Chiến sự ngày 16/1: Nga-Ukraine đàm phán tại Qatar
Đàm phán đưa trẻ em Ukraine trở về nhà
Hãng tin Bloomberg đưa tin Nga và Ukraine đã tổ chức các cuộc đàm phán hạn chế tại Qatar, thảo luận về một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc bảo vệ các cơ sở hạt nhân khỏi các cuộc tấn công.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine cho biết các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moscow hiện chỉ liên quan đến việc trao đổi tù nhân và đưa trẻ em Ukraine từ Nga trở về nhà. Ukraine cáo buộc Nga giữ khoảng 20.000 trẻ em Ukraine trái phép từ khi xung đột bắt đầu, trong khi chỉ có khoảng 400 trẻ được đưa về. Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định rằng họ sơ tán trẻ em khỏi các khu vực giao tranh để bảo vệ sự an toàn của các em.

Diễn biến này xảy ra vào thời điểm Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay sau khi nhậm chức vào tuần tới. Truyền thông Mỹ cho biết Nga sẽ yêu cầu Ukraine cắt đứt quan hệ với NATO và trở thành "một quốc gia trung lập với quân đội hạn chế" khi Tổng thống Putin đàm phán với ông Donald Trump.
Ngoài ra, nguồn tin từ Bloomberg cho biết Nga đồng ý để các nước NATO tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine theo các thỏa thuận an ninh song phương, nhưng vũ khí này "không được sử dụng chống lại Nga hoặc để giành lại lãnh thổ".
Báo cáo từ Bloomberg cũng cho biết Nga dự định sẽ giữ quyền kiểm soát gần 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Điện Kremlin chưa bình luận về thông tin Nga đang đối thoại với Ukraine ở Qatar.
Máy bay không người lái của Nga tiêu diệt xe tăng Ukraine
Lữ đoàn “The Veterans” của Nga hôm 16/1 đã công bố một video cho thấy máy bay không người lái Kamikaze tấn công và phá hủy các phương tiện quân sự của Ukraine ở khu vực Kursk của Nga.
Lữ đoàn này hiện đang tham gia chiến đấu chống lại cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk và đã giúp chiếm ngôi làng Plyokhovo ở quận Sudzha vào tháng trước.
Đoạn video ghi lại ba cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các xe bọc thép của Ukraine, dường như đã bị mắc kẹt trong bùn gần một hồ nước nhỏ. Video có các cảnh quay từ góc nhìn của máy bay không người lái, cùng với những hình ảnh trinh sát ghi lại khoảnh khắc các cuộc tấn công.
Lữ đoàn “The Veterans” cho biết họ sử dụng máy bay không người lái được trang bị dây quang, giúp điều khiển máy bay từ xa ngay cả khi đối phương gây nhiễu tín hiệu.

Kể từ tháng 8 năm ngoái, Ukraine đã bất ngờ tấn công vào khu vực Kursk của Nga. Ukraine và các đồng minh phương Tây cho rằng chiến dịch quân sự này rất thành công. Họ hy vọng sẽ sử dụng các vùng đất giành được từ Nga làm con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán hòa bình.
Moscow cho rằng đây là một sai lầm chiến lược của Ukraine, khi Kiev phải chịu tổn thất lớn về người và trang thiết bị, vũ khí. Theo Bộ Quốc phòng Nga, tính đến ngày 16/1, hơn 52.300 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương nặng trong chiến dịch này.
Ukraine thừa nhận tình hình tiền tuyến vẫn rất khó khăn
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết tình hình chiến sự dọc theo toàn bộ chiến tuyến vẫn không có dấu hiệu cải thiện, và tình hình vẫn đang rất căng thẳng.
“Tình hình ở tuyến đầu vẫn vô cùng khó khăn,” Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết trên kênh Telegram. Trước đó, cựu Tổng thống Ukraine, Pyotr Poroshenko, cũng từng tiết lộ rằng tình hình tiền tuyến đang hết sức căng thẳng.

Trong thời gian gần đây, các chỉ huy quân đội Ukraine ở nhiều cấp bậc đều nhận định rằng tình hình chiến lược tại tuyến đầu là rất nghiêm trọng. Hôm 19/12/2024, Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU), tướng Alexander Syrsky đã có cuộc điện đàm với Đô đốc Tony Radakin, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh, trong đó ông Syrsky mô tả tình hình chiến sự là "cực kỳ căng thẳng".
Ngoài ra, quân đội Ukraine còn được cho là đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lính bộ binh ở tuyến đầu, buộc Kiev phải điều chuyển nhân lực từ lực lượng không quân để hỗ trợ. Hạ sĩ quan Vitaliy Gorzhevsky từ Lữ đoàn Không quân 114 cho biết nhiều kỹ thuật viên không quân đã được chuyển sang bộ binh, gây khó khăn cho công tác bảo trì máy bay. Ông cảnh báo nếu tình trạng này tiếp tục, không quân Ukraine sẽ không thể duy trì khả năng chiến đấu. Theo ông, một đội ngũ bảo dưỡng cần ít nhất 8 người để duy trì máy bay, và việc điều chuyển 250 kỹ thuật viên, cùng kế hoạch chuyển thêm 218 người nữa, có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã bác bỏ cáo buộc này, khẳng định việc điều chuyển nhân lực từ không quân sang bộ binh là cần thiết để bổ sung quân số cho các khu vực chiến tuyến đang thiếu hụt. Tổng thống Zelensky đã yêu cầu làm rõ vấn đề và bảo đảm rằng các chuyên gia kỹ thuật quan trọng không bị giảm bớt.
Slovakia: Tổng thống Nga Putin và ông Trump mới có thể giải quyết xung đột Ukraine
Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia Andrej Danko tuyên bố chỉ có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới có thể giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS (Nga), ông Danko nhấn mạnh rằng Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói riêng và chính phủ Slovakia nói chung không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này.
“Thủ tướng Slovakia Robert Fico không thể giải quyết vấn đề này. Slovakia cũng không thể giải quyết vấn đề này. Chỉ có ông Trump và ông Putin mới có thể giải quyết vấn đề này", ông Danko nói.

Ông Danko cũng so sánh tình hình hiện tại với việc kết thúc của Chiến tranh Lạnh, cho rằng chính Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã giúp kết thúc cuộc chiến này.
Trước đó, hôm 10/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp tiềm năng với Tổng thống Nga Putin đang được tiến hành, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Tổng thống Nga Putin sẵn sàng gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump mà không có điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, quan chức này cho biết hai bên hiện vẫn chưa thống nhất chi tiết cụ thể về cuộc gặp này.
Anh và Ukraine ký thỏa thuận hợp tác 100 năm, củng cố mối quan hệ chiến lược
Ngày 16/1, Thủ tướng Anh Keir Starmer đã có chuyến thăm bất ngờ đến Ukraine. Chính phủ Anh cho biết hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác kéo dài 100 năm, nhằm tăng cường mối quan hệ trong các lĩnh vực quốc phòng, y tế, khoa học, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Thỏa thuận sẽ làm sâu sắc thêm mối quan hệ quân sự giữa Anh và Ukraine, bao gồm hợp tác về an ninh hàng hải và công nghệ cao. Ngoài ra, Anh sẽ đầu tư thêm 40 triệu bảng vào chương trình phục hồi kinh tế của Ukraine, giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đến nay, Anh đã cung cấp viện trợ trị giá hơn 12 tỷ bảng cho Ukraine, trong đó có hỗ trợ quân sự và đào tạo binh sĩ Ukraine. Thủ tướng Starmer nhấn mạnh rằng thỏa thuận này không chỉ hỗ trợ Ukraine trong thời gian khó khăn mà còn là đầu tư cho tương lai thịnh vượng của cả hai quốc gia. Đây cũng là bước đệm quan trọng để Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tái thiết đất nước sau xung đột.


Sau hơn nửa thế kỷ, Bảo tàng Nghệ thuật Sao Paulo (MASP), Brazil đã bước vào một hành trình mới với tòa nhà 14 tầng hiện đại.
Giới học giả Italia nhận định kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng trên toàn khối của Liên minh châu Âu đang phải đối diện với những thách thức ở Italia, một trong những quốc gia có tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội cao nhất toàn cầu.
Gần một trăm robot hình người đang học cách làm bánh sandwich, lau quầy và cắm hoa trong suốt 17 giờ/ngày tại một nhà kho ở ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Người dân tại nhiều thành phố trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Bồ Đào Nha... ngày 5/4 đã tham gia phong trào biểu tình có tên "Hands Off" nhằm phản đối các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Người dân cả nước hướng về ngày Giỗ Tổ; Phim “Địa đạo” thu hơn 30 tỷ đồng ngày đầu công chiếu; Kế hoạch quốc phòng mới của EU đối diện nhiều thách thức;... là những nội dung đáng chú ý trong chương trình hôm nay.
Một tuần sau trận động đất 7,7 độ richter hôm 28/3, nhiều thành phố của Myanmar vẫn trong khung cảnh đổ nát, tang thương. Hậu quả của cơn đại địa chấn đang khiến đất nước này lâm vào khủng hoảng nhân đạo chưa từng có trong lịch sử.
0