Cuộc đời sẽ trở nên hạnh phúc hơn khi ta biết mỉm cười và cảm thông

Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một câu chuyện… Và đôi khi, điều duy nhất ta cần, là một ánh nhìn dịu dàng, một sự lắng nghe đủ kiên nhẫn, hay chỉ đơn giản… là một nụ cười.

Trong những hành trình đời thường, giữa phố xá đông người hay một khoảng sân vắng lặng, có những con người vẫn chọn sống đẹp - bằng lòng tận tâm, sự nhẹ nhàng và những nụ cười, sự quan tâm âm thầm không đòi hỏi hồi đáp.

Hôm nay tôi đọc được một đoạn tâm sự trên mạng, đại ý là: Đôi lúc đứng bên đường nhìn người qua lại, ta cảm thấy thành phố này còn hoang vu hơn cả sa mạc. Mỗi người gần nhau như vậy lại hoàn toàn không biết tâm sự của nhau, nhiều người bước qua nhau như thế, nhưng chẳng ai biết dừng lại để nở nụ cười. Khi bình tâm suy nghĩ, bản thân chợt nhận thấy dường như bất kỳ ai trên đời này cũng có câu chuyện riêng của mình. Đi kèm với những câu chuyện ấy là nhu cầu được giãi bày và sẻ chia vô điều kiện. 

Tôi từng yêu một người chỉ vì anh ấy sẵn lòng mỉm cười cảm thông sau những câu chuyện vụn vặt của tôi. Nụ cười thể hiện rõ sự kiên nhẫn trong thinh lặng ấy mang đến cho tôi cảm giác an toàn. Cũng bởi, tôi biết cuộc sống ở ngoài kia có vô vàn điều thú vị, thậm chí chỉ cần một chiếc điện thoại nho nhỏ phát ra ánh sáng xanh cũng dễ dàng khiến chúng ta phân tâm, nhưng anh ấy vẫn kiên nhẫn nở nụ cười, động viên tôi tiếp tục kể những câu chuyện vụn vặt trong đời sống. Có lẽ, tận trong sâu thẳm, anh hiểu rằng đó là cách giúp tôi chữa lành chính mình sau bão giông cuộc đời. Người yêu trước đây, hiện tại là chồng tôi, đã khiến tôi vô cùng an lòng vì nụ cười bình lặng, đầy quan tâm ấy. 

Chợt nhớ có đôi lần, tôi thường dắt các con đi xem kịch ở sân khấu kịch Sài Gòn. Thông thường, trước giờ biểu diễn tầm mười lăm phút, mẹ con tôi luôn được người soát vé ân cần hướng dẫn vào đúng ghế của mình. Ông nở nụ cười rất tươi khi đưa những vị khách đến đúng chỗ của mình. Mãi cho đến khi đèn khán phòng tắt, tôi lặng lẽ quan sát ông trong bóng tối, thấy rõ dáng hình gầy gò nhưng nụ cười vẫn thường trực, vui vẻ đưa khán giả vào trễ đến chỗ ngồi chính xác. Khác với các nhân viên hậu đài xung quanh, người soát vé sau khi hoàn thành công việc, vẫn lặng lẽ đứng ngắm nhìn ánh sáng của “thánh đường” nghệ thuật. 

Tôi vẫn thường gọi ông với biệt danh là người canh gác chuẩn mực. Cũng bởi, chỉ cần nhìn vẻ ngoài chỉn chu của ông với áo sơ mi trắng tay dài cài khuy đóng thùng với quần tây đen phẳng phiu cùng những cử chỉ rất nhẹ nhàng khi đưa tay ra đón lấy tấm vé trên tay khán giả, miệng mỉm cười, là đủ hình dung được phong thái của một nhân viên tận tuỵ và hết lòng vì sân khấu. Khi các diễn viên đang thăng hoa với vở diễn trên sân khấu, người gác cửa lại ôn tồn đứng sát cửa ra vào, khẽ khàng bao quát khán phòng, để kịp thời nhắc nhở khán giả nghe điện thoại hoặc ăn quà, một cách nhã nhặn và nhẫn nại. Đôi lúc có thời gian nhàn rỗi nhiều hơn, ông sẽ dõi theo các lớp diễn trên sân khấu, cười tươi hoặc rưng rưng cảm xúc cùng diễn biến của vở kịch. Tôi tự hỏi ông đã xem mỗi vở diễn biết bao lần nhưng sao lúc nào cũng ngập tràn cảm xúc như thế. Bản thân đã rất xúc động khi nhận ra tình yêu và sự gắn kết với nghệ thuật không chỉ những diễn viên đứng trên sân khấu mới có mà ngay với ông, một người lặng lẽ làm công việc hậu đài, canh gác sự tĩnh lặng cho thánh đường nghệ thuật, vẫn luôn tồn tại. Suốt gần mười năm giữ thói quen đi xem kịch, với tôi, ông là một phần không thể thiếu của không gian văn hoá của sân khấu kịch. Và chợt nghĩ nếu được cấp một loại huân chương đặc biệt dành cho người lao động trong bóng tối thì người soát vé tại sân khấu kịch rất xứng đáng được một chiếc cho tình yêu nghề và sự tận tâm.

Đôi lần, vì công việc cá nhân, tôi thường đi công tác ở Đà Lạt. Bao giờ cũng thế, tôi hay chọn lưu trú tại khách sạn Bích Đào, dẫu đó không phải là một nơi quá nổi tiếng. Lý do tôi chọn khách sạn này vì không gian yên tĩnh và cách phục vụ rất tận tâm của nhân viên. Thi thoảng, có thời gian nhàn rỗi, tôi thường ngồi thưởng thức ly cà phê ở khoảng sân trước khách sạn. Vào những ngày đầu tuần, khách sạn luôn ồn ã xe cộ ra vào tấp nập. Người gác cổng tóc điểm hoa râm, luôn miệng chào hỏi khách và chỉ dẫn hướng quẹo xe phù hợp. Miệng tươi cười, ông liên tục chúc khách một ngày tốt lành. Khi những tia nắng bắt đầu chói chang, ông nhẹ nhàng cởi chiếc áo vest, choàng lên thành ghế bên trong buồng trực. Thấy tôi đứng chờ xe, ông vui vẻ hỏi: Thưa cô. Cô có muốn tôi giúp chụp ảnh ở bụi cẩm tú cầu trước khách sạn không, để đỡ sốt ruột? - Dạ, không cần đâu ạ. Nhưng bác có thể trò chuyện vài câu với cháu không ạ? Được chứ, nếu như không có xe ra vào!

- Cháu thấy bác mỉm cười với tất cả khách ra vào khách sạn. Cháu tự hỏi đây có phải là quy định của khách sạn dành cho nhân viên không?

- Khách sạn thường chẳng có yêu cầu cụ thể, nhưng bác thấy khi cười, mình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đó là cách giúp bác thêm yêu công việc. Cháu cũng nên cười, dẫu sự chờ đợi khiến mình cảm thấy hơi mệt mỏi.

Câu chuyện của người gác cổng đã khiến tôi cảm thấy vui vẻ suốt ngày hôm đó. Việc cho phép bản thân được mỉm cười và bày tỏ lòng yêu quý với công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó khăn với nhiều người chúng ta. Tôi nghĩ rằng người soát vé hay người gác cổng kia không hề nhận được một yêu cầu khắc khe nào cho việc phải cười với khách hàng, càng không được trả thù lao thêm cho nụ cười và tác phong thân thiện của mình. Nhưng chính sự chân thành ấy đã truyền cảm hứng cho khách hàng một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, khiến chúng ta thêm trân trọng tác phong chuyên nghiệp rất đỗi tinh tế trong công việc của họ. 

Dẫu thế, trong nhịp sống tất bật hiện tại, con người ta quá vội vã đến độ lãng quên chính mình. Những ngày mỏi mệt với cuộc đời, chúng ta luôn mang trên mình gương mặt “bất bình với cả thế giới” từ công sở đến những nơi công cộng như bệnh viện, cửa hàng… thậm chí cả trong ngôi nhà thân yêu của mình. Bản thân tôi cũng không là ngoại lệ. Nhưng giờ đây, thay vì giữ mãi gương mặt bất bình ấy, tôi sẽ học cách mỉm cười, kiên nhẫn lắng nghe nỗi niềm của mỗi người nhiều hơn. Một nụ cười tưởng chừng giản đơn nhưng lại có giá trị truyền gởi cảm xúc vô cùng lớn, như nhà tâm lý học William James từng nói: Chúng ta cười không phải vì chúng ta hạnh phúc, mà chúng ta hạnh phúc vì chúng ta cười.

Ánh Tuyết

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời