Kế hoạch tái thiết Gaza: Hy vọng hay thách thức?

Tương lai của Dải Gaza hậu xung đột đang trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm phán quốc tế khi Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập tại Cairo đã thông qua kế hoạch tái thiết trị giá 53 tỷ USD do Ai Cập đề xuất.

Kế hoạch này cam kết khôi phục Gaza mà không buộc người dân Palestine phải rời bỏ quê hương - một cách tiếp cận đối lập hoàn toàn với đề xuất trước đó của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, với tình trạng hạ tầng bị phá hủy nặng nề, sự hiện diện của Hamas và những mâu thuẫn chính trị giữa các bên liên quan, liệu kế hoạch này có khả thi hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tài liệu dài 112 trang của chính phủ Ai Cập mô tả chi tiết các hạng mục tái thiết, bao gồm nhà ở, công viên, trung tâm cộng đồng, cảng thương mại, trung tâm công nghệ, khách sạn ven biển và sân bay. Dự án sẽ được triển khai theo ba giai đoạn, bắt đầu bằng công tác dọn dẹp bom mìn và đống đổ nát, sau đó xây dựng khu nhà tạm bằng container cho khoảng 1,5 triệu người Palestine mất nhà cửa, trước khi tiến tới tái thiết toàn diện.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định kế hoạch này sẽ đảm bảo người Palestine ở lại trên đất của họ, thay vì bị cưỡng ép di dời như tầm nhìn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Ai Cập cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với Chính quyền Palestine và các tổ chức quốc tế để xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm tái thiết Gaza. Kế hoạch này không chỉ tập trung vào viện trợ khẩn cấp và phục hồi sớm mà còn hướng đến tái thiết toàn diện, đồng thời đảm bảo không có sự di dời cưỡng ép nào đối với người dân Palestine.”

Tuy nhiên, đề xuất của Ai Cập không nêu rõ vai trò của Hamas trong việc quản lý Dải Gaza hậu xung đột, chỉ đề cập đến ủy ban hành chính Palestine giữ vai trò điều hành tại vùng đất này. Bản kế hoạch cũng thừa nhận thách thức từ các nhóm vũ trang tại Gaza, song khẳng định vấn đề có thể được giải quyết thông qua tiến trình chính trị đáng tin cậy.

Hamas đã hoan nghênh ý tưởng của Ai Cập và kêu gọi thực hiện các biện pháp đảm bảo kế hoạch được triển khai thành công. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tuyên bố ủng hộ và sẵn sàng hợp tác với Liên đoàn Ả Rập để thúc đẩy kế hoạch này.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố kế hoạch của Ai Cập dựa trên quan điểm lỗi thời. Israel phản đối việc trao quyền quản lý Gaza cho chính quyền Palestine, đồng thời chỉ trích kế hoạch này vì không loại bỏ hoàn toàn Hamas. Phía Washington cũng tỏ thái độ không đồng tình, khẳng định Tổng thống Donald Trump vẫn ủng hộ một Dải Gaza “không có Hamas”.

Theo các nhà phân tích, dù kế hoạch của Ai Cập nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nước Ả Rập và Liên hợp quốc, tương lai của nó vẫn là một ẩn số. Liệu Hamas có chấp nhận chia sẻ quyền lực? Liệu Israel có sử dụng biện pháp quân sự để ngăn chặn? Và liệu Mỹ có áp đặt các biện pháp chính trị hoặc kinh tế để cản trở kế hoạch này?

Một Gaza được tái thiết nhưng vẫn chìm trong xung đột chính trị có thể không mang lại sự ổn định lâu dài. Nếu không có một thỏa thuận chính trị rõ ràng, hàng tỷ USD đổ vào khu vực này có thể chỉ là một giải pháp tạm thời, thay vì một hướng đi bền vững.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Sau 5 ngày có mặt tại Myanmar, Đội cứu hộ cứu nạn Công an Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và tình cảm đặc biệt cho người dân Myanmar.

Ông Yoon Suk Yeol đã gửi lời xin lỗi vì không đáp ứng được kỳ vọng của đất nước và người dân, chỉ vài giờ sau khi bị tuyên bãi chức Tổng thống Hàn Quốc.

Myanmar và Thái Lan vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm thêm những người sống sót sau trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3.

Sự hỗ trợ của các phương tiện, kỹ thuật đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc cứu hộ, cứu nạn sau động đất tại Myanmar của các cán bộ chiến sĩ Việt Nam.

Viên kim cương nặng 2,33 carat, có màu đỏ thẫm là một trong những loại đá quý hiếm nhất trên Trái đất, đã được bổ sung vào bộ sưu tập của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Mỹ.

Những kiệt tác hội họa mang tính biểu tượng như "Mona Lisa" của Leonardo da Vinci và “Tiếng thét” của Edvard Munch đã được chuyển đổi thành âm thanh, giúp người khiếm thị có cơ hội cảm nhận và đắm chìm trong nghệ thuật.