Thương đơn phương
Có những tình yêu không lời, không màu sắc rực rỡ, không lời hứa hẹn ồn ào,nhưng lại âm thầm kéo dài qua năm tháng – bền bỉ như ánh lửa leo lét giữa đêm khuya, chỉ để sưởi ấm trái tim của một ai đó, dù người ấy có thể đã đi thật xa.
Chiều nay, có người bỗng nhớ về những tháng ngày tuổi thơ êm đềm nơi quê nhà, nơi có những vòng tay lặng thầm chở che, những hy sinh không tên, những chờ đợi vô vọng... Và rồi, khi đã trưởng thành, bận rộn với nhịp sống thị thành, ta mới bất chợt nhận ra – tình yêu thương ấy vẫn luôn ở lại, chỉ có ta là đã rời đi quá lâu.
Trong ký ức, tôi chưa một lần nghe ông bà nói yêu con mà chỉ duy nhất: lại đây nội thương, với nụ cười hiền, cùng đôi tay ấm áp nâng niu. Bà nội dùng lời nói dỗ dành nên từ thương vô hình nhưng in đậm trong tiềm thức.
Ông nội khác bà, ông kiệm lời, ít nói. Từ ngày nhỏ, ông cũng chưa từng nói với tôi câu ngọt ngào. Ông ít ở nhà, ra đồng từ hừng đông, về tối muộn, mang theo mùi đồng chua, rơm rạ, người lấm bùn và nhễ nhại mồ hôi. Cả đời ông quanh quẩn nơi nắng cháy, mưa giông, đôi khi vì mệt mỏi nhưng trước tôi và những đứa cháu nhỏ, ông chưa từng cáu gắt. Ông thầm lặng, giấu những bức bối vào trong. Ông nội với đôi tay bùn lầy, cầm dây chuối cột chặt ngang hông ếch hay những xô ốc bươu vàng luộc chấm cơm mẻ cho tôi và mấy đứa cháu đỡ phần nào thiệt thòi khi sinh ra trên mảnh đất đói ăn.
Ông thương đám cháu thiếu thốn nên cố tìm con cua đồng, ếch nhái cho cháu, còn phần mình, cải muối, kho quẹt, chưa từng cần biết bữa ngon.
Bà nội cũng như ông, thương cháu sống xa mẹ cha nên mặc chúng nghịch phá bà cũng ít khi la rầy. Bà hiểu được sự trống trải trong tâm hồn những đứa cháu nhỏ nên bà luôn thương, thương cả phần của cha mẹ chúng.
Ông bà nội có sáu người con, khi lập gia đình, sinh ra con nhỏ, họ đều gửi con mình lại cho ông bà, rồi đến thành phố hay vùng đất khác làm thuê, cuốc mướn. Chúng tôi ở lại với ông bà nội từ thuở bé xíu, sống cùng bùn đất miền quê, cánh diều giữa trời đầy gió, cùng món bánh chuối hấp thân quen của bà với những lời chuyện trò với đám cháu.
Bà hay thủ thỉ: Mai mốt sống với cha mẹ hết rồi, tao ở nhà buồn hiu. Khi nghe câu đó, ông quay đi, dáng vẻ thoáng mang nhiều suy tư.
Còn tôi và anh chị em nháo nhào với nỗi sợ làm mỗi người u ám. Có đứa mè nheo khóc sướt mướt vì chỉ cần nghĩ tới cảnh không có ông bà nội, tâm hồn ngây ngô của chúng tôi như đổ vụn, ám ảnh bao điều mất mát. Tôi với anh chị em đều khẳng định sẽ mãi ở cạnh ông bà.
Nhưng lời hứa nhỏ dại, chẳng ai trong chúng tôi làm được.
Lần lượt từng đứa theo cha mẹ để học hành vì miền quê tù đọng, cái nghèo vẫn đeo đẳng, con chữ vẫn là thứ xa xỉ với nơi đây.
Ngày ba mẹ về đón, chúng tôi khóc than, đòi sống chết ở với ông bà nhưng rồi vẫn đến nơi phố lớn, ngột ngạt tù túng. Những năm đầu, hè đều đặn về quê nhưng ngày một lớn, học hành nhiều thêm, chớp mắt tôi trưởng thành, lẩn quẩn cơm áo nơi thị thành và quên lãng, tới khi hay tin bà mất…
Tôi cùng lũ trẻ năm xưa hối hả về lại nhà. Bà nằm lặng lẽ, gầy gò, đôi bàn tay vốn giang ra ôm tôi vỗ về nay lặng thinh, hờ hững như cách chúng tôi đối xử với bà. Tôi ôm thân hình trơ xương, lạnh lẽo của bà. Tôi kêu gào gọi bà thức giấc. Bà mệt mỏi vì đợi tôi quá lâu nên ngủ mãi, mắt nhắm nghiền, chẳng phải nụ cười hiền và đôi mắt sáng rỡ nâng niu. Bà khép chặt môi, nào bật ra câu tấm tắc: Cao quá, An lớn quá, cao quá!
Tôi không cao, người vừa hơn mét rưỡi, nhưng mỗi năm, khi gặp, bà đều chậc lưỡi, vón chân khen ngợi với yêu thương lẫn tự hào. Theo từng năm, tôi lớn dần, bà thấp xuống…
Theo từng năm, tôi vun trồng ước ao nơi biển lớn, bà ở nơi đồng hẹp, vẫn cùng ông miệt mài nuôi nấng nhớ, thương, chờ và vô vọng.
Tôi hiểu sự chờ đợi của bà và ông nhưng công việc, khoảng cách xa xôi, tôi lạc loài cùng ba mẹ mình nặng nhọc mưu sinh, để rồi thời gian trôi, tôi bỏ lỡ những tình thương quý giá.
Tôi vẫn chưa tin bà mất dù đang ôm cơ thể lạnh cứng của bà. Mãi tới khi ngẩng lên, thấy ông nội tóc bạc phơ, ngồi cạnh bà, lặng thầm lau nước mắt, với bờ vai run lên... Tôi ngậm ngùi, chấp nhận việc bà đã thật sự rời đi.
Ông ngồi im, không nói chẳng rằng. Người đàn ông từng một mình giữa đồng, mặc nắng gió mưa giông chưa lời than vãn, chợt mắt ông đỏ hoe, giọng nghẹn đặc bảo muốn đi theo bà.
Nghe ông nói, tôi giật mình, khóc hờn với bao uất nghẹn khi bà từng hứa sẽ sống mãi nhưng lặng lẽ ra đi. Bây giờ, ông lại muốn bỏ tôi theo bà. Sự trọi trơ, lạc lõng của ngày nhỏ khi nghĩ tới cảnh ông bà mất ùa về nhưng hiện tại, giả thuyết thành thật, nó kinh khủng như vùi lấp linh hồn tôi vào vực sâu.
Tôi nức nở trách ông không giữ lời hứa. Ông lắc đầu, giọng nhẹ tênh, không cáu kỉnh hay quá u buồn: Tụi bây hứa ở đây hoài mà có đứa nào được đâu.
Tôi lặng người nắm chặt bàn tay chai sần, khô héo đang run của ông với những điều dằn vặt.
Tôi nghe các dì trong xóm bảo, mỗi chiều tới, ông bà lại ra chiếc bàn phía trước rủ rỉ, vừa trông cháu ở phương xa. Mới hôm qua, bà vẫn ngóng cháu khi buồng chuối sau hè đã chín tới. Bà ở quê, đêm ngày vẫn đợi chờ, u buồn nhìn buồng chuối treo trong bếp vốn xanh đang úng dần và rụng xuống.
Ngày rời khỏi quê hương, tôi sáu tuổi, tóc ông bà điểm bạc. Tôi đi nửa đời người, ông bà gồng gượng, vượt bao nhiêu cái đe doạ của tử thần để gần con cháu thêm chút nữa. Ông bà đợi ba trăm sáu mươi ngày khoắc khoải, chỉ sum vầy cùng cháu năm ngày tết ít ỏi. Số ngày bé mọn, chưa đếm đã qua nào bồi đắp lại nỗi nhớ, niềm thương mòn mỏi của ông bà trong lặng lẽ, cô liêu.
Tôi ở thị thành, rong ruổi ở trăm nơi, gặp gỡ vạn người. Ông bà ở quê, nung nấu một tình thương da diết trong lặng thinh buồn tẻ, ấp ôm những mòn mỏi hao gầy.
Nay bà mang theo những đợi chờ bỏ ngỏ, gửi lại thế gian yêu thương còn đó. Tôi vẫn sống nhưng thiếu mất một người ngóng trông cùng những yêu thương vụng dại. Sự thương đơn phương của bà khép lại, của ông cũng leo lét, rồi cũng giống như bà, ông gửi tình thương bền bỉ và về hư vô. Tôi lại dùng cả một đời để nhớ để thương để đơn phương những hoài niệm chẳng còn rõ bóng.
Ông bà thương, chờ chúng tôi lại quê nhà, đợi những bước chân trĩu nặng nhớ nhung với bóng hình rõ rệt nhưng nhận về vô vọng.
Tôi hiểu được sự cô đơn tuổi khổ của bà, những đơn chiếc của ông nhưng tôi vẫn không thể ở lại quê vì công việc nên đám tang bà xong, tôi ôm theo rối bời lại cùng mọi người về nơi phố lớn.
Ông đứng ở ngõ nhìn theo, mãi đến khi xe khuất bóng. Tôi quay lại, con đường quê xa tít, ông biến mất cùng mùi rơm rạ quê hương. Tôi đến nơi thị thành, bộn bề, ồn ào, hào nhoáng, sẽ có trăm niềm vui khác bù lại, còn ông vẫn thầm lặng, u buồn, thương đơn phương lại tiếp diễn cùng ông với sự cằn cỗi đến hao gầy.
Mỹ Hân