Dấu xưa nghề cũ trên đất Kinh kỳ
Năm tháng qua đi, Hà Nội tuy đã phai nhạt nếp xưa, nhưng dấu ấn về những phong tục, về làng nghề - phố nghề vẫn còn vương đọng trong các khu phố cổ, các nếp nhà và trên các mái đình, ngôi đền hàng trăm năm tuổi.
Giới trẻ bây giờ có lẽ không biết ý nghĩa tên "hàng" của các con phố. Phải là những người từ thế hệ 5x, 6x đổ về trước mới biết rõ, chứ lớp trẻ hoặc không biết, hoặc chỉ được biết qua lời kể, qua sự tìm tòi nghiên cứu.
Xưa Hà Nội có con phố chuyên bán cháo cho các sĩ tử về kinh thi Hội, thi Đình nên được gọi luôn là phố Hàng Cháo. Phố này giờ không còn bán cháo nữa mà chuyển qua bán vật liệu cơ khí, cơ điện. Rồi có con phố chuyên bán than, gọi tên là phố Hàng Than, nhưng giờ phố lại chuyên bán bánh cốm và các mặt hàng, dịch vụ cưới hỏi.
Phố Hàng Vải khi xưa bán rất nhiều vải vóc thì giờ chỉ bán toàn tre nứa. Hay phố Hàng Chiếu, trước là nơi chuyên sản xuất và buôn bán các loại chiếu nhưng giờ đây chỉ còn lại một vài hàng vẫn bán chiếu và chủ yếu là chiếu nhập khẩu chứ không phải hàng tự sản xuất.
Không phải chỉ những con phố tên "hàng" mới sản xuất và buôn bán các mặt hàng chuyên biệt. Hà Thành xưa còn có phố Thuốc Bắc, phố Lò Rèn, phố Lãn Ông, phố Tràng Tiền... mà đúng như tên gọi, thể hiện rõ mặt hàng trên phố, chẳng hạn như thuốc bắc, các loại sản phẩm sắt rèn, rồi tiền đúc… Và cả những nghề gốc của đất Kinh kỳ như nghề dệt trên phố Nghi Tàm, hay nghề làm giấy ở Yên Hòa, Yên Thái…
Từ thế kỷ 17-18, hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi từ khắp nơi đã đến Thăng Long sinh cơ lập nghiệp, theo đó, các làng nghề thủ công cũng xuất hiện ở Thủ đô, mỗi nghề tập trung ở một khu vực, tạo nên những phố nghề, phường nghề, mà tới nay, chúng ta vẫn thấy còn lưu giữ được, dù không nhiều.
Thời gian mang theo nhiều biến động khiến đất Kẻ Chợ gần như không còn những con phố nghề với đặc trưng vừa sản xuất, vừa bán hàng như khi xưa. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội hiện chỉ còn khoảng chục con phố nghề đúng nghĩa theo truyền thống: Hàng Bạc, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Lò Rèn, Lãn Ông, Hàng Mã, Tô Tịch… Tuy nhiên, đa số người dân chuyển sang kinh doanh hoặc làm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu xã hội, chỉ còn một số lượng ít nhà trên phố vẫn làm nghề và giữ nghề xưa. Dù vậy, nếu đủ hiểu Hà Nội, ta sẽ thấy hồn xưa vẫn còn vương trên từng nếp phố ấy.
Quá trình dựng làng, lập phố đã tạo nên nét độc đáo của mảnh đất kinh kỳ với 36 phố phường - nơi hội tụ những cửa hiệu buôn bán. Thợ thủ công từ các tỉnh lân cận không chỉ giới thiệu hàng hóa, họ còn mang tới cả kỹ nghệ sản xuất, rồi lập đình thờ vị tổ nghề đã có công sáng lập và mở mang tri thức ngành nghề cho họ. Nếu không có những thế hệ đau đáu giữ nghề thì Hà Nội liệu có còn gìn giữ được nét văn hóa riêng?
Con phố Lò Rèn mang dáng vẻ cổ xưa với hơn 30 nhà làm nghề. Song, sự thay đổi ở chỗ, các nhà đã chuyển sang làm nguội, chuyên các mặt hàng cao cấp và các loại cửa hoa, cửa xếp thay vì sản xuất chuyên mặt hàng phục vụ cày bừa như trước. Nếu là một người con của Thủ đô với tình yêu sâu sắc dành cho mảnh đất văn hiến, chắc chắn sẽ cảm nhận được hơi thở của con phố không hề khác xưa.
Phố Hàng Thiếc thì vẫn vang động âm thanh của những người thợ gò đục hay hàn tôn, cắt tôn. Trải qua thời kỳ lên ngôi của đồ nhựa, những sản phẩm làm từ tôn lại được ưa chuộng trở lại. Niềm hạnh phúc không hề nhỏ của những người bền bỉ với nghề, dám kiên quyết giữ nghề cũng là một điều đáng mừng với Thủ đô ngàn năm văn hiến khi lưu giữ được nghề truyền thống.
Hay như Hàng Bạc, con phố được mệnh danh là "đắt giá" nhất, "sang nhất" Thủ đô, trải qua bao năm tháng thăng trầm vẫn giữ nguyên được nghề định danh từ mấy trăm năm trước: nghề làm vàng, bạc. Không chỉ là một trong những phố cổ nhất Hà Nội, Hàng Bạc còn là con phố hiếm hoi bảo tồn được nghề, khắp cả phố từ trong ngõ đến ngoài mặt đường, từ đầu phố đến cuối phố, đâu đâu cũng lấp lánh thứ ánh sáng của kim loại quý.
Dạo bước quanh khu phố cổ Hà Nội, ta thấy nhịp sôi động của sự phát triển song hành cùng nếp cũ. Phố Hàng Mã, con phố được coi là "sặc sỡ" nhất Thủ đô vẫn ngày ngày tấp nập kẻ mua người bán các mặt hàng vàng mã, giấy, đồ trang trí và đồ chơi dân gian… Phố nghề này cũng ngày càng đa dạng mặt hàng và chủng loại, thậm chí mở rộng thêm cả hàng nhập khẩu, nhưng đây vẫn luôn là con phố tuổi thơ của biết bao thế hệ, vẫn hiện hữu một bóng dáng Hà Nội rất xưa và rất truyền thống.
Bảo tàng Sinh học, Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) được thành lập năm 1926. Đây là Bảo tàng Sinh học đầu tiên của Đông Dương. Trong dịp Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, lần đầu tiên, Bảo tàng đặc biệt này mở cửa cho người dân tham quan.
Sau cơn bão Yagi tàn phá, những cánh đồng ở xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội, đã hồi sinh với vẻ đẹp tràn đầy sức sống.
Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội được gọi là đất Kẻ Chợ. Theo các ghi chép lịch sử, thành Đại La từ xưa là một khu chợ của cả lưu vực sông Hồng, vậy nên người dân khắp nơi đổ về đây trước hết là để buôn bán, dần dần về sau, họ lập thành các phường nghề, rồi làng nghề và hình thành nên các con phố "hàng" trên mảnh đất Kinh kỳ.
Bà con tại xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội tất bật với công việc làm miến rong để chuẩn bị cho nhu cầu thực phẩm ngày Tết của người dân, công việc làm miến dù vất vả nhưng đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi đây.
Chè là một món ăn quen thuộc của người Hà Nội. Với mỗi mùa, Hà Nội lại có những món chè khác nhau mang đặc trưng riêng. Dù hiện nay có rất nhiều loại chè được biến tấu đủ mọi hương vị, thế nhưng quán chè Trường Thao nằm trong con ngõ nhỏ ở Phố Huế vẫn lưu giữ hương vị chè truyền thống trong suốt 50 năm qua.
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính là một trong những nơi lưu giữ mảnh ghép quá khứ không thể thiếu của người dân nước Việt và nhờ những mảnh ghép ấy mà chúng ta có được ngày hôm nay.
0