Mỹ dọa áp thuế EU: Ngòi nổ thương chiến hay đòn gió?

Mỹ sẽ lùi thời hạn áp mức thuế 50% đối với hàng hóa EU đến 9/7 để tạo điều kiện đàm phán. Phải chăng đây chỉ là một đòn gió thường thấy trong chiến thuật đàm phán kiểu Trump?

Ngòi nổ thương chiến hay áp lực đàm phán?

Chỉ vài tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động chính sách thương mại theo chiến lược “nước Mỹ trên hết”, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương lại một lần nữa rơi vào vòng xoáy căng thẳng. Thuế quan tiếp tục trở thành công cụ gây sức ép và thương lượng, trong khi Liên minh châu Âu (EU) ở vào thế bị động trong đối thoại với Washington.

Trong một động thái bất ngờ nhưng không khó đoán, Tổng thống Trump hôm 23/5 tuyên bố sẽ áp mức thuế 50% đối với hàng hóa từ EU kể từ ngày 1/6, với cáo buộc khối này "thiếu thiện chí đàm phán”. Chỉ vài ngày sau, ông chấp thuận đề nghị từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, tạm hoãn thời điểm áp thuế đến ngày 9/7, mở ra cơ hội ngắn ngủi cho một vòng đàm phán mới. Dư luận đặt một loạt câu hỏi: Phải chăng đây chỉ là một đòn gió thường thấy trong chiến thuật đàm phán kiểu Trump? Hay Mỹ thực sự đang chuẩn bị cho một cuộc chiến thuế quan toàn diện với một trong những đối tác thương mại lớn nhất của mình?

Khởi đầu của làn sóng căng thẳng hiện tại bắt đầu từ ngày 23/5, khi Tổng thống Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng, ông dự kiến áp thuế 50% với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ EU kể từ đầu tháng 6. Trong bài đăng, ông khẳng định EU “rất khó đàm phán” và “các cuộc đàm phán hiện tại không đạt tiến triển nào đáng kể”. Ông cũng chỉ trích thâm hụt thương mại giữa Mỹ và EU đang ở mức “không thể chấp nhận được”.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, năm 2024, Mỹ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với EU lên tới 235,6 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm trước đó. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, châu Âu đang duy trì thặng dư hàng hóa khoảng 157 tỷ euro với Mỹ. Tổng thống Trump cho rằng, nguyên nhân nằm ở các rào cản phi lý từ EU, các vụ kiện chống độc quyền nhắm vào tập đoàn công nghệ Mỹ, cùng với sự thao túng tỷ giá khiến đồng euro bị định giá thấp. Theo ông chủ Nhà Trắng, điều này cần phải được “điều chỉnh ngay lập tức”.

Bà Ursula Von de Leyen vừa gọi cho tôi, yêu cầu kéo dài thời hạn. Bà ấy cũng nói rằng, EU muốn bắt đầu đàm phán nghiêm túc. Và tôi đã đồng ý với điều đó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dù căng thẳng thương mại tạm thời lắng xuống sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, nhưng giới quan sát cho rằng, sự nhượng bộ của Mỹ có thể chỉ là một bước đi chiến thuật, chứ không phải dấu hiệu của thay đổi lập trường. Thực tế, việc ông Trump tạm hoãn áp thuế không đồng nghĩa với việc từ bỏ sức ép mà có thể là cách để tăng áp lực đàm phán vào phút chót.

Chiến thuật “giơ cao đánh khẽ” đã trở thành đặc trưng trong chính sách thương mại của ông Trump, từ cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc (2018 - 2019) đến các đòn áp thuế nhắm vào Mexico, Canada và hàng loạt đối tác trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai. Tạm hoãn không có nghĩa là rút lại, mà là tạo ra “hạn chót”, như một cái đồng hồ đếm ngược buộc đối phương phải nhượng bộ trong giới hạn thời gian nhất định. Ngày 9/7 - mốc hoãn áp thuế mới - cũng trùng với thời điểm kết thúc 90 ngày kể từ khi ông Trump công bố chính sách “thuế quan có đi có lại” hồi tháng 4/2025. Theo chính sách này, hàng hóa từ các nước không có thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ sẽ bị áp thuế từ 10% đến 49%, nếu không đạt được thỏa thuận mới trong thời gian quy định. Trong bối cảnh đó, EU đang bị đẩy vào thế phải chọn giữa nhượng bộ hoặc đối đầu.

Về phía Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) đã lập tức chuyển sang trạng thái cảnh báo cao độ. Ủy viên Thương mại EU Maros Sefcovic tuyên bố, EU sẵn sàng đàm phán với Mỹ “trên tinh thần thiện chí và bình đẳng”, nhưng sẽ không chấp nhận các đe dọa đơn phương. Theo các nguồn tin từ EU, một gói nhượng bộ sơ bộ trị giá 50 tỷ euro đã được soạn thảo, bao gồm việc tăng mua khí hóa lỏng (LNG) và đậu nành từ Mỹ, miễn thuế cho một số loại ô tô và sản phẩm công nghiệp Mỹ, cũng như thúc đẩy hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, 5G, an ninh năng lượng và tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định, đề xuất này vẫn chưa đủ “ấn tượng” để ông Trump thay đổi lập trường. Với chiến thuật đã được thử nghiệm thành công trong quá khứ, Tổng thống Mỹ dường như đang kỳ vọng nhiều hơn thế, không chỉ là những nhượng bộ mang tính biểu tượng, mà là một thỏa thuận tái định hình lại toàn bộ cấu trúc thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Tác động sâu rộng

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng áp thuế 50% lên hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) trong khi chờ kết quả đàm phán, không chỉ là một bước leo thang trong cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương, mà còn là dấu hiệu cảnh báo cho một cuộc tái định hình trật tự thương mại quốc tế. Nếu chính thức được kích hoạt, biện pháp này sẽ tác động sâu rộng đến các nền kinh tế chủ lực của EU như Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha - vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đồng thời cũng tiềm ẩn những hệ lụy nghiêm trọng đối với chính nước Mỹ, từ giá cả tiêu dùng, chuỗi cung ứng công nghiệp, cho tới niềm tin đầu tư.

Theo một báo cáo nội bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố mới đây, GDP khu vực đồng euro có thể sụt giảm từ 0,8% đến 1,5% trong năm đầu tiên nếu không đạt được thỏa thuận và mức thuế 50% được áp dụng. Điều này kéo theo nguy cơ gia tăng thất nghiệp, đặc biệt tại những khu vực công nghiệp phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu với hơn 530 tỷ euro hàng hóa trong năm 2024. Các ngành xuất khẩu mũi nhọn của châu Âu đều sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngành ô tô được xem là mục tiêu trực tiếp và nhạy cảm nhất. Các hãng như Audi, Porsche, Volvo Cars hay Mercedes-Benz vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu mức thuế vượt quá 25% hiện hành. Trong năm 2024, EU đã xuất khẩu hơn 750.000 xe sang Mỹ, trị giá gần 39 tỷ euro, gấp 5 lần so với lượng xe nhập khẩu từ Mỹ.

Ngành dược phẩm cũng có thể bị cuốn vào vòng xoáy thương mại nếu ông Trump mở rộng cuộc điều tra theo Mục 232 về an ninh quốc gia để bao trùm mặt hàng này. Trong năm 2024, EU xuất khẩu gần 80 tỷ euro thuốc men sang Mỹ, chiếm phần lớn trong cán cân thương mại dược phẩm toàn cầu.

Trong khi đó, lĩnh vực hàng không, vốn mang tính toàn cầu và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng phức tạp, đã bắt đầu lên tiếng. Ryanair - khách hàng lớn của Boeing, cảnh báo có thể hoãn nhận máy bay mới nếu chi phí đội lên do thuế quan.

Dù chiếm tỷ trọng thấp hơn, nhưng ngành thực phẩm và đồ uống lại mang tính biểu tượng và có thể trở thành đối tượng của trả đũa lẫn nhau. EU xuất khẩu khoảng 25 tỷ euro thực phẩm sang Mỹ, từ rượu vang, sâm panh đến pho mát cao cấp. Nếu bị áp thuế cao, các sản phẩm này có thể bị thay thế bởi hàng nội địa Mỹ hoặc từ quốc gia thứ ba.

Ở chiều ngược lại, chính sách thuế quan của ông Trump cũng đặt nền kinh tế Mỹ vào thế rủi ro đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát dai dẳng. Việc tăng thuế nhập khẩu sẽ khiến giá hàng hóa từ châu Âu trở nên đắt đỏ hơn với người tiêu dùng Mỹ, từ đó làm giảm sức mua.

Mặt khác, không giống châu Á - khu vực chủ yếu cung cấp sản phẩm tiêu dùng, châu Âu đóng vai trò là nhà cung ứng công nghệ, thiết bị then chốt cho các ngành công nghiệp Mỹ. Do đó, mức thuế mới đối với hàng hóa EU, nếu được thực thi, có thể khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và tạo áp lực lớn lên các nhà sản xuất tại đất nước cờ hoa. Hơn nữa, việc làm suy yếu EU có thể vô tình tạo cơ hội cho Trung Quốc củng cố ảnh hưởng kinh tế ở châu Á và các khu vực khác.

Ngoài ra, EU là một trong những nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Mỹ, với tổng vốn FDI lên tới hơn 3.000 tỷ USD. Một cuộc chiến thuế quan không chỉ làm tổn hại thương mại mà còn đe dọa các dòng vốn và niềm tin doanh nghiệp xuyên Đại Tây Dương. Các công ty châu Âu đang vận hành hơn 16.000 nhà máy và cơ sở sản xuất tại Mỹ, sử dụng hàng triệu lao động bản địa. Nếu căng thẳng kéo dài, dòng vốn mới có thể bị trì hoãn hoặc chuyển hướng sang Canada, Mexico hoặc khu vực châu Á.

Rất khó để dự đoán về những quyết định của ông Trump. Chúng ta biết rằng ông ấy rất hay thay đổi và chúng ta cũng biết rằng ông ấy sẽ thay đổi ngay khi nhìn thấy hậu quả. Nhưng có một điều rõ ràng là nếu mức thuế này được áp dụng, sẽ có sự gián đoạn rất lớn đối với nền kinh tế xuyên Đại Tây Dương, điều này sẽ rất tệ đối với Mỹ, người tiêu dùng Mỹ và cũng rất tệ đối với người tiêu dùng châu Âu và các nhà sản xuất châu Âu nói riêng.

Ông Guntram Wolff - Thành viên cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu Bruegel, Bỉ.

Ủy ban châu Âu tuyên bố sẵn sàng áp thuế tương xứng nếu Mỹ kích hoạt mức thuế 50%. Các mặt hàng bị trả đũa tiềm năng gồm xe bán tải, thiết bị nông nghiệp, rượu bourbon, đậu nành, thịt bò và cả sản phẩm công nghệ - những ngành có ảnh hưởng chính trị lớn tại các bang công nghiệp và nông nghiệp then chốt của Mỹ. Chính sách thuế quan của chính quyền Trump còn tạo ra làn sóng tẩy chay hàng Mỹ tại châu Âu. Trong khi đó, tại Mỹ, sự ủng hộ dành cho chính sách thuế quan cũng đang lung lay. Một khảo sát do Bloomberg công bố hôm 24/5 cho thấy, 56% người dân Mỹ tin rằng tài chính hộ gia đình của họ sẽ tốt hơn nếu không áp thuế nhập khẩu. Có tới 52% cho rằng, những lợi ích được hứa hẹn từ các mức thuế này không xứng đáng với chi phí kinh tế phải trả.

Triển vọng đàm phán

Dù cả Mỹ và EU đều phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán, nhưng bức tranh tổng thể vẫn thiếu điểm tựa. Tờ Capital Economics nhận định, một thỏa thuận Mỹ - EU có vẻ khó đạt được hơn so với những gì Mỹ đã làm với Vương quốc Anh hay Trung Quốc. Rào cản không chỉ nằm ở sự mất cân đối trong cán cân thương mại, mà còn ở sự khác biệt về mô hình kinh tế - pháp lý giữa hai bên. Giới quan sát đã vạch ra một số kịch bản có thể xảy ra trong những tháng tới, phản ánh cả cơ hội lẫn rủi ro trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Theo phân tích của New York Times, Tổng thống Trump dường như đang đánh giá quá cao khả năng ép buộc các công ty châu Âu chuyển sản xuất sang Mỹ, trong khi xem nhẹ nguy cơ trả đũa từ EU cũng như thiệt hại đối với người tiêu dùng trong nước. Do đó, trong ngắn hạn, kịch bản lạc quan nhất là hai bên đạt được một thỏa thuận tạm thời nhằm tránh áp thuế toàn diện. Đây có thể là một gói “đình chiến thuế quan” kéo dài từ 6 tháng đến một năm, tương tự mô hình từng được áp dụng trong giai đoạn đầu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc hồi năm 2018. Mục tiêu là tạo không gian cho các cuộc thương lượng về tiếp cận thị trường, tiêu chuẩn hàng hóa và trợ cấp công nghiệp - những vấn đề gây tranh cãi giữa hai bờ Đại Tây Dương từ lâu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khả năng này chỉ xảy ra nếu cả hai bên có thiện chí nhượng bộ ở một số lĩnh vực nhạy cảm như ô tô, dược phẩm hoặc hàng xa xỉ - điều chưa thấy rõ trong các tuyên bố gần đây, thay vào đó chỉ là lời lẽ chỉ trích từ phía ông Trump.

Liên minh châu Âu được thành lập để lừa gạt Mỹ. Ý tôi là, họ đã làm rất tốt mục tiêu này. Nhưng chuyện này sẽ không thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nếu không đạt được tiến triển, Mỹ có thể thực thi lệnh áp thuế 50% sau ngày 9/7 như cảnh báo. EU khi đó gần như chắc chắn sẽ đáp trả bằng thuế đối ứng, nhắm vào các mặt hàng biểu tượng của Mỹ. Chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng. Căng thẳng này còn có nguy cơ lan rộng sang các lĩnh vực đầu tư, sở hữu trí tuệ và hợp tác công nghệ.

Một khả năng khác là các vòng đàm phán rơi vào trạng thái trì hoãn kéo dài, không có leo thang ngay lập tức, nhưng cũng không đạt được đột phá nào đáng kể. Trong bối cảnh đó, cả Mỹ và EU có thể tìm cách đa dạng hóa quan hệ thương mại, ví dụ như tăng cường hợp tác với các nước châu Á, đồng thời đầu tư vào các chính sách tự cường chuỗi cung ứng, từng bước giảm sự phụ thuộc lẫn nhau.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada cuối tháng 6 được coi là thời điểm quan trọng để hai bên thăm dò lẫn nhau. Theo một số nguồn ngoại giao, Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có thể gặp mặt bên lề hội nghị, mở đường cho các kênh liên lạc trực tiếp cấp cao. Tuy nhiên, việc đạt được một bước tiến thực chất không dễ dàng, bởi niềm tin chiến lược đã bị xói mòn. Trong bối cảnh chính trường Mỹ chuẩn bị bước vào chu kỳ giữa nhiệm kỳ 2026, ông Trump có động cơ duy trì lập trường cứng rắn để ghi điểm với cử tri trong nước, trong khi EU không muốn bị xem là “xuống nước” trước một đối tác ngày càng khó đoán định. Do đó, thành công hay thất bại trong đàm phán thuế quan phụ thuộc vào khả năng hai bên đối thoại, nhượng bộ và tìm kiếm lợi ích chung để duy trì sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Các chính sách mới của Mỹ sẽ tạo ra rào cản lớn chưa từng có đối với sinh viên quốc tế, đặc biệt là những người đang có kế hoạch học tập tại nước này.

Ủy ban châu Âu được cho là đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp để làm hài lòng phía Mỹ.

Sinh viên quốc tế đóng góp hàng chục tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế Mỹ thông qua học phí, chi tiêu sinh hoạt, du lịch và các khoản đầu tư liên quan.

Hạm đội Baltic của Nga đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân quan trọng ở biển Baltic vào ngày 27/5.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ngừng khuyến nghị tiêm vaccine Covid-19 thường quy cho phụ nữ mang thai và trẻ em khỏe mạnh.

Hàng nghìn người Palestine ngày 27/5 đã tràn vào một trung tâm phân phối lương thực do Mỹ bảo trợ tại Rafah.