Mua sữa theo người nổi tiếng
Người nổi tiếng nói gì cũng đúng?
Trong những lời quảng cáo về công dụng của sữa non điều trị tiểu đường DiaSure, có nghệ sĩ còn khẳng định: "Sản phẩm này hỗ trợ hạ và kiểm soát đường huyết rất tốt cho cả tiểu đường type 1, type 2, người mới mắc hay đã mắc lâu năm". Thậm chí nhiều quảng cáo sữa còn khẳng định rằng uống sữa tăng trưởng chiều cao cho trẻ em HIUP một tháng, con sẽ tăng từ 1 đến 2cm, uống ba tháng sẽ tăng từ 3 đến 5 cm.
Những người nổi tiếng đang nói những điều mà họ không nắm rõ, không hiểu tường tận, vượt quá bản chất của sản phẩm. Điều này gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người bệnh, đặc biệt với những ai đang trong giai đoạn biến chứng nặng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhận định: "Hiện nay đang có tình trạng các KOL nói rất nhiều về hiệu quả của sản phẩm. Điều đó các nhà sản xuất và cộng đồng nên hiểu rằng chúng ta đừng biến mình thành những người tiêu dùng dễ dãi. Chúng ta hiểu rằng đối với những người nổi tiếng và quảng cáo, chúng ta chỉ biết thêm về sản phẩm. Nhưng về chuyên môn, chúng ta không phải người định hướng cho chuyên môn với sản phẩm được".
Người tiêu dùng trước thông tin sữa giả
Thông tin cơ quan chức năng phát hiện gần 600 loại sữa giả, được phân phối bởi Công ty Rance Pharma và Hacofood Group, đã khiến không ít người tiêu dùng lo lắng. Đặc biệt là các bậc phụ huynh – những người đang từng ngày đặt niềm tin vào những lon sữa cho sức khỏe gia đình mình.
Tin vào những lời quảng cáo có cánh, thổi phồng công dụng của sữa như thần dược chữa bách bệnh từ những người nổi tiếng và được cam kết chắc nịch, đã không ít người tiêu dùng chi hàng chục triệu đồng để mua các sản phẩm này với hi vọng sẽ có tác dụng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Thế nhưng sau một thời gian sử dụng, hiệu quả không thấy đâu, lại có thông tin đó là những sản phẩm giả khiến họ vô cùng hoang mang.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hải (Thạch Thất) ngậm ngùi vì đã mua phải hàng giả từ lời quảng cáo từ những người nổi tiếng. Chị cho biết: "Thấy người ta quảng cáo tốt như vậy nên mới tin tưởng và mua chứ còn chỉ tên sản phẩm thì mình không thấy biết nhiều, vì chỉ biết cái sản phẩm là qua diễn viên nổi tiếng ấy. Mình biết họ thì mình mới biết đến sản phẩm, tin tưởng họ thì mình mới mua chứ nếu như không phải là họ mà quảng cáo bình thường thì không bao giờ mình mua sản phẩm".
Cùng chung cảnh ngộ, chị Vũ Thị Miền (Phúc Thọ) cũng là nạn nhân của chiêu trò bán sữa giả thời gian gần đây. "Sản phẩm sữa trên thị trường thì có rất nhiều, mình không thể nào dùng thử hết được xem loại nào tốt, loại nào không. Thành ra mình có tin tưởng vào những lời quảng cáo của những người nổi tiếng vì nghĩ người ta sẽ có độ uy tín. Nhưng rất thất vọng bởi thông tin sản phẩm họ không biết, không nắm được mà vẫn cứ quảng cáo tràn lan", chị Miền cho hay.
Chị Vũ Song Phượng (Hai Bà Trưng) sau khi nghe thông tin các cơ quan chức năng vừa bắt và thu giữ gần 600 loại sữa, đã lấy từng loại sữa mà gia đình đang sử dụng ra để kiểm tra. Thật may mắn vì những hộp sữa của gia đình chị không liên quan. Nhưng chị Phượng vẫn chưa thể yên tâm. Chị lo lắng nói: "Tôi lo lắng lắm vì gia đình dùng sữa thường xuyên để đảm bảo cho sức khỏe vì tôi thì mắc bệnh tiểu đường, chồng tôi thì mắc bệnh tim mạch. Giờ nghe thông tin như vậy thì rất hoang mang, không biết loại sữa mình đang uống có đảm bảo hay không".
Không chỉ có chị Phượng, mà rất nhiều người dân cũng đang hoang mang, lo lắng sau khi nghe thông tin Công an thu giữ gần 600 loại sữa giả. Vì với đa số người dân, sữa là thực phẩm thiết yếu, dùng để bồi bổ dưỡng chất cho người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Nghe thông tin tôi rất hoang mang, không biết bây giờ sẽ sử dụng loại sữa nào cho an toàn, để đảm bảo sức khỏe của bản thân cùng mọi người trong gia đình. Tôi mong các cơ quan chức năng phải làm rõ, giải thích rõ để người dân yên tâm".
Tác hại khi uống sữa kém chất lượng
Với gần 600 sản phẩm sữa giả được phát hiện, trong đó có những loại sữa được người dân sử dụng nhiều năm qua đặt ra câu hỏi lớn về tác hại của sữa giả với sức khỏe. Nếu tiêu thụ sữa giả hoặc sữa không đảm bảo về chất lượng an toàn thực phẩm, sẽ rất nguy hiểm cho người sử dụng.
Theo bác sĩ Bùi Quỳnh Trang, Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Đống Đa, việc các nhà sản xuất cho thêm các thành phần mà không công bố trên nhãn mác cũng rất nguy hiểm. Nếu nhẹ có thể gây dị ứng, đầy hơi, tiêu chảy cho người sử dụng hoặc nếu thêm các chất cấm thì sẽ gây ra một số bệnh như ung thư.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, sữa chỉ là thực phẩm bổ sung, không thể sử dụng thay thế thức ăn hay thuốc. Cần ăn đa dạng các loại thực phẩm để phòng chống thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ thay vì uống sữa và nghĩ rằng sẽ chữa được bệnh.
Cần hình phạt thích đáng
Trong những ngày qua, cư dân mạng đang "dậy sóng" khi hàng loạt loại sữa bị thu giữ và còn “phẫn nộ” hơn khi những quảng cáo sữa lan truyền trên mạng có sự xuất hiện của nhiều bác sĩ, người nổi tiếng.
Bà Đinh Huyền Nga (Hai Bà Trưng) bức xúc nói: "Tôi già rồi, chỉ ở nhà trông cháu và xem điện thoại. Thấy người nổi tiếng quảng cáo mà toàn những người được khán giả yêu quý nhiều nên rất yên tâm và mua dùng thôi. Nhưng không ngờ họ quảng cáo cả sữa giả. Mong các cơ quan chức năng có hình phạt thích ứng".
Việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật không chỉ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, mà còn có thể tiếp tay cho sản phẩm không đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường. Theo Nghị định 38 của Chính phủ, nếu quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, cá nhân thực hiện quảng cáo có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng. Đặc biệt, với sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như thực phẩm hay sữa, mức xử phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Nhưng những chế tài này chưa đủ mạnh, họ có thể nộp phạt rồi lại tiếp tục bán hàng.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty luật Thiên Thanh cho rằng: "Thường những chế tài này chưa đủ mạnh, vì mỗi phiên live của họ thu được cả chục tỷ, thì đóng tiền phạt là xong. Chúng ta cần có những chế tài mạnh hơn và phải có từng cấp độ".
Người nổi tiếng cần tỉnh táo khi nhận lời quảng cáo, đặc biệt với các sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Sức ảnh hưởng của họ rất lớn, nếu quảng cáo sai có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi hợp tác là điều cần thiết và có trách nhiệm.
"Người nổi tiếng khi tham gia ký kết hợp đồng cần tỉnh táo, cần có các chuyên gia về vấn đề họ quảng cáo, tư vấn và cố vấn trong các hợp đồng để tránh gặp phải những vấn đề rắc rối", luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết thêm.


Ca ghép gan đầu tiên từ người hiến chết não tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh đã thành công, đem lại hy vọng sống cho một bé gái 21 tháng tuổi.
Hàng trăm nghìn người tiêu dùng vì hâm mộ, tin tưởng đã biến mình thành những nạn nhân mà không hề hay biết khi tin vào lời quảng cáo của những người nổi tiếng.
Tháng Tư được xem là thời điểm bùng phát nhiều loại dịch bệnh do thời tiết giao mùa, trong đó có dịch tay chân miệng.
Hiện nay mới là đầu mùa của dịch sốt xuất huyết nên người dân cần chủ động phòng chống tại gia đình và cộng đồng, không để dịch bệnh bùng phát.
Sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thuộc danh mục các sản phẩm "sữa giả", do một trong các công ty mà Bộ Công an vừa triệt phá.
Liên quan đến vụ việc gần 600 loại sửa giả vừa bị lực lượng công an phát hiện thu giữ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết đã cấp giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho 71 sản phẩm là thực phẩm dinh dưỡng.
0