Phòng chống lừa đảo qua mạng bằng công nghệ AI

Dự án "chống lừa đảo" do các chuyên gia an ninh mạng Việt Nam thực hiện đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực, trở thành lá chắn hữu ích cho người dân trước những nghi ngại về lừa đảo.

Chỉ sau một cú click chuột, một người đàn ông ở xã Nội Bài (Hà Nội) mới bàng hoàng nhận ra mình bị mất hơn 1 tỷ đồng. Người từng hứa hẹn "lãi mẹ đẻ lãi con" đã chặn mọi phương thức liên lạc với anh, tài khoản giao dịch thì đóng băng không thể thực hiện lệnh rút tiền. Nạn nhân cho biết: "Thời điểm đấy vẫn rút được hoa hồng nên tôi cũng tin và vẫn đầu tư vào dự án này".

Một nạn nhân khác ở phường Hà Đông kể lại: "Người đó nói với tôi rằng, chỉ cần đăng nhập một số thông tin như số thẻ, mã CVV, OTP… thì yêu cầu nâng hạn mức thẻ lên 70 triệu sẽ được đáp ứng. Tuy nhiên sau khi làm theo hướng dẫn thì tài khoản ngân hàng của tôi bỗng nhiên có thông báo hết trừ tiền".

Thống kê được các cơ quan chức năng đưa ra, chỉ trong năm 2024, người Việt mất hơn 18.900 tỷ đồng vì lừa đảo trực tuyến. Thống kê cho thấy, cứ mỗi 220 người dùng điện thoại thì có ít nhất một nạn nhân mất tiền vì các thủ đoạn lừa đảo. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, người dân thậm chí không thể phân biệt thật và giả khi đối diện với các mánh khóe lừa đảo tinh vi. 

Anh Ngô Minh Hiếu - Chuyên gia an ninh mạng cho biết: "Theo nghiên cứu thì phần lớn đối tượng sẽ lừa đảo thông qua việc yêu cầu người dùng theo tác vào một đường link nào đó, giả mạo ngân hàng, dịch vụ công... Từ đó các đối tượng đánh cắp thông tin và số tiền trong tài khoản ngân hàng".

Xác định người dùng là trung tâm của mọi giải pháp an toàn trên mạng, dự án “chống lừa đảo” do các chuyên gia an ninh mạng Việt Nam khởi xướng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để nhận diện, phát hiện và cảnh báo các trang web độc hại. Đồng thời, dự án này cũng tiếp nhận phản ánh của người dùng về các tài khoản, trang web có dấu hiệu lừa đảo. Sau đó tiến hành xác minh, đối chiếu và đưa vào "danh sách đen", tránh để những người dùng khác bị lừa bằng phương thức tương tự.

"Ứng dụng này ứng dụng AI trong thời thực và các thuật toán để xác định xem đường link đó có phải là giả mạo và chứa các mã độc hay không. Từ đó có khuyến cáo cho người dùng về tính minh bạch của trang. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu tích hợp phát hiện các video, giọng nói được làm AI, Deepfake, cảnh báo giả mạo cho người dùng" - anh Ngô Minh Hiếu cho biết thêm.

Sau gần 5 năm hoạt động, dự án "chống lừa đảo" đã hỗ trợ hơn 26.000 nạn nhân và ngăn chặn hơn 13.000 link có chứa mã độc, lừa đảo, giả mạo trên không gian mạng đang tấn công vào người dùng internet Việt Nam. Mặc dù AI hỗ trợ hiệu quả trong phát hiện các đường dẫn lừa đảo, tuy nhiên theo các chuyên gia, người dùng vẫn cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động bảo vệ bản thân trước bẫy của kẻ lừa đảo. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời