Khi sữa là 'thần dược'?

Niềm tin "Uống sữa là tốt" nhưng, tốt đến đâu, tốt cho ai và nên uống loại nào thì không phải ai cũng rõ. Trong thị trường với hàng trăm loại sữa, người tiêu dùng thường mua sữa không phải vì biết mình cần gì, mà đơn giản chỉ vì… người khác bảo tốt.

Khi bệnh viện cũng là nhà bán lẻ sữa

Chị M ở quận Hai Bà Trưng từng hai lần vào viện điều trị do sỏi mật và gãy chân tại một bệnh viện Trung ương. Từng được bác sĩ chỉ định mua sữa uống nhưng chị M không mua. Đến lần thứ hai, bác sĩ tiếp tục chỉ định mua sữa ngoài thuốc điều trị nên người nhà chị M đành đi mua.

“Đến cuối tháng 12/2024 thì tôi bị tai nạn, người nhà đưa tôi vào bệnh viện đó điều trị. Tôi đau, bác sĩ khám và kê đơn thuốc. Trong đơn thuốc có cả sữa. Vì lúc đó tôi đau nên không biết, người nhà cứ đi mua theo đơn thuốc đấy”, chị M cho hay.

Còn với chị H, khi đi chăm người nhà tại một bệnh viện Trung ương cũng gặp cảnh bác sĩ tư vấn, chỉ định mua sữa trong đơn thuốc cho bệnh nhân. Bản thân chị H tin tưởng các chuyên gia dinh dưỡng, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sữa và mua về dùng, thậm chí mua sữa cho cả con và cháu chị. Đến khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, đường dây sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, chị H mới bàng hoàng mang sản phẩm sữa ra quét mã QR thì không có thông tin.

Chị H cho biết: "Những sản phẩm sữa kém chất lượng được công bố, thậm trí là sữa giả thì tôi có xem lại sản phẩm sữa mà mình đang dùng là BON LAC có mã QR. Tôi tra lại xem như thế nào, thấy trang này không truy cập được nữa. Tôi rất hoang mang và tin chắc rằng, khi không truy cập được thì đây là sản phẩm sữa giả".

Đa phần tâm lý người bệnh khi vào viện, được bác sĩ tư vấn mua loại sữa nào thì đều tin và mua. Nhưng dù đã bỏ số tiền lớn, loại sữa họ đã uống lại không đảm bảo chất lượng.

Lỗ hổng đưa sữa giả vào bệnh viện

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – một trong những cơ sở y tế danh tiếng nhất cả nước – vừa bị phát hiện từng cung cấp cho bệnh nhân loại sữa dinh dưỡng y học Hofumil Gold Plus thuộc một đường dây sản xuất sữa giả. Sự việc không chỉ là cú sốc với người bệnh mà còn là lời cảnh báo về những kẽ hở trong hệ thống giám sát chất lượng vật tư y tế tại hiện nay.

Sữa Hofumil Gold Plus được bán cho bệnh nhân với giá gần một triệu đồng/hộp, không có trong danh mục bảo hiểm chi trả. Điều đáng nói, sản phẩm này đã "đường đường chính" chính lọt qua quy trình đấu thầu công khai theo quy định pháp luật, xuất hiện trong danh mục tiêu dùng của bệnh viện – một điều tưởng chừng không thể xảy ra. Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, vẫn có tình trạng các bác sĩ bắt tay với doanh nghiệp để kê đơn ra ngoài ăn "hoa hồng". Và đây chính là lỗ hổng khiến các loại thực phẩm này lọt vào bệnh viện

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Thực tế đã có những bác sĩ bắt tay với doanh nghiệp để kê đơn ra ngoài, vì vậy người đứng đầu và cán bộ y tế phải hết sức liêm khiết. Làm sao để không bị các doanh nghiệp mua chuộc, bởi rất nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp hiện nay cố tình vì lợi nhuận mà làm giả. Và nếu như chúng ta có những chế tài đối với cán bộ để họ không bị dụ dỗ, không bị mua chuộc thì những hàng hoá giả hàng kém chất lượng với chiết khấu cao như vậy không thể vào bệnh viện”.

Về sự cố này, Bệnh viện 108 khẳng định đã tuân thủ Luật Đấu thầu. Điều đó có nghĩa rằng, một sản phẩm kém chất lượng vẫn có thể trúng thầu vì quy trình nhập hàng chủ yếu dựa vào số lượng, hạn sử dụng, tem nhãn, chứ chưa có hệ thống kiểm nghiệm độc lập, nhất là với các sản phẩm “ngoài danh mục BHYT” mà người bệnh tự chi trả.

“Chức năng của bệnh viện là chúng tôi không được kiểm tra chất lượng hàng hóa. Vì vậy chúng tôi rất cần các cơ quan chức năng ngay từ giai đoạn nhập khẩu, sản xuất, tiêu thụ thì phải được kiểm soát chặt chẽ, làm sao để chúng tôi là người mua và cho người bệnh dùng là sản phẩm tốt nhất, sản phẩm an toàn và đảm bảo chất lượng”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh viện phải rà soát lại xem việc đã bắt đầu từ khi nào, cũng như thông tin về sản phẩm và người bệnh. Cần đảm bảo rằng, nếu bệnh nhân gặp vấn đề về mặt sức khỏe khi sử dụng sản phẩm, cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm vì đã tư vấn cho bệnh nhân.

Khi người dân mất niềm tin vào sự an toàn trong chính bệnh viện, thiệt hại không chỉ là kinh tế hay sức khỏe, tính mạng người bệnh mà là sự sụp đổ về lòng tin – thứ vốn rất khó để phục hồi.

Khó bảo vệ người tiêu dùng

Sữa là lựa chọn của nhiều người mỗi khi đi thăm người bệnh. Mỗi lần hỏi mua sữa, người tiêu dùng có thể nhận được hàng loạt lời khuyên từ bạn bè, mạng xã hội, thậm chí cả bác sĩ, hộ sinh. Sữa này tăng sức đề kháng, sữa kia bổ não, loại khác thì “của nhà tôi đang uống, tốt lắm!”. Nhưng liệu đó có thực sự là điều cơ thể cần?

Chị Nguyễn Kim Thoa (Thái Nguyên) cho biết: “Khi mua sữa, tôi thường nghe bạn bè giới thiệu, sữa này tốt cho người già, sữa kia tốt cho trẻ em thì mua thôi. Hoặc trên mạng xã hội thường có người nổi tiếng chia sẻ nên cũng tin tưởng. Họ giới thiệu hết thành phần của sữa rồi nên càng tin tưởng”.

Tương tự, chị Vũ Song Phượng (Hai Bà Trưng) cũng “đặt trọn niềm tin” vào người nổi tiếng khi mua hàng trên mạng xã hội. Chị cho biết: “Tôi hay xem mạng xã hội thấy người nổi tiếng giới thiệu nên tin tưởng và mua thôi”.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sữa là thực phẩm bổ sung, không phải “thần dược”. Nếu hiểu sai và sử dụng thiếu khoa học, thậm chí có thể phản tác dụng. Bác sĩ Bùi Quỳnh Trang, Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đống Đa cho rằng: "Sữa giàu canxi nhưng cơ thể của con người không chỉ cần có thế, mà còn cần nhiều loại vitamin và khoáng chất. Do vậy, không bao giờ sữa có thể thay thế được một bữa ăn hoàn chỉnh".

Đáng lo hơn cả là thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại sữa trôi nổi, hàng giả, kém chất lượng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ về mức độ nguy hại, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, hậu quả với người tiêu dùng là có thật. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhờ đến các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi. Nhưng trên thực tế, hành trình đó lại… không hề dễ dàng.

Ông Phạm Ngọc Hùng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhìn nhận: “Vấn đề đầu tiên là cơ quan nào chịu trách nhiệm để người tiêu dùng có thể qua đó để quy trách nhiệm. Hiện nay đang có hiện tượng Bộ Y tế đổ lỗi cho Bộ Công Thương, Bộ Công thương đổ lỗi cho Bộ Y tế, trên Trung ương thì đổi lỗi cho cấp tỉnh. Vậy cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm? Từ khi thành lập Hội bảo vệ người tiêu dùng, chưa bao giờ tôi thấy bảo vệ cho người tiêu dùng được gì cả. Nguyên nhân là Hội không có kinh phí, dẫn đến tình trạng họ có nhận thì cũng không làm được. Về Cục Quản lý cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng, thật ra người cũng không có, làm việc chỉ mức độ trên giấy. Còn Quản lý thị trường, họ nói là không quản lý về chuyên môn, nên họ không biết gì cả”.

Một thị trường có hàng trăm loại sữa, một niềm tin tưởng vào lời khuyên truyền miệng và một hệ thống bảo vệ người tiêu dùng còn nhiều bất cập… Trong “ma trận” ấy, người tiêu dùng đôi khi chỉ còn biết tin vào may rủi. 

Nhìn lại vụ bê bối sữa gây chấn động tại Trung Quốc

Vụ việc sữa nhiễm Melamine năm 2008 tại Trung Quốc là một trong những bê bối nghiêm trọng nhất, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng và làm rúng động dư luận toàn cầu. 

Sữa bột nhiễm Melamine do Tập đoàn Sanlu, một trong những tập đoàn sữa lớn nhất Trung Quốc sản xuất, đã gây sỏi thận và suy thận, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ sơ sinh. Thống kê cho thấy, sữa nhiễm Melamine khiến khoảng 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng; 53.000–54.000 trẻ bị bệnh; hơn 12.800 trẻ nhập viện và ít nhất 6 trẻ tử vong. 

Để tăng lợi nhuận, nhà cung cấp sữa đã pha trộn Melamine - một hóa chất công nghiệp dùng trong sản xuất nhựa và phân bón vào sữa bột. Melamine giàu nitrogen, tạo cảm giác sữa có hàm lượng protein cao hơn trong quá trình kiểm tra chất lượng. 

Vụ bê bối này đã làm sụp đổ lòng tin của người tiêu dùng, tạo ra mối lo ngại lớn về sự quản lý và kiểm tra chất lượng thực phẩm. Nhiều phụ huynh chuyển sang mua sữa ngoại, tạo cơ hội cho các thương hiệu quốc tế. Khi vụ việc bị phanh phui, Giám đốc Tập đoàn Sanlu bị tuyên án chung thân, hai người khác bị xử tử hình. Hơn 8.300 tấn sữa nhiễm độc bị thu hồi và 2.176 tấn sữa bột trong kho của công ty Sanlu đã bị tiêu hủy. 

Vụ việc đã dấy lên làn sóng tẩy chay sữa nội địa tại Trung Quốc trong một thời gian. Sau vụ Melamine, nước này đã ban hành Luật An toàn thực phẩm khắt khe, tăng hình phạt với gian lận sữa kể cả án tử hình.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Bộ Y tế yêu cầu kiểm tra rà soát toàn bộ các sản phẩm dinh dưỡng đang có tại các bệnh viện và khẳng định quan điểm xử lý nghiêm, không bao che với mọi sai phạm.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết qua quá trình rà soát các loại sữa đang được dùng tại đây phát hiện có sản phẩm sữa thuộc danh mục các sản phẩm sữa giả vừa bị phát hiện.

Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công, đem lại hy vọng sống cho một bé gái 21 tháng tuổi.

Hàng trăm nghìn người tiêu dùng vì hâm mộ, tin tưởng đã biến mình thành những nạn nhân mà không hề hay biết khi tin vào lời quảng cáo của những người nổi tiếng.

Tháng Tư được xem là thời điểm bùng phát nhiều loại dịch bệnh do thời tiết giao mùa, trong đó có dịch tay chân miệng.

Hiện nay mới là đầu mùa của dịch sốt xuất huyết nên người dân cần chủ động phòng chống tại gia đình và cộng đồng, không để dịch bệnh bùng phát.