Quà chiều Hà Nội
Chủ nhật tuần nào cũng là ngày bận rộn của nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khoảng sân nhỏ của gia đình bà đã trở thành nơi họp mặt của những người yêu thức quà chiều Hà Nội.
Từ sáng sớm, những người bạn trong câu lạc bộ nhà báo nữ của bà đã có mặt để cùng nhau làm những món ăn theo phong cách của người Hà Nội xưa.
Thực đơn được bà Nhung lựa chọn là món cuốn tôm, chả rươi và chè bà cốt xôi vò. Những bà nội trợ của "Quà chiều" nấu ăn trong tâm thế là nấu cho gia đình, cho người thân nên cũng rất tỉ mỉ và chỉn chu.
12h trưa, món chè bà cốt màu nâu sánh thơm mùi gừng ăn kèm xôi vò cũng đã được hoàn thành. Bà Nhung cầu kỳ bày trên chiếc mâm đồng theo lối cũ nhắc nhở về những ngày tháng xa xưa của người Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Trâm, Phó Chủ tịch câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, cho biết: "Cái tôi ấn tượng nhất là sự cầu kỳ trong việc làm các món ăn cổ truyền, bởi vì các cụ rất kỹ tính, món cổ truyền không thể nào vội vàng được mà dứt khoát, phải rất tỉ mỉ, kiên nhẫn. Mọi người hiện đang bị cuốn vào một nhịp sống quá ư là sôi động và áp lực. Nhiều áp lực cho nên những lần chúng tôi quay trở về với ngày xưa như thế này chính là làm chậm lại nhịp sống ấy, để cân bằng lại cuộc sống của mỗi chúng ta. Những dịp như thế này để chúng ta quay trở lại tất cả những giá trị tốt đẹp của ngày xưa."
Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung chia sẻ: "Tôi chú trọng những món ngon của Hà Nội ngày xưa mà bây giờ những món đó bên ngoài rất ít bán, rất hiếm hoi. Ví dụ như: Cuốn tôm, cháo cá ám, bánh trứng ngỗng, bún ốc tối cổ,… Mỗi lần thưởng thức món quà chiều như vậy, chúng tôi tranh thủ giới thiệu những nét đẹp của văn hoá ẩm thực Hà Nội và lịch sử của những món ăn".
2h chiều, khi các thức đồ đã chuẩn bị xong cũng là lúc quà chiều đón những nhân vật đặc biệt. 3h chiều, những vị khách của quà chiều Hà Nội xuất hiện. Họ là những Việt kiều ở xa xứ chỉ mong được thưởng thức chút hương vị Hà Nội xưa, dù không ít người mới chỉ nghe nói đến.
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoài chia sẻ: "Năm nay tôi đã 77 tuổi, chúng tôi vẫn yêu, vẫn quý nghề truyền thống, vốn quý của dân tộc Việt Nam mình. Mỗi tuần chúng tôi lại đến đây, nghệ thuật chèo được lan toả đến tất cả mọi người. Mọi người được thưởng thức, vừa là bữa quà chiều, nói về nghệ thuật chèo, ca trù, xẩm, hát văn… tất cả mọi người đều hiểu và biết giữ được nghề truyền thống của cha ông ta".
Nhiều tháng nay, chiếc cổng nhà bên gốc lộc vừng và cây khế xanh mướt đã quá quen thuộc với các đoàn khách đến thưởng thức quà chiều Hà Nội. Chính nhờ tâm huyết của những người yêu ẩm thực Hà Nội như bà Tuyết Nhung và những người bạn của mình đã giúp quà chiều trở thành nơi gặp gỡ và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, ẩm thực và con người Hà Nội đến với bạn bè bốn phương.


Nhiều người trên phố cổ vẫn giữ nếp cũ được bà, được mẹ truyền lại, đi tìm mua hoa gói để bày đĩa những ngày tuần tiết trong năm.
Được chế biến từ những quả mơ tươi chọn lọc, ngâm ủ theo công thức truyền thống giữ trọn vị chua thanh đặc trưng hòa quyện cùng độ ngọt dịu tự nhiên, mơ má đào ngâm muối đường mang đến thức uống thơm ngon, sảng khoái cho mọi lứa tuổi.
Với nhiều người, học trang điểm không chỉ là học một kỹ năng mềm, mà còn là học yêu bản thân mình theo một cách rất riêng. Bởi làm đẹp cho mình cũng chính là làm đẹp cho cuộc sống.
Được mệnh danh là lộc của trời, Vờ Vờ - thứ đặc sản nức tiếng ven sông Hồng mùa hạ được bao người sành ăn xuýt xoa khen ngợi. “Săn” được thức đặc sản quý hiếm đó chẳng hề đơn giản, chỉ ngắn ngủi đôi mươi phút khi trời mới tờ mờ sáng.
Không cần đến phòng gym, cũng không cần quá nhiều thiết bị, chỉ là một khoảng sân đủ rộng, vài động tác dưỡng sinh và những nụ cười tươi mỗi sáng là đủ để tạo nên một nhịp sống đáng quý của người cao tuổi.
Ốc om chuối đậu không chỉ là món ăn dân dã mà còn là một phần hồn cốt của ẩm thực Hà Nội. Từ những nguyên liệu bình dị như ốc, chuối xanh, đậu phụ, mắm tôm... người Hà Nội đã tạo nên một món ăn đậm đà, tinh tế và thấm đượm tình quê.
0