Xã Hòa Phú: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Hòa Phú được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Văn Võ, Thượng Vực, Hồng Phú, Đồng Lạc, Hòa Phú (huyện Chương Mỹ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Kim Thư (huyện Thanh Oai).

Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Hòa Phú dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Hòa Phú.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Hòa Phú

Xã Hòa Phú giáp các xã: Thanh Oai, Trần Phú, Dân Hòa, Ứng Thiên, Phúc Sơn, Quảng Bị của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 29,87 km2; quy mô dân số là 49.948 người.

Xã Hòa Phú được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Văn Võ, Thượng Vực, Hồng Phú, Đồng Lạc, Hòa Phú (huyện Chương Mỹ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Kim Thư (huyện Thanh Oai), trong đó:

  • Xã Đồng Lạc (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 5,07km2; Quy mô dân số: 6.486 người
  • Xã Hòa Phú (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 8,00km2; Quy mô dân số: 12.463 người
  • Xã Hồng Phú (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 7,17km2; Quy mô dân số: 12.899 người
  • Xã Thượng Vực (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 4,78km2; Quy mô dân số: 8.015 người
  • Xã Văn Võ (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 4,71km2; Quy mô dân số: 9.759 người
  • Xã Kim Thư (Huyện Thanh Oai): Diện tích: 0,14km2; Quy mô dân số: 326 người.

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Hòa Phú

Xã Hòa Phú có hệ thống giao thông phát triển với các tuyến đường như: đường quốc lộ 6, đường tỉnh lộ cùng các tuyến đường liên xã đã được nâng cấp và mở rộng. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đồng thời kết nối nhanh chóng với các trung tâm kinh tế lớn của Hà Nội và các khu công nghiệp lân cận.

Đặc điểm kinh tế xã Hòa Phú

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của xã với các hoạt động chính như trồng lúa nước, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhờ vào điều kiện đất đai màu mỡ và hệ thống thủy lợi thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ở Hòa Phú đạt hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người dân.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh mẽ. Các mô hình chăn nuôi tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài xã.

Xã Hòa Phú tích cực phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhằm hỗ trợ người dân trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao giá trị sản xuất. Các mô hình kinh tế tập thể giúp tăng cường liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Hạ tầng thương mại của xã Hòa Phú bao gồm hệ thống chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa và siêu thị mini phân bố rải rác trong các thôn, đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng ngày của người dân. Ngoài ra, xã còn có các điểm kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hóa hỗ trợ vận chuyển nông sản và sản phẩm địa phương đến các khu vực lân cận, tạo thuận lợi cho giao thương. Hệ thống cơ sở vật chất phụ trợ như kho chứa hàng và các tuyến đường giao thông nội bộ được đầu tư để nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa. 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Hòa Phú

Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, gắn bó với làng quê, đồng ruộng và các giá trị truyền thống. Văn hóa cộng đồng được gìn giữ thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội dân gian như lễ hội đình làng, rước kiệu, tế lễ cổ truyền, diễn xướng dân gian,... Các lễ hội không chỉ thể hiện đời sống tinh thần phong phú mà còn là dịp gắn kết cộng đồng.

Là nơi có nhiều di tích văn hóa - lịch sử được xếp hạng cấp Quốc gia như: đình Yên Lạc, đình Yên Sơn, đình Thượng, chùa Đại Quang, đình Võ Lao (đình Thượng và đình Hạ). Đình Yên Sơn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia từ năm 1988, đình làng Thượng Phúc, đình làng Thượng Vực là nơi thờ Thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và tâm linh quan trọng của người dân.

Cộng đồng dân cư tại Hòa Phú tích cực tham gia vào việc duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa truyền thống, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội. Chính quyền địa phương chú trọng đến công tác giáo dục, y tế và an sinh xã hội, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Người dân Hòa Phú có tinh thần đoàn kết, hiếu học, chăm chỉ và sáng tạo. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì sôi nổi tại các thôn, xóm, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Các trạm y tế: Đồng Lạc, Hòa Phú, Hồng Phú, Thượng Vực, Văn Võ cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, có chức năng khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng. Trạm đã phối hợp với các trường học trên địa bàn, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học đường. Xã chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, đồng thời tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, tăng cường kết nối với các trung tâm y tế tuyến trên để tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế toàn diện và bền vững nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Hệ thống cơ sở giáo dục tương đối đầy đủ, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Trên địa bàn xã có các trường mầm non công lập như Trường Mầm non Đồng Lạc, Trường Mầm non Thượng Vực, Trường Mầm non Văn Võ,… được phân bố đều tại các thôn, đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo. Ở bậc tiểu học, tiêu biểu là Trường Tiểu học Đồng Phú - Hòa Xá được thành lập từ năm 1992, với cơ sở vật chất khang trang, môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập và phát triển toàn diện. Đối với bậc trung học cơ sở, Trường THCS Văn Võ là cơ sở trọng điểm, có đội ngũ giáo viên tận tâm, chất lượng chuyên môn cao, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao kỹ năng sống và tư duy sáng tạo cho học sinh. Hệ thống giáo dục của xã không ngừng được củng cố và từng bước hiện đại hóa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

  • Trụ sở Đảng ủy xã Hòa Phú: thôn Đồng Luân, xã Hòa Phú (địa chỉ cũ: thôn Đồng Luân, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ)
  • Trụ sở UBND xã Hòa Phú: thôn Hòa Xá, xã Hòa Phú (địa chỉ cũ: thôn Hòa Xá, xã Hồng Phú, huyện Chương Mỹ)
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Phú: đồng chí Tô Thị Nhàn
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú: đồng chí Vũ Xuân Hùng
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Phú: đồng chí Nguyễn Thị Nga.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời