Hòa bình cho Dải Gaza: Viễn cảnh ngày càng xa vời
Mục tiêu trong chiến dịch quân sự mới của Israel
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu mới đây tuyên bố nước này sẽ triển khai một chiến dịch quân sự mở rộng tại Dải Gaza, với mục tiêu kiểm soát toàn diện khu vực này và buộc người dân Gaza phải di dời về phía Nam. Ông nhấn mạnh, quân đội Israel sẽ không thực hiện kiểu tấn công “đánh nhanh rút gọn”, mà thay vào đó sẽ giữ vững các khu vực chiếm đóng. Ông cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ vùng đệm an ninh dọc theo Gaza, bất kể thỏa thuận tạm thời hay lâu dài nào được thiết lập, nhằm bảo vệ các khu dân cư Israel và ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí cho Hamas.
“Nội các đã quyết định tăng cường hoạt động ở Gaza. Theo lời Tổng tham mưu trưởng, khuyến nghị của ông là tiến hành đánh bại Hamas. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta giải cứu các con tin, và tôi đồng ý với ông ấy. Chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực này và sẽ không bỏ rơi bất kỳ ai.”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu
Theo các nguồn tin, kế hoạch đã được thông qua trong cuộc họp đêm 4/5 với đa số ủng hộ, bao gồm "các cuộc tấn công mạnh mẽ vào Hamas", giữ quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ, và di chuyển dân số Gaza về phía Nam. Nội các Israel cũng thông qua "khả năng phân phối nhân đạo" ở Gaza, nơi đã không nhận được viện trợ từ ngày 2/3, song nhấn mạnh việc kiểm soát nguồn cung cấp và phá hủy khả năng quản lý của Hamas đối với các khoản viện trợ này.
Một quan chức an ninh cấp cao Israel cho biết bên cạnh mục tiêu đánh bại hoàn toàn Hamas, chiến dịch quân sự lần này còn nhằm giành lại toàn bộ con tin đang bị phong trào này giam giữ. Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Israel Miki Zohar tuyên bố mục tiêu cuộc tấn công mới của Israel chống lại Hamas là “chiếm đóng toàn bộ Dải Gaza”; cho rằng cuộc tấn công mới có thể khiến Hamas phải đàm phán một cách nghiêm túc. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich tuyên bố nước này không có ý định rút khỏi các vùng lãnh thổ đang chiếm giữ tại Gaza, ngay cả khi đạt được thỏa thuận thả con tin.
"Chúng ta đang chinh phục Gaza, dọn sạch nơi này và kiểm soát mọi khu vực chúng ta đi vào. Chúng ta đang kiểm soát viện trợ nhân đạo để nó không trở thành nguồn cung cấp hậu cần cho Hamas. Chúng ta sẽ đánh bại và khuất phục kẻ thù và đưa các con tin trở về. Đây là cách duy nhất."
Ông Bezalel Smotrich, Bộ trưởng Tài chính Israel
Đối với ông Netanyahu, điều đó đồng nghĩa với sự ổn định chính trị, loại bỏ các lời đe dọa rút khỏi chính phủ của ông Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben Gvir, những người có thể gây ra cuộc tổng tuyển cử sớm, qua đó giúp ông tiếp tục giữ chiếc ghế Thủ tướng.
Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông đi ngược lại ý nguyện của phần lớn người dân Israel, 56% theo khảo sát của đài Kan 11 và 69% theo kênh Channel 12, ủng hộ một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh để đổi lấy việc trả tự do cho tất cả các con tin còn lại.
Phía Hamas nhiều lần tuyên bố sẵn sàng hướng tới một thỏa thuận tổng thể như vậy, với hy vọng duy trì vai trò lãnh đạo tại Gaza, nhưng chính phủ Israel đã từ chối bất kỳ thỏa thuận nào dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh trong khi Hamas vẫn còn vũ trang và kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Đối với gia đình các con tin, quyết định của ông Netanyahu là một cú sốc lớn, khiến họ lo sợ không chỉ việc đoàn tụ sẽ bị trì hoãn, mà còn đẩy người thân của họ vào vòng nguy hiểm.
Một nguồn tin Chính phủ Israel nói với tờ Times of Israel Sunday rằng nước này không hy vọng Hamas sẽ chấp nhận đề xuất về một thỏa thuận ngừng bắn thả con tin mà không tăng cường đáng kể áp lực quân sự. Nguồn tin cho biết Thủ tướng Netanyahu đang tập trung nhiều hơn vào mục tiêu loại các tay súng Hamas khỏi vòng chiến đấu và ít tập trung hơn vào mục tiêu thả con tin, như một phần của chiến dịch gây áp lực đó.
Ngay cả khi ông Netanyahu thể hiện rõ việc ưu tiên tiêu diệt Hamas hơn là giải cứu con tin, năng lực của quân đội Israel trong việc đạt được mục tiêu này vẫn là một dấu hỏi lớn. Các yếu tố giúp Hamas trụ vững tại Gaza sau gần 19 tháng chiến tranh vẫn còn tồn tại, và nhiều nhà phân tích an ninh quốc gia Israel nghi ngờ rằng việc tăng quân số lên hàng chục nghìn người có thể làm thay đổi cục diện xung đột. Việc đưa lực lượng vào chiếm đóng các khu vực rộng lớn của Gaza có thể khiến thương vong của quân đội Israel tăng cao và đẩy họ vào một cuộc chiến tranh du kích kéo dài nhiều năm.
Cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ tại Gaza
Với người dân Gaza, quyết định của ông Netanyahu mở ra nguy cơ thảm họa vượt xa cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng tại vùng lãnh thổ đang bị bao vây này. Cuộc tấn công mở rộng của Israel chắc chắn sẽ dẫn đến thêm các đợt di cư cưỡng bức quy mô lớn, thêm nhiều thương vong và tàn phá, khiến cho thảm họa nhân đạo tại Gaza càng thêm trầm trọng.
Người phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ lo ngại trước kế hoạch của Israel mở rộng hoạt động quân sự ở Dải Gaza và tiếp tục chặn viện trợ vào vùng lãnh thổ này của người Palestine. Tổng thư ký Guterres tiếp tục kêu gọi ngay lập tức ngừng bắn vĩnh viễn và thả con tin vô điều kiện.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) tại Gaza ngày 5/5 cảnh báo kế hoạch viện trợ mới của Israel vi phạm các nguyên tắc nhân đạo và đe dọa an toàn của dân thường. OCHA cho biết tình hình nhân đạo tại Dải Gaza đang ngày càng xấu đi khi lệnh phong tỏa viện trợ của Israel bước sang tuần thứ chín. Trong khuôn khổ chiến dịch quân sự mới, Israel dự kiến triển khai một kế hoạch phân phối viện trợ mới, theo đó hàng viện trợ – vốn trước đây do các tổ chức cứu trợ quốc tế và Liên Hợp Quốc phụ trách – sẽ được giao cho các công ty tư nhân để phân phát tại khu vực phía nam Rafah, ngay khi chiến dịch bắt đầu. Liên Hợp Quốc chỉ trích các trung tâm viện trợ do Israel thiết lập vi phạm các nguyên tắc về tính trung lập, không thiên vị và độc lập trong hoạt động nhân đạo, đồng thời có thể khiến nhân viên cứu trợ lâm vào nguy hiểm.
“Chúng tôi không chấp nhận một đề xuất và một kế hoạch không tuân thủ các nguyên tắc nhân đạo cơ bản cốt lõi về tính công bằng, trung lập và phân phối viện trợ độc lập. Kế hoạch mới của Israel sẽ kiểm soát và hạn chế nguồn cung cấp viện trợ hơn nữa. Có vẻ như đây là một nỗ lực cố ý biến viện trợ thành vũ khí. Và chúng tôi đã cảnh báo về điều đó trong một thời gian rất dài, rằng viện trợ nên được cung cấp dựa trên nhu cầu nhân đạo cho bất kỳ ai cần nó.”
Ông Jens Laerke, Người phát ngôn của Ocha
Cũng theo OCHA, nạn cướp bóc đã trở thành hiện thực hằng ngày, đặc biệt là ở trong và xung quanh thành phố Gaza. Song song với đó là thực trạng cạn kiệt nguồn cung cấp và các doanh nghiệp đang trở thành các mục tiêu tiếp theo bị ảnh hưởng của nạn cướp bóc.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva, bà Olga Cherevko, cán bộ của OCHA tại Gaza cho biết tình trạng bạo lực trong cộng đồng do tranh giành hàng viện trợ đang leo thang.
“Nguồn cung cấp viện trợ đang cạn kiệt trong khi chiến tranh vẫn tiếp diễn. Dòng chảy lương thực chính đã trở nên bất khả thi. Nước đã trở nên không thể tiếp cận được. Trên thực tế, khi tôi đang nói chuyện với các bạn, ngay bên dưới, tầng dưới của tòa nhà này, mọi người đang tranh giành nước.”
Bà Olga Cherevko, Người phát ngôn OCHA tại Gaza
Từ ngày 2/3, Israel đã cắt đứt hoàn toàn nguồn cung cấp hàng hóa cho 2,3 triệu cư dân Gaza. Lượng lương thực từng được dự trữ trong thời gian ngừng bắn đầu năm nay cũng gần như cạn kiệt. Đây là đợt phong tỏa dài nhất mà Gaza từng phải đối mặt. Bất chấp lời kêu gọi quốc tế về việc chấm dứt chiến sự và cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo, Israel vẫn tiếp tục các đợt không kích và siết chặt phong tỏa, ngăn chặn lương thực, nước sạch và thuốc men tiếp cận Gaza.
“Mối đe dọa lớn nhất hiện nay là hệ thống bếp ăn cộng đồng – nơi cung cấp một bữa cơm duy nhất mỗi ngày, tương đương 1/4 nhu cầu tối thiểu của người dân – sắp phải dừng hoạt động. Khi điều đó xảy ra trong vài ngày tới, chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn khó khăn và tồi tệ nhất trong lịch sử Gaza. Nếu các cửa khẩu vẫn tiếp tục đóng, cộng đồng quốc tế không vào cuộc, thì những gì diễn ra tại Gaza sẽ là thảm kịch nhân đạo quy mô lớn, với số lượng nạn nhân lên tới hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người – đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi không có thức ăn hay thuốc men.”
Ông Amjad Shawa, Giám đốc mạng lưới các tổ chức phi Chính phủ Palestine tại Gaza
Giữa lúc khủng hoảng lương thực leo thang, hàng trăm nghìn trẻ em và người già đang vật lộn từng ngày để sống sót. Trước tình trạng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng, các tổ chức cứu trợ quốc tế tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương can thiệp, chấm dứt chiến sự và cho phép viện trợ được đưa vào Gaza để cứu sống hàng trăm nghìn người đang đối mặt với nạn đói.
Ông Trump không còn mặn mà với vấn đề Gaza?
Hy vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt chiến tranh tại Dải Gaza đang dần tiêu tan khi Israel đang chuẩn bị chiến dịch quân sự quy mô mới nhằm vào khu vực này, bất chấp những cam kết hòa bình trước đó của ông Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Giới phân tích cho rằng đây có thể là đòn giáng cuối cùng nhằm triệt hạ Hamas, nhưng cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi hy vọng còn lại về hòa bình.
Ông Trump từng tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao nhằm giải cứu con tin và khôi phục lệnh ngừng bắn hiện được cho là đã giảm sự quan tâm tới cuộc xung đột, tạo điều kiện để ông Netanyahu tự do hành động. Chuyên gia Ilan Goldenberg, cựu quan chức Trung Đông phục vụ dưới thời chính quyền các cựu Tổng thống Barack Obama và Joe Biden nhận định ngay khi lệnh ngừng bắn sụp đổ, ông Trump gần như bật đèn xanh cho các hành động của Israel.
“Ngay từ đầu nhiệm kỳ, những lời hứa của ông Trump đều xoay quanh Gaza. Nhưng một khi lệnh ngừng bắn sụp đổ, ông Trump dường như đã sao nhãng khỏi những lời hứa ban đầu.”
Chuyên gia Ilan Goldenberg
Tuy vậy, giới phân tích cũng cho rằng ông Trump có thể không phản đối việc Israel sử dụng vũ lực mạnh tay, nhất là khi ông từng tuyên bố Hamas sẽ “hứng chịu địa ngục” nếu không thả con tin còn lại. Trong khi Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden trước đây cố gắng kiềm chế Israel để giảm thương vong dân sự, ông Trump lại được cho là ít gây áp lực hơn về các vấn đề nhân đạo như viện trợ lương thực hay kiểm soát hoạt động quân sự.
Ông Michael Makovsky, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Viện An ninh Quốc gia Do Thái tại Mỹ, cũng nhận định ông Trump hiện ít quan tâm đến vấn đề Gaza hơn chính quyền trước.
Ngày 6/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch dừng chân tại Israel trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông dự kiến diễn ra vào tuần tới. Theo lịch trình, ông Trump sẽ khởi hành tới Ả Rập Xê Út, sau đó tiếp tục các chặng dừng tại Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông dự kiến trở về Mỹ vào ngày 16/5. Trước đó cùng ngày, trang tin Axios đưa tin rằng Đại sứ Israel tại Mỹ, ông Yechiel Leiter, đã đề xuất với Nhà Trắng rằng Tổng thống Trump nên thêm một chặng dừng ngắn tại Israel trong chuyến công du sắp tới. Tuy nhiên, đề xuất này không được chấp thuận.
Ông Trump từng bày tỏ quan ngại đối với người dân Gaza và ngày 5/5, ông nói sẽ giúp người dân Gaza có được chút lương thực giữa lúc bị Israel phong tỏa. Dù vậy, sự chú ý của ông với cuộc xung đột này rất thất thường.
Theo Axios, nếu không đạt được thỏa thuận với Hamas vào thời điểm ông Trump kết thúc chuyến công du, Israel sẽ khởi động một chiến dịch trên bộ mới ở Gaza. Ông Makovsky, người đã tham dự các cuộc họp với quan chức cấp cao Israel gần đây, xác nhận điều này trùng khớp với thông tin mà ông nắm được. Cũng có thể, trọng tâm trong chuyến công du Trung Đông của ông Trump hiện đã chuyển sang mối quan ngại lớn hơn đó là Iran.
Trước đây, đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, ông Steve Witkoff, từng tập trung nhiều vào đàm phán Israel-Hamas nhưng hiện nay lại dành phần lớn thời gian cho hồ sơ Iran và cả xung đột Ukraine, cho thấy chính quyền Trump đang dần chuyển hướng ưu tiên chiến lược.
Trong khi đó, chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Ngoại trưởng Marco Rubio đã can dự vào tình hình ở Gaza. Ông Rubio đến nay vẫn chưa đến thăm Israel.
Trong những ngày qua, các cuộc biểu tình đã nổ ra trên khắp Israel, kêu gọi chấm dứt chiến tranh. Các nhóm biểu tình phản đối chiến dịch quân sự cho rằng cuộc chiến này không cần thiết và chỉ mang lại đau thương cho cả hai bên. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, kế hoạch mở rộng tấn công quân sự vào dải Gaza của Israel có khả năng sẽ tiếp tục thổi bùng ngọn lửa xung đột, khiến tình hình tại Gaza leo thang phức tạp.


Thủ tướng Netanyahu cho biết chiến dịch sắp tới tại Gaza sẽ là một “chiến dịch quân sự cường độ cao”. Chiến dịch này đã được nội các an ninh thông qua sau khi Israel huy động hàng chục nghìn quân dự bị để chuẩn bị cho cuộc tấn công trên diện rộng, đồng thời khiến cho viễn cảnh hoà bình tại Dải Gaza ngày càng xa vời.
Lệnh ngừng bắn kéo dài 72 giờ do Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất đã chính thức có hiệu lực từ nửa đêm ngày 8/5 theo giờ Moscow (tức 4 giờ sáng nay, giờ Việt Nam).
Triều Tiên đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngoài khơi biển Nhật Bản vào sáng 8/5. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều ghi nhận vụ phóng thử tên lửa đạn đạo này của Triều Tiên, với quỹ đạo bay của tên lửa được đánh giá là bất thường.
New Delhi đã phải cho đóng cửa 21 sân bay trên khắp miền Bắc và Tây Bắc để đảm bảo an toàn, đồng thời đặt các bang biên giới với Pakistan trong tình trạng báo động đỏ, sau khi Pakistan đe dọa đáp trả chiến dịch quân sự mới đây của Ấn Độ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin tại điện Kemlin, nhân dịp tham dự các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày chiến thắng ngày 8/5.
Ngày 24/6/1945, Quảng trường Đỏ ở Moscow trở thành tâm điểm của thế giới khi Hồng quân Liên Xô tổ chức Lễ duyệt binh Chiến thắng đầu tiên, đánh dấu sự sụp đổ của phát xít Đức và vinh danh cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941-1945). Đây không chỉ là một sự kiện quân sự mà còn là biểu tượng vĩ đại của Hồng quân Liên Xô, của lòng quả cảm, sự hy sinh và niềm tự hào dân tộc.
0