Thịt bẩn và khủng hoảng niềm tin | Hà Nội tin mỗi chiều
Sự lăn tăn đã xuất hiện trong lựa chọn của người tiêu dùng thời gian gần đây. Không phải vì giá thực phẩm tăng, mà là vì một nỗi sợ đang hiện hữu trong từng khay thịt lợn: Liệu đây có thực sự là thịt sạch, hay là thịt bệnh?
Bữa cơm từ chốn bình yên nhất trong ngày bỗng trở thành nơi gieo rắc nỗi lo. Mới đây, Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá một đường dây chuyên thu gom, giết mổ và tiêu thụ thịt lợn chết, lợn nhiễm bệnh hoạt động suốt ba năm qua. Hàng tấn thịt lợn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã bị tuồn ra thị trường đều đặn, âm thầm len lỏi vào các chợ dân sinh, quán ăn, nhà hàng… và rất có thể, là vào chính bữa ăn của chúng ta.
Công an thành phố Hà Nội cho hay, tại cơ sở giết mổ của Lê Văn Tươi ở xã Thường Tín, lực lượng chức năng thu giữ 45 con lợn sống nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi, hơn 1 tấn thịt lợn đã giết mổ và hàng trăm kg nội tạng. Đối tượng khai nhận, mỗi ngày mổ tới 50 con lợn bệnh. Mở rộng điều tra, công an tiếp tục bắt giữ Đặng Văn Huy, kẻ chuyên thu gom lợn bệnh cho Tươi.
Trong khi đó, tại chợ Phùng Khoang, 800kg thịt bốc mùi, đổi màu cũng đã bị phát hiện trong kiot của Dư Đình Hợi và Nguyễn Viết Chiếm. Thủ đoạn tuồn thịt bẩn ra thị trường của chúng là tẩm tiết tươi lên thịt lợn chết để ngụy trang khiến thịt trông "tươi sống" và khó bị phát hiện. Các đối tượng cho biết, đã tuồn trót lọt hàng tấn thịt như thế cho các quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể. Hiện, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, tạm giữ các đối tượng, tiếp tục điều tra, mở rộng.
Đến đây, nhiều câu hỏi được dư luận quan tâm. Vì sao họ ngang nhiên thu gom, giết mổ, bày bán công khai suốt ba năm qua mà đến tận bây giờ mới bị phát hiện, vì sao vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn nhởn nhơ sống sót và tiếp tục đầu độc cộng đồng? Ai chịu trách nhiệm trước nhân dân?
Câu trả lời không thể đơn giản là thiếu kiểm tra, hay thiếu ý thức. Chúng ta đang đối mặt với một hệ thống giám sát an toàn thực phẩm còn nhiều kẽ hở, lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ sức răn đe, và trên hết là sự thờ ơ kéo dài của nhiều mắt xích quản lý. Trong khi đó, những kẻ trục lợi không chỉ ngày càng tinh vi, mà còn táo tợn đến mức coi thường cả pháp luật lẫn đạo lý. Vì thế, thực phẩm bẩn không còn là cá biệt, mà đã trở thành một thách thức hệ thống, nơi mà trách nhiệm quản lý đang bị phân mảnh, phối hợp rời rạc và đặc biệt là thiếu tính răn đe.
Sau khi sự việc được truyền thông đưa tin, mỗi bữa đi chợ, người dân cũng đôi phần e dè. Dĩ nhiên, những người bán hàng chân chính cũng bị ảnh hưởng nhất định. Theo nhiều tiểu thương, sau khi Công an Hà Nội triệt phá đường dây giết mổ và tiêu thụ thịt lợn nhiễm dịch bệnh, cùng với gần 1 tấn thịt không rõ nguồn gốc được thu giữ ngay tại bốn kiot sát chợ Phùng Khoang, lượng thịt tiêu thụ tại chợ giảm gần một nửa do người tiêu dùng e dè và lo ngại. Có quầy trước đây một ngày bán hai con lợn thì nay chỉ còn một con. Không chỉ thịt lợn, thịt gia cầm, thịt bò, thịt bê cũng bị ảnh hưởng theo.
Theo ông Bạch Đình Nam, Phó Ban Quản lý chợ Phùng Khoang 2, cả chợ có 250 hộ kinh doanh, trong đó có 40 hộ kinh doanh thịt lợn. Từ đầu năm chợ đã ký cam kết với các hộ kinh doanh bán hàng phải có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy là chợ lớn, song việc kiểm dịch động vật theo Ban Quản lý chợ, cơ quan thú y không phải ngày nào cũng đến kiểm dịch, mà chủ yếu do cán bộ nhân viên của Ban Quản lý chợ kiểm tra cảm quan bằng mắt thường, khi có dấu hiệu bất thường như khác màu, hoặc có màu lạ thì báo cho cơ quan y tế và thú y phường về kiểm tra. Dư luận đặt câu hỏi, liệu có phải công tác kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, kiểm dịch thú y có phải bị buông lỏng, dẫn đến các đối tượng đưa lợn bệnh, lợn chết vào bán cho người tiêu dùng từ lâu nhưng không bị phát hiện?
Sau nhiều vụ việc được phát hiện, có lẽ việc quản lý an toàn thực phẩm không thể chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán. Nó phải dựa vào thể chế mạnh, luật nghiêm, kiểm soát chặt và trách nhiệm rõ ràng.
Ở Nhật Bản, chỉ một lô hàng có dấu hiệu nhiễm khuẩn, dù chưa gây hậu quả cũng đủ để doanh nghiệp bị đóng cửa, người đứng đầu bị truy cứu hình sự. Ở Singapore, tái phạm bán thực phẩm bẩn có thể bị phạt tới 100.000 đôla Singapore và ngồi tù.
Chúng ta nói nhiều về đạo đức kinh doanh. Nhưng thực tế cho thấy, đạo đức không thể thay thế luật pháp, và không thể kỳ vọng kẻ trục lợi sẽ tự giới hạn mình nếu họ thấy rằng vi phạm… không sao cả. Và hậu quả không chỉ là bệnh tật. Mà là một cuộc khủng hoảng niềm tin – khi người dân bắt đầu hoang mang trước từng miếng thịt mua về, khi chợ truyền thống bị nghi ngờ, và ngay cả những bữa cơm gia đình cũng không còn là "vùng an toàn".
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh: phải tuyên chiến với thực phẩm giả, thuốc giả, với tinh thần “mỗi ngày đều là cao điểm”. Nhưng để lời hiệu triệu đó đi vào thực tế, không thể chỉ trông vào các chiến dịch bề nổi. Chúng ta cần hệ thống pháp lý nghiêm khắc hơn, cần quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng hơn, cần các lực lượng kiểm tra được trao đủ quyền lực và đủ nguồn lực để hành động. Và điều quan trọng không kém: Người dân cần được bảo vệ, không phải bằng những lời trấn an, mà bằng hành động thực chất từ phía Nhà nước, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.
Chắc chắn, cuộc chiến này còn dài, rất dài. Nhưng không thể vì khó mà buông. Không thể để vài kẻ trục lợi vô đạo làm ảnh hưởng tới hàng triệu người dân đang âm thầm chọn từng mớ rau, lạng thịt bằng tất cả niềm tin vào sự an toàn. Đã đến lúc chúng ta cần lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền được ăn sạch, sống khoẻ của chính mình.