Phường Đông Ngạc: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Thành lập phường Đông Ngạc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đông Ngạc, Cổ Nhuế 2 (quận Bắc Từ Liêm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Xuân Đỉnh, Thụy Phương, Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm).
Đông Ngạc là phường thuộc quận Bắc Từ Liêm; là đất ba xã của hai tổng Phú Gia và Xuân Tảo, huyện Hoài Đức trước năm 1942, sau đó là xã thuộc vào Đại lý đặc biệt Hà Nội. Từ 1955 vẫn là ba xã riêng, năm 1961 trở thành ba thôn của xã Đức Thắng, huyện Từ Liêm, năm 1964 đổi là xã Đông Ngạc; Đông Ngạc có tên nôm là làng Vẽ, là một làng khoa bảng nổi tiếng ở Hà Nội.
Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Đông Ngạc bảo đảm yếu tố truyền thống văn hóa lịch sử; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Đông Ngạc
Phường Đông Ngạc giáp các phường: Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Thượng Cát, Phú Diễn, Tây Tựu, Nghĩa Đô và xã Thiên Lộc của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 8,85 km²; quy mô dân số là 83.544 người.
Phường Cổ Nhuế 2 (Quận Bắc Từ Liêm) 4,06 33.106
Phường Đông Ngạc (Quận Bắc Từ Liêm) 1,34 19.765
Phường Đức Thắng (Quận Bắc Từ Liêm) 1,20 10.751
Phường Minh Khai (Quận Bắc Từ Liêm) 0,01 0
Phường Thụy Phương (Quận Bắc Từ Liêm) 1,15 9.977
Phường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm) 1,09 9.945
- Phường Cổ Nhuế 2 (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 4,06 km²; Quy mô dân số: 33.106 người
- Phường Đông Ngạc (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,34 km²; Quy mô dân số: 19.765 người
- Phường Đức Thắng (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,20 km²; Quy mô dân số: 10.751 người
- Phường Minh Khai (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 0,01 km²
- Phường Thụy Phương (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,15 km²; Quy mô dân số: 9.977 người
- Phường Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,09 km²; Quy mô dân số: 9.945 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Đông Ngạc
Phường Đông Ngạc nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển liên kết vùng giữa Hà Nội với các tỉnh lân cận thông qua các trục giao thông đối ngoại: đường vành đai 3, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài, đường Phạm Văn Đồng - quốc lộ 1A cũ, là điểm trung chuyển giữa trung tâm thành phố với khu vực Tây Hồ Tây, cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Phường nằm trong quy hoạch khu vực đô thị Bắc sông Hồng - một trong các khu vực phát triển trọng điểm của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, được định hướng phát triển hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, xanh, thông minh.
Đặc điểm kinh tế phường Đông Ngạc
Kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng đô thị hóa: Từ nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp, thương mại - dịch vụ và giáo dục - nghiên cứu. Đông Ngạc có tiềm năng phát triển kinh tế - dịch vụ, có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, kết nối khu công nghiệp Nam Thăng Long, khu công nghệ cao Hòa Lạc (qua các tuyến vành đai).
Phường Đông Ngạc là khu vực có thể thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực: dịch vụ giáo dục - y tế - thương mại hiện đại - logistics. Các ngành kinh tế chủ lực của Đông Ngạc: Dịch vụ thương mại (chợ Xuân Đỉnh, hệ thống siêu thị - cửa hàng tiện lợi); giáo dục và đào tạo (nhiều trường đại học, cao đẳng, học viện); sản xuất quy mô nhỏ và dịch vụ hỗ trợ nghiên cứu khoa học; kinh tế hộ gia đình phát triển theo mô hình dịch vụ - cho thuê nhà trọ, văn phòng, cửa hàng,...
Đông Ngạc đang được đầu tư nâng cấp theo định hướng phát triển đô thị thông minh -xanh - hiện đại.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Đông Ngạc
Đông Ngạc là địa bàn mang không gian văn hóa đặc trưng tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ cần được bảo tồn song song với phát triển đô thị. Các thiết chế văn hóa - thể thao được phân bổ tương đối đều, nhưng một số khu dân cư mới còn thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng.
Đông Ngạc xưa vốn là làng khoa bảng nổi tiếng với truyền thống hiếu học như làng Vẽ; nhiều di tích được xếp hạng quốc gia như: đình Vẽ, chùa Vẽ, chùa Chèm (Hàm Long tự)..., nhà bà Lê Thị Cháu được Thành phố công nhận là di tích cách mạng. Đặc biệt Đông Ngạc có di tích Quốc gia đặc biệt đình Chèm (đền Chèm) - di tích kiến trúc nghệ thuật, được xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1990. Lễ hội đình Chèm hàng năm tổ chức vào các ngày 14,15,16 tháng Năm âm lịch. Trong lễ hội nhân dân thường tổ chức rước nước trên sông Hồng, rước văn, lễ mộc dục, hội thi nấu chè kho, thi bơi, hát quan họ ở đình, tổ chức các trò chơi dân gian như thả chim bồ câu (lễ phóng sinh), bắt vịt nước, tổ tôm điếm, cờ người, chọi gà.
Địa bàn phường tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn như: Học viện Cảnh sát nhân dân, Học viện Chính trị Công an Nhân dân, Học viện Tài chính, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Y tế công cộng,…
Hệ thống trường học từ cấp học mầm non đến THPT được phân bố hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ của người dân trên địa bàn. Một số trường tiêu biểu: Trường Mầm non Cổ Nhuế 2, Trường Mầm non Đông Ngạc A, Trường Mầm non Đông Ngạc B, Trường Mầm non 20-10, Trường Mầm non Tia Sáng; Trường Mầm non Tuổi Thơ; Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2, Trường Tiểu học Cổ Nhuế 2B, Trường Tiểu học Đông Ngạc A, Trường Tiểu học Đông Ngạc B, Trường Tiểu học Đức Thắng; Trường THCS Cổ Nhuế 2, Trường THCS Đông Ngạc, Trường THCS Đức Thắng; Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Hà Thành.
Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn phường được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, kết hợp y học cổ truyền và hiện đại được chú trọng phát triển. Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở y tế tư nhân với trang thiết bị hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương, tuy nhiên còn thiếu bệnh viện đa khoa quy mô lớn trên địa bàn.
● Trụ sở Đảng ủy phường Đông Ngạc: Số 86 đường Cầu Noi, TDP Trù 4
● Trụ ở UBND phường Đông Ngạc: Phố Văn Hội, TDP số 2
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đông Ngạc: đồng chí Ngô Văn Nam
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc: đồng chí Nguyễn Văn Hách
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đông Ngạc: đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây