Cung đường tuổi thơ

Có những con đường, ta đi qua chỉ một lần rồi quên. Nhưng cũng có những cung đường, dù thời gian đã phủ bụi lên từng vết bánh xe, ta vẫn nhớ… như nhớ một phần tuổi thơ.

Một buổi chiều, có người đạp xe qua vùng Búng – An Sơn, để rồi bất chợt chạm vào những ký ức tuổi thơ tưởng đã ngủ quên: chiếc xe đạp thồ của ông ngoại, tiếng cười ríu rít gọi tên từng cây trái, ngọn khói chiều bay lên báo hiệu một bữa cơm quê đậm đà…

Chiều nay, tôi dạo một vòng quanh Búng - An Sơn, chạy xe đạp trên cung đường quen thuộc men theo con rạch nhỏ từ chợ Búng. Từng vòng quay thong thả lăn đều, đưa tôi xuôi theo bờ sông từ chợ ra tận sông Cái, hay còn gọi là sông Sài Gòn. Cỏ cây ven đường vẫn xanh rầm rì. Cây cổ thụ chìa cành ra che mát lối tôi đi. Không khí thanh sạch ngát hương đồng nội ùa vào tràn đầy lồng ngực, vỗ về tâm hồn hao mòn của một người phụ nữ trung niên. Ngẩng đầu ngắm nhìn những vòm cây xanh cao vút đan xen tầng tầng lớp lớp, tôi ngẩn ngơ nhớ về một thời trẻ nhỏ, cũng trên cung đường này, tôi đã bao lần ngồi sau yên xe của người lớn mà thong dong dõi theo những vòm mây trôi qua kẽ lá.

Tôi nhớ có lần được ông ngoại đèo ra đồng trên chiếc xe đạp thồ. Cung đường rợp bóng mát của những hàng cây ăn trái. Cô bé con là tôi lúc ấy thích chí xòe tay đếm xem có bao nhiêu loại cây ven đường tôi có thể gọi tên. Tôi đọc to gọi tên từng loại cây đặc sản địa phương như măng cụt, dâu da, sầu riêng, mít tố nữ, dừa, chanh, tắc… Có lẽ hôm đó đã vào hè nên tôi không đi học, ba mẹ gởi tôi cho ông. Dáng ông cao lớn, vững chãi luôn mang đến cho tôi cảm giác an tâm mỗi khi đi cùng. Tôi nhớ có những đoạn đường hẹp với một bên là hàng cây, một bên là bờ mương nước, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe chạy qua nhưng ông vẫn vững vàng chở tôi thẳng tiến. Cũng có những đoạn ông phải xuống xe, lom khom cúi đầu đẩy xe qua. Ông bảo phải cúi đầu để không đụng vào những chùm dâu da trĩu quả đang đong đưa. Ông dặn, dâu của người ta trồng, mình đi nhờ ngang qua cần cẩn thận tránh làm rơi rụng.

Tôi nhớ khi đã lớn hơn một chút và có thể sử dụng xe đạp, tôi thường cùng dì út thong thả đạp xe trên con đường quen thuộc, mang cơm trưa ra đồng cho ông bà ngoại và các cậu. Cũng như ông ngoại ngày trước, chúng tôi phải xuống xe dẫn bộ qua những đoạn đường hẹp. Con đường nhỏ xíu vừa đủ cho một người một xe đi qua nhưng con mương nước song song đường đi thì luôn to gấp nhiều lần. Tôi thắc mắc hỏi ngoại, ngoại bảo chính ngoại cũng được người lớn kể lại rằng các con mương này đã được người dân đào tay từ hơn trăm năm trước, chúng chạy dọc ngang chằng chịt phủ khắp từ các xã An Sơn, Hưng Định, Thanh Quí, Bình Nhâm, Lái Thiêu… mang nước phù sa lưu chuyển theo thủy triều lên xuống, nuôi dưỡng nên những vườn cây ăn trái đặc sản nức tiếng xa gần. 

Ngày nay, con đường tôi đi đã rộng rãi và dễ đi hơn rất nhiều so với ngày còn bé. Đi hết một quãng ra khỏi vườn cây ăn trái rậm rạp, một màu xanh mướt mắt của lúa và sen hút xa tầm mắt. Dừng xe, dắt bộ, chầm chậm hít hà hương thơm đồng nội, mùi cỏ mới cắt ngay ngáy ngọt, mùi bùn non ai đó vừa vét lên mang đắp bờ ruộng lại làm tôi ứa nước miếng. Ngày xưa ông bà ngoại hay lội bì bõm tát ao, bắt cá về bổ sung bữa ăn cho đứa cháu háo ăn. Chỉ cần nghe mùi bùn non ngoài ao, tôi đã biết tối nay bữa cơm sẽ có món cá. Đó có thể là cá nướng củi than dầm nước mắm và xoài xanh bằm sợi, hoặc món cá kho tộ thơm cháy nồng để quẹt với đậu rồng, dưa leo. Nếu may mắn gặp được con cá to, chúng tôi còn có thể nấu hẳn một nồi cháo cá lóc ngọt ngào.

Đi thêm một đoạn, tôi tạm dừng chân dưới bóng tre xanh mát. Hít hà từng cơn gió nhẹ từ mé sông thổi vào, tôi bỗng nghe đâu đó thoang thoảng mùi rơm rạ ủ hoai. Đảo mắt tìm kiếm, tôi thấy mớ dây đậu ai đó chất đống để dành bên hông nhà. Đống dây đậu gặp mưa mấy hôm đang mềm ra, thơm mùi ngai ngái, hứa hẹn ươm mầm rất nhiều nấm đậu bé xinh. Nhớ khi còn nhỏ, tôi có thể chơi cả buổi chiều với đống đậu như vậy. Cắp một cái rổ con con, tôi cẩn thận lật giở từng lớp dây đậu, ngắt nhẹ từng búp nấm to, rồi sẽ sàng dùng dây đậu đắp lại các nấm còn nhỏ, đợi thêm hai hôm để nấm đủ lớn mới hái. Ông ngoại dạy, phải có làm thì mới có ăn, khi nào hái nấm xong nhớ ra mương múc nước tưới ướt đẫm từng lớp dây đậu. Dây đậu hoai mục, được cấp thêm nước, sẽ sinh sôi thật nhiều nấm đậu cho tôi tha hồ mè nheo bà ngoại chế biến món ăn như rau tập tàng nấu nấm, nấm xào mướp, nấm cuốn lá lốt nướng…

Hôm nay, tôi đạp xe vòng quanh quê nhà như một cách dành thời gian cho bản thân rèn luyện sức khỏe. Tôi dự định cứ đi ngẫu nhiên trong những cung đường rợp bóng cây xanh. Nhưng có lẽ ký ức tuổi thơ không dễ gì phai nhạt, nên dẫu cho quê hương đã có nhiều đổi khác, tôi vẫn luôn có thể chạm vào những ký ức ngọt ngào xưa cũ trên những cung đường quen. Từng cơn gió mát lành, từng vòm cây xanh thắm dẫn tôi về miền tuổi thơ trong trẻo đủ đầy.

Đinh Huyền Trang

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời