Nhiều lợi ích khi Hà Nội triển khai vé liên thông vận tải công cộng | Hà Nội tin mỗi chiều
Việc Hà Nội chuẩn bị triển khai vé đa phương thức là một tín hiệu rất tích cực, không chỉ ở góc độ quản lý giao thông, mà còn ở tầm nhìn đô thị.
Trong câu chuyện phát triển đô thị hiện đại, không một thành phố văn minh nào trên thế giới lại thiếu hệ thống giao thông công cộng thông minh, tiện lợi và dễ tiếp cận. Tokyo, Seoul, Singapore hay gần hơn là Bangkok đều đang áp dụng vé đa phương thức, cho phép người dân chỉ cần một tấm thẻ để di chuyển bằng tàu điện, xe buýt, thậm chí là phà hay xe đạp công cộng. Nó không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn làm cho việc đi lại trở nên dễ dàng, mạch lạc và hợp lý hơn.
Hà Nội thì sao? Chúng ta đã có metro, đã có xe buýt, đã có ứng dụng định vị tuyến. Nhưng để nói là thuận tiện? Còn khoảng cách rất xa. Đơn giản nhất là chuyện vé: muốn đi xe buýt thì một loại, đi metro thì phải mua loại khác, vé không kết nối, hành trình bị chia cắt, giá cả thì đội lên. Thành ra, thay vì khuyến khích người dân rời bỏ xe cá nhân để sử dụng phương tiện công cộng, hệ thống hiện tại đôi khi lại khiến người ta ngại thử. Vì vậy, việc Hà Nội chuẩn bị triển khai vé đa phương thức là một tín hiệu rất tích cực, không chỉ ở góc độ quản lý giao thông, mà còn ở tầm nhìn đô thị. Đây là bước tiến rõ ràng và hợp lý để tiệm cận với những mô hình thành phố thông minh trên thế giới, nơi người dân được phục vụ, thay vì phải xoay xở. Và điều quan trọng là lần này, chúng ta không chỉ “làm cho có”. Giá vé, cách tính, chính sách ưu đãi, hạ tầng công nghệ… đều đã được lên kế hoạch khá cụ thể và sát với nhu cầu thực tế.
Điểm cộng đầu tiên là giảm gánh nặng chi phí. Hiện nay, nếu bạn đi xe buýt và metro, bạn sẽ phải mua hai loại vé riêng biệt, mỗi loại khoảng 280.000 đồng/tháng, tổng cộng là 560.000 đồng. Nhưng khi áp dụng vé đa phương thức, bạn chỉ cần trả 500.000 đồng/tháng cho cả hai loại hình, tức là giảm gần 11%. Thậm chí, nếu bạn thường xuyên sử dụng cả hai tuyến metro hiện có là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội thì giá vé gộp có thể lên tới 840.000 đồng/tháng. Với thẻ đa phương tiện, mức này được “gói lại” chỉ còn 500.000 đồng, giảm gần 40%. Đó là một mức ưu đãi đủ để khiến người dân phải suy nghĩ lại về việc đi xe cá nhân, nhất là khi tính đến chi phí xăng xe, gửi xe, hao mòn, rồi cả thời gian kẹt xe mỗi sáng.
Điểm cộng thứ hai là tính linh hoạt. Hà Nội sẽ bổ sung thêm vé ngày (50.000 đồng) và vé tuần (200.000 đồng) rất phù hợp với những người đi công tác ngắn hạn, du lịch, hoặc chỉ có nhu cầu đi lại theo đợt. Những nhóm này trước nay gần như bị bỏ quên, vì vé tháng thì quá dài, còn mua vé lẻ lại phiền và đắt.
Điểm cộng thứ ba mang tính đột phá nhất, chính là cách tính giá vé theo cự ly di chuyển thay cho kiểu vé đồng hạng như trước. Cụ thể, giá vé xe buýt sẽ dao động từ 4.350 đồng đến 32.000 đồng tùy theo quãng đường (từ 3 km đến 64 km). Vé metro thì áp dụng mức giá 8.000 đồng mở cửa, nếu thanh toán bằng phương thức điện tử. Tức là đi gần thì trả ít, đi xa trả nhiều công bằng, minh bạch và hợp lý hơn. Đây chính là cách mà các thành phố lớn trên thế giới đang làm để đảm bảo tính hiệu quả trong đầu tư công.
Đáng chú ý, nếu bạn vẫn dùng vé giấy hoặc trả tiền mặt thì có thể phải trả cao hơn một chút. Điều này là hợp lý, bởi nó vừa giúp bù chi phí vận hành, vừa khuyến khích người dân chuyển sang thanh toán điện tử, giúp hệ thống minh bạch và tiết kiệm hơn.
Một thay đổi quan trọng nữa: từ tháng 9/2025, Hà Nội sẽ vận hành hệ thống thu, soát vé tự động (AFC). Đây là bước đi then chốt trong quá trình chuyển đổi số của ngành giao thông công cộng. Thay vì xếp hàng mua vé, giữ vé, soát vé thủ công… giờ đây người dân chỉ cần chạm thẻ là đi, còn hệ thống sẽ tự động tính toán giá vé dựa trên hành trình thực tế. Không còn chuyện “đi nhầm trạm”, không còn nhầm lẫn thanh toán, mọi thứ sẽ minh bạch, rõ ràng và tiện lợi hơn rất nhiều.
Cách Hà Nội đang đặt vấn đề được đánh giá cao: không chỉ là triển khai công nghệ, mà là tái thiết lại trải nghiệm di chuyển của người dân. Một tấm vé, nhiều phương tiện, giá hợp lý và vận hành tự động, đó là những yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa đi lại bằng phương tiện công cộng.
Tất nhiên, chính sách chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là chất lượng vận hành. Người dân sẽ chỉ thật sự từ bỏ xe máy khi hệ thống buýt và metro đúng giờ hơn, sạch hơn, an toàn hơn, dễ tiếp cận hơn. Tấm vé thông minh có thể là chiếc chìa khóa, nhưng hệ sinh thái giao thông vẫn cần rất nhiều mảnh ghép khác để hoàn chỉnh.
Dẫu vậy, đây là một bước đi đúng hướng. Bởi nếu không bắt đầu từ những thay đổi cụ thể, người dân sẽ còn chần chừ. Hãy để mỗi chuyến đi bằng phương tiện công cộng là một lựa chọn dễ dàng, tiện lợi, chứ không phải là sự bắt buộc. Mong rằng, chính sách vé đa phương thức sẽ là khởi đầu cho sự thay đổi thói quen đi lại của người dân Hà Nội.