gia tiếp tục mua dầu mỏ, khí đốt, urani và hàng hóa xuất khẩu khác từ Nga.

Tôi đang xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc. Thượng viện đã thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn và hiện việc quyết định có thực thi chúng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tôi. Đó là một dự luật mang tính tùy chọn và việc giữ nguyên hay chấm dứt nó cũng nằm trong thẩm quyền của tôi. Tôi đang cân nhắc kỹ lưỡng.”

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, theo trang Axios, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4/7, ông Trump được cho là đã cam kết sẽ gửi 10 tên lửa đánh chặn Patriot tới Ukraine. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell sau đó cũng xác nhận rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ đang chuẩn bị chuyển giao thêm vũ khí phòng thủ theo chỉ đạo của tổng thống. Hiện chưa rõ thời điểm cụ thể các tên lửa Patriot sẽ được chuyển tới Ukraine. Mỗi tên lửa loại này có giá khoảng 4 triệu USD và Mỹ hiện sản xuất khoảng 500 quả mỗi năm. Ngoài gói viện trợ, ông Trump cũng cho biết, Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine tìm kiếm thêm nguồn đạn dược từ các đối tác khác và đang gây áp lực buộc Đức chuyển giao thêm vũ khí, bao gồm cả hệ thống Patriot do Berlin sở hữu. 

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, việc Washington tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev và kêu gọi các đồng minh châu Âu làm điều tương tự, “không giúp thúc đẩy hòa bình mà chỉ kéo dài thêm tình trạng thù địch”. 

Theo báo Berliner Zeitung (Đức), sự thay đổi bất ngờ trong lập trường của Mỹ có thể là phản ứng trước những thắng lợi gần đây của Nga ở mặt trận Donbass, nơi có nhiều mỏ khoáng sản quan trọng, đặc biệt là lithium, một trong những nguyên liệu chiến lược cho ngành năng lượng và công nghệ cao. Nếu Nga kiểm soát thêm các mỏ này, đó sẽ là một tổn thất kinh tế nghiêm trọng đối với Mỹ. Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi trong giọng điệu của ông Trump không hẳn là một cú “quay xe” chính sách, mà có thể là bước điều chỉnh chiến thuật nhằm tái lập thế mặc cả với Moscow. Cũng không thể loại trừ khả năng Nhà Trắng đang tìm cách “câu giờ” cho Kiev, trong khi chờ đợi một cục diện mới trên chiến trường hoặc một cửa sổ đàm phán có lợi hơn.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời