Ukraine thay đổi cách tiếp cận về hồi hương tử sĩ?
Nga vừa trao trả 1.000 thi thể binh sĩ cho Ukraine và nhận lại 19 thi thể binh sĩ nước mình, cho thấy bước đi nhân đạo nhưng cũng mang đậm tính chiến lược trong cuộc xung đột với Nga.

Ngày 17/7, chính quyền Nga thông báo đã trao trả cho Ukraine 1.000 thi thể binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Ukraine. Cùng ngày, Ukraine xác nhận đã tiếp nhận số thi thể này và gửi lời cảm ơn đến Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế vì vai trò hỗ trợ trung gian. Trong đợt trao đổi này, phía Nga cũng nhận lại 19 thi thể binh sĩ nước mình.
Theo công bố từ phía Nga, cuộc trao đổi nằm trong khuôn khổ các thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán hòa bình thứ hai ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6. Tuy nhiên, để đến được lần trao đổi này, cả hai bên đã trải qua hàng tuần căng thẳng và nghi kị, cho thấy đây không đơn thuần là hành động hồi hương nhân đạo, mà có thể còn là công cụ mặc cả và áp lực trong chiến tranh thông tin và tâm lý.

Trước đó, vào ngày 16/6, Nga và Ukraine từng hoàn tất một thỏa thuận lớn, theo đó Ukraine nhận tổng cộng hơn 6.000 thi thể binh sĩ tử trận do Nga chuyển giao. Đổi lại, Nga nhận lại 79 thi thể binh sĩ từ phía Ukraine. Điểm đáng chú ý trong đợt trao đổi tháng 6 là những tranh cãi về thời gian tiếp nhận.
Theo ông Vladimir Medinsky - Trưởng đoàn đàm phán Nga, Moscow đã chuẩn bị đầy đủ hậu cần, từ danh sách nhận diện đến xe tải đông lạnh và đoàn tàu chuyên dụng để thực hiện bàn giao thi thể. Tuy nhiên, theo phía Nga, Ukraine đã đột ngột hoãn tiếp nhận thi thể vào giờ chót, không cử đại diện tới địa điểm trao đổi và không phản hồi các kênh liên lạc khẩn cấp. Ở chiều ngược lại, Ukraine lại cho rằng các cuộc trao đổi thi thể và trao đổi tù binh là hai quá trình độc lập, chưa thống nhất được lịch cụ thể và tố Nga đang "áp đặt điều kiện đơn phương" để thao túng truyền thông.
Mặc dù sau đó việc tiếp nhận đã được tiến hành, sự trì hoãn ban đầu đặt ra nhiều nghi vấn. Một số nhà phân tích, trong đó có chuyên gia Igor Korotchenko và Alexander Merkuris, nhận định Kiev lo ngại rằng việc chấp nhận số lượng lớn thi thể tử sĩ sẽ làm lộ mức độ thương vong thực sự, điều có thể gây khủng hoảng chính trị trong nước.
Bên cạnh đó, còn một yếu tố nhạy cảm hơn: gánh nặng tài chính. Theo luật pháp Ukraine, mỗi gia đình binh sĩ tử trận được nhận khoảng 15 triệu hryvnia (khoảng 362.000 USD). Với 6.000 trường hợp, con số bồi thường sẽ lên tới khoảng 2,1 tỷ USD, tương đương 10% ngân sách quốc phòng Ukraine năm 2025. Việc này có thể tạo áp lực khổng lồ lên hệ thống tài chính quốc gia vốn đang gặp khó khăn và dựa nhiều vào viện trợ phương Tây.
Cuối tháng 6, Nga tuyên bố sẵn sàng chuyển giao cho Ukraine thêm 3.000 thi thể binh sĩ Ukraine tử trận, bên cạnh 6.000 thi thể đã được chuyển giao trước đó. Tính đến thời điểm hiện tại, ba đợt hồi hương thi thể đã được tiến hành trong tháng 6 và đợt mới nhất đánh dấu bước tiến lớn trong thực hiện thỏa thuận.
Khác với lần trì hoãn trước, lần này Ukraine dường như tiếp nhận một cách nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ hơn. Giới quan sát cho rằng sự thay đổi này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Sau hơn ba năm chiến sự, áp lực từ các gia đình có người thân mất tích ngày càng lớn. Nhiều tổ chức dân sự Ukraine đã công khai chỉ trích việc chính quyền trì hoãn nhận thi thể, gọi đó là “vô nhân đạo”.
Đợt trao đổi tù binh trẻ tuổi hồi đầu tháng 6 cũng cho thấy sự kỳ vọng lớn từ công chúng. Hình ảnh người dân tập trung gần biên giới để chờ đợi người thân trở về đã khiến chính phủ khó có thể tiếp tục trì hoãn các nỗ lực hồi hương tử sĩ.
Giới chức Ukraine có thể đang thay đổi chiến lược truyền thông: thay vì né tránh thương vong, họ chọn cách chủ động nhận diện, vinh danh và huy động tinh thần xã hội, giống như cách Nga vẫn công khai tổ chức tang lễ tập thể và xây nghĩa trang liệt sĩ.
Việc Ukraine thông báo rõ quy trình giám định pháp y có thể là cách để kiểm soát dư luận, hướng tới hình ảnh một nhà nước “không bỏ lại ai phía sau”.
Dẫu vậy, đằng sau những nỗ lực mang tính nhân đạo này là một thực tế phức tạp hơn: trong bối cảnh xung đột kéo dài và lòng tin giữa hai bên vẫn còn hạn chế, các quyết định liên quan đến việc trao trả thi thể hoặc tù binh thường đi kèm với những cân nhắc chính trị, truyền thông và tài chính nhất định. Điều này cho thấy, ngay cả những hoạt động tưởng chừng thuần túy nhân đạo cũng khó tách rời khỏi bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn của cuộc chiến.

Mặt khác, việc Nga - Ukraine nối lại trao trả thi thể vào ngày 17/7 sau nhiều nghi kị có thể được xem là một bước tiến nhân đạo đáng hoan nghênh, nhưng không đồng nghĩa với sự cải thiện rõ rệt trong tiến trình hòa đàm. Thực tế cho thấy, thỏa thuận tại Istanbul về tù binh và tử sĩ là kết quả cụ thể duy nhất sau các cuộc thương lượng, trong khi các vấn đề chính trị, lãnh thổ và quân sự vẫn còn quá nhiều khác biệt.
Giới phân tích cho rằng, chừng nào hai bên vẫn thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, tác động của chiến tranh thông tin và chia rẽ lợi ích còn tồn tại thì những nỗ lực nhân đạo, dù mang tính biểu tượng cao, vẫn khó có thể tạo ra bước đột phá thực chất trong tiến trình hòa bình.