Bánh cốm Hà Nội
Có thông tin cho rằng, bánh cốm xuất hiện từ thế kỷ thứ 18. Thứ bánh màu xanh non, mặt bánh trơn láng, hình vuông được ví như mảnh đất xanh màu mỡ, có ý nghĩa “đất trời hoà hợp”, “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”.
Hạt cốm tươi – thứ tạo hương vị đặc trưng cho bánh cốm được làm từ nếp cái hoa vàng – loại nếp quý của đồng bằng Bắc Bộ. Thóc được rang trên chảo gang lớn, sàng xảy và giã thủ công thành cốm. Không thể thiếu đậu xanh và dừa nạo cho phần nhân bánh. Đường kính tạo vị ngọt thanh nhẹ là sợi kết nối vỏ và nhân bánh.
Tuy thành phần nguyên liệu từ chất thôn quê đơn giản nhưng để có được chiếc bánh cốm dẻo thơm, người làm bánh phải tỉ mỉ và tâm huyết trong từng khâu.
Chị Vũ Thị Phúc - Người sáng lập thương hiệu cốm Mộc Lam cho biết: "Chúng tôi lựa chọn những hạt cốm làm lớp vỏ bánh là quan trọng nhất, phải chọn những hạt cốm ngon, non, dẻo nhất để tạo độ sánh cho vỏ bánh cũng như hương thơm nhẹ nhàng. Cần sên trên chảo một tiếng, dùng lực cánh tay đảo cốm để sánh quyện với nhau, cho đến khi kéo được sợi cốm mà không bị đứt".
Bánh cốm ăn ngon nhất khi còn mềm, dẻo, thơm, cốm chưa bị khô, nhân đậu xanh còn bùi và ngọt dịu, hương cốm vẫn còn thoảng thơm. Thưởng thức bánh cốm với chén trà ấm nóng là một sự kết hợp tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất tinh tế và đầy thi vị.
Anh John, một du khách đến từ Úc cho biết: "Đây là lần thứ hai tôi ăn món bánh này, nhân rất mềm, bên ngoài mịn. Bánh cốm phù hợp làm quà".
Bánh cốm ngọt và hầu hết là tinh bột. Nếu ăn nhiều dễ bị tăng đường huyết, đầy bụng. Nên ăn vào buổi sáng hoặc giữa chiều khi cơ thể còn hoạt động để tiêu hao năng lượng. Là loại bánh có thời hạn sử dụng ngắn, bánh cốm dễ bị chua. Cần tránh để bánh ở nhiệt độ phòng quá lâu. Nên bảo quản bánh trong ngăn mát tủ lạnh và lấy ra từ 10 đến 15 phút trước khi ăn.
Nếu đã đặt chân đến Hà Nội, đừng quên thưởng thức bánh cốm – một món ăn không quá ồn ào và cầu kỳ nhưng là dấu ấn ngọt ngào trong bản đồ ẩm thực Hà Nội.


Những tán phượng vươn cao, bung nở dưới nắng đầu hè trên nhiều tuyến phố khiến Hà Nội như khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc đỏ.
Khi những chùm hoa phượng vĩ bắt đầu cháy rực trên sân trường, cũng là lúc mùa chia tay tuổi học trò lặng lẽ gõ cửa.
Thói quen đi chợ không dùng tiền mặt đang dần trở thành nét tiêu dùng mới, không chỉ đem lại tiện lợi mà còn góp phần làm nên diện mạo đô thị hiện đại.
Bún chả que tre không chỉ mang hương vị làng quê đồng bằng Bắc Bộ, mà còn gợi lại ký ức thời bao cấp, khi thịt thà đắt đỏ và bún chả que tre được coi là “xa xỉ” và đáng mong chờ.
Trên con phố Hàng Hòm có sự đan xen của những câu chuyện xưa cũ và nhịp sống hiện đại, tạo nên một dấu ấn riêng biệt, khiến du khách ghi nhớ.
Xôi Ngũ Bảo Liên Hoa là một trong những biến tấu độc đáo của món xôi ở Hà Nội.
0