Elon Musk cắt giảm vai trò trong Chính phủ Mỹ

Elon Musk, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump lựa chọn là người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) cho biết sẽ cắt giảm vai trò của mình trong Chính Phủ. Tuyên bố này được CEO Elon Musk đưa ra trong bối cảnh Tesla, hãng xe điện do ông điều hành, đang vật lộn với doanh số bán hàng sụt giảm nghiêm trọng.

Elon Musk đối mặt khó khăn chồng chất

Trong cuộc họp báo cáo tài chính của công ty Tesla, Tỷ phú Elon Musk cho biết bắt đầu từ tháng 5, ông sẽ giảm đáng kể thời gian làm việc cho Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), chỉ còn một hoặc hai ngày mỗi tuần.

Ông Musk giải thích lý do cho quyết định này là "Phần lớn công việc cần thiết để thành lập nhóm DOGE và làm việc với chính phủ để ổn định tình hình tài chính gần như đã hoàn tất".

Tuy nhiên, ông Musk cho biết ông vẫn dự định dành khoảng 40% thời gian của mình cho DOGE, cho rằng điều đó là cần thiết để cắt giảm lãng phí và gian lận và miễn là Tổng thống Trump muốn ông làm như vậy. Ông đã xác nhận quyết định này trong bài đăng trên X.

“Không phải từ chức, chỉ là giảm thời gian phân bổ khi Bộ Hiệu quả chính phủ đã được thành lập”.

Tỷ phú Elon Musk

Một lý do khác cho việc ông Musk “giãn” ra khỏi Bộ hiệu quả chính phủ được cho là để quay trở lại điều hành công ty Tesla của ông, trong bối cảnh có mối lo ngại gần đây rằng ông dành quá ít thời gian để quản lý Tesla, khiến doanh số bán hàng của hãng này lao dốc không phanh. Kết quả kinh doanh quý I của Tesla đạt 409 triệu đô la Mỹ, giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Doanh số bán hàng toàn cầu của hãng đã giảm gần 13% trong quý một năm nay, mức tồi tệ nhất kể từ năm 2022.

Ngoài tình trạng sụt giảm doanh số, cuộc chiến thương mại đang leo thang cũng khiến triển vọng của Tesla trong thời gian còn lại của năm trở nên mờ mịt.  Trước đó, ông Musk đã đăng trên mạng xã hội rằng mức thuế mới áp dụng sẽ ảnh hưởng đến xe điện của Tesla được sản xuất tại Mỹ.

Rắc rối còn bủa vây Tesla khi nhiều đại lý, trạm sạc và xe của hãng bị tấn công do những tranh cãi liên quan đến Elon Musk. Việc ông Musk thể hiện sự ủng hộ đối với các đảng cực hữu tại châu Âu đã làm dấy lên làn sóng phản đối ông và các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại Mỹ, nỗ lực cắt giảm ngân sách liên bang và chấm dứt các chương trình nhân đạo của Elon Musk khiến nhóm người dùng Tesla, phần lớn là những người theo chủ nghĩa tự do, khó chịu. Nhiều người biểu tình phản đối ông Musk và kêu gọi đóng cửa Bộ Hiệu quả Chính phủ.

“Các cổ đông, bao gồm cả tôi, muốn thấy ông ấy quay lại và thoát khỏi Chính phủ. Ông ấy đã đánh mất khoảng một nửa số người mua ô tô tiềm năng, và đó không phải là điều chúng ta muốn. Số xe bán ra ở châu Âu còn thấp hơn ở Mỹ. Vì vậy, ông ấy cần phải thay đổi. Khuyến nghị của chúng tôi là ông ấy làm đồng giám đốc điều hành hoặc quay lại. Hãy quay lại với các cổ đông và hoàn thành công việc ở đây.”

Ông Ken Mahoney -  Chủ tịch và CEO Mahoney Asset Management

Ông Musk đã phải thừa nhận việc ông tham gia vào Chính phủ khiến các công ty của ông gặp bất lợi. Ông cũng cho rằng ông đã dành quá nhiều thời gian cho DOGE mà ít chú tâm vào Tesla.

"Thực ra, việc tôi làm trong Chính phủ là bất lợi. Không phải là có lợi. Nếu tôi không làm trong Chính phủ, tôi đã có thể vận động hành lang và thúc đẩy những điều có lợi cho công ty của tôi. Các công ty của tôi đang gặp khó khăn vì tôi làm trong Chính phủ."

Tỷ phú Elon Musk

Sự tham gia sâu rộng của ông Musk vào chính quyền Trump không chỉ khiến Tesla rơi vào khủng hoảng mà cả một công ty khác của ông, SpaceX, cũng rơi vào khủng hoảng. Hệ thống dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX đang bị tẩy chay ở châu Âu do những vấn đề tiềm ẩn về an ninh. Các nước EU đang xây dựng một hệ thống internet vệ tinh có tên là Eutelsat để thay thế dịch vụ Starlink. Đây là một đòn giáng nữa vào Elon Musk bên cạnh cuộc khủng hoảng của Tesla. Các nhà phân tích cho rằng, nhiều cuộc khủng hoảng mà ông Musk đang phải đối mặt là một trong những lý do khiến ông muốn giảm vai trò tại DOGE.

Nhiệm vụ của Elon Musk đã hoàn thành?

Tổng thống Trump thành lập Bộ Hiệu quả Chính phủ nhằm thực hiện lời hứa định hình lại nền chính trị Mỹ mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, việc ông Trump đề bạt ông Musk, một người ủng hộ trung thành của mình, làm người dẫn dắt Cơ quan này, đã gây ra những lo ngại về xung đột lợi ích khi ông Musk là chủ sở hữu nhiều công ty như Tesla, Space X,.. Mặc dù vậy, ông Trump luôn tin tưởng rằng ông Musk là lựa chọn phù hợp để giúp thực hiện nhiệm vụ cải cách bộ máy Liên bang, cắt giảm chi tiêu chính phủ với phương pháp tiếp cận của một doanh nhân. Vậy sau hơn 2 tháng, bộ Hiệu quả chính phủ dưới sự dẫn dắt của ông Musk có đạt được kết quả như kỳ vọng?

Bộ Hiệu quả Chính phủ Mỹ có hơn 100 nhân viên và mục tiêu của cơ quan này là xem xét và xóa bỏ các chương trình không cần thiết của chính phủ và thúc đẩy việc sa thải nhân viên liên bang, để cắt giảm chi tiêu. Theo dữ liệu từ trang web chính thức, các hoạt động cải cách của Bộ Hiệu quả của chính phủ cho đến nay đã đạt được một số kết quả nhất định.

Trong số khoảng 2,3 triệu nhân viên Chính phủ liên bang, hàng chục nghìn người đã bị sa thải và hơn 100.000 người dự kiến sẽ bị sa thải; một số cơ quan chính phủ, bao gồm Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng và Bộ Giáo dục, Bộ y tế đã bị đóng cửa hoặc thu hẹp đáng kể; một số khoản tài trợ, dự án cho vay và hợp đồng dư thừa được quốc hội phê duyệt (chủ yếu là chương trình nghị sự của đảng Dân chủ) đã bị đóng băng; và tiết kiệm chi tiêu của chính phủ đã đạt tới 130 tỷ đô la.

Đồng thời, Bộ Hiệu quả Chính phủ đang thực hiện dự án mang tính biểu tượng nhưng gây tranh cãi là số hóa toàn bộ hồ sơ lương hưu của Pennsylvania và hệ thống bảng lương cho hơn 270.000 công chức liên bang. Bộ Hiệu quả Chính phủ tuyên bố rằng những cải cách này đã tiết kiệm được hơn 100 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa được kiểm toán độc lập.

"Mục tiêu của chúng tôi là giảm thâm hụt 1 nghìn tỷ đô la, nghĩa là, từ mức thâm hụt danh nghĩa 2 nghìn tỷ, cố gắng cắt giảm xuống còn một nửa, hoặc xem xét nó trong tổng chi tiêu liên bang để giảm chi tiêu liên bang từ 7 nghìn tỷ xuống còn 6 nghìn tỷ."

Tỷ phú Elon Musk

Ông Musk cho biết ông sẽ hoàn thành nhiệm vụ cắt giảm 1 nghìn tỷ đô la này trước khi ông rời nhiệm sở. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này nghĩa là chính phủ cần phải cắt giảm 14,5 tỷ đô la mỗi ngày trong tương lai. Đây là mục tiêu rất khó thực hiện.

Trên thực tế, vấn đề thâm hụt ngân sách đã gây khó khăn cho Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ngay cả đối với những người có đầu óc kinh doanh như Tổng thống Trump và ông Musk, việc cắt giảm thâm hụt ngân sách theo tư duy quản lý doanh nghiệp trong một thời gian ngắn có lẽ là một tham vọng quá lớn.

Vai trò gây tranh cãi của Elon Musk trong chính quyền Trump

Các chuyên gia chỉ ra rằng mặc dù cách tiếp cận cứng rắn và nhanh chóng của ông Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ đem đến hiệu quả nhất định, nhưng nó cũng tiềm ẩn rủi ro vì "các cơ chế giám sát truyền thống bị bỏ qua một cách có hệ thống".

Những lời chỉ trích trong Đảng Cộng hòa đối với ông Musk ngày càng gia tăng trong những ngày gần đây. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và cựu cố vấn tổng thống Steve Bannon được cho là đã có cuộc tranh cãi gay gắt với ông Musk về vấn đề sa thải nhân viên Chính phủ. Trong khi đó, chiến dịch cắt giảm chi phí khiến Bộ Hiệu quả Chính phủ vấp phải sự phản đối của các nhân viên lâu năm.

Nhiều bộ phận hành chính, một nhóm đại biểu quốc hội và các nhóm xã hội đã chỉ trích hành động thu hẹp các cơ quan của ông Musk làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công. Tổng chưởng lý ở hơn chục tiểu bang đã đệ đơn kiện ông Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ, cáo buộc họ vượt quá thẩm quyền, thiếu minh bạch và vi phạm luật riêng tư.

Tỷ lệ ủng hộ ông Musk trong các cuộc thăm dò gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất. Theo một cuộc thăm dò gần đây, hơn 53,5% người Mỹ hiện có quan điểm tiêu cực về ông, trong khi chỉ có 39,6% có quan điểm tích cực. Theo cuộc thăm dò gần đây của Đại học Quinnipiac, hơn một nửa số người được hỏi cho rằng các chính sách của Elon Musk và Bộ Hiệu quả Chính phủ đang gây tổn hại đến lợi ích quốc gia.

Elon Musk có rút lui hoàn toàn khỏi DOGE?

Nhà Trắng tuyên bố rằng mặc dù có liên quan sâu sắc với Tổng thống Trump và Bộ Hiệu quả Chính phủ, nhưng tỷ phú Elon Musk thực sự không phải là người đứng đầu chính thức của Bộ này. Vai trò của ông Musk tại Bộ này đã bị giới hạn ngay từ đầu và sẽ kết thúc vào cuối tháng 5. Và với những áp lực chồng chất trong thời gian gần đây, có nhiều suy đoán ông Musk sẽ sớm rút lui khỏi Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Theo luật pháp Mỹ, Elon Musk được chỉ định là “nhân viên chính phủ đặc biệt” và chỉ được phép làm việc chính thức cho chính phủ trong 130 ngày (khoảng hơn bốn tháng). Giai đoạn này sẽ kết thúc vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Phó tổng thống JD Vance cho biết chính phủ cần ông Musk thực hiện nhiệm vụ tinh giản các cơ quan chính phủ và cải thiện hiệu quả làm việc. Nhiệm vụ sẽ kéo dài khoảng sáu tháng. Thời gian này ông Musk chỉ làm việc "không lương" hoặc "không có chức danh".

"Đây chính là điều ông Elon Musk đã đồng ý làm. Tất nhiên, ông ấy sẽ tiếp tục là cố vấn. Công việc của Bộ Hiệu quả Chính phủ còn lâu mới xong. Công việc của Elon Musk cũng còn lâu mới xong.”

Phó Tổng thống JD Vance

Nói về khả năng ông Musk rút khỏi chính phủ, Tổng thống Trump cho biết: "Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Elon Musk rời đi. Một ngày nào đó, ông ấy sẽ muốn quay trở lại công ty của mình. Tôi sẽ giữ ông ấy cho đến khi không thể giữ được nữa".

Tuy nhiên, Tổng thống Trump cũng nhiều lần nói rằng "Bộ Hiệu quả Chính phủ" sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi không có ông Musk. Ông Trump lưu ý rằng chính các cơ quan liên bang mới là những người chịu trách nhiệm về khoản tiết kiệm cho ngân sách chính phủ chứ không phải ông Musk. Theo lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký vào ngày đầu tiên nhậm chức, Bộ Hiệu quả Chính phủ sẽ hoạt động trong 18 tháng, và sẽ dừng hoạt động vào tháng 7/2026.

Sau khi có những thông tin về việc ông Musk có thể sớm từ chức khỏi Bộ Hiệu quả Chính phủ, nhiều người đã nhắc tới ứng cử viên tiềm năng thay thế cho ông Musk. Bloomberg dẫn lời một quan chức Chính phủ giấu tên cho biết Russell Watt, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng, đã sẵn sàng tiếp quản công việc còn dang dở của ông Musk.

Ông Musk vẫn chưa phản hồi những thông tin này. Tuy nhiên, trước đó, ông Musk đã phản hồi những tuyên bố tương tự trên mạng xã hội vào ngày 2/4, nói rằng các thông tin cho biết ông sẽ sớm từ chức khỏi Bộ Hiệu quả của Chính phủ Mỹ là "tin giả".

Là một nhà cải cách mang tính đột phá, Tỷ phú Elon Musk đã để lại dấu ấn sâu sắc trên chính trường Mỹ chỉ trong vài tháng qua. Ông đã làm rung chuyển các thể chế cốt lõi của quốc gia và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị tại Mỹ. Tuy nhiên, sự ủng hộ của ông đối với Tổng thống Trump và vai trò đặc biệt của ông tại Bộ Hiệu quả Chính phủ cũng đã khiến các công việc kinh doanh của ông phải trả giá. Giờ đây dù ông có dành thời gian nhiều hơn cho Tesla thì những thiệt hại mà công ty này phải chịu là không nhỏ. Để cứu vãn và khôi phục như trước đây, có lẽ sẽ phải mất không ít thời gian và tâm sức.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết
user image
user image
User
Ý KIẾN

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/4 tuyên bố, quân đội nước này đã đánh bật quân đội Ukraine và giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới Kursk.

Nga xác nhận đã đánh bật lực lượng quân đội Ukraine khỏi Kursk – nơi mà Kiev đã chiếm đóng trong gần 9 tháng qua, và tuyên bố giải phóng hoàn toàn khu vực này.

Một thẩm phán ở bang Wisconsin của Mỹ đã bị bắt với cáo buộc che giấu, ngăn cản các đặc vụ khống chế người nhập cư bất hợp pháp.

Một tàu khu trục 5.000 tấn sẽ được bàn giao cho hải quân Triều Tiên và đi vào hoạt động từ đầu năm 2026.

Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine cáo buộc Israel đang gây ra nạn đói trên diện rộng ở dải đất này.

Lễ tang của Giáo hoàng Francis diễn ra tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican vào lúc 10h sáng 26/4 (giờ địa phương).