Xã Đan Phượng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Đan Phượng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thượng Mỗ, Đan Phượng, thị trấn Phùng, Song Phượng, Đồng Tháp (huyện Đan Phượng).

Lý do lấy tên xã mới là Đan Phượng: Xã Đan Phượng được lấy theo tên của huyện Đan Phượng hiện nay (tên Đan Phượng đã có từ trước đời Trần); tên gọi này thể hiện được yếu tố lịch sử truyền thống của vùng đất. Ngoài là tên gọi của huyện hiện nay, tên Đan Phượng còn gắn bó với lịch sử của các xã được sáp nhập bởi đầu thế kỷ XIX, huyện Đan Phượng thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây có các tổng trong đó tổng Đan Phượng Thượng gồm 9 xã, thôn là Đông Khê, Đoài Khê, Bãi Đồng, Thụy Ứng, Tháp thượng, Mỗ Thượng, Đại Phùng, Phượng Trì, Thu Quế (nay thuộc các xã Đan Phượng, Song Phượng, Đồng Tháp, thị trấn Phùng, Thượng Mỗ). Như vậy, tên gọi Đan Phượng có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa phù hợp với nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính mới và việc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Đan Phượng

Xã Đan Phượng giáp các xã: Ô Diên, Hoài Đức, Dương Hòa, Liên Minh, Hát Môn của thành phố Hà Nội.

Xã Đan Phượng có diện tích tự nhiên là 15,30 km2; quy mô dân số là 47.629 người; trong đó:

  • Thị trấn Phùng (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 2,63 km²; quy mô dân số: 12.010 người
  • Xã Thượng Mỗ (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 3,54 km²; quy mô dân số: 10.465 người
  • Xã Đan Phượng (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 3,81 km²; quy mô dân số: 10.424 người
  • Xã Đồng Tháp (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 2,78 km²; quy mô dân số: 9.328 người
  • Xã Song Phượng (Huyện Đan Phượng): Diện tích: 2,54 km²; quy mô dân số: 5.402 người
Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Đan Phượng.

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Đan Phượng

Đan Phượng là một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, nổi bật với truyền thống đoàn kết, nhân ái, cần cù, sáng tạo trong lao động và sản xuất. Xã cũng là cái nôi của phong trào cách mạng, tiêu biểu là phong trào “Ba đảm đang”, góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Với lợi thế về vị trí địa lý, Đan Phượng nằm tại điểm giao của nhiều tuyến giao thông quan trọng, kết nối thuận tiện với các xã lân cận như Ô Diên, Hoài Đức, Dương Hòa, Liên Minh và Hát Môn. Hệ thống giao thông phát triển với các tuyến đường liên xã, đường tỉnh và quốc lộ 32, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông thương, giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trình độ dân trí tương đối cao là nền tảng để Đan Phượng tiếp tục vươn lên trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững.

Đặc điểm kinh tế xã Đan Phượng

Trong những năm gần đây, xã Đan Phượng ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lấy công nghiệp - xây dựng làm trọng tâm, thương mại - dịch vụ làm động lực, nông nghiệp làm nền tảng ổn định.

Địa phương có thế mạnh nổi bật trong phát triển nông nghiệp chất lượng cao, kết hợp với các cụm làng nghề sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ. Trong lĩnh vực nông nghiệp, xã đã thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng; nhiều mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao được triển khai hiệu quả. Một số sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu OCOP, góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh. Các ngành nghề được khôi phục và phát triển mạnh mẽ, điểm công nghiệp được mở rộng, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ trên địa bàn.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã kéo theo sự chuyển dịch về sử dụng đất: diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, nhường chỗ cho đất công nghiệp, dịch vụ, làng nghề và các công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phúc lợi xã hội. Công tác quy hoạch đất đai được triển khai bài bản, dài hạn và sử dụng hiệu quả, trong đó đã hình thành các khu dân cư mới hiện đại, văn minh.

Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng, nhựa hóa đồng bộ, gắn với hệ thống tiêu thoát nước, cây xanh, tạo cảnh quan sạch đẹp. Nhiều tuyến đường được trồng hoa, vẽ tranh bích họa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 07 khu làng nghề tập trung, tiêu biểu như làng nghề Đan Phượng và Song Phượng, trở thành những điểm sáng trong phát triển kinh tế gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Đan Phượng

Đan Phượng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, mang đậm dấu ấn đặc trưng của văn hóa xứ Đoài. Trên địa bàn xã hiện có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, trong đó một số công trình tiêu biểu có giá trị đặc biệt đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia như: Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Văn Hiến (1991);  Di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng (2025); Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đình Đông Khê (2008) ..., góp phần khẳng định vị thế văn hóa lâu đời của địa phương.

Các giá trị văn hóa truyền thống luôn được chú trọng gìn giữ và phát huy, góp phần tạo nên bản sắc riêng trong đời sống cộng đồng. Sự nghiệp giáo dục, văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư và đạt nhiều chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Đồng thời, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển toàn diện của địa phương.

Sản phẩm làng nghề tiểu thủ công nghiệp nổi trội của xã là: nem Phùng, bánh kẹo, đồ gỗ công nghiệp - thủ công mỹ nghệ…

Các trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã đạt chuẩn quốc gia; duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Cộng đồng học tập của xã được xếp loại tốt; các trường học đều có mô hình giáo dục thể chất cho học sinh rèn luyện kỹ năng sức bền và thể lực. Trên địa bàn xã có 04 trường THCS (Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Song Phượng), 04 trường tiểu học (Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Song Phượng), 04 trường mầm non (Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Song Phượng).

Tỷ lệ người dân trên địa bàn xã Đan Phượng tham gia BHYT đạt mức cao, thể hiện nhận thức tích cực về chăm sóc sức khỏe toàn dân. Thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương, trạm y tế xã triển khai hiệu quả công tác quản lý sức khỏe cộng đồng. Phần lớn người dân sử dụng điện thoại di động trên địa bàn xã được tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt các phần mềm, ứng dụng VssID. Tỷ lệ người dân cài đặt phần mềm, ứng dụng sổ khám chữa bệnh điện tử đạt mức cao. Trên địa bàn xã có 05 trạm y tế (Phùng, Thượng Mỗ, Đan Phượng, Đồng Tháp, Song Phượng), đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản cho nhân dân, đảm bảo công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Đan Phượng: Số 105 phố Tây Sơn, xã Đan Phượng
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đan Phượng: đồng chí Nguyễn Gia Hiển
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng: đồng chí Nguyễn Viết Đạt
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đan Phượng: đồng chí Nguyễn Thị Thủy.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời