Phường Hai Bà Trưng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Hai Bà Trưng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đồng Nhân, Phố Huế; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nguyễn Du, Phạm đình Hổ, Lê Đại Hành và một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Bạch Đằng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng).
Lý do lấy tên phường Hai Bà Trưng bởi đây là địa danh có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện cho cả nước và Thủ đô. Theo đó, việc lấy tên phường mới là Hai Bà Trưng đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa của của Kinh thành Thăng Long xưa; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp), giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.
.jpg)
Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Hai Bà Trưng
Phường Hai Bà Trưng giáp các phường: Hồng Hà, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Cửa Nam, Kim Liên của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,65 km²; quy mô dân số là 87.801 người.
Phường Hai Bà Trưng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đồng Nhân, Phố Huế (quận Hai Bà Trưng); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Nguyễn Du, Phạm đình Hổ, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Bạch Đằng, Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), trong đó:
- Phường Bạch Đằng (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,37 km²; Quy mô dân số: 6.814
- Phường Lê Đại Hành (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,82 km²; Quy mô dân số: 12.057
- Phường Nguyễn Du (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,46 km²; Quy mô dân số: 16.046
- Phường Phạm Đình Hổ (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,46 km²; Quy mô dân số: 16.798
- Phường Phố Huế (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,20 km²; Quy mô dân số: 12.854
- Phường Thanh Nhàn (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,04 km²; Quy mô dân số: 1.289
- Phường Đồng Nhân (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,30 km²; Quy mô dân số: 21.943
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Hai Bà Trưng
Phường Hai Bà Trưng tọa lạc tại khu vực trung tâm lịch sử - văn hóa của Thủ đô Hà Nội, có vị trí giao thoa kết nối trực tiếp giữa khu phố cổ, khu phố Pháp thuộc và khu phố cũ. Là trung tâm hành chính - thương mại hiện đại xen lẫn các khu dân cư và chợ truyền thống. Với quy mô diện tích và dân số lớn, phường là đơn vị hành chính có mật độ dân cư và mức độ đô thị hóa cao, phản ánh vai trò động lực trong không gian đô thị trung tâm của thành phố.
Phường tập trung nhiều trụ sở hành chính của các cơ quan bộ, ngành, Trung ương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo (Đại Cổ Việt); Viện Vệ sinh Dịch tễ (Lò Đúc); Bộ Công an (Nguyễn Du)... Đặc biệt, phường Hai Bà Trưng là địa bàn tập trung nhiều bệnh viện trung ương lớn tuyến đầu cả nước; tập trung các trường đại học lớn có uy tín và truyền thống lâu đời; cùng với các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, tôn giáo quan trọng; đồng thời phường sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông quan trọng như: Bà Triệu, Phố Huế, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Nguyễn Du... giúp kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.
Trên địa bàn phường tập trung số lượng lớn các thiết chế văn hóa đa dạng, chủ yếu tập trung hệ thống chùa cổ nổi tiếng, được ghi danh và xếp hạng di tích cấp Quốc gia và cấp Quốc gia đặc biệt. Là một phường lớn thuộc bốn quận nội thành lâu đời nhất của Hà Nội, sở hữu nhiều công trình di tích, di sản có giá trị.
Bên cạnh những trung tâm mua sắm hiện đại, trên địa bàn phường còn tập trung nhiều chợ dân sinh lớn, nổi tiếng, buôn bán sầm uất từ suốt thời kỳ đất nước sau đổi mới cho tới ngày nay, xen kẽ với những tuyến phố kinh doanh thương mại nổi tiếng một thời như: Phố Huế, Bà Triệu, Ngô Thì Nhậm, Trần Nhân Tông, Hòa Mã, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ,... Đây chính là tiềm năng phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch lớn, giúp phường Hai Bà Trưng giữ vai trò nòng cốt trong cấu trúc đô thị hiện đại, văn minh gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế phường Hai Bà Trưng
Trên địa bàn phường Hai Bà Trưng hiện diện nhiều khu phố kinh doanh sầm uất như: Phố Huế, Trần Nhân Tông, Bạch Mai, Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Hòa Mã, Trần Xuân Soạn...; xen lẫn các khu chợ dân sinh truyền thống lớn nổi tiếng như: chợ Hôm, chợ Nguyễn Cao; chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Hòa Bình. Trong đó, khu “chợ Trời” là một khu thương mại lớn kinh doanh đủ loại mặt hàng: máy móc, đồ điện, phụ tùng xe đạp, xe máy, điện tử, đồ gia dụng, đồ cũ,… hình thành do nhu cầu dân sinh tự phát, không được khuyến khích nhưng vẫn thu hút một lượng giao dịch lớn, thường xuyên trong suốt một thời kỳ dài kể từ khi đất nước sau đổi mới.
Khu vực Vincom Bà Triệu, khu phố Thể Giao, Trần Hưng Đạo - Nguyễn Du là nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại, ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, văn phòng đại diện, cơ sở dịch vụ hiện đại, nằm xen kẽ với các hộ dân kinh doanh nhỏ, buôn bán truyền thống, dịch vụ ăn uống, may mặc, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Có một số ít nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ (ngà, sừng, gỗ, xương...), vẫn đang được duy trì tập trung tại khu vực Phố Huế.
Đáng chú ý, trên địa bàn phường còn có một số đặc sản ẩm thực nổi tiếng như: bún chả Hương Liên (Lê Văn Hưu), nem giò Trần Công Châu, bánh khúc Cô Lan (phố Nguyễn Công Trứ), bánh xèo Thịnh Yên,... là những món ăn truyền thống mang đậm nét văn hóa ẩm thực Hà Nội và có giá trị thương hiệu trong và ngoài nước.
Các khu dân cư lâu đời như tập thể Nguyễn Công Trứ, tập thể nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, tập thể Lò Đúc là những minh chứng cho quá trình đô thị hóa theo mô hình nhà tập thể từ thời bao cấp. Hiện nay, nhiều khu vực trong số này đang từng bước được cải tạo, chỉnh trang theo hướng hiện đại, song vẫn còn tồn tại khá nhiều khu xuống cấp nghiêm trọng chưa được xử lý. Khu vực này là nơi hội tụ các hộ gia đình có các hoạt động kinh tế đa dạng - từ buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, sản xuất thủ công đến cho thuê nhà, làm nghề sáng tạo, góp phần duy trì sinh kế bền vững và thúc đẩy kinh tế đô thị quy mô nhỏ trong lòng Hà Nội.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Hai Bà Trưng
Về di sản văn hóa vật thể: Phường Hai Bà Trưng là một trong những không gian đô thị tiêu biểu của Hà Nội về cả mật độ phát triển và những giá trị di tích, di sản văn hóa vật thể, đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử - kiến trúc tôn giáo, phản ánh chiều sâu lịch sử, văn hóa và tinh thần dân tộc. Nhiều di tích trên địa bàn đã được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, cấp Quốc gia và cấp thành phố, đây là những công trình văn hóa vừa mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc vừa là điểm tựa tâm linh và bản sắc cộng đồng người dân đô thị.
Tiêu biểu hơn cả cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt: đền - chùa - đình Hai Bà Trưng (tọa lạc ở phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng), là chứng tích văn hóa tiêu biểu cho lòng yêu nước và truyền thống chiến đấu bất khuất của hai vị nữ anh hùng dân tộc kiệt suất, đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và thế giới thời phong kiến phương Bắc. Bên cạnh đó, trên địa bàn phường còn có 10 di tích cấp Quốc gia tiêu biểu khác như: Cụm di tích đình - đền - chùa Hòa Mã ở Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng; chùa Vân Hồ, chùa Chân Tiên, Đàn Nam Giao, phố Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng; chùa Thiền Quang, chùa Quang Hoa, chùa Pháp Hoa, phố Nguyễn Du, Hai Bà Trưng; chùa Vua (Điện Đế Thích), Phố Huế, Hai Bà Trưng... Các công trình này vừa đóng vai trò là thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng, vừa là các địa điểm mang ý nghĩa thẩm mỹ, lịch sử, học thuật, góp phần hình thành bản đồ văn hóa di sản đặc sắc ở khu vực trung tâm thành phố.
Ngoài ra, còn có hệ thống di tích cấp thành phố tiêu biểu khác như: chùa Viên Minh, chùa Thọ Lão đã được công nhận là Di tích cách mạng - kháng chiến, là nơi lưu giữ ký ức lịch sử về phong trào yêu nước và đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thời kỳ chống thực dân Pháp; miếu Hai Bà Trưng, đền thờ Lý Thường Kiệt, đài chiến thắng Vân Đồn (phường Bạch Đằng). Đây là những di tích gắn liền với các anh hùng lịch sử dân tộc và các chiến công vang dội, thể hiện truyền thống yêu nước và tinh thần bất khuất của nhân dân Thủ đô.
Phường còn sở hữu những không gian xanh đô thị lớn như: Công viên Thống Nhất, Hồ Bảy Mẫu, Hồ Thiền Quang... không chỉ là cảnh quan sinh thái quan trọng mà còn là không gian sinh hoạt cộng đồng, tổ chức lễ hội, thể thao, vui chơi giải trí - là một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa đô thị Hà Nội hiện đại.
Về lễ hội và sinh hoạt cộng đồng đô thị: phường Hai Bà Trưng là không gian đô thị mang đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa, nơi vẫn duy trì và phát huy nhiều lễ hội truyền thống có giá trị, góp phần định hình bản sắc cộng đồng giữa lòng đô thị hiện đại. Trong đó, tiêu biểu nhất là Lễ hội đền Hai Bà Trưng, được tổ chức vào ngày 5 - 6 tháng Hai âm lịch hàng năm - sự kiện có quy mô lớn và ý nghĩa sâu sắc nhằm tưởng niệm công lao của hai vị nữ anh hùng dân tộc, đồng thời lan tỏa giá trị yêu nước, tự hào dân tộc trong cộng đồng cư dân đô thị.
Bên cạnh đó, địa bàn phường còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc khác như: Lễ hội cờ tại chùa Vua - gắn liền với tinh thần thượng võ và truyền thống trí tuệ, thường tổ chức thi đấu cờ tướng trong không gian tâm linh; Hội thề Đông Quan (Lê Đại Hành) - lễ hội mang giá trị lịch sử, tưởng niệm thời kháng chiến chống quân Minh; Lễ giỗ Thái úy Lý Thường Kiệt - tổ chức tại các đình, đền thờ danh tướng có công dựng nước; Các lễ tế truyền thống tại các di tích đình - chùa như Chân Tiên, Vân Hồ, Thể Giao... duy trì mạch nguồn tín ngưỡng dân gian và tri ân tổ tiên.
Ngoài phần lễ trang nghiêm, các hoạt động hội thường đi kèm các trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, thi nấu cơm, chọi gà và các màn trình diễn nghệ thuật dân gian như hát quan họ, ca trù, góp phần làm sống dậy không gian văn hóa truyền thống giữa môi trường đô thị hóa năng động. Những sinh hoạt này không chỉ gắn kết cộng đồng mà còn đóng vai trò như một thiết chế văn hóa mềm, bồi đắp bản sắc địa phương trong lòng đô thị hiện đại, đa dạng.
Đặc biệt, phường là nơi tập trung nhiều thiết chế khoa học, văn hóa, truyền thống có uy tín, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái tri thức - sáng tạo của Thủ đô. Trong số đó có thể kể đến các cơ quan như Viện Sử học, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà hát Tuổi Trẻ, Trung tâm nghệ thuật đương đại, cùng một số không gian sáng tác và tổ chức văn hóa độc lập - nơi hội tụ của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu.
Bên cạnh các thiết chế chính thức, hệ thống nhà văn hóa khu dân cư, câu lạc bộ người cao tuổi, thư viện cộng đồng và các tổ dân phố được tổ chức bài bản, hoạt động thường xuyên, tạo nền tảng cho đời sống văn hóa đô thị phát triển theo chiều sâu. Không gian sinh hoạt văn hóa - giáo dục tại địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của cư dân mà còn góp phần hình thành bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội - nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, giữa tri thức học thuật và sinh hoạt cộng đồng.
Phường Hai Bà Trưng là sự hội tụ giữa truyền thống và hiện đại, giữa các giá trị lịch sử văn hóa với đời sống đô thị sôi động. Với vị thế trung tâm, hạ tầng phát triển, di tích dày đặc và cộng đồng dân cư giàu bản sắc, phường có tiềm năng để phát triển các ngành dịch vụ - thương mại và du lịch văn hóa tiêu biểu của Hà Nội hiện đại, đồng thời là không gian lưu giữ ký ức lịch sử và tinh thần dân tộc thông qua các di sản gắn với Hai Bà Trưng và các bậc danh nhân văn hóa đất Việt.
Về y tế, địa bàn phường là nơi tập trung nhiều bệnh viện trung ương lớn tuyến đầu, với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao như: Bệnh viện Mắt Trung ương, số 85 Bà Triệu; Bệnh viện Hữu Nghị, số 1 Trần Khánh Dư; Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cùng với đó là hệ thống các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.
Về giáo dục, phường nổi bật với chất lượng giáo dục toàn diện và có nhiều trường học phổ thông tiêu biểu như sau: Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, số 41 Phố Lò Đúc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm - Hai Bà Trưng, số 41 Phố Trần Xuân Soạn; Trường Tiểu học Sơn Tây, số 60 Lê Đại Hành; Trường Tiểu học Tô Hoàng, số 29 Đại Cổ Việt; Trường Tiểu học Trưng Trắc, số 1/30 Phố Hương Viên; Trường THCS Đoàn Kết, số 27 phố chùa Vua; Trường THCS Trưng Nhị, số 30 phố Hương Viên; Trường THCS Tô Hoàng, số 27 Đại Cồ Việt; Trường THCS Vân Hồ, số 193 Phố Bà Triệu; Trường THCS Lê Ngọc Hân, số 41 Phố Lò Đúc; Trường THCS Tây Sơn, số 52A phố Trần Nhân Tông; Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, số 174 phố Hồng Mai; Trường THPT Trần Nhân Tông, số 15 Hương Viên.
● Trụ sở Đảng ủy phường Hai Bà Trưng: Số 100 Tô Hiến Thành
● Trụ sở UBND phường Hai Bà Trưng: Số 30 Lê Đại Hành
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hai Bà Trưng: đồng chí Chu Hồng Minh
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng: đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Hai Bà Trưng: đồng chí Nguyễn Hiền Phương.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy Nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.