Đề xuất cải tổ IMF: Kế sách kép của BRICS
Cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là một nội dung trên chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao năm nay của nhóm BRICS tổ chức ở Brazil.
Trong tuyên bố chung, các thành viên của nhóm chỉ kêu gọi cải tổ IMF; tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Tài chính các thành viên của nhóm đã thông qua đề xuất hoàn chỉnh về cải tổ IMF - lần đầu tiên đối với nhóm BRICS và là lần đầu tiên trên thế giới, sau 81 năm khi IMF được thành lập.
Đề xuất của nhóm BRICS về cải tổ IMF tập trung trước hết vào 3 định hướng chính là: cơ cấu lại quyền biểu quyết trong IMF cho công bằng giữa các thành viên, chấm dứt quy định Giám đốc điều hành IMF là người châu Âu và tăng cường mạng lưới an ninh tài chính toàn cầu để IMF hỗ trợ hiệu quả hơn các nền kinh tế chậm phát triển.
Đề xuất của nhóm BRICS chắc chắn sẽ được đại đa số trong tổng số 190 thành viên hiện tại của IMF đồng tình vì rất thức thời và xác đáng, nhưng chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối và chống phá quyết liệt từ phía Mỹ và các nền kinh tế phát triển trong khối các quốc gia phương Tây.
Cải tổ IMF sẽ khiến Mỹ và các quốc gia này bị suy giảm đáng kể, thậm chí có thể bị mất đặc quyền, đặc lợi chiếm giữ được từ thuở thành lập IMF vào năm 1944. Chẳng hạn như Mỹ nắm giữ tỷ trọng phiếu biểu quyết lớn đến mức luôn có thể phủ quyết mọi quyết sách chung của IMF hay quy định cử người làm Thống đốc Ngân hàng thế giới, còn các nước châu Âu cử người làm giám đốc điều hành IMF. Cải tổ như vậy, các thành viên này sẽ không thể thao túng IMF và không thể quyết định sử dụng nguồn vốn của IMF vào mục đích chính trị của họ.
Đề xuất của nhóm BRICS về cải tổ IMF nhìn chung không dễ khả thi nhưng có thể gia tăng đáng kể áp lực quốc tế đòi hỏi IMF phải cải tổ thật sự cơ bản và mạnh mẽ.
Đề xuất cải tổ IMF là một phần trong kế sách kép của nhóm BRICS về tài chính và tín dụng thế giới. Phần còn lại của kế sách là tăng cường năng lực tài chính của Ngân hàng phát triển mới (NDB) của nhóm BRICS và định hình cơ chế bảo lãnh tín dụng mới của NDB nhằm giảm chi phí, thúc đẩy đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư ở các nền kinh tế phát triển. Cách tiếp cận là tạo nên sự song hành giữa cải tổ cơ bản và triệt để IMF đồng thời với phát triển NDB từ một sự bổ sung cho IMF dần trở thành một đối trọng đối với IMF.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn không thích thú gì về kế sách này của nhóm BRICS. Ông Trump đã doạ sẽ trừng phạt nhóm nếu nhóm thúc đẩy phi đô la hoá, sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại cao nếu nhóm phản đối thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ và sẽ không để cho nhóm yên ổn hiện thực hoá đề xuất trên.