Chiến sự Nga - Ukraine ngày 6/2: Ukraine rút khỏi Krasnoarmeysk

Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine đã rút khỏi Krasnoarmeysk (phía Ukraine gọi là Pokrovsk) và điều hành chiến đấu từ Dnepropetrovsk. Quân đội Nga tiếp tục đẩy lùi tấn công của Ukraine tại Kursk, phá hủy tàu không người lái của hải quân Ukraine ở Crimea.

Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine rời khỏi Krasnoarmeysk (phía Ukraine gọi là Pokrovsk) 

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời của đại biểu Duma Quốc gia Nga Viktor Vodolatsky rằng, Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine đã rời khỏi Krasnoarmeysk cách đây vài ngày và hiện đang điều hành các đơn vị chiến đấu từ lãnh thổ vùng Dnepropetrovsk.

“Trong nhiều ngày qua, các đơn vị Lực lượng Vũ trang Ukraine ở Krasnoarmeysk đã bị mất quyền chỉ huy, vì toàn bộ ban lãnh đạo từ cấp chỉ huy tiểu đoàn trở lên đã rút lui về vùng Dnepropetrovsk," ông Vodolatsky cho biết. Ông cũng chỉ rõ rằng, các sở chỉ huy đã được di dời đến những khu vực đông dân cư gần biên giới với Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR).

Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine. Ảnh: Oleg Petrasiuk/AP.

Theo ông, quân đội Nga đã thực hiện chiến thuật "gọng kìm" để siết chặt vòng vây quanh Krasnoarmeysk, cắt đứt tuyến tiếp tế của Ukraine, khiến các đơn vị tại đây rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí, lương thực và nhiên liệu.

“Chúng ta đang dần bao vây Krasnoarmeysk từ cả hai phía. Khi hai gọng kìm khép lại, một vòng vây hoàn chỉnh sẽ hình thành, tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng khu vực này mà không cần tấn công trực diện," ông Vodolatsky nhấn mạnh.

Krasnoarmeysk, được chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đổi tên thành Pokrovsk vào năm 2016, là một trung tâm vận tải chiến lược của Lực lượng Vũ trang Ukraine tại Donbass. Thành phố này nằm cách Donetsk 66 km về phía Tây Bắc và có khoảng 60.000 cư dân sinh sống trước Thế chiến II.

Nga đẩy lùi cuộc phản công của Ukraine tại Kursk

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vào sáng ngày 6/2, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến hành một cuộc phản công nhằm vào các khu định cư Cherkasskaya Konopelka và Ulanok thuộc Khu vực Kursk. Tuy nhiên, quân đội Nga đã kịp thời phát hiện và nhanh chóng gây tổn thất đáng kể cho đối phương bằng hỏa lực, với sự hỗ trợ của không quân.

Theo đài RT, cuộc tấn công có sự tham gia của hai tiểu đoàn cơ giới, với hàng chục phương tiện bọc thép. Lực lượng Ukraine tập trung tấn công xung quanh các làng Ulanok và Cherkasskya Konopelka, cách Sudzha khoảng 9 km về phía Đông Nam.

Cảnh Nga phá hủy thiết bị của Lực lượng vũ trang Ukraine ở khu vực Kursk. Ảnh: Ria Novosti.

Theo báo cáo, quân đội Ukraine tiến công theo nhiều đợt nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga nhưng không thể giành được bất kỳ khu định cư nào. Ít nhất sáu xe tăng, ba xe chiến đấu bộ binh, ba xe đột kích và 14 phương tiện bọc thép khác đã bị phá hủy. Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra con số cụ thể về tổn thất nhân sự của Ukraine trong cuộc tấn công này.

Ngày 6/8/2024, lực lượng Ukraine đã bất ngờ xâm nhập vào khu vực Kursk nhằm giành quyền kiểm soát lãnh thổ Nga, tuy nhiên bị chặn đứng. Hiện tại, quân đội Nga đang tiếp tục đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine một cách có hệ thống. Theo số liệu mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi giao tranh diễn ra tại khu vực này, Ukraine đã mất hơn 57.860 binh sĩ và 337 xe tăng.

Nga phá hủy tàu không người lái của Ukraine ở Crimea

Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn phim ghi lại cảnh một nhóm trinh sát nước này đánh chặn và phá hủy thành công một tàu không người lái cảm tử của hải quân Ukraine.

Theo báo cáo, lực lượng Ukraine đã triển khai các tàu cao tốc điều khiển từ xa, được trang bị thuốc nổ, nhằm vào khu vực Crimea do Nga kiểm soát. Đoạn video được công bố hôm 6/2 cho thấy, một trong những tàu đầu tiên bị vô hiệu hóa bởi một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, sau đó bị phá hủy hoàn toàn trong đợt tấn công thứ hai.

Xung đột Nga-Ukraine.Ảnh: Ria Novosti.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, hoạt động này diễn ra tại khu vực cửa sông Dnieper-Bug, nơi hai con sông lớn chảy vào Biển Đen.

Sông Dnieper đóng vai trò là rào cản tự nhiên giữa khu vực do Nga kiểm soát và lãnh thổ của Ukraine dọc theo mặt trận phía Nam, nơi giao tranh diễn ra thường xuyên nhưng không có sự thay đổi đáng kể về kiểm soát lãnh thổ. Trái ngược với tình hình ở các khu vực mà Nga đã đạt được những bước tiến lớn trong nhiều tháng gần đây, mặt trận tại sông Dnieper vẫn tương đối ổn định.

Theo thông tin chiến sự mới nhất từ Bộ Quốc phòng Nga, ngoài việc phá hủy tàu không người lái cảm tử, các lực lượng Ukraine đã mất tới 45 binh sĩ trong các cuộc đụng độ gần đây tại khu vực này.

Đặc phái viên Mỹ đánh giá cơ hội sở hữu vũ khí hạt nhân của Ukraine

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine, Keith Kellogg, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News đã khẳng định rằng, cơ hội Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân là "gần như bằng không".

"Cơ hội để họ lấy lại vũ khí hạt nhân gần như không tồn tại. Điều này sẽ không xảy ra", ông Kellogg cho biết trong cuộc trò chuyện.

Đặc phái viên của tổng thống Mỹ về vấn đề Ukraine - ông Keith Kellogg. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images.

Hôm 4/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói với nhà báo người Anh Piers Morgan rằng, quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Ukraine có thể mất nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ. Ông cũng kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí hạt nhân cho Kiev để đảm bảo an ninh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, đã chỉ trích những tuyên bố của Tổng thống Zelensky, gọi ông là “người mất lý trí” khi coi thế giới này là "mục tiêu cho những suy nghĩ thiếu kiểm soát" của mình..

Trước đó, tờ New York Times đưa tin, một số quan chức Mỹ và châu Âu đã từng đề xuất khả năng tái trang bị vũ khí hạt nhân cho Ukraine.

Về vấn đề này, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga - ông Dmitry Peskov, đã nhấn mạnh việc thảo luận về triển khai vũ khí hạt nhân ở Ukraine là một hành động vô trách nhiệm, được đưa ra bởi những người không hiểu rõ thực tế.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Ryabkov, cũng cảnh báo việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine sẽ là một bước đi nguy hiểm, dẫn đến leo thang xung đột không kiểm soát được.

Pháp bắt đầu chuyển tiêm kích Mirage 2000-5 cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Pháp hôm 6/2 cho biết, không quân Pháp đã chuyển giao lô máy bay chiến đấu đầu tiên cho Ukraine để giúp nước này tăng cường khả năng phòng không. Giới chức Ukraine chưa lên tiếng về thông tin.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Sébastien Lecornu, những chiếc tiêm kích Mirage 2000-5 đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội Ukraine, song không tiết lộ chi tiết số lượng. Cùng với phi công Ukraine được đào tạo ở Pháp, những tiêm kích này sẽ tham gia bảo vệ không phận Ukraine. Vào tháng 6/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Paris sẽ chuyển giao máy bay Mirage 2000-5 cho Kiev và đào tạo phi công Ukraine như một phần của hợp tác quân sự với quốc gia Đông Âu này.

Theo báo cáo ngân sách do Hạ viện Quốc hội Pháp công bố, trong số 26 máy bay Mirage 2000-5 thuộc sở hữu của Không quân Pháp, sáu chiếc sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Pháp không phủ nhận cũng không xác nhận con số này vì lý do an ninh.

Một máy bay chiến đấu Mirage 2000 chuẩn bị hạ cánh tại một căn cứ không quân vào ngày 14/10/2024. Ảnh: I-Hwa Cheng, AFP.

Mirage 2000 là tiêm kích một động cơ do hãng Dassault Aviation của Pháp phát triển, được biên chế cho không quân Pháp từ thập niên 1980. Mỗi chiếc có chiều dài 14 m, sải cánh 9 m, trần bay 15 km, tốc độ tối đa 2.700 km/h, trang bị 9 giá treo vũ khí và thùng dầu phụ với tổng tải trọng 6,3 tấn. Phiên bản Mirage 2000-5 được nâng cấp về radar, hệ thống điện tử và sử dụng được nhiều loại vũ khí dẫn đường hơn các biến thể trước đó.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tòa án Tối cao hạn chế quyền lực của các thẩm phán liên bang trong việc ban hành lệnh cấm trên toàn quốc đối với các chính sách của ông.

Khoản hỗ trợ ít nhất 5 tỷ euro (hơn 5,4 tỷ USD) mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị vẫn chưa được các nhà lãnh đạo EU cam kết.

Phiến quân M23 được Rwanda hậu thuẫn đã chiếm giữ thị trấn Walikale – một trung tâm khai thác khoáng sản quan trọng ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế.

Hoạt động rà phá bom mìn tại khu vực biên giới Kursk đang được tiến hành khẩn trương nhằm loại bỏ các mối đe dọa từ các vật liệu nổ còn sót lại.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chủ trì một Hội nghị Thượng đỉnh về Ukraine vào ngày 27/3, quy tụ nhiều nhà lãnh đạo châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp xóa bỏ Bộ Giáo dục liên bang ngày 20/3, khởi động quá trình giải thể cơ quan này theo cam kết trong chiến dịch tranh cử.